Đài PTTH Quảng Ninh truyền hình trực tiếp lúc 14 giờ ngày 9.3
Số điện thoại nóng của chương trình: 033 3622940
Hôm qua (7.3), hơn 3.000 học sinh (HS) TP.Hải Dương đã có trọn vẹn một ngày tràn ngập thông tin trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên.
Thi khối A1, có xét tuyển vào khối A?
Rất nhiều HS quan tâm đến việc có thêm khối A1 trong kỳ tuyển sinh năm nay.
|
Một HS thắc mắc: “Nếu các trường tổ chức thi khối A và khối A1 thì điểm chuẩn có giống nhau hay không?”. Ông Bùi Ngọc Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương cho biết: “Điểm chuẩn của mỗi khối sẽ phụ thuộc vào chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng đăng ký dự thi”. Dẫu vậy, khi tư vấn tại nhóm ngành kinh tế, ông Sơn đã dự đoán điểm chuẩn khối A1 của Trường ĐH Ngoại thương có thể sẽ nằm ở mức giữa khối A và khối D, nghĩa là khoảng 22.
Một HS của Trường THPT Hồng Quang thắc mắc: “Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn có tuyển sinh khối A và khối A1 hay không?”. Ông Đinh Việt Hải - Phó trưởng Phòng Đào tạo trường này cho hay: “Năm nay trường tiếp tục tuyển sinh khối A nhưng chưa tuyển khối A1. Trong đó tuyển sinh khối A ở những ngành như: báo chí, tâm lý học, nhân học…”. HS khác lại băn khoăn: “Đăng ký thi vào một ngành khối A1 nhưng nếu không đỗ thì có thể chuyển sang ngành đó ở khối A được không?”. Ông Đoàn Văn Vệ - Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, khẳng định: “Theo quy định của quy chế, ưu tiên xét tuyển số 1 là vào các ngành cùng một khối thi, nếu xét vào ngành khác khối thi là vi phạm quy chế”.
Học nhiều ngành, lấy nhiều bằng cùng lúc
Cơ hội học một lúc nhiều chuyên ngành để lấy nhiều bằng khác nhau cũng là vấn đề HS rất quan tâm. Ông Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ban Đào tạo - ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Chỉ có thể thi nhiều khối nhưng mỗi khối thi chỉ có một ngành. ĐH Quốc gia có chương trình bằng kép, sau năm học đầu tiên nếu đạt điểm từ 6/10 trở lên thì sẽ được học thêm một ngành nữa”. Liên quan đến chất lượng đầu vào, một HS băn khoăn: “Điểm thi đầu vào thấp thì chất lượng đào tạo liệu có cao được không?”.
Bà Hoàng Thị Lan Phương - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT cho rằng: “Đầu vào là một yếu tố để quyết định chất lượng nhưng quan trọng không kém là chất lượng đào tạo của mỗi trường. Trường nào đầu vào thấp mà muốn có chuẩn đầu ra cao hơn thì phải nỗ lực, đầu tư rất tốt về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… thì mới có thể đạt được kết quả đầu ra như mong muốn”.
Một số HS băn khoăn vì cho rằng có 2 chương trình đào tạo giữa trường công lập và ngoài công lập. Bà Phương khẳng định: “Trong hệ thống giáo dục quốc dân có 2 loại hình trường công lập và tư thục nhưng không hề có chương trình đào tạo riêng. Căn cứ vào chương trình khung do Bộ GD-ĐT ban hành, các trường xây dựng chương trình đào tạo riêng theo đặc thù của trường mình”.
Tuệ Nguyễn - Vũ Thơ - Phi Loan
Bình luận (0)