Mai là thứ sáu, mình còn phải làm việc, hay là từ chối? “Sau giờ làm việc mình mới đi được. Chờ mình được không?”. Tưởng nói vậy các bạn sẽ bảo: “Vậy thầy cử người khác đi thay thầy cũng được”, không ngờ câu trả lời là: “Chúng em sẽ chờ thầy. 17 giờ xe khởi hành, thầy nhé”.Và tôi đã lên đường cùng các bạn.
Tôi quyết định đi vì “nợ” câu hỏi của một sinh viên về nghề nghiệp. Đó là sinh viên năm thứ hai đang học ở trường đại học tại TP.HCM, mà nhiều phụ huynh mong muốn con mình trúng tuyển. Nhưng sinh viên này không muốn theo đuổi nghề mình đang học, em ấy muốn trở thành cô giáo dạy lịch sử. Tôi đã cố gắng nhưng em không được chuyển trường để trở thành cô giáo. Nên tôi đã khuyên nếu vẫn quyết tâm trở thành cô giáo dạy lịch sử, em hãy thi một lần nữa, lựa chọn nghề nghiệp cho chính mình, theo mơ ước của mình.
Đà Lạt về đêm trời lạnh. Chúng tôi chuẩn bị sẵn mọi thứ cho công việc của ngày hôm sau. Các bạn ở Báo Thanh Niên xem lại kịch bản, chốt lại những khâu cuối cùng cho chương trình. Kỹ như vậy là phải: Tư vấn trực tiếp qua truyền hình mà!
Sân Trường THPT Đức Trọng (Lâm Đồng) khá rộng. Những cô cậu học trò của trường và các trường lân cận đã đến đầy đủ. Chúng tôi cố gắng trả lời các câu hỏi một cách rõ ràng nhất có thể.
Các cô cậu học trò đang mong muốn có câu giải đáp mình đã ấp ủ nhiều năm. Có thể là một ước mơ từ nhỏ như làm bác sĩ, làm kỹ sư chế tạo máy, một ca sĩ, đạo diễn hay nhà giáo… Một buổi tư vấn không thể huy động được tất cả các nhà chuyên môn nổi tiếng trong nghề nên chúng tôi, những người vốn chỉ biết một nghề nghiệp, có am hiểu ở một vài lĩnh vực đã cố gắng trả lời các học sinh tốt nhất theo cách tiếp cận các bạn sẽ ra quyết định chọn lựa nghề nghiệp tương lai.
Những câu hỏi ngây thơ: “Em muốn làm đạo diễn thì phải có những tố chất nào?”, “Em muốn làm bác sĩ nhưng thú thật em rất sợ nhìn thấy máu, vậy có thể làm bác sĩ được không?”, “Em mê xe hơi, em có thể làm kỹ sư chế tạo xe được không?”, “Thầy ơi, em muốn lái máy bay, em học phi công ở trường đại học nào hả thầy?”, “Em mê cô Hồng Vân, em mê chú Thành Lộc, em mê MC… em có thể đăng ký vào trường đại học sân khấu điện ảnh được không?”… Cứ thế, hàng chục, hàng trăm câu hỏi trực tiếp hoặc qua đường dây nóng. Và chúng tôi đã thay nhau trả lời, không hết ngay trong buổi tư vấn thì sẽ trả lời trên trang tư vấn của Báo Thanh Niên và trên các trang web tuyển sinh của nhà trường.
Các học sinh đã trao câu hỏi và tin vào trả lời của chúng tôi. Và các em nhận được câu trả lời có ích. Những chương trình tư vấn của Thanh Niên vì vậy thật sự rất có ích cho học sinh trước ngưỡng cửa vào đời. Đó cũng là lý do để chúng tôi luôn đồng hành với Báo Thanh Niên. Tất cả đều vì tương lai của những người trẻ.
Bình luận (0)