Đã thức dậy thật sớm ra Mũi Điện lặng ngắm mặt trời đỏ ối từ từ ngẩng lên nơi hai phổ màu xanh bất tận trời - nước giao thoa, tung tẩy đôi chân trần trên Bãi Môn cát trắng nước lóng lánh pha lê, ghé qua Bãi Tiên hiền hòa có dòng suối mát lành từ núi cao len lỏi chảy xuống, đứng trên gành Đá Đĩa nghĩ về sự kiến tạo của thiên nhiên diệu kỳ vài triệu năm trước, thăm Mằng Lăng - nhà thờ cổ kính với những cánh cửa gỗ chạm khắc những hoa văn tinh xảo… Chị hỏi đi Tháp Nhạn chưa? Tôi ngẩn ngơ vì mai đã trở vào Nam mà vẫn chưa ghé qua tháp Nhạn dù từ khách sạn đi bộ qua tháp khá gần.
Tháp Nhạn từ trên núi Nhạn hệt đóa hoa sen trên cạn dõi ra cửa Đà Diễn, sông Đà Rằng ánh vàng màu phù sa sắp hòa mình vào dòng nước xanh trong của biển quyến luyến trông vời ngọn tháp cao. Từ tháp phóng tầm mắt có thể mường tượng được những vùng quen thuộc xa xa trong thành phố. Kia là tháp anten đài phát thanh truyền hình tỉnh Phú Yên trên đường Lê Trung Kiên, mỗi sáng mẹ và chị đi bộ men theo con đường đó ra công viên trước nhà thờ Tuy Hòa tập thể dục rồi ghé ăn cơm gà cô Nở. Có tên hẳn hoi nhưng chỉ là quán ở vỉa hè bán buổi sáng sớm. Cơm tơi, xốp nóng hổi, ăn cùng thịt gà ta xé thêm đồ chua, nước mắm gia truyền đi xa mấy trăm cây số vẫn còn hoài nhớ. Nhà chị khuất nẻo sau dãy nhà cao cao kia, cạnh đường tàu Bắc-Nam, hồi còn nhỏ mỗi lần tàu chạy qua là chị nung nấu ao ước lớn lên theo đoàn tàu đến những chân trời mới. Rồi ngày đó cũng tới, nhớ đêm trước ngày xa nhà vào Nam tiếng còi tàu quen thuộc cùng những thanh âm rầm rập của những toa tàu bỗng trở nên da diết như giằng xé chị giữa đi và ở, chị ước giá mình được ở lại quê nhà, ở lại thành phố nhỏ hiền hòa, nơi ngỡ đưa tay ra là chạm vào kỷ niệm.
Góc xéo bên đây, chỗ chòm cây xanh xa xa là cõi nhớ đầy. Ngôi trường trung học rợp mát những tàng cây, thời của tuổi mộng mơ, đầy hoài bão. Nhớ ngày chia tay thời áo trắng bước vào những ngã rẽ cuộc đời, chị và những người bạn ôm choàng nhau dặn dò gửi gắm nhiều điều, những ánh mắt long lanh màu phượng vĩ.
Cây cầu sắt, nhìn từ trên cao, xôn xao màu nắng bắt qua sông Đà Rằng là cây cầu dành riêng cho tuyến đường sắt song song với cầu Hùng Vương - cầu đường bộ - băng qua cửa biển, một đường tàu thôi mà hai chiều cảm xúc. Nếu lượt về là vui mừng nôn nao đến nghẹn thở vì chốc nữa tàu sẽ đến ga Tuy Hòa, gặp lại ba mẹ sau bao ngày xa cách, đầy ắp điều tâm sự dù ngày nào cũng gặp qua các cuộc gọi zalo, messenger thì chiều ngược lại nghe nằng nặng những quyến luyến, bâng khuâng.
Cũng từ tháp ngó về góc xa xa, núi Chóp Chài sừng sững, chị nhớ những ngày theo bà ngoại lên tháp Nhạn, khi nhìn về núi đang vùi trong biển mây trắng bông, bất giác bà đọc câu ca dao:
“Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như trút”
Vậy rồi trời đổ mưa thật, mưa rất sâu, đằm đằm, dai dẳng triền miên. Mưa trắng trời khơi lại những dấu buồn hoài niệm.
Cũng từ trên tháp nhìn ở góc này, thôn anh ở là rẻo đất cuối dòng sông, phù sa từ thượng nguồn sông Ba qua mấy trăm cây số bồi đắp nên làng rau Ngọc Lãng xanh ngút ngàn tầm mắt. Chị nhớ những ngày tờ mờ sáng, chị thay mẹ đạp xe qua làng lấy rau và hoa về bán. Những vườn rau mướt xanh công anh trồng, những luống lay ơn rực rỡ một tay anh chăm bón chờ người đem về chưng tết. Chị hẹn anh sẽ trở lại sau ba năm, lời hẹn buổi chiều bên chân tháp vẫn còn vẹn nguyên. Anh và chị đã tính với nhau hình cưới đâu cần chụp đâu xa, chỉ cần xoay nhiều góc trên tháp và ở làng rau thôn anh là ôm trọn cả đất trời Tuy Hòa thương nhớ.
Chị thủ thỉ có lần nghe bài hát “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi” của một nhạc sĩ nổi tiếng người Hà Nội, chị bâng khuâng dù nỗi nhớ quê trong chị da diết tới độ nào chị cũng chưa từng nghĩ sẽ như nhạc sĩ muốn “mang” ngọn tháp kia đến nơi mình sinh sống - một thành phố phương Nam năng động. Tháp cứ hãy hồn nhiên đứng đó, gội nắng, gội mưa, gội những giọt phù du, thăng trầm của thời cuộc như đã từng qua nhiều thế kỷ để níu bàn chân người con xa xứ như chị về với quê hương.
|
Bình luận (0)