Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá

19/05/2010 00:53 GMT+7

* Lễ hội Làng Sen ở Trường Sa "Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng", Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đúc kết. Nghe đọc bài

Hôm qua 18.5, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng nhiều lãnh đạo cấp cao đã tham dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2010).

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh xúc động: "Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta. Công lao của Người với dân tộc ta như non cao, biển rộng. Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam và dẫn dắt dân tộc ta tiến đến tương lai tươi sáng".

Theo Tổng bí thư, để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và phổ biến rộng rãi hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng một cách đúng đắn và sáng tạo vào sự nghiệp đổi mới. "Cần tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đóng góp tài lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời có các biện pháp thiết thực tham gia giám sát cán bộ, công chức, đảng viên. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bất kể họ là ai và giữ cương vị gì. Các tổ chức trong hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... phải có các biện pháp mạnh mẽ để khắc phục có hiệu quả tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí", Tổng bí thư nhấn mạnh.


Tổng bí thư Nông Đức Mạnh và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: TTXVN

Kết thúc diễn văn tại buổi lễ, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh khẳng định: Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản vô giá của Đảng và dân tộc ta. Giá trị thực tiễn cao đẹp của tư tưởng Hồ Chí Minh là ở chỗ gắn bó chặt chẽ với cuộc sống, "nói đi đôi với làm". Thấm nhuần tư tưởng của Người, Đảng ta quyết tâm thực hiện thành công, hiện thực hóa những di huấn của Người trong thực tiễn cuộc sống.

Đại diện cho tuổi trẻ cả nước phát biểu tại lễ kỷ niệm, Nguyễn Thùy An, gương điển hình về học tập và làm theo lời Bác của Tỉnh Đoàn Nghệ An, nói: "Là người trực tiếp sáng lập, rèn luyện tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu luôn chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thành lớp người kế tục, trung thành xuất sắc với sự nghiệp của cha anh vì độc lập dân tộc và CNXH. Nhớ ơn Bác, thực hiện lời dạy của Bác, thế hệ trẻ Việt Nam nguyện suốt đời trung thành với lý tưởng cách mạng cao đẹp mà Đảng và Bác Hồ đã chọn".

Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, bà Katherine Muller Marin phát biểu tại lễ kỷ niệm cũng bày tỏ sự thành kính, ngưỡng mộ sâu sắc trước cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng vĩ đại và tấm gương đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vị Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội cho rằng, Hồ Chí Minh là một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng, người đã đoán trước được sự phát triển vĩ đại của dân tộc và do đó, đã góp phần vào việc xây dựng một phong cách mới của ngoại giao Việt Nam, một phong cách đã giúp Việt Nam xác lập thành công vị trí của mình ở khu vực và trên thế giới, rất phù hợp với những khái niệm về hợp tác hòa bình và hiểu biết lẫn nhau trên thế giới được UNESCO quảng bá.

Bà Katherine Muller Marin cho biết: năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị anh hùng dân tộc và nhà văn hóa lớn của Việt Nam, nhằm phổ biến tầm vóc lớn lao của lý tưởng và sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người. Hôm nay, nhiều người trên khắp thế giới kỷ niệm ngày sinh của Người vì Hồ Chí Minh được coi là một biểu tượng nổi bật về tinh thần quả cảm của dân tộc, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước và nhân dân Việt Nam, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Nước ta là một cộng đồng gồm 54 dân tộc anh em với nhiều giai tầng và tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, nhưng hễ là người Việt Nam thì ai cũng có lòng yêu nước. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân. Đảng ta chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình khi tập hợp, đoàn kết được toàn dân trong một Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Người nói: "Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị. Ta đoàn kết để đấu tranh cho thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà. Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ".

Chúng ta phải làm cho tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ thấm sâu vào việc hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, trong tổ chức, xây dựng Mặt trận dân tộc thống nhất và thực hiện các nhiệm vụ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Phải nắm vững nguyên tắc đại đoàn kết là: trên cơ sở liên minh công, nông, trí thức, tập hợp rộng rãi nhất mọi tổ chức và cá nhân yêu nước; lấy lợi ích tối cao của dân tộc và quyền lợi cơ bản của nhân dân làm điểm tương đồng, trên cơ sở đó bảo đảm sự kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, bộ phận và toàn cục, giai cấp và dân tộc, quốc gia và quốc tế. Phương pháp đại đoàn kết là phát huy dân chủ, vận động, giáo dục, thuyết phục, nêu gương..., lấy thẳng thắn, chân thành để đối xử, lấy tin yêu, giúp đỡ để cảm hóa, trân trọng phát huy nhân tố tích cực, hạn chế, đẩy lùi nhân tố tiêu cực, giúp cho mọi tổ chức và cá nhân đều tiến bộ và trưởng thành, đóng góp có hiệu quả cao vào sự nghiệp cách mạng chung.

(Trích Diễn văn của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh - Theo Cổng TTĐT Chính phủ)

Khắp nơi kỷ niệm sinh nhật Bác

Hôm qua 18.5, Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM và Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch TP.HCM tổ chức lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2010). Tại buổi lễ, các đại biểu có dịp giao lưu với một số người từng gặp Bác, như Anh hùng - đại tá Tạ Thị Kiều, bà Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi), nghệ sĩ nhân dân Trà Giang…

Tối qua, tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM đã diễn ra vòng chung kết xếp hạng và trao giải Hội thi Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh "Ánh sáng thời đại" lần IV năm 2010 do Thành Đoàn, ĐH Quốc gia, Đảng ủy Khối các trường ĐH, CĐ, THCN và Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp tổ chức, với 55 đội tham gia; 1.358 bài tham gia phần thi cá nhân. Hội thi nhằm góp phần đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động "Tuổi trẻ VN học tập và làm theo lời Bác" nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kết quả Đội trường ĐH An ninh nhân dân đã đoạt giải nhất với giải thưởng trị giá 15 triệu đồng. Giải nhất cá nhân thuộc về thí sinh Phan Thị Thanh Phương, trường ĐH Khoa học tự nhiên.

* Cùng ngày, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tổ chức lễ dâng hoa, báo công tại Bảo tàng Hồ Chí Minh và khai mạc triển lãm chuyên đề "Tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh". Triển lãm trưng bày hơn 200 ảnh, tài liệu, hiện vật, giới thiệu tư tưởng và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng và rèn luyện Đảng cộng sản VN; những thành quả mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh mang lại cho nhân dân VN qua 80 năm xây dựng và trưởng thành.

*Ngày 18.5,  UBND H.Thoại Sơn (An Giang) đã khánh thành công trình bức tranh thư pháp Di chúc Bác Hồ bằng lá thốt lốt lớn nhất VN. Bức tranh có kích thước 2,1x1,22 mét, hai mặt được lồng vào một khung gỗ quý chạm khắc công phu. Mặt trước bức tranh là toàn văn bản Di chúc Bác Hồ và mặt sau khắc họa hình ảnh làng Sen, Bến Nhà Rồng, Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập và Lăng Hồ Chủ tịch cùng dòng chữ "Đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, đại thành công". Bức tranh do nghệ nhân Võ Văn Tạng, chủ cơ sở sản xuất tranh lá thốt lốt (H.Thoại Sơn) cùng hàng chục nghệ nhân thực hiện trong 1 tháng với kinh phí hơn 120 triệu đồng do gia đình ông Bùi Công Khanh (ngụ thị trấn Núi Sập) tài trợ.

Hoạt động kỷ niệm 120 ngày sinh Bác Hồ cũng đã được tổ chức tại nhiều địa phương trên cả nước.

Nhóm PV

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.