Từ tô hạp đến “vương quốc” sầu riêng

14/11/2020 08:00 GMT+7

Ở H.Khánh Sơn (Khánh Hòa) có cây tô hạp được lấy tên đặt cho thị trấn huyện lỵ ngày nay. Huyện vùng cao này còn có cây sầu riêng trở thành thương hiệu quốc gia mấy năm nay.

Từ tô hạp cây

Rất nhiều người sống ở Khánh Hòa hơn 40 năm nay nhưng không biết thị trấn vùng cao này vì sao lại có tên là Tô Hạp. Nghe ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND H.Khánh Sơn nói lai lịch của cây tô hạp đến là tò mò. “Xưa vùng này toàn cây tô hạp nên người ta mới đặt tên cho thị trấn. Nó có họ hàng với cây thông nên thân cây có nhựa. Nhựa của cây tô hạp còn chữa được bệnh… đau bụng rất hiệu nghiệm (?). Tuy nhiên, cây tô hạp hiện nay gần như tuyệt chủng, chỉ còn tồn tại ở thác Tà Gụ”. Định nhờ ông Nhuận dẫn đi xem cây tô hạp ra sao nhưng ông cáo bận.
Đang bí thế không biết bấu víu vào đâu để tìm cho ra cái cây lắm giai thoại này thì ông Nguyễn Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh H.Khánh Sơn lên tiếng: “Tôi sẽ đưa anh đi!”. Nói đoạn, ông Nam a lô cho một anh trong Hội Cựu chiến binh của xã Sơn Hiệp, nơi có thác Tà Gụ: “Cậu đợi chúng tôi ở đó nhé. 15 phút nữa có mặt, cậu dẫn đi tìm cái cây mà hôm tụi mình nướng cá, lấy lá của nó kẹp vô rồi chấm muối đó”. Đầu dây bên kia nghe tên cây “tô hạp” thì còn lờ mờ nhưng nhắc đến loài cây mà có lá kẹp với cá nướng dưới suối là nhớ ra ngay. Anh cựu binh đầu dây bên kia “dạ” rõ to trong máy.
Không phải 15 phút mà gần 1 tiếng mới tới nơi. Chúng tôi đi dọc theo suối Tà Gụ. Ông Nam bứt một lá cây vắt ngang lòng suối, vò nát rồi đưa tôi: “Anh ngửi xem có mùi gì?”. Chưa đưa tận mũi đã tứa nước bọt vì mùi thơm thơm lại có vẻ chua chua của nó. “Lá tô hạp đấy. Kẹp với cá suối nướng là hết chê luôn!”. Tôi nhìn dọc suối Tà Gụ, những thân cây lực lưỡng vài người ôm đứng chen chân với đá núi, nhiều cành xoãi xuống giữa lòng suối cạn. Chợt thấy nao nao: “Giá như cả thị trấn Tô Hạp mà giữ lại toàn loài cây này thì…”. Ông Nam cắt ngang: “Nó chỉ để… nướng cá uống rượu thôi anh. Cây sầu riêng mới là thứ mang lại no ấm cho đồng bào Raglay ở xứ này”.

Đến “vương quốc” sầu riêng

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Khánh Sơn nói không cần mở sổ tay: “Toàn huyện hiện có 2.000 ha sầu riêng, trong đó có 500 ha cho quả. Năm ngoái số diện tích trên cho trên 4.000 tấn quả, năm nay chắc tăng khoảng 1.000 tấn. Bình quân 40 triệu đồng/tấn, như vậy mỗi năm chỉ quả sầu riêng đã mang lại cho dân Khánh Sơn 160 tỉ đồng. Đó là chưa kể mía tím, măng cụt và bưởi da xanh cũng là những loại trái cây đặc sản của vùng này”. Tôi nhẩm tính, dân Khánh Sơn quanh thung lũng Ô Kha này chừng trên hai vạn mà thu từ trái sầu riêng đã từng ấy tiền thì có lẽ đây là huyện vùng cao ở các tỉnh miền Trung đã sớm trả lời được câu hỏi mà từ lâu thành giai thoại hài hước: “Nuôi con gì? Trồng cây gì?” rồi.
Tôi hỏi cả ông Nhuận lẫn ông Hiếu là cây sầu riêng từ trên trời rơi xuống hay sao mà đến nay mới… nổi tiếng và mang lại no ấm cho bà con vùng cao này. “Cũng trầy vi tróc vảy lắm chứ chả phải thuận buồm xuôi gió gì đâu. Tìm đủ các loại cây có trái để “thử” vùng đất này, cuối cùng đọng lại được cây sầu riêng. Anh em bên nông nghiệp họ nhập giống từ Thái Lan về rồi lai tạo để thành “sầu riêng Khánh Sơn, hạt lép, múi dày, thơm dịu nhẹ chứ không gắt” như các anh thấy đấy”, ông Nhuận nói một thôi về loại cây chẳng khác gì vàng này.
“Điều may mắn cho Khánh Sơn là mùa sầu riêng ở đây “lệch pha” với các nơi nên càng được giá. Chỉ tháng 7, tháng 8 thì sầu riêng Khánh Sơn mới chính thức vào mùa. Dưới chợ Đầm Nha Trang bán sầu riêng trong tháng 5 mà bảo lấy từ Khánh Sơn là xạo đấy”, ông Hiếu tiếp lời.
Nếu như các huyện vùng cao ở miền Trung hiện nay được phủ kín cây keo lai thì ở thung lũng Ô Kha này được phủ lên màu xanh của các loại cây trái mà sầu riêng chiếm nhiều nhất.
“Vương quốc” sầu riêng đã khép lại những sầu muộn mà thung lũng Ô Kha này đã từng chứng kiến những vụ máy bay rơi thảm khốc từ mấy mươi năm trước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.