Các chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin chi tiết giúp phụ huynh và học sinh nhận biết được các chương trình liên kết đào tạo quốc tế phù hợp. Các buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online sẽ sinh động, gần gũi và thực sự hiệu quả.
Buổi tư vấn trực tuyến truyền hình online đầu tiên sẽ diễn ra vào lúc 14 giờ 30 phút ngày 12.8. Buổi tư vấn sẽ có các chuyên gia đến từ nhiều trường, gồm: thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng Đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM; thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM; tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM; thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông.
Bạn đọc quan tâm có thể gửi câu hỏi bằng cách điền theo hướng dẫn bên cạnh hoặc đến tham dự trực tiếp tại tòa soạn Báo Thanh Niên (248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM).
Các trường có chương trình liên kết quốc tế muốn tham gia chương trình, liên hệ với cô Hà Ánh theo số điện thoại: 0919 841 873.
Toàn cảnh buổi tư vấn tư vấn trực tuyến truyền hình online - Ảnh: Khả Hòa
Mở đầu chương trình tư vấn trực tuyến truyền hình online chiều nay các thầy cô trình bày đôi nét về những chương trình mà trường mình đang thực hiện đào tạo. Cụ thể:
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Xin kính chào các quý vị phụ huỵnh, học sinh, cùng toàn thể ban tổ chức. Trước tiên xin chúc mừng các em học sinh vừa trải qua một kỳ thi vất vả. Giờ đây là lúc các em nhìn lại để có sự lựa chọn đúng đắn phù hợp cho tương lai.
Cách đây 20 năm, tôi cũng rất hồi hộp vì phải quyết định chọn một trường đại học để gắn bó trọn con đường. Đối với ước mơ du học hoặc tham gia chương trình quốc tế như chị Thùy Ngân đã chia sẻ, hiện nay chúng ta có nhiều cơ hội để lựa chọn.
Về phía Trường đại học Bách khoa TP.HCM, chúng tôi là một trong những trường công lập đi tiên phong trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, với các đối tác từ Úc, Mỹ, Nhật, Anh...
Chương trình liên kết đào tạo của trường đã trải qua 20 năm phát triển, nổi bật ở các khối ngành kỹ thuật và quốc tế.
Về định hướng phát triển, ngành kỹ thuật có các chương trình liên kết quốc tế đào tạo các ngành kỹ sư công nghệ thông tin, điện - điện tử, hóa dược, dầu khí, xây dựng. Về kinh tế thì có ngành quản trị kinh doanh. Đối tác của chúng tôi là những đối tác uy tín, thuộc top 200 trường đại học hàng đầu thế giới. Thời gian qua, đã có 500 sinh viên học chuyển tiếp các nước Úc, Mỹ, Nhật.
Trong năm 2013, trường có các chương trình ưu đãi ở các ngành kỹ sư dầu khí, hóa dược, quản trị kinh doanh. Đầu vào của các chương trình này là các thí sinh có kết quả thi đầu vào từ điểm sàn các ngành khối A, A1, B và D của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
|
Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Hiện tại Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM có một chương trình đào tạo liên kết quốc tế kết hợp với một trường đại học khá uy tín ở Mỹ, như là Đại học Missouri - St. Louis, Đại học Houston - Victoria. Đây là những trường đại học kinh tế hàng đầu của Mỹ. Chương trình này có điểm đáng chú ý là không tổ chức thi tuyển mà chỉ xét tuyển, chủ yếu là tiếng Anh. Chương trình này sẽ có hai năm đầu học ở Việt Nam, sau đó sẽ có hai năm học ở Mỹ.
Đáng chú ý, tham gia chương trình này, các bạn nào đạt điểm cao có thể xin học bổng của trường trực tiếp cấp. Giá trị của học bổng chiếm 50% học phí của chương trình. Rất nhiều anh chị học khá của khóa trước cũng đã xin được học bổng này.
|
Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Các học sinh không nhất thiết phải học chương trình ĐH, CĐ chính quy. Nếu có điều kiện cũng không nhất thiết phải học ở nước ngoài vì học phí cao. Chúng ta vẫn có thể học trong nước với chi phí rẻ hơn nhưng nhận bằng cấp quốc tế.
Hiện nay Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ có 2 đối tác chính thức liên kết là Trường ĐH Lincoln University (California, Hoa Kỳ) và Trường ĐH Mở Malaysia, liên kết từ năm 2009 và có giấy phép của Bộ GD-ĐT.
Trường Lincoln có thế mạnh đào tạo quản trị kinh doanh được kiểm định chất lượng tại Hoa Kỳ. Trường đào tạo trình độ cử nhân (3,5 năm); chương trình liên thông (học sinh, sinh viên đang học năm thứ 3, 4 hệ ĐH hoặc đang học CĐ tại Việt Nam có thể học liên thông 1 năm). Bằng cấp do trường ở Hoa Kỳ cấp.
Trường ĐH Mở Malaysia có thế mạnh đào tạo ngành quản trị kinh doanh, marketing, tài chính ngân hàng, quản trị nhân sự. Đây là một trong 7 trường hàng đầu tại Malaysia. Trường có chương trình cử nhân 3,5 năm và thạc sĩ 18 tháng; đầu vào là học sinh tốt nghiệp THPT; có kiểm tra tiếng Anh đầu vào nhưng không yêu cầu cao. Nhà trường sẽ bổ túc trong suốt quá trình học để sinh viên có đủ trình độ khi nhận bằng.
Năm nay, một điểm mới khá đặc biệt là các môn học đều có modun môn học do các ĐH Lincohn và Mở Malaysia thiết kế.
Học phí khi liên kết học với hai trường này như sau: khoảng 40 triệu/năm theo chương trình cử nhân; khoảng 70 triệu/năm cho chương trình thạc sĩ.
|
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Trường CĐ Viễn Đông trực thuộc Bộ GD-ĐT, nhờ nỗ lực tìm kiếm xây dựng mối quan hệ với nước ngoài đã giúp chúng tôi có được giấy phép liên thông với ĐH công lập Valdosta, bang Georgia, Mỹ (VSU) theo quyết định 3363/QĐ-BGDDT.
Chương trình này thực hiện theo phương cách 2 +2 nghĩa là hai năm học tại Viễn Đông và hai năm sau ở Mỹ. Trường VSU là một trường có uy tín, được công nhận trên thế giới nên người học có thể hoàn toàn yên tâm về môi trường giáo dục và khả năng tìm kiếm việc làm.
Học phí tại Viễn Đông mỗi năm là 3.000 USD chưa kể phí học tiếng Anh (nếu học viên chưa có bằng). Sau khi đậu giai đoạn 1, học viên sẽ sang học tại VUS 2 năm sau với học phí tính theo giá niêm yết trên website. Nếu không qua được giai đoạn này, học viên có thể được giảm học phí từ 20-40% tùy theo sức học.
Hiện nay có nhiều thông tin về các chương trình đào tạo quốc tế. Ông bà ta có câu trăm nghe không bằng một thấy. Muốn tìm hiểu thêm về chương trình đào tạo, học viên có thể tham dự trực tiếp các buổi học của Viễn Đông.
|
Tiếp theo chương trình nhà báo Thùy Ngân - Phó ban Giáo dục (Báo Thanh Niên) đặt vấn đề: Hầu hết chương trình liên kết mà các trường đang thực hiện đều thuộc dạng sandwich, nghĩa là 2+2: 2 năm học ở VN, 2 năm ở nước ngoài (hoặc vẫn tiếp tục tại VN). Thưa các thầy cô, vì sao các trường thường thực hiện theo mô hình này, lợi ích của nó?
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Mô hình này giúp sinh viên tham gia môi trường học tập quốc tế với chi phi tối ưu, chỉ bằng 1/2 so với học ở nước ngoài. Riêng với các chương trình liên kết của ĐH Bách khoa TP.HCM, các bạn sẽ được học ở các trường quốc tế uy tín, danh tiếng.
Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Người theo học sẽ được hỗ trợ mọi thủ tục, visa...
Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Sinh viên sẽ có điều kiện nâng cao trình độ ngoại ngữ, giao tiếp với người bản xứ, tiếp xúc với các giáo sư nước ngoài từ đó sinh viên có tư duy năng động, sáng tạo hơn.
Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Chương trình liên kết này có hai năm đầu học ở trong nước sẽ giúp các bạn sinh viên đủ chững chạc, chuẩn bị đủ hành trang cho việc học hai năm ở nước ngoài.
* Xin hỏi chương trình là làm thế nào để nhận biết được một chương trình quốc tế có uy tín và chất lượng? Cảm ơn. (Quang Minh, TP.HCM)
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Để tìm được chương trình có chất lượng thì các bạn cần lưu ý:
+ Hiện có hơn 200 trường được Bộ cho phép thì phải chắc chắn trường đó được Bộ GD-ĐT cho phép.
+ Tìm hiểu xem trường được liên kết phía bên kia có được chính quốc gia đó hoặc các tổ chức kiểm định chất lượng uy tín công nhận hay không.
+ Chắc chắn các chương trình liên kết đều có trụ sở đào tạo nên các bạn có thể tham quan trực tiếp, tìm hiểu thông tin thực tế qua sinh viên học tại đó,... Nên tìm hiểu những vấn đề về môi trường, cơ sở vật chất,... ngay tại trường đó.
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Câu hỏi này rất hay. Chúng tôi những người làm trong ngành giáo dục luôn hướng đến việc phát triển các điều kiện để đáp ứng câu hỏi này, tức là thẩm định chương trình quốc tế trong bối cảnh ngày càng thay đổi. Quan điểm của đại học Bách khoa TP.HCM là xây dựng chương trình dựa trên các tiêu chí sau:
- Chương trình đào tạo người học đạt được đầu ra đạt chuẩn quốc tế, thể hiện ở các khía canh: chất lượng kiểm định, đối tác liên kết thuộc các trường uy tín.
- Kiểm định chất lượng quốc tế với từng chương trình đào tạo.
- Môi trường học tập quốc tế: Hoàn toàn bằng tiếng Anh, đạt chuẩn quốc tế, tạo cơ hội tương tác với các sinh viên quốc tế. Ngay cả trong giai đoạn đầu ở VN, các sinh viên có thể giao lưu học tập với các bạn bè ở Đức, Mỹ, Campuchia, Lào...
- Đội ngũ giáo viên: Đội ngũ giáo viên giảng dạy phải là những người có trình độ giảng dạy được công nhận trên bình diện quốc tế. Các thầy cô tham gia giảng dạy đều tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng.
- Chất lượng đạt chuẩn quốc tế: Quản lý chất lượng đào tạo, xây dựng chất lượng đào tạo ở đẳng cấp quốc tế.
- Đảm bảo yếu tố quốc tế song phải xác định được bản sắc của sinh viên: Giúp sinh viên hiểu rõ bản sắc của mình trước khi hòa nhập môi trường hội nhập quốc tế. Mô hình 2+2 giúp củng cố bản sắc văn hóa, trang bị cho sinh viên sự năng động cả về tiếng Anh và giao tiếp để hội nhập môi trường học tập quốc tế.
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Thật sự đây cũng là điều mà rất nhiều PH-HS quan tâm khi chọn lựa một chương trình quốc tế để học.
Một chương trình quốc tế có uy tín và chất lượng đầu tiên phải là chương trình được Bộ GD-ĐT cấp phép và quản lý, đã được Bộ kiểm tra, sàn lọc và bằng cấp được công nhận. Sinh viên tốt nghiệp có thể liên thông thạc sĩ, tiến sĩ, đó là một lợi điểm.
Thứ hai là chất lượng kiểm định chất lượng giáo dục thông qua việc thường xuyên được xếp hạng bởi các website, tạp chí về giáo dục.
Ngoài ra, chúng ta có thể tìm hiểu sinh viên tốt nghiệp từ các chương trình này có việc làm tốt không, thu nhập tốt không để làm cơ sở đánh giá chất lượng của chương trình.
Giáo trình cũng phải do nước ngoài cung cấp cho đối tác Việt Nam. Các giáo sư, tiến sĩ giảng dạy tiếng Anh. Sinh viên sẽ được rèn luyện các kỹ năng như làm việc nhóm, thuyết trình, hùng biện, sinh hoạt ngoại khóa thường xuyên... Ngoài ra còn có thể có những dịch vụ tư vấn, chăm sóc chu đáo đến từng chi tiết.
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Việc nhận biết chương trình tốt hay không nghĩa là bạn đã thành công 60%. Người học cần kiểm tra những điểm chính như tính pháp lý của chương trình. Chương trình này có được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận hay không? Tìm hiểu qua mạng, qua các tổ chức đào tạo quốc tế về tầm cỡ của chương trình liên kết; tìm hiểu đơn vị liên kết ở nước ngoài và trong nước...
|
* Chào thầy Huynh. Con tôi hộ khẩu tại thành phố Buôn Ma Thuột, sinh sống và học phổ thông tại Buôn Ma Thuột, bố tôi là bệnh binh mất sức lao động 61%, như vậy khi nộp nguyện vọng 2 có được tính điểm ưu tiên khu vực không, và được bao nhiêu điểm ưu tiên? (Văn Mịnh, BMT)
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Theo như tôi hiểu thì tôi nghĩ bạn đang muốn nộp nguyện vọng bổ sung cho chương trình ĐH, CĐ chính quy trong nước. Trường hợp của bạn sẽ có 2 điểm ưu tiên: ưu tiên khu vực (đối với TP.Buôn Ma Thuột tính ra được cộng 1,5 điểm); đối tượng bố mất sức lao động được cộng 1 điểm nữa. Tổng điểm ưu tiên là 2,5 điểm.
* Chào thầy, cho em hỏi hiện Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM có các loại hình đào tạo như thế nào? Trường có chỗ ở cho sinh viên ở xa hay không? (Minh Tâm, BMT)
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Ngoài chương trình chính quy và liên kết quốc tế, trường còn có chương trình liên thông và chương trình đào tạo hệ vừa làm vừa học. Chương trình chính quy xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Hiện tại trường chưa có KTX nhưng có đội ngũ giới thiệu nhà trọ cho sinh viên và có liên kết với một số nhà trọ gần trường đối với các bạn ở tỉnh xa.
* Chương trình Đào tạo liên kết quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM có thực hiện việc giảng dạy trực tuyến hay không thưa cô Phương? (Phương Nhi, Vũng Tàu)
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Các chương trình liên kết quốc tế nói riêng và chương trình chính qui nói chung của đại học Bách khoa TP.HCM không thực hiện việc giảng dạy trực tuyến. Hệ thống hỗ trợ trực tuyến của trường dùng để hỗ trợ trong quá trình học trực tiếp. Hệ thống hỗ trợ trực tuyến cho phép sinh viên tương tác, trao đổi với các thầy cô, bạn bè về các bài giảng, tài liệu học tập. Ngoài ra, có một số môn học thầy cô có thể tổ chức làm bài trực tiếp trên hệ thống hỗ trợ trực tiếp. Tuy nhiên về mặt chính thức của trường là giảng dạy trực tiếp.
* Xin hỏi điều kiện để vào học chương trình liên kết quốc tế của Trường Bách khoa là gì? Tuyển sinh đầu vào phỏng vấn trực tiếp vậy nội dung phỏng vấn bao gồm những gì? Và tương đương trình độ tiếng Anh như thế nào? Cảm ơn cô. (Hải Oanh, Đà Lạt)
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Đầu vào các chương trình của trường là đạt điểm sàn đại học của kỳ thi ĐH 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với khối A và A1 là 13 điểm, khối B là 14 điểm, khối D là 13,5 điểm.
Trong một số trường hợp đặc biệt khi học sinh chưa đạt điểm sàn, trường sẽ tổ chức kỳ thì đầu vào riêng với ba môn toán, lý, hóa... Năm nay kỳ thi này được tổ chức vào ngày 28.8. Hiện nay, các lớp đang được tập trung ôn luyện.
Trình độ tiếng Anh đầu vào của trường là IELTS 6.0. Nếu đạt được chuẩn này thì các em có thể vào học chính khóa. Trường hợp chưa đạt chuẩn, các em có thể tham dự một học kỳ chuẩn bị đại học (Pre-University), trong đó các em được đào tạo về tiếng Anh và các kỹ năng mềm. Sau đó, nếu đạt chuẩn các em sẽ được vào học chính khóa. Nếu không thì tiếp tục học Pre-University.
* Cho em hỏi em thuộc khu vực nông thôn có cộng điểm không ạ, em được 10,5 thi ĐH khối B, em có thể nộp hồ sơ vào trường HUTECH theo các chương trình quốc tế không ạ? (Tân Thành)
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Điều kiện đầu vào các chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM là chỉ yêu cầu thí sinh tốt nghiệp THPT, thi ĐH-CĐ không trúng tuyển, dưới điểm sàn đều có cơ hội.
Về tiếng Anh đầu vào, chúng tôi cũng không yêu cầu cao, dù có kiểm tra sơ qua. Nói chung yêu cầu đầu vào, chúng tôi không giới hạn nhiều, chủ yếu là trong quá trình đào tạo, thí sinh có khả năng giao tiếp tiếng Anh, có thể nghe hiểu được vì trong quá trình giảng dạy, giáo viên bản xứ sẽ dạy bằng tiếng Anh.
Vì thế, nếu bạn được 10,5 thi ĐH khối B, bạn vẫn có thể nộp hồ sơ vào bất cứ ngành nào trong các chương trình liên kết quốc tế của chúng tôi, miễn là có mong muốn và khả năng tiếng Anh.
|
* Em học lớp 12 không thi đại học có thể học trường HUTECH mình được không ạ? (Nguyễn Thành Công, Hà Tĩnh)
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Được! Vì theo yêu cầu đầu vào, bạn có thể tham gia các chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM với thời gian học thường là 3,5 năm tùy theo ngành.
* Em đang học 12 và muốn nghỉ học để học nghề. Vậy em có thể theo học các trường cao đẳng liên kết quốc tế không? Chi phí học tập và thủ tục nhập học như thế nào? Em cám ơn cô. (Ngọc Hân, Hậu Giang).
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Hiện trường có 2 hệ cao đẳng là cao đẳng chính quy và cao đẳng nghề. Theo quy định muốn học cao đẳng thì người học phải học xong lớp 12, có bằng tú tài. Do đó em nên ráng học xong lớp 12 rồi mới đăng ký học cao đẳng, kể cả cả đẳng liên kết quốc tế.
* Trường CĐ Viễn Đông chỉ tiêu tuyển sinh NV2, liên kết quốc tế khi tốt nghiệp bằng cấp của VN hay quốc tế ạ? (Nguyễn Thành Trung, Quảng Ninh)
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Hiện ở trường CĐ Viễn Đông, sinh viên phải học 2 năm ở trong nước, 2 năm học ở nước ngoài. Bằng cấp sẽ do Trường Valdosta ở Mỹ cấp. Trong trường hợp em không đủ sức khỏe hay vì lý do gì đó không sang Mỹ học được, em có thể học trong nước và được Trường CĐ Viễn Đông cấp bằng; bằng cao đẳng nghề sẽ do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cấp.
* Em xin hỏi sau này em có nguyện vọng học chương trình liên kết quốc tế. Nhưng các đơn vị không làm đúng cam kết, bỏ rơi e, thì em phải liên hệ với đơn vị nào để về nước? (Học sinh tại hội trường)
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Với trường hợp các em bị bỏ rơi khi tham gia chương trình 2+2 lúc ở Việt Nam, để trường hợp bỏ rơi không xảy ra thì trước tiên khi ra quyết định, hãy lựa chọn chương trình thật kỹ, dựa trên việc tham khảo các tiêu chí mà các thầy cô vừa mới tư vấn.
Ở giai đoạn chuyển tiếp thì các trường đều có khả năng lo cho các em ra nước ngoài nếu các em đạt được điểm số, tiếng Anh, khả năng tài chính. Tuy nhiên, cũng có trường hợp rủi ro bất khả kháng, chẳng hạn vấn đề cấp visa ở một số nước.
Với trường hợp bị bỏ rơi khi theo học tại trường đối tác, thì các em cần phải làm việc chặt với cơ quan quản lý là Văn phòng Sinh viên Quốc tế. Các yếu tố dẫn đến tình trạng bị bỏ rơi rất hiếm hoi, trừ khi chúng ta chưa tuân thủ một số quy định trong chương trình. Trong trường hợp bất khả kháng xảy ra thì hãy bình tĩnh liên hệ với trường cũ để tìm các đầu mối tháo gỡ khó khăn.
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Kinh nghiệm của tôi cũng chưa thấy trường hợp bỏ rơi nào xảy ra như vậy. Một khi lựa chọn chương trình liên kết, giống như đã trình bày, các bạn sẽ được rèn luyện các kỹ năng mềm, các bạn cần vận dụng kỹ năng để tồn tại ở nước ngoài.
Các bạn hãy giữ liên lạc với Văn phòng Quản lý Sinh viên Quốc tế và những đầu mối mà các bạn chắc chắn sẽ được cung cấp trước khi ra nước ngoài. Ngoài ra, tất cả các mối quan hệ ở Việt Nam, các bạn phải giữ kỹ để phòng trường hợp có sự cố. Tóm lại các bạn cần phải rèn luyện các kỹ năng sống ở nước ngoài.
Tại các nước, đa phần đều có các đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Việt Nam. Đó là những nơi các bạn có thể liên hệ ngay mỗi khi có trường hợp bất khả kháng xảy ra. Họ sẽ tìm cách tốt nhất để giúp đỡ các bạn.
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Đối với những chương trình liên kết quốc tế tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, các kế hoạch được xây dựng trước và tư vấn cho các em các thủ tục, hành trang, kinh nghiệm trước khi ra nước ngoài. Trường hợp bị bỏ rơi là trường hợp hy hữu vì các chương trình uy tín rất khó xảy ra nên các em có thể yên tâm.
Các chương trình liên kết quốc tế của trường đều có cử người đi theo trong thời gian đầu để hỗ trợ chỗ ăn, ở cho sinh viên. Nếu trường hợp học chương trình liên kết hoàn toàn trong nước thì chắc chắn không có tình trạng bỏ rơi này. Cơ sở đào tạo chính đều có đầy đủ cơ sở vật chất và điều kiện.
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Cách đây gần 1 năm, tôi nhớ có nhiều chương trình liên kết có tiếng với các trường ở nước ngoài bị ngưng đào tạo và nhiều em bị bỏ rơi hoặc phải sang nước ngoài học tiếp, hoặc bị mất tiền.
Đối với các chương trình chúng ta đề cập mà có Bộ GD-ĐT kiểm định thì không phải lo bị ngưng giữa chừng.
Nếu bị bỏ rơi, có thể là trường hợp: + Các bạn học xong 2 năm ở Việt Nam, sang Mỹ học tiếp 2 năm. Khi đi Mỹ phải đạt IELTS cao hơn năm nhất và năm hai. Nếu các bạn phấn đấu nhưng không đạt theo yêu cầu thì phải mất thời gian phải học cho tới khi đạt.
+ Hay có bạn đi xin visa nhưng lo không biết chắc chắn được cấp visa hay không, đặc biệt là Lãnh sự quán Mỹ. Theo kinh nghiệm của tôi, đối với các bạn phỏng vấn đi du học, tự tin, tiếng Anh tốt, giao tiếp tốt thì càng dễ đậu. Vì vậy, với bạn nào Khi đã bước vào học chương trình liên kết thì phải chuẩn bị bản thân có trình độ tốt, nhất là tiếng Anh và kỹ năng giao tiếp tốt. Lúc đó bạn sẽ dễ dàng bước ra nước ngoài học tiếp các năm còn lại.
* Em muốn hỏi khi đi học ở nước ngoài, có cơ hội thực tập nghề nghiệp thì khi học xong, mình có được ở lại làm công việc đó nữa hay không? (Một bạn đọc)
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Ở đây, chúng ta đang bàn đến cơ hội nghề nghiệp sau khi học ở nước ngoài. Câu trả lời của tôi là có hoặc không.
Đối với các nước như Úc và Mỹ thì sau khi tốt nghiệp, sinh viên được ở lại 2 năm nếu có thể xin được việc. Một số ngành có sự ưu tiên hơn với việc tuyển dụng nhân lực nước ngoài như kỹ thuật, CNTT, luật... còn những ngành khác thì mức ưu tiên thấp hơn.
Tuy nhiên, khả năng tìm việc làm hoàn toàn phụ thuộc kết quả học và sự thể hiện bản thân của các bạn, việc các bạn có thích nghi với môi trường và cường độ làm việc hay không. Một phần khác phụ thuộc chính sách nước đó nhưng bản thân bạn vẫn là yếu tố quyết định.
Theo thông tin mà tôi nhận được từ các cựu sinh viên tham gia các chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì đa số các anh chị đều có khả năng ở lại làm tiếp hoặc học lên chương trình thạc sĩ.
|
* Con tôi đã đậu chính quy đại học Bách Khoa, nay muốn học chương trình quốc tế, nếu sau hai năm cháu không thích đi học nước ngoài nữa thì có thể quay lại học chương trình trước đây hay không? (Minh Phụng)
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Câu trả lời là được. Ngay khi làm hồ sơ nhập học, em hãy làm bảo lưu kết quả tại khoa mà em trúng tuyển, Văn phòng liên kết quốc tế sẽ hỗ trợ để chuyển kết quả học tập của em.
* Con tôi đậu khoa Điện tử đại học Bách Khoa, hiện theo học chương trình liên kết với Nhật là chương trình 2,5+2, cháu có thể tìm học bổng du học ngay từ năm 2 được không? (Bạn đọc ở Vũng Tàu)
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Quy định chuẩn của chương trình liên kết với đại học Nagaoka ở Nhật là các em phải hoàn thành 5 học kỳ tại đây trong 2,5 năm để đảm bảo hoàn thành tín chỉ sau đó mới chuyển tiếp sang Nagaoka. Trong thỏa thuận, chúng tôi chưa xét các trường hợp như em nói, nghĩa là các em phải hoàn thành 5 học kỳ tại Việt Nam.
Tôi muốn chia sẻ thêm là vì chương trình liên kết giữa trường và đại học Nagaoka tương đối cứng, nên các em không nên vội vã ra nước ngoài chỉ sau một học kỳ vì các em cũng phải hoàn thành các tín chỉ theo chương trình. Mà học tại nước ngoài thì chi phí cao hơn. Tốt nhất là cứ bình tĩnh hoàn thành chương trình bên này với kết quả tốt nhất trước khi ra nước ngoài.
* Tôi được biết mức học phí của Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM rất cao. Vậy chương trình giảng dạy của trường khác các trường đại học trong nước như thế nào? Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM là trường công lập hay dân lập? Học phí một năm học là bao nhiêu. Xin cám ơn. (Hoa, Bình Dương)
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Hiện học phí đóng tại chương trình liên kết phải đóng ba học kỳ trong một năm, gồm 2 học kỳ chính và 1 học kỳ phụ. Hai học kỳ chính là 35 triệu đồng/kỳ, học kỳ phụ là 17,5 triệu đồng/học kỳ.
Trường cũng có những học bổng dành cho học sinh giỏi, có tiếng Anh tốt. Thậm chí có những học bổng toàn phần 100% trong vòng hai năm cho những đối tượng này. Ngoài ra, trường cũng có những học bổng giá trị 50% học phí dành cho học sinh của tất cả trường chuyên trong cả nước tham gia chương trình. Còn với những học sinh các trường phổ thông liên kết với trường khi nộp đơn học sẽ được giảm 10 triệu đồng.
* Sinh viên các chương trình đào tạo quốc tế có thể vay tiền ngân hàng đóng học phí hay không? Thủ tục thế nào? Cảm ơn. (Phương Phương, An Giang)
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Hiện nay trường cũng hỗ trợ sinh viên trong vấn đề làm thủ tục vay tiền đóng học phí những chương trình liên kết quốc tế. Về thủ tục cụ thể, các em nên tìm hiểu tại trường ở địa chỉ 92 Nguyễn Đình Chiểu, Q.1, TP.HCM.
* Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM (HUTECH) liên kết với trường ở Malaysia thì chương trình học là bao quát kiến thức theo chuẩn Malaysia hay theo hệ thống nào? Học phí như thế nào? Các chính sách hỗ trợ học sinh ra sao? (Nhóm thầy cô ở Biên Hòa Đồng Nai)
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Về vấn đề học phí: Học phí ở HUTECH khoảng 30 - 40 triệu/năm. Sinh viên có thể đóng nhiều đợt, nhiều học kỳ.
Với chương trình liên kết: Liên kết với Trường ĐH Lincoln thì 2,5 năm đầu có mức học phí khoảng 40 triệu/năm; 130 triệu/năm với 2 năm cuối. Các chương trình đào tạo của ĐH Mở Malaysia thì 3,5 năm là 160 triệu/trọn gói, đóng làm nhiều đợt.
Về chính sách hỗ trợ: Sau khi sinh viên hoàn thành thủ tục nhập học, đóng học phí sẽ được xác nhận là sinh viên của trường để vay vốn ngân hàng hoặc có chế độ chính sách khác như cung cấp tài liệu học tập miễn phí, tặng bảo hiểm y tế, xét trao học bổng, hỗ trợ sinh viên. Ngoài ra, các em có những quyền lợi tham gia đầy đủ các phong trào thể dục thể thao, văn nghệ hoặc vào thư viện trường,...
Về vấn đề bằng cấp: Bằng cấp liên kết tại HUTECH đều có giá trị quốc tế và được Bộ GD-ĐT công nhận. Nếu các bạn được học với giảng viên nước ngoài hoặc đi nước ngoài sẽ thể hiện sự năng động, có kỹ năng giao tiếp tiếng Anh tốt,...
Về chương trình đào tạo: Toàn bộ chương trình đào tạo của Malaysia với HUTECH do phía Malaysia cung cấp. Toàn bộ chương trình đào tạo thiết kế theo chuẩn của Malaysia và xây dựng theo chuẩn quốc tế vì các trường ở Malaysia thiết kế theo chuẩn các trường ở Mỹ.
* Xin cho hỏi Trường CĐ Viễn Đông có chính sách gì cho sinh viên theo học các chương trình liên kết quốc tế và học phí mỗi năm là bao nhiêu?
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Về học phí, có hai giai đoạn. Khi bạn học tại Trường CĐ Viễn Đông trong 2 năm đầu, học phí là 3.000 USD/năm, có thể đóng theo từng học kỳ.
Còn về chuyện hỗ trợ, chúng tôi đã làm việc với ngân hàng và các sinh viên theo học những chương trình liên kết quốc tế của trường có thể nhận được khoản vay hỗ trợ từ Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB).
Ở giai đoạn hai, học phí sẽ tính theo niêm yết trên trang web của ĐH công lập Valdosta, bang Georgia, Mỹ (VSU). Tuy nhiên, các bạn sẽ được hỗ trợ, giảm học phí từ 20-40% tùy năng lực nhưng an tâm là mức học phí này thấp hơn các sinh viên quốc tế khác.
Ngoài ra, ở trường, chúng tôi tạo điều kiện cho sinh viên có thể đóng học phí theo từng học kỳ hoặc cả năm học để các bạn có thể chủ động trong việc chuẩn bị kế hoạch tài chính. Trong trường hợp các bạn gặp khó khăn có thể gọi điện đến số điện thoại của trường để được tư vấn hoặc theo dõi các thông tin trên website của trường.
* "Về vấn đề việc làm sau khi ra trường, xin các thầy cô có thể thông tin cho bạn đọc biết tình hình việc làm và phải chăng SV sẽ có việc làm tốt hơn sau khi nhận bằng tốt nghiệp từ chương trình này?", nhà báo Thùy Ngân đặt vấn đề với các khách mời.
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Ánh Phương, Phó giám đốc Văn phòng đào tạo quốc tế Trường ĐH Bách khoa TP.HCM: Môi trường quốc tế sẽ cho em bản lĩnh, trải nghiệm, giúp các em có cơ hội trưởng thành. Cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn với các em do các bản lý lịch tự tin, khả năng giải quyết vấn đề của ứng viên chứ không chỉ bằng cấp, điểm số.
Các em từng học ở nước ngoài hay các chương trình liên kết quốc tế sẽ đem lại thuận lợi vốn tiếng Anh thuần thục. Từ đó giúp các em tỏa sáng hơn khi phỏng vấn xin việc làm.
Qua theo dõi, chúng tôi thấy những bạn đã tham gia chương trình liên kết quốc tế có sự trưởng thành, tự tin, trải nghiệm so với thời gian trước đây các em học ở trong nước. Điều này sẽ giúp cho các bạn có được những thuận lợi ở trong cuộc sống tương lai.
Đến nay qua thống kê có khoảng 10% số sinh viên theo học các chương trình liên kết quốc tế bỏ cuộc giữa chừng. Đa phần nguyên nhân xuất phát từ lý do tài chính. Do đó khi quyết định học, gia đình cần xem xét kỹ về khả năng tài chính.
Tuy nhiên, do các chương trình liên kết quốc tế của ĐH Bách khoa TP.HCM có điểm sàn khá cao nên trong trường hợp không đi hết chương trình thì cánh cửa vào các trường ĐH khác vẫn mở ra đối với các em. Trong trường hợp không muốn học ở Mỹ, các em vẫn có thể chọn một số trường quốc tế gần như các trường ở Malaysia.
- Thầy Phạm Như Huynh, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM: Hiện tại thực tế chương trình liên kết của Trường Kinh tế tài chính TP.HCM bắt đầu từ năm 2010, tức là các sinh viên đang ở năm thứ ba, nên chưa thể thống kê được số liệu về việc làm.
Về việc làm thì để chuẩn bị cho các sinh viên cả ở trong nước và sinh viên liên kết, trường đã thành lập Phòng quan hệ doanh nghiệp, là đơn vị chịu trách nhiệm liên hệ giới thiệu thực tập và giới thiệu việc làm cho sinh viên của trường. Trường có nhiều mối liên hệ với nhiều doanh nghiệp, cả nhà nước và các công ty đa quốc gia, ngân hàng, các tổ chức, quỹ tín dụng. Đây là nguồn để giới thiệu việc làm cho các sinh viên.
Tôi tán đồng ý kiến của đại diện trường đại học Bách Khoa là chúng ta không thể tiên liệu được vấn đề tài chính. Đây là vấn đề nan giải khiến một số bạn bỏ ngang vì chúng ta không thể biết được tương lai về tài chính. Do đó, một khi xác định theo học, thì nên đầu tư chuẩn bị kỹ về tài chính.
Về cơ hội cho những sinh viên bỏ ngang thì tùy theo đầu vào. Ví dụ đầu vào có điểm sàn ĐH thì có thể dễ dàng học các chương trình trong nước. Nếu chỉ tốt nghiệp THPT mà bỏ giữa chừng thì có các chương trình liên kết khác trong nước có thể tham gia được như Trường ĐH Mở Malaysia. Tùy theo chương trình mà học theo lại từ đầu hoặc miễn các môn đã học.
- Tiến sĩ Lưu Thanh Tâm, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM: Về cơ hội việc làm, hầu hết những sinh viên học các chương trình liên kết quốc tế đều có cơ hội việc làm rất tốt. Đa số các em học xong thì làm việc trong các công ty, doanh nghiệp nước ngoài.
Các doanh nghiệp liên kết đầu tư nước ngoài - Việt Nam cũng thường ưu tiên các sinh viên này vì vốn tiếng Anh tốt, khả năng nói năng lưu loát, kỹ năng giao tiếp thành thạo, năng động trong việc giải quyết vấn đề...
Ngoài ra, hầu hết các sinh viên này trưởng thành trong gia đình có điều kiện nên chính gia đình giúp các em lo chuyện việc làm sau khi các em tốt nghiệp. Bản thân sinh viên quốc tế cũng bản lĩnh tự tin hơn khi tìm việc thông qua các trung tâm hỗ trợ việc làm.
Đặc biệt, các sinh viên này do được chăm sóc tốt trong môi trường quốc tế nên thường có hoạt động nổi bật, có thu nhập cao, giữ vị trí quan trọng trong các công ty nước ngoài.
Riêng ở các chương trình liên kết quốc tế tại Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM thường ít thấy trường hợp sinh viên bị bỏ rơi. Có thể có 2-3 sinh viên không theo kịp chương trình hoặc do khả năng tài chính nên bỏ giữa chừng hoặc do chọn lựa ban đầu không phù hợp. Với trường hợp này chúng tôi có những chương trình liên kết quốc tế khác với chi phí thấp hơn mà vẫn đạt chuẩn.
- Thạc sĩ Nguyễn Hồng Trang, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông: Các em mong muốn học chương trình 2+2: Trường hợp bất khả kháng không may mà không thể tiếp tục đi học nước ngoài thì có thể tiếp tục để học lấy bằng chính quy tại trường tùy thuộc vào đầu vào mà lấy bằng chuyên nghiệp hay bằng nghề.
Khả năng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp: Ví dụ ĐH công lập Valdosta (Hoa Kỳ) có thể ở lại Mỳ 1 - 2 năm nếu có việc làm. Các em hoàn toàn có thể tìm việc ở nước ngoài. Khi quay về Việt Nam thì có lợi thế lớn nhất là: Khi các bạn tự dấn thân, tự lo liệu cuộc sống ở nước ngoài thì các bạn đã có được kinh nghiệm và bản lĩnh khi làm việc ở Việt Nam. Một yếu tố nữa các bạn nên chú ý để giúp các bạn thành công là các bạn phải tìm hiểu được thực tế doanh nghiệp và hòa mình vào đó sau khi ra trường.
Về học phí: Đối với một số gia đình thì cha mẹ đã chuẩn bị một khoản để lo học phí cho con. Với ĐH công lập Valdosta, học phí niêm yết khoảng 19.000 USD/năm. Nhưng nếu học liên kết tại Trường CĐ Viễn Đông thì khoảng 13.000 - 14.000 USD/năm.
Xem clip toàn cảnh buổi trực tuyến:
|
|
|
|
|
|
|
|
Thanh Niên Online
Bình luận (0)