Tư vấn mùa thi 2024: Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh về xét tuyển sớm

Hà Ánh
Hà Ánh
29/01/2024 06:06 GMT+7

Theo quy định tuyển sinh năm nay, thí sinh cần có những lưu ý gì khi tham gia các phương thức tuyển sinh sớm?

Thắc mắc nói trên được đại diện Bộ GD-ĐT lưu ý với thí sinh (TS) trong chương trình Tư vấn mùa thi của Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GĐ-ĐT, Sở GD-ĐT Bình Dương tổ chức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Bình Dương hôm qua (28.1).

Tư vấn mùa thi 2024: Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh về xét tuyển sớm- Ảnh 1.

Học sinh Bình Dương háo hức đến với chương trình Tư vấn mùa thi 2024 diễn ra sáng qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chương trình được phát trực tiếp trên kênh thanhnien.vn, facebook.com/thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

ĐỦ ĐIỀU KIỆN TRÚNG TUYỂN SỚM VẪN CHƯA THỰC SỰ TRÚNG TUYỂN

Trong chương trình, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cho biết Quy chế tuyển sinh ĐH và tuyển sinh CĐ ngành giáo dục mầm non được ban hành năm 2022 và sẽ giữ ổn định trong năm nay. Với sự ổn định đó, học sinh có thể yên tâm ôn thi để đạt kết quả tốt nhất.

Liên quan đến tuyển sinh ĐH, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy cho biết trước hết học sinh cần nghiên cứu đề án tuyển sinh các trường. Nhìn chung, phương thức xét tuyển các trường không thay đổi nhiều so với năm trước. Nếu có, trường điều chỉnh thêm, bớt phương thức hoặc thay đổi cách thức xét trong một phương thức cụ thể cho phù hợp hơn.

Về xét tuyển sớm, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy lưu ý các trường ĐH công bố phương thức xét tuyển cùng thời hạn nộp hồ sơ cụ thể, TS cần chú ý để không bỏ lỡ. Tuy nhiên, TS lưu ý khi tham gia xét tuyển sớm dù được công bố đủ điều kiện trúng tuyển vẫn chưa thực sự trúng tuyển. TS dù trúng tuyển sớm vẫn phải đăng ký nguyện vọng (NV) đó lên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT, nếu không kết quả trúng tuyển sớm sẽ không có giá trị. Nếu đủ điều kiện trúng tuyển sớm, khi đăng ký trên hệ thống của Bộ, TS chỉ cần đặt NV 1 là chắc chắn trúng tuyển.

Tư vấn mùa thi 2024: Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh về xét tuyển sớm- Ảnh 2.

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), tham gia chương trình Tư vấn mùa thi tại Bình Dương

NGỌC LONG

"Việc yêu cầu TS trúng tuyển sớm đăng ký NV trên hệ thống của Bộ nhằm đảm bảo quyền lợi của TS. Khi đó, TS không bắt buộc phải xác nhận nhập học bằng xét tuyển sớm nhưng vẫn đảm bảo việc trúng tuyển phương thức này đồng thời vẫn có thể tăng thêm cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác", PGS-TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh.

Trước các băn khoăn của học sinh trong lựa chọn ngành học, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH khuyên: "Cách thức để đăng ký xét tuyển đơn giản mà hiệu quả nhất đó là đặt NV mình đam mê, mong mỏi nhất lên hàng đầu để khi hệ thống xét tuyển các NV tuần tự từ trên xuống dưới".

Phạm Lịch mang 'Là anh" đến với khán giả Bình Dương

Có TS thắc mắc việc xét tuyển NV thứ 5 bị thiệt thòi, bà Thủy khẳng định không có tình trạng trên. Hệ thống xét tuyển sẽ tự động lấy dữ liệu của tất cả TS khi xét vào cùng một ngành, không phân biệt TS đó đăng ký vào bằng NV thứ mấy. Do đó, không có sự ưu tiên cho TS trúng tuyển bằng thứ tự NV 1 hay NV 5 trong cùng một ngành.

Giải thích thêm về nguyên tắc xét tuyển trên hệ thống chung, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho biết các trường ĐH có nhiều phương thức khác nhau nhưng khi đăng ký trên hệ thống, TS chỉ cần chọn ngành học. Hệ thống sẽ sử dụng tất cả dữ liệu xét tuyển của TS để xác định NV trúng tuyển theo lựa chọn ưu tiên mà TS đăng ký. Với cách thức đó, TS có thể đỗ NV cao nhất với kết quả ưu tiên. Hệ thống đang hỗ trợ nhiều nhất cho TS, phần khó hơn thuộc các trường ĐH và Bộ GD-ĐT. Với mong muốn đó, quy chế tuyển sinh được giữ ổn định trong nhiều năm qua để TS được xét tuyển công bằng và bình đẳng nhất.

Tư vấn mùa thi 2024: Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh về xét tuyển sớm- Ảnh 3.

Học sinh hào hứng giao lưu với ca sĩ Phạm Lịch trong chương trình Tư vấn mùa thi 2024 sáng qua

ĐÀO NGỌC THẠCH

NÊN HỌC SƯ PHẠM HAY CỬ NHÂN VÀ THÊM CHỨNG CHỈ NGHIỆP VỤ ?

Đặt câu hỏi trong chương trình, một HS băn khoăn giữa việc chọn ngành sư phạm toán hay học cử nhân toán sau đó học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm? Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyên: "Nếu muốn trở thành một giáo viên, trước tiên thí sinh nên thi vào ngành sư phạm. Trong quá trình đào tạo 4 năm bậc ĐH, sinh viên sẽ có quá trình tích lũy chuyên môn và nghiệp vụ tốt hơn so với việc học bổ sung chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm". Chưa kể, thạc sĩ Quốc nói thêm xuất phát từ nhu cầu của các đơn vị, việc tuyển dụng hiện nay ít ưu tiên cho người ngành khác học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Trong đó, các trường THCS và THPT ưu tiên tuyển dụng người tốt nghiệp đúng ngành sư phạm.

Thêm lời khuyên với HS, PGS-TS Nguyễn Thu Thủy đưa ra những cơ hội làm việc khác nhau với sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm toán và cử nhân toán để HS cân nhắc thêm. Theo đó, sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm toán có thể làm giáo viên, học chuyên sâu hơn có thể trở thành giảng viên. Khi học sư phạm, sinh viên được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ từ học phí đến sinh hoạt phí nếu cam kết trở thành nhà giáo phục vụ ngành giáo dục. Trong khi đó, học ngành toán ứng dụng cơ hội việc làm rộng mở hơn khi có thể đảm nhiệm nhiều công việc ở nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội, đặc biệt trong bối cảnh VN hiện đang thiếu người học các ngành khoa học cơ bản nói chung và toán nói riêng.

Tư vấn mùa thi 2024: Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh về xét tuyển sớm- Ảnh 4.

Gần 4.000 học sinh Bình Dương tham gia các hoạt động trong ngày hội Tư vấn mùa thi

ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, HS Trần Phúc Hậu (Trường THPT Trịnh Hoài Đức, Bình Dương) cho biết đến thời điểm này vẫn "gặp khó" trong xác định được ngành học tương lai vì bản thân không xác định được sở trường và sở thích của mình. Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, khuyên trong trường hợp này HS cần tìm hiểu để xác định sở trường, sở thích của bản thân. Có thể thử nghiệm bài tập lập ra danh sách 30 ngành nghề rồi mỗi ngày sẽ lọc bỏ dần cho đến khi chỉ còn ngành nghề yêu thích nhất.

Trước câu hỏi nên lựa chọn ra sao khi cùng một khối ngành khoa học xã hội nhưng các ngành có mức độ chênh lệch điểm lớn, tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết khoảng cách điểm chuẩn trúng tuyển các ngành bằng điểm thi tốt nghiệp THPT năm ngoái ở mức 22-27. Dù điểm chuẩn các ngành lệch nhau 5 điểm nhưng không có nghĩa cơ hội việc làm của các ngành điểm chuẩn thấp sẽ thấp hơn. Kết quả khảo sát của nhà trường với các sinh viên đã tốt nghiệp cho thấy cơ hội việc làm trải đều cho các ngành khác nhau. "Bất kỳ ngành nào xã hội cũng có nhu cầu, nên lựa chọn ngành bản thân yêu thích và đủ năng lực để theo đuổi. Khi giỏi trong một lĩnh vực, bạn sẽ có nhiều cơ hội để khẳng định mình, có thu nhập như mong muốn và nhiều cơ hội phát triển", tiến sĩ Hạ nói thêm.

cảm ơn

Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn các nhà tài trợ chương trình: Tập đoàn Vingroup, Tổng công ty Becamec IDC; các đơn vị hỗ trợ thực hiện chương trình: Sở GD-ĐT Bình Dương và Tỉnh đoàn Bình Dương. Cảm ơn Công ty TNHH vận tải và dịch vụ Phương Trang đã hỗ trợ đưa đón ban tổ chức; các trường và các đơn vị đã trao học bổng Nguyễn Thái Bình gồm: Tập đoàn Kim Oanh 20 suất, Tập đoàn Trường Tươi 15 suất, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM 3 suất, Trường ĐH Bình Dương 2 suất.

Tư vấn mùa thi 2024: Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh về xét tuyển sớm- Ảnh 5.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.