(TN Xuân) ASIAD 17 tại Incheon là một kỷ niệm chẳng bao giờ quên với vận động viên wushu Dương Thúy Vi, khi cô là người duy nhất lập “đại công” cho thể thao Việt Nam bằng chiếc huy chương vàng.
Dương Thúy Vi giành huy chương vàng ASIAD - Ảnh: Q.T
|
Xem Vi biểu diễn bài thương thuật, tôi không khỏi rùng mình bởi cây thương nhìn thoáng qua còn dài hơn chiều cao của cô, và dĩ nhiên chẳng nhẹ chút nào. Vậy mà đôi tay Vi điều khiển bay lượn thoăn thoắt, động tác cực đẹp. Thi xong, Vi lại hồn nhiên như một đứa trẻ, đùa giỡn với bạn bè như thể chưa hề bước vào tranh tài. Có lẽ, chính tâm lý thoải mái đã giúp cô gặt hái vinh quang.
Thật ra trước khi đến Incheon, ít người tin Vi sẽ giành huy chương vàng, bởi 4 năm trước đội hình của Việt Nam đồng đều và mạnh hơn nhiều nhưng vẫn không có vàng. Bản thân Vi cũng bị xếp làm vai phụ, vì thành tích trước đó không cao. SEA Games ở Lào năm 2009, cô bị thua sớm, khi đứng cuối trong số 6 võ sĩ dự tranh nội dung thương thuật. Đến SEA Games 2011 trên đất Indonesia, dù có bước tiến vượt bậc so với chính mình, Vi chỉ về nhì nội dung đao thuật.
Vậy mà chỉ trong phút chốc vai phụ biến thành đào chính. Thúy Vi đã thay đổi số phận của chính mình, cũng như của cả môn thể thao truyền thống đang thoái trào, để vụt sáng thành ngôi sao số 1 của làng thể thao.
Ít ai biết trước khi bước vào học võ, Vi chỉ là cô bé gầy gò yếu đuối. Hồi đầu những năm 2000, khi mới 8 tuổi, cô được bố, vốn là một võ sĩ thiếu lâm, hướng dẫn những động tác nhập môn. Thế nhưng, bước ngoặt đến với Vi vào năm 2005, khi cô quyết định không theo môn võ của bố mà học wushu. Khi tập môn này, vì cơ thể không khỏe mạnh nên cô chấn thương liên miên. Biến cố lớn đã xảy ra vào những năm 2007 - 2008, khi Vi dính hàng loạt chấn thương ở chân. Trong đó, nặng nhất là đầu gối bị giãn dây chằng. Vì thế, nữ võ sĩ trẻ tuổi gần như lúc nào cũng đi tập tễnh, nén đau để tập luyện. Thương con trầy xước toàn thân, gia đình đã khuyên Vi giải nghệ. Nhưng nhìn đồng đội và đàn chị đi trước vẫn miệt mài khổ luyện, rồi nhìn sang các bạn thể dục tập gần đó cũng chấn thuơng triền miên nhưng ai nấy vẫn không bỏ cuộc, Vi tự đấu tranh với mình không được thoái lui.
Càng chấn thương càng phải nỗ lực nhiều hơn. Thế là niềm đam mê cuối cùng đã chiến thắng, giúp Vi sau đó tiếp tục “phi thân” trên thảm đấu để tạo bước ngoặt cuộc đời khi đem “vàng” về cho thể thao nước nhà.
Bình luận (0)