(TNO) Vào lúc 14 giờ 30 ngày 1.4, Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT sẽ khởi động chuỗi tư vấn trực tuyến truyền hình tại địa chỉ: www.thanhnien.com.vn.
|
Buổi tư vấn diễn ra trong ngày đầu tiên thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi nên lãnh đạo Bộ sẽ cung cấp thông tin và giải đáp những băn khoăn về cách thức nộp hồ sơ đúng quy cách. Các chuyên gia đến từ nhiều trường ĐH còn tư vấn cụ thể về cách thức nộp hồ sơ để có cơ hội trúng tuyển cao nhất vào các trường ngay nguyện vọng 1.
Khách mời đặc biệt tham dự chương trình sẽ có PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT).
Các chuyên gia đến từ các trường, gồm: Thạc sĩ Lương Đình Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM; tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM; thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng; thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen; ông Nguyễn Thanh Giang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM.
Buổi tư vấn sẽ diễn ra tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (Số 3 Công trường quốc tế, Q.3), bạn đọc quan tâm có thể tới tham dự trực tiếp. Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể đặt câu hỏi trực tiếp tại: www.thanhnien.com.vn hoặc số điện thoại: 08.38234224.
***
Đúng 14 giờ, Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT bắt đầu truyền hình trực tuyến chương trình “Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ”.
Nhà báo Thùy Ngân (Phó ban Thanh niên và Giáo dục) cho biết, một thay đổi lớn của giáo dục trong năm 2015 là kỳ thi THPT quốc gia vào tháng 7 tới đây vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường ĐHkhối lượng CĐ. Đi kèm với sự đổi mới này là những thay đổi về quy chế, nộp hồ sơ đăng ký dự thi, thi tuyển, cách xét tuyển… Những thông tin liên quan đến kỳ thi này dù đã được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, qua các buổi tư vấn của các tổ chức… nhưng nhiều học sinh, thí sinh và phụ huynh vẫn có những thắc mắc cần phải giải đáp.
Các vị khách mời trả lời bạn đọc trong buổi truyền hình trực tuyến "Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyền ĐH, CĐ" - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
“Báo Thanh Niên vừa kết thúc chương trình Tư vấn mùa thi ở 15 tỉnh, thành. Tiếp nhận hàng ngàn câu hỏi nên chúng tôi hiểu rõ học sinh và phụ huynh vẫn còn nhiều điều muốn được giải đáp. Để có nhiều kênh thông tin đáp ứng nhanh nhu cầu của học sinh, từ tháng 4, Báo Thanh Niên tổ chức chuỗi tư vấn truyền hình trực tuyến “Hướng dẫn thi THPT quốc gia và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ” nhằm cung cấp thêm thông tin cho bạn đọc. Chương trình bắt đầu từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 8 khi các trường ĐH,CĐ xét tuyển.
Các học sinh tham gia buổi tư vấn truyền hình trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Mơ đầu buổi tư vấn, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết từ ngày 1.4 đến hết 30.4, các em sẽ làm hồ sơ tại các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên, thí sinh tự do nộp hồ sơ tại sở giáo dục đào tạo. Các em nên hỏi ý kiến nhà trường, thầy cô giáo trong khi làm hồ sơ. Chọn môn thi rất quan trọng nên các em cũng nên lưu ý. Như vậy ngay bây giờ các em nên có định hướng nên thi vào trường nào. Các em vẫn có nhiều cơ hội điều chỉnh ngay sau khi nộp hồ sơ. Điều cần lưu ý là sau khi nộp hồ sơ các em nên vào mạng xem lại mã trường, mã ngành mà mình đăng ký để coi có gì sai sót để điều chỉnh hay không.
PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (bên phải) trả lời bạn đọc trong buổi tư vấn truyền hình trực tuyến - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thạc sĩ Lương Đình Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết, truyền thống của trường đào tạo kỹ sư cử nhân, vì vậy tổ hợp môn thi gồm toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh. Ngoài ra trường có đào tạo ngành kiến trúc với tổ hợp môn toán, lý, vẽ và toán, văn, vẽ.
Thạc sĩ Lương Đình Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM (trái) tại buổi trực tuyến truyền hình - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Một số khoa trong trường có mở rộng tổ hợp xét tuyển như ngành môi trường vật liệu có: toán, lý hóa; toán, lý, tiếng Anh và toán, hóa, tiếng Anh. Ngành quản lý công nghiệp có 4 tổ hợp: toán, lý, hóa; toán, lý, tiếng Anh; toán, hóa, tiếng Anh và toán, văn, tiếng Anh.
Thí sinh quan tâm tới các ngành học của trường, có thể vào trang web sau để tìm hiểu thông tin: http://www.aao.hcmut.edu.vn/index.php?route=catalog/tuyensinh.
Ngày 1.6 trường công bố trên trang web phần mềm đăng ký dự tuyển vào trường.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng: Năm nay trường có thêm các tổ hợp môn thi mới. Ngoài các môn truyền thống về các ngành kỹ thuật như toán, lý, hóa hay toán, lý, anh… Thường mỗi ngành sẽ có bốn tổ hợp môn thi. Ngoài hai môn chính thi trong kỳ thi bắt buộc trong kỳ thi phổ thông quốc gia, các em có thể chọn thêm một môn thi nữa.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng- Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM năm 2015 tuyển sinh 5 ngành gồm quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính - ngân hàng, ngôn ngữ Anh và công nghệ thông tin. Ngoài các tổ hợp môn tương ứng với các khối thi truyền thống A (toán, lý, hóa), A1 (toán, lý, tiếng Anh), D1 (toán, văn, tiếng Anh) và C (văn, sử, địa), trường có thêm 1 tổ hợp môn mới là văn, sử, tiếng Anh cho ngành ngôn ngữ Anh.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM (trái)- Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Hầu như ai dự thi tốt nghiệp thì đều có thể đăng ký xét tuyển vào tất cả các ngành của trường.
Trường xét tuyển bằng 2 phương thức: 70% chỉ tiêu dùng kết quả kỳ thi THPT quốc gia và 30% chỉ tiêu dành cho kết quả trong học bạ THPT. Điều kiện xét tuyển học bạ là điểm trung bình từng môn 3 năm lớp 10, 11, 12 trong tổ hợp môn phải đạt 6,0 trở lên đối với bậc ĐH và 5,5 trở lên đối với bậc CĐ.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho biết những năm qua, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có những khối thi được thí sinh lựa chọn nhiều là D1, D2 (tiếng Nga), D3 (tiếng Pháp)... và khối C. Ngoài ra, trường còn mở rộng thêm khối A, A1 và B. Bên cạnh đó, trường còn có tổ hợp mới là văn, sử, anh để những thí sinh thi khối D1 nhưng không giỏi toán thì có thể thay thế bằng môn sử. Đây là quyết định nhằm tạo thêm cơ hội cho thí sinh muốn theo học nhóm ngành xã hội.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (giữa) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Các thí sinh nên cân nhắc nếu không mạnh về tự nhiên thì có thể chọn nhóm ngành xã hội vì nhóm ngành này giúp cho chúng ta có cơ sở, nền tảng lý luận, lý giải các vấn đề xã hội, thế giới.
Khi đăng ký vào các nhóm ngành thuộc ĐH KHXHNV TP.HCM nói riêng, thí sinh cần có điểm trung bình 5 học kì từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm loại khá. Riêng các thí sinh dự thi vào nhóm ngành ngôn ngữ thì điểm về ngôn ngữ nhân hệ số 2. Ví dụ thi vào Ngữ văn anh thì môn tiếng Anh nhân hệ số 2, ngành Ngữ văn thì môn Ngữ văn nhân hệ số 2... để các em có cơ hội bộc lộ khả năng của mình nhiều hơn. Đối với những em có chứng chỉ quốc tế ngoại ngữ Anh, Pháp, Trung... sẽ được ưu tiên xét tuyển vào trường.
Trước câu hỏi nếu điểm trung bình học kỳ là 6,48 thì có được sơ tuyển vào trường không, Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ cho rằng điểm trung bình học kỳ không thể làm tròn. Ông cũng cho rằng mức 6,5 là ngưỡng tương đối thấp, phù hợp với những thí sinh có nguyện vọng vào trường.
Nói về hình thức tuyển sinh, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết, trường tuyển sinh theo hai hình thức: tốt nghiệp phổ thông kỳ thi quốc gia, tuyển sinh theo học bạ năm cấp ba. Năm nay trường tuyển sinh 28 ngành thuộc hệ đại học và 23 ngành thuộc hệ cao đẳng. Ngoài việc xét tuyển các khối thi truyền thống như quản trị, kỹ thuật, kinh tế, tài chính thi khối A, A1,D1, trường còn có những tổ hợp thi mới thuộc về ngành kỹ thuật, quản trị và trường cũng xét tuyển một số ngành thuộc khối C.
Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen cho biết tại Trường ĐH Hoa Sen, ngoài các khối A, Á, D1, D3 và khối B cho ngành Kỹ thuật môi trường thì năm nay Trường có thêm tổ hợp mới là Toán - Anh - Sử dành cho 10 ngành trong khối quản trị kinh doanh, quản kí, kinh doanh nhà hàng và tổ hợp Văn - Anh - Địa.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen (trái) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, sở dĩ chọn sử, địa đưa vào quá trình xét tuyển là vì nhà trường nhận thấy đó là những môn nền tảng cho quá trình học tập sau này của các em đồng thời tạo thêm cơ hội cho các thí sinh.
Cũng trong năm nay, Trường ĐH Hoa Sen có 2 phương thức xét tuyển đặc biệt. Thứ nhất là thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, cụ thể là IELTS từ 6,5 trở lên, chỉ cần đậu tốt nghiệp THPT sẽ được ưu tiên xét tuyển. Thứ hai là thí sinh học 3 năm ở trường chuyên (bất kì khối lớp thường hay chuyên) nếu học lực giỏi cũng được ưu tiên xét tuyển và có cơ hội nhận học bổng nhà trường.
Một phụ huynh THPT chuyên Lê Hồng Phong hỏi: "Con tôi có thể đăng ký nguyện vọng 1 vào cùng lúc 2 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM không? Cụ thể, tôi muốn ngành thứ nhất vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, 3 ngành còn lại là khoa học máy tính, kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM".
Một phụ huynh nêu cầu hỏi về việc đăng ký nguyện vọng 1 vào cùng lúc 2 trường thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục: Theo thông tin từ ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện nay các trường ĐH thành viên sẽ xét tuyển độc lập với nhau.
Thạc sĩ Lương Đình Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: ĐH Quốc gia TP.HCM đã từng đặt vấn đề về việc cho thí sinh xét tuyển NV1 vào 4 ngành của các trường thành viên nhưng việc này sẽ rất khó khăn.
Từ 1.8, các trường thực hiện việc xét tuyển. ĐH Quốc gia đã có quyết định thí sinh chỉ được xét 4 ngành NV1 vào 1 trường ĐH trong khối. Trong vòng 20 ngày nếu thí sinh cảm thấy không có nhiều cơ hội trúng tuyển thì có thể rút hồ sơ nộp trường khác.
Thạc sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: Thí sinh nên xem thông tin về việc xét tuyển trên trang web của trường mình nộp hồ sơ, ở đây là Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Nếu thấy không đủ khả năng trúng tuyển thì có thể rút để nộp vào Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM.
Thí sinh cũng cần lưu ý ở NV1 các em được đăng ký tới 4 ngành, tuy nhiên không nhất thiết phải đăng ký hết. Các em nên chọn 1, 2 ngành mà các em thích. Nên cân nhắc, dựa vào năng lực, sở thích, trong quá trình học cần nỗ lực, có kiến thức, kỹ năng thì tốt nghiệp cơ hội việc làm sẽ lớn.
TS Trần Văn Nghĩa cho biết thêm, thí sinh nên đăng ký đúng ngành phù hợp với điểm thi của mình. Phải biết tận dụng lợi thế của năm nay. Đó là các em có điểm rồi mới đăng ký xét tuyển, tính toán chọn ngành chọn trường phù hợp. Cố gắng chọn làm sao để trúng tuyển ở ngay NV1.
Một phụ huynh ở Bình Tân hỏi:"ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM xét tuyển mấy hình thức, đầu ra như thế nào, trường có tạo việc làm sau khi sinh viên ra trường hay không.
Trả lời câu hỏi này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM cho biết, trường xét tuyển các tổ hợp môn thi toán – lý – hóa, toán – lý – tiếng Anh, văn – toán – tiếng Anh. Vào năm 2, sinh viên sẽ học một số môn bằng tiếng Anh. Hằng năm trường liên hệ các doanh nghiệp để đảm bảo cho sinh viên thực tập. Hầu hết sinh viên ra trường được các doanh nghiệp giữ lại và có việc làm sau khi ra trường. Trường xét tuyển theo hai hình thức: 70% xét tuyển thi phổ thông quốc gia, 30% còn lại trường xét tuyển học bạ.
Một phụ huynh có mặt tại buổi tư vấn trực tuyến đặt câu hỏi: "Con tôi đang học đại học nhưng đã xin nghỉ để ôn thi lại đại học năm nay do chọn sai ngành. Xin hỏi đơn xin đăng ký phải xác nhận ở đâu vì hiện tại cháu đã nghỉ học rồi và trong trường hợp này, cháu đăng ký ở cụm thi nào?
GS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết thí sinh tự do thì chỉ cần đến công an phường xã nơi cư trú để xác nhận. Còn về hồ sơ đăng ký, thí sinh có thể nộp ở các trường THPT hoặc nộp ngay tại Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM (Số 3 Công trường quốc tế, Q.3, TP.HCM).
Một số câu hỏi liên quan như thí sinh thi lại đại học thì cần lưu ý gì, các học và làm bài thi như thế nào... cũng được GS-TS Trần Văn Nghĩa giải đáp.
Theo đó, có hai dạng thí sinh tự do là thí sinh đã tốt nghiệp THPT và chưa tốt nghiệp THPT.
Thí sinh chưa tốt nghiệp thì vẫn phải thi tốt nghiệp và xét tuyển theo quy định. Với thí sinh đã tốt nghiệp THPT thì chỉ cần thi các môn trong khối dự thi. Ví dụ như khối A thì chỉ thi Toán - Lý - Hóa. Còn về hình thức học và ôn thi thì không có gì khác biệt giữa các thí sinh.
Một bạn đọc ở Đà Lạt đặt câu hỏi: "Em đạt giải 3 quốc gia lĩnh vực Khoa học xã hội hành vi thì em có được tuyển thẳng vào khoa nào của Trường ĐH KHXHNV TP.HCM?
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH KHXHNV TP.HCM nói: "Chúng tôi cần phải xem xét đề tài mà bạn đạt giải liên quan đến vấn đề gì để có thể ưu tiên xét tuyển cho một số ngành liên quan. Tuy nhiên, nếu em đã đoạt giải nghĩa là trình độ của em cũng đạt ở một mức nhất định rồi thì em cũng không nên lo lắng quá".
Về thời gian nộp đề tài đoạt giải để xét tuyển, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết Bộ GD - ĐT sẽ sớm ra văn bản hướng dẫn cụ thể đến các trường để giúp thí sinh có thể hoàn thành hồ sơ đúng quy định.
Một học sinh hỏi: "Em đoạt giải 3 hội thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc gia đề tài vật lý, thiên văn học. Đề tài của em sử dụng kiến thức lập trình phần mềm, vậy em có được tuyển thẳng vào ngành khoa học máy tính không?
Buổi truyền hình trực tuyến "Kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ" nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc tại trường quay và qua hộp thư tư vấn - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
|
Thạc sĩ Lương Đình Thành, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Trường xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải 1, 2, 3 vào với các ngành tương ứng thuộc tổ hợp môn như toán, lý, hóa; toán, hóa, tiếng Anh. Trường hợp của em đoạt giải vật lý có thể xin xét tuyển thẳng vào ngành công nghệ thông tin. Em có thể tham khảo thêm điều kiện xét tuyển thẳng tại website của trường.
Theo TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, thí sinh đoạt các giải nhất nhì 3 của các kỳ thi quốc gia sẽ được tuyển thẳng vào ngành đúng hoặc gần với môn đoạt giải. Ở đây, em sẽ được tuyển thẳng vào ngành phù hợp với đề tài của em.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng: "Theo quy định tuyển thẳng của Bộ, giải sáng tạo kỹ thuật sẽ được xét tuyển thẳng vào ngành gần với đề tài. Ví dụ đoạt giải sáng tạo về hóa thì được xét vào ngành dược. Trường hợp của em có thể vào công nghệ thông tin, điện tử, cơ điện tử của trường ĐH lạc Hồng".
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen cung cấp thêm thông tin: "Trường xét tuyển thẳng đối với thí sinh theo quy định của Bộ, đồng thời có 1 chương trình học bổng đặc biệt dành cho thí sinh đặc biệt giỏi trong 1 số lĩnh vực, ví dụ hóa, toán, lý… Nếu thí sinh có giải cao kỳ thi quốc gia thì sẽ xét cấp học bổng từ 1-4 năm học phí".
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đối với thí sinh đoạt giải cao các kỳ thi quốc gia, thì môn toán hoặc lý có thể xét vào ngành công nghệ thông tin, kỹ thuật, điện tử… Năm 2015, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM có chương trình học bổng Thắp sáng ước mơ, thí sinh đạt giải quốc, gia đình khó khăn sẽ có cơ hội nhận suất học bổng gồm chi phí suốt 4 năm học với điều kiện điểm trung bình của mỗi học kỳ phải đạt từ 6,5 trở lên. Ngoài ra hỗ trợ sinh hoạt phí 2 triệu đồng/tháng.
Một học sinh đặt câu hỏi tại buổi trực tuyến: "Nếu em được 20 điểm, nguyện vọng 1 là một ngành lấy 20 điểm, nguyện vọng 2 cũng là 20 điểm, nguyện vọng 3 lấy 18 điểm, nguyện vọng 4 lấy 17 điểm. Vậy em sẽ được xét như thế nào?".
Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho biết nguyên tắc xét tuyển là trong 4 nguyện vọng thì sẽ xét nguyện vọng 1 đầu tiên, nếu trượt thì sẽ xét tiếp nguyện vọng 2,3,4.
Học sinh có mặt tại hội trường hỏi: Trường khối ĐH Quốc gia TP.HCM có sơ tuyển thí sinh đạt trên 6,5 điểm, vậy cách tính điểm này như thế nào? Nếu đủ điều kiện xét tuyển thì có phải thi nữa hay không? Ngoài Trường ĐH Bách khoa TP.HCM có nhiều trường nộp hồ sơ qua mạng hay không?
Thạc sĩ Phạm Tấn Hạ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM trả lời: Cách tính điểm sơ tuyển của ĐH quốc gia TP.HCM là điểm 5 học kỳ (học kỳ 1, 2 lớp 10, học kỳ 1, 2 lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12), chia đều cho 5 phải đạt từ 6,5 trở lên mới đủ điều kiện sơ tuyển. Đây chỉ là điều kiện ban đầu, nếu muốn xét tuyển ĐH em vẫn phải tham dự thi kỳ thi THPT quốc gia. Trong trường hợp em là thí sinh tự do thì chỉ thi những môn trong tổ hợp môn của ngành đó.
Trước khi đăng ký xét tuyển vào 1 trường ĐH-CĐ, em cần xem kỹ điều kiện xét tuyển của trường, chẳng hạn có trường xét tuyển học bạ thì không cần phải thi, nếu trường sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì thí sinh phải thi.
Thạc sĩ Lâm Thành Hiển, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng tư vấn: Với việc xét tuyển riêng, thí sinh nên lưu ý có một số trường ghi rất rõ 2 hình thức: xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia hoặc xét theo học bạ. Tại phương thức xét học bạ, thì điều kiện phải tốt nghiệp THPT. Em có thể đăng ký cụm thi địa phương để xét tốt nghiệp, sau đó dùng học bạ xét ĐH. Có trường lấy điểm trung bình 5 học kỳ, có trường 6 học kỳ, cũng có trường chỉ 2 học kỳ lớp 12 như Trường ĐH Lạc Hồng…
Về việc xác định trúng tuyển, TS Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, về nguyên tắc các trường sẽ xét từ trên xuống dưới cho đến đủ chỉ tiêu. Ví dụ một ngành chỉ lấy 100 chỉ tiêu trong khi có 200 thí sinh nộp vào, thì điểm chuẩn sẽ tính đến thí sinh thứ 100 kể từ trên xuống dưới.
Bình luận (0)