Tư vấn mùa thi 2017: Không đủ chiều cao có thể học ngành hàng hải?

20/02/2017 15:21 GMT+7

Thu An, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Bảo Lộc, băn khoăn: 'Em thích ngành hàng hải nhưng không đủ chiều cao. Tại sao ngành này có yêu cầu người học phải cao từ 1,6 m trở lên?".

Hàng trăm thắc mắc về điểm xét tuyển, điều kiện ưu tiên, các tố chất... để chọn ngành học phù hợp đã được học sinh TP.Bảo Lộc, Lâm Đồng gửi đến chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 20.2.
Tiêu chuẩn để học ngành tàu biển
Hơn 1.500 học sinh lớp 12 TP.Bảo Lộc đã có mặt tại chương trình, liên tục đặt câu hỏi trực tiếp đến các chuyên gia tư vấn.
Thu An, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Bảo Lộc, băn khoăn: “Em thích ngành hàng hải nhưng không đủ chiều cao. Tại sao ngành này có yêu cầu người học phải cao từ 1,6 m trở lên? Liệu em có thể theo học không?”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Trường ĐH Giao thông vận tải có ngành đặc thù là khoa học hàng hải. Ngành này đào tạo các kiến thức để có thể vận hành tàu biển, quản lý các hoạt động tàu biển. Vì thời gian làm việc trên biển rất dài trong điều kiện sóng gió vất vả nên phải đề ra các tiêu chuẩn về chiều cao, cân nặng, thị lực, thính lực… Tuy nhiên không phải tất cả những người học ngành này đều làm việc trực tiếp trên tàu, chỉ chiếm khoảng 30%. Nếu em có đam mê thì em vẫn có thể theo học”.
Không đủ chiều cao có thể học ngành hàng hải?1
Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Nguyễn Vũ Đức Lâm, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Bảo Lộc, lo lắng: “Nhiều ngành khoa học kỹ thuật được đào tạo nhưng Việt Nam chưa thể tạo ra máy móc, vậy học xong có việc làm không?”.
Tiễn sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, chia sẻ: “Ở nước ta, trình độ lao động ở một số lĩnh vực thuộc ngành khoa học kỹ thuật còn vượt qua cả một số nước trong khu vực khiến nước bạn phải đến học hỏi. Vì vậy, các em không nên bi quan như vậy. Trong thế giới hội nhập, các em hết sức lưu ý ngoài kiến thức, kỹ năng, cần trang bị 2 chìa khóa quan trọng là ngoại ngữ và công nghệ thông tin”.
Điểm năng khiếu có nhân đôi?
Không đủ chiều cao có thể học ngành hàng hải? 2
Quang cảnh buổi tư vấn sáng 20.2 Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong khi đó, một học sinh lớp 12 A3, Trường THPT Bảo Lộc, quan tâm tới khối ngành kiến trúc, đã hỏi: “Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM có nhân đôi điểm năng khiếu trong năm 2017 không? Đăng ký dự thi như thế nào? Muốn chuyển ngành phải thi lại hay được chuyển ngành luôn? Em muốn chuyển từ nội thất sang đồ họa có được hay không?”.
Thạc sĩ Trần Minh Tuấn, chuyên viên phòng đào tạo, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, cho biết: “Các ngành trong trường xét tuyển các tổ hợp trong đó có môn năng khiếu (vẽ mỹ thuật, vẽ trang trí màu). Điểm năng khiếu của các em phải lớn hơn hoặc bằng 5. Đăng ký thi năng khiếu từ ngày 6-3 đến 2.6 và tổ chưc thi trong 3 ngày 30.6, 1.7 và 2.7. Từ năm 2008 đến nay trường không còn nhân đôi môn năng khiếu”.
Thạc sĩ Tuấn cho biết thêm, trường xét tuyển điểm chuẩn theo từng ngành nên không được chuyển ngành trong quá trình học. Nhưng theo quy chế 43, sinh viên có thể học song ngành với điều kiện sau học kỳ 1 năm đầu, nếu điểm tích lũy đạt 2.0 trở lên và ngành thứ 2 phải chung tổ hợp xét tuyển với ngành thứ nhất”.
Em Ngọc Diệu, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Bảo Lộc, hỏi: Muốn xét tuyển vào Trường ĐH Luật nhưng không biết chọn ngành gì để dễ kiếm việc làm? Em muốn biết trường có đào tạo ngành tâm lý học tội phạm hay không?
Tiến sĩ Ngô Hữu Phước, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Trường ĐH Luật TP.HCM, thông tin: “Nhiều người cho rằng, học luật ra chỉ làm luật sư, tuy nhiên, các bạn có thể làm được rất nhiều công việc khác nhau tại các cơ quan tòa án, kiểm sát, công an, quân đội, hoặc trong hệ thống các cơ quan nhà nước, các cơ quan hải quan, kiểm lâm, thuế, quản lý thị trường, làm cố vấn pháp lý cho doanh nghiệp hoặc làm việc độc lập, hoặc có thể làm giảng viên giảng dạy các môn khoa học pháp lý cho trường ĐH, CĐ, trung cấp… Tâm lý học tội phạm là một bộ môn trong khoa học hình sự, nếu học ngành luật sẽ được học”.
Xét tuyển bậc CĐ như thế nào?
Liên quan đến những thay đổi trong xét tuyển CĐ năm nay, một học sinh Trường THPT Nguyễn Du, lo lắng: “Có phải tất cả các trường CĐ không thi nữa mà chỉ xét tuyển? Vậy điều kiện xét tuyển như thế nào? Cơ hội việc làm khi học bậc CĐ?”
Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, thông tin: “Đối với bậc CĐ, năm nay vẫn xét tuyển như năm trước. Các em sử dụng kết quả kỳ thi THPT hoặc sử dụng học bạ. Do đào tạo thiên về thực hành, kỹ năng nên ra trường các em có thể làm việc ngay. Hiện có rất nhiều ngành học thu hút trong thị trường lao động trong nước, cơ hội việc làm ở nước ngoài cũng cao. Tại Trường CĐ Bách Việt, việc đào tạo cung ứng nhân lực cho thị trường CHLB Đức và Nhật Bản đang được thực hiện”.
Trong buổi chiều, gần 500 học sinh Trường THPT Đạ Huoai và Đạm-ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng cũng được các chuyên gia tư vấn giải đáp những thắc mắc về những điểm mới trong quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ năm 2017.
Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và ĐH Lạc Hồng đã trao 10 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của TP.Bảo Lộc và huyện Đạ Huoai.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.