Tư tưởng 'tiền là tiên là phật' đang tồn tại trong không ít người

Lê Hiệp
Lê Hiệp
29/11/2022 16:16 GMT+7

PGS-TS Bùi Hoài Sơn , Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội cho rằng tư tưởng "tiền trong túi ai thì vầng hào quang tỏa trên đầu người đó", "tiền là tiên là phật"... đang tồn tại trong không ít người.

Nhiều thách thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa

Chiều 29.11, Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” bước sang phiên thảo luận thứ 2 về các nội dung hệ giá trị quốc gia, văn hóa.

PGS-TS Bùi Hoài Sơn phát biểu tại hội thảo

xuân trần

Phát biểu tham luận, PGS-TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, đánh giá có nhiều thách thức trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa hiện nay.

Đầu tiên là những mặt trái của nền kinh tế thị trường với sự xu hướng chạy theo chủ nghĩa vật chất, cái tôi cá nhân trở nên thống trị.

"Rõ ràng rằng tư tưởng "tiền trong túi ai thì vầng hào quang tỏa trên đầu người đó", "tiền là tiên là phật"... chắc chắn tồn tại trong không ít con người chúng ta. Đó là nguyên do làm cho không ít vấn đề liên quan hệ giá trị văn hóa thay đổi, bao gồm cả mặt tốt và không tốt", ông Sơn nói.

Một thách thức nữa, theo ông Sơn, là việc hội nhập quốc tế với nhiều cái mới, chứng kiến nhiều hào nhoáng, bóng bẩy, lạ lẫm, những giá trị phương Tây dẫn đến "nhiều khi có những cái mất tập trung nhất định vì nó quyến rũ và đang phổ biến".

Cùng đó, sự phổ biến của KH-CN đặc biệt là công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội.

Theo ông Sơn, đây là "thứ nối dài khiến chúng ta đi vào chu trình của thứ chi phối tâm trí, văn hóa, xã hội". Những công nghệ mới này tạo ra những nhận thức mới, thói quen, ngôn ngữ và lối sống mới và chi phối sự hình thành giá trị mới.

"Chúng ta có xã hội phong phú hơn, bối cảnh mới hơn, do đó cần có hệ giá trị mới để điều tiết. Đây là vấn đề cấp thiết trong xã hội hiện nay để tập trung giải quyết, hành động hướng đến giá trị đề cao, lan tỏa sức mạnh của dân tộc Việt Nam", ông Sơn nhấn mạnh.

"Người dân ngồi đây nhưng linh hồn bị mạng xã hội chi phối hoàn toàn"

Từ bối cảnh này, ông Sơn đề xuất nhiều giải pháp để giữ gìn và xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam.

"Đầu tiên là xác định nội hàm cụ thể của hệ giá trị văn hóa Việt Nam", ông Sơn nói và cho rằng, trong thời đại khác nhau thì nội hàm cũng phải khác nhau.

Theo ông các giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học có thể vẫn nguyên vẹn nhưng nội hàm có thể thay đổi theo bối cảnh chung của đất nước thì mới khả thi.

"Nhiều khi người dân của chúng ta ở đây nhưng linh hồn thì đã bị các mạng xã hội chi phối hoàn toàn. Vì thế, bây giờ bối cảnh xã hội mới với nền kinh tế số, công dân số, xã hội số, văn hóa số thì cụ thể khái niệm này thế nào để triển khai được", ông Sơn nêu.

Cùng đó, ông Sơn đề xuất là hoàn thiện thể chế chính sách. Ông Sơn cho rằng Việt Nam đã rất thành công trong đổi mới chính trị, thành công trong đổi mới kinh tế và giờ đây đã đến lúc thích hợp rồi.

"Không phải ở đây thì ở đâu? Không phải chúng ta thì là ai? Đã đến lúc chúng ta cần có sự đổi mới về văn hóa dựa trên tư duy quản lý văn hóa trên cơ sở quyền văn hóa, tinh thần hành chính công hiện đại, Chính phủ kiến tạo...", ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Sơn cũng đề xuất đẩy mạnh dân chủ hóa xã hội đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.

"Pháp luật là văn hóa tối thiểu còn văn hóa là pháp luật tối đa. Chính vì thế, giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học phải được xây dựng, hình thành và phát triển trên cơ sở thực hành dân chủ", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng lưu ý việc nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội, đội ngũ văn nghệ sĩ.

"Trong bối cảnh xã hội rất phức tạp, khiến con người rất dễ phân tâm trong việc xác định định hướng giá trị của mình thì việc làm gương là một giải pháp quan trọng", ông Sơn nêu, đồng thời cho rằng tầng lớp lãnh đạo, quản lý xã hội và đội ngũ văn nghệ sĩ là những người được nhân dân quan tâm, chú ý nên việc làm gương của họ có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và thực hành giá trị văn hóa.

"Tựu trung lại, việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Việt Nam thời kỳ mới có thành công hay không rất cần sự vào cuộc quyết liệt của tầng lớp lãnh đạo, sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của đội ngũ trí thức, sự tham gia của các gia đình, nhà trường và sự đồng thuận, hưởng ứng của toàn xã hội", ông Sơn kết lại bài phát biểu.

Khắc phục sự hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hóa

Tham luận trước đó, PGS-TS Nguyễn Thị Phương Châm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, cho rằng, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực giá trị con người Việt Nam mà Đảng xác định chính là xác định việc xây dựng để có được những hệ giá trị đó, là khát vọng, là mục tiêu muốn đạt được mà không phải là những hệ giá trị có sẵn hay đang được thực hành phổ biến trong cả xã hội.

Theo bà Châm, nếu quan tâm đúng mức hơn đến tính thực tiễn của hệ giá trị văn hoá thì chúng ta sẽ khắc phục được sự chung chung, hô hào, hình thức trong xây dựng hệ giá trị văn hoá.

"Tính thực tiễn ở đây là hệ giá trị văn hoá phải được xây dựng từ thực tiễn và rồi phải được thực hành sâu rộng trong thực tiễn, trở thành lối sống, thói quen, tập tính hàng ngày của con người. Chỉ như vậy, việc xây dựng hệ giá trị văn hoá mới được xem là đạt hiệu quả", bà Châm nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.