Tư vấn trực tuyến "Viêm họng - Những điều cần biết"

20/08/2010 09:00 GMT+7

(TNO) Nhằm trang bị những kiến thức cần thiết cho độc giả về bệnh viêm họng, một căn bệnh rất phổ biến ở nước ta, thường gặp đối với mọi người ở nhiều lứa tuổi khác nhau, Thanh Niên Online đã phối hợp với Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe TP.HCM tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến với chủ đề “Viêm họng - Những điều cần biết” vào lúc 14 giờ ngày 20.8.

Tại buổi tư vấn, khách mời của chương trình, bác sĩ Võ Quang Phúc - Phó Giám đốc bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM đã giải đáp tường tận những thắc mắc của bạn đọc về nguyên nhân, triệu chứng, một số kinh nghiệm điều trị… bệnh viêm họng.
 
Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc của vùng hầu họng do nhiều nguyên nhân khác nhau như ô nhiễm môi trường, khi thời tiết thay đổi bất thường mà người bệnh không phòng bị kịp. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phổi, hoặc xa hơn là thấp tim, viêm khớp, viêm thận...

Chương trình trực tuyến “Viêm họng - Những điều cần biết” do Công ty Boehringer Ingelheim tài trợ.

Đại diện báo Thanh Niên (bìa trái) tặng hoa cho các khách mời tham dự chương trình - Ảnh Thanh Hải

* Con tôi bị đau họng, nhưng chưa có biểu hiện sốt. Đưa cháu đi bệnh viện khám, bác sĩ kê toa cho con tôi 2 loại thuốc kháng sinh và kháng viêm. Nếu chưa sốt, có cần thiết phải uống thuốc kháng sinh không? Và cần phải làm gì nếu không muốn bé phải uống thuốc kháng sinh khi chưa cần thiết. Cám ơn bác sĩ. (Lan Anh)

- BS Võ Quang Phúc - Phó Giám đốc bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM: Viêm họng thì khoảng 80% do nhiễm siêu vi thường là do cảm cúm và nó tự hết sau 3-4 ngày mà không cần điều trị. Thông thường thì sử dụng Paracetamol thì sẽ hết. Chỉ dùng kháng sinh sau 3-4 ngày nhưng bệnh không giảm mà có biểu hiện sốt kèm theo ho, sốt hạch cổ thì lúc đó mới dùng kháng sinh. Không nên sử dụng kháng sinh khi không có chỉ định của bác sĩ vì điều đó sẽ gây ra lờn thuốc và có tác dụng phụ của kháng sinh như tiêu chảy hoặc dị ứng biểu hiện là mận đỏ ở da.

* Chào bác sĩ, em 24 tuổi thường bị viêm họng, em có biết về sản phẩm Lysopaine qua sự giới thiệu của nhà thuốc. Nhân dịp này, xin bác sĩ cho biết thêm thành phần, công dụng điều trị của sản phẩm Lysopaine để em biết cách sử dụng cho đúng cách. (Anh Thư, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Lysopaine là loại thuốc ngậm thông dụng thường được bán ở các nhà thuốc tây dùng để điều trị viêm họng. Thành phần của thuốc bao gồm:

• Bacitracine là một loại kháng sinh dùng tại chỗ có tác dụng kháng khuẩn.

• Papaine là một loại enzyme phân hủy protein chiết xuất từ trái đu đủ có tác dụng kháng viêm, làm tan nhầy, nhớt, và tiêu hủy các độc tố của vi khuẩn.

• Lysozyme là một loại enzyme làm tiêu hủy các vách tế bào của vi khuẩn.

• Cetylpyridinum chloride là một loại hóa chất có tác dụng tiêu hủy vi khuẩn.

Với các thành phần như vậy Lysopaine có tác dụng kháng khuẩn, kháng virus, kháng viêm.

Để điều trị viêm họng một cách đơn giản, có hiệu quả ít tốn kém thì nên ngậm nước muối ngày khoảng 3 lần, nhất là sau khi đánh răng, hoặc vào buổi tối. Cách pha nước muối có hiệu quả là 1 muỗng cà phê muối + 500ml nước ấm khoảng 40 độ, nếu pha loãng quá thì không tác dụng, còn nếu pha quá mặn sẽ làm hư niêm mạc họng

Lysopaine thường được dùng trong điều trị viêm họng do cảm cúm, nếu trường hợp viêm họng nặng hơn thường phải kết hợp với các loại kháng sinh, giảm sốt, giảm đau hoặc corticoid. Việc phối hợp các loại thuốc trên phải do bác sĩ chỉ định tùy theo mức độ của viêm họng khi khám bệnh.

* Mẹ tôi bị viêm họng, ngứa cổ đã hơn 1 năm, đã đi nhiều bác sĩ và dùng nhiều loại kháng sinh nhưng không hết. Đã đi nội sội kết quả là viêm họng hạt. Xin hỏi: đốt điện thì có hết hẳn hay sẽ tái lại viêm họng hạt, nếu dùng thuốc thì dùng loại nào? Cám ơn bác sĩ! (Tran Ngoc Bich, Rach Gia, Kien Giang)

- BS Võ Quang Phúc: Trước đây, để điều trị viêm họng, ngoài việc dùng thuốc kháng sinh, giảm đau, thuốc ngậm, các BS thường dùng các thủ thuật như là đốt điện, tiêm thuốc kháng viêm vào trong họng, nhưng ngày nay có những loại thuốc có thể làm giảm các triệu chứng của viêm họng rất có hiệu quả nên rất ít khi sử dụng các thủ thuật trên. Việc đốt họng về lâu dài sẽ gây ra sẹo xơ vùng họng và gây cảm giác rất khó chịu về sau.

Viêm họng mạn thường có nhiều nguyên nhân: viêm Amidan mạn tính, do trào ngược dịch vị bao tử lên vùng họng và hạ họng, do viêm mũi xoang do dịch tiết từ mũi sẽ xuống họng. Để có thể điều trị nguyên nhân thì đề nghị chị đi đến khám ở những bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Có thể điều trị đơn giản tại nhà bằng cách ngậm nước muối pha loãng theo công thức một muỗng cafê cộng với nửa lít nước ấm 40 độ và súc họng ngày 3 lần, nhất là sau khi ăn tối và chuẩn bị đi ngủ.

Cần lưu ý rằng nếu pha loãng nước muối thì không có tác dụng, còn nếu quá mặn thì sẽ gây ra tổn thương niêm mạc cổ họng. Nếu có đau dạ dày thì không nên ăn và uống 2 giờ trước khi ngủ để tránh cho bao tử làm việc và sẽ trào ngược dịch vị lên thực quản và họng. Tối ngủ nằm gối cao. Đây là phương pháp chữa trị có hiệu quả đơn giản và ít tốn kém.

* Tôi được biết Lysopaine là một loại thuốc sát khuẩn họng dạng ngậm rất hiệu quả. Con tôi 8 tuổi có thể dùng thuốc này không? Khi dùng, nếu chẳng may bé không ngậm mà nhai thì có sao không? (Nguyệt Thu, Đồng Nai)

- BS Võ Quang Phúc: Lysopaine được sử dụng cho người lớn và trẻ trên 6 tuổi, với liều lượng từ 3 - 6 viên/ngày. Thuốc sẽ phát huy tác dụng nhờ vào việc ngậm dưới lưỡi bởi vì ở đây có rất nhiều mao mạch. Niêm mạc dưới lưỡi thường mỏng nên khi ngậm thuốc sẽ ngấm qua niêm mạc và lan tỏa vào toàn bộ niêm mạc vùng họng. Thời gian dùng thuốc từ 5 - 7 ngày vì nếu sử dụng lâu dài sẽ tiêu diệt các vi khuẩn cộng sinh có lợi trong vùng họng miệng.

Thuốc được khuyên không nên sử dụng cho phụ nữ có thai nhất là trong 3 tháng đầu và 3 tháng cuối của thai kỳ và cho con bú. Tuy hiện tại chưa có tài liệu nghiên cứu nào xác định lysopaine có khả năng gây hại cho thai nhi và trẻ nhũ nhi, nhưng để an toàn các nhà bào chế khuyên không sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

BS Võ Quang Phúc (trái) đang tư vấn trực tuyến cho bạn đọc - Ảnh Thanh Hải

* Kính chào chương trình, tôi rất hay bị viêm họng, lúc trước mỗi lần đau họng là tôi bị sốt ê ẩm mình mẩy. Sau này không còn đau họng mà chỉ khàn giọng đàm nhiều trong họng, sau đó đậm đặc trong mũi (đàm có màu vàng xanh). Sau khoảng 1 tuần đến 10 ngày thì tự khỏi. Xin hỏi: nếu tôi không chữa trị gì cứ để tự khỏi thì sau này có ảnh hưởng gì không? Liệu viêm họng có chuyển sang hen phế quản không? Có lần tôi ho kéo dài sau đó mỗi khi thở hoặc hít thì đều kéo theo tiếng rít, mặc dù tôi không cảm thấy khó thở. Đi khám bác sỹ chuẩn đoán tôi bị hen và có cho uống thuốc giản phế quản, từ đó tôi mới khỏi. Sau này thỉnh thoảng tôi vẫn nghe thấy tiếng rít đó. Vậy tôi có bị hen không? Xin cảm ơn. (Nguyễn Thị Ngọc Phụng, 30 tuổi, CN, Vĩnh Lộc, Bình Chánh)

- BS Võ Quang Phúc: Khi viêm họng và bị sốt ê ẩm mình mẩy thường là do nhiễm siêu vi, nếu viêm họng có đàm hoặc nhầy màu xanh thường là do nhiễm vi khuẩn, khi đó cần phải sử dụng thuốc kháng sinh, kháng viêm ngậm họng theo chỉ định của BS.

Theo câu hỏi của chị, khi có ho kéo dài kèm theo tiếng rít thì nghi ngờ đến biến chứng của viêm họng, là viêm thanh quản, phế quản dạng hen. Bạn nên đến BS tai mũi họng và BS hô hấp để cùng phối hợp điều trị.

* Xin chào BS Võ Quang Phúc. Tôi bị ho gần một tuần nay rồi, đến giờ vẫn chưa khỏi. Thỉnh thoảng bị chảy máu cam rất khó chịu. Mũi bị nghẹt nhiều ngày liên tục (tôi đã mổ viêm xoang cách đây 2 năm rồi), trong cổ sáng ngủ dậy có đờm kèm nhức đầu. Xin BS cho biết bệnh gì, nguyên nhân và cách điều trị. Cảm ơn. (Nguyễn Văn Thảo, 34 tuổi, CNV, Đà Nẵng)

- BS Võ Quang Phúc: Anh thân mến, anh đã mổ viêm xoang cách đây 2 năm. Hiện tại mũi bị nghẹt nhiều và chảy máu cam, có thể là do viêm xoang tái phát. Các dịch nhầy trong mũi sẽ chảy ngược lại trong họng và sẽ gây ra ho (viêm phế quản). Trong viêm xoang tái phát sẽ gây ra phù nề, viêm mạc xoang và sẽ gây ra nhức đầu. Bạn nên đến khám lại ở chuyên khoa tai mũi họng để có cách điều trị thích hợp.

* Tôi đang mang thai tuần thứ 37 nhưng bị viêm họng. Tôi có thể dùng thuốc ngậm Lysopaine được không? Thuốc có ảnh hưởng gì đến thai nhi không? Xin giải đáp giúp tôi. Xin chân thành cảm ơn. (Hoàng Dung, Vũng Tàu)

- BS Võ Quang Phúc: Thuốc ngậm Lysopaine rất thông dụng để điều trị viêm họng và có thể tìm kiếm ở bất kỳ nhà thuốc tây nào. Thuốc Lysopaine có công thức gồm loại thuốc kháng sinh tại chỗ, một chất kháng viêm chiết suất từ cây đu đủ. Thuốc Lysopaine có 3 tác dụng là: chống nhiễm trùng và giảm viêm, thường được dùng để điều trị những trường hợp viêm họng thông thường, hoặc sau cảm cúm.

Hiện tại, chưa có một công trình nghiên cứu nào nói đến sự ảnh hưởng của thuốc đối với phụ nữ mang thai và cho con bú, nhất là ở 3 tháng đầu của thai kỳ, và 3 tháng cuối của thai kỳ. Nhưng để an toàn người ta khuyến cáo không nên sử dụng thuốc Lysopaine cho phụ nữ mang thai khi không có sự chỉ định của bác sĩ.

Nếu khi mang thai mà bị viêm họng có thể súc nước muối.

* Tôi thường bị viêm họng, bác sĩ bảo rằng đó là do viêm xoang dị ứng. Khoảng 2 tuần là đau, đau khoảng 2-3 tuần thì tự hết. Xin hỏi có cách nào điều trị dứt hẳn tình trạng này không? (iwis_main, 33 tuổi, Quận 8, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Viêm mũi xoang dị ứng thì nước mũi sẽ chảy ngược xuống vùng họng và xảy ra viêm họng, nếu muốn hết viêm họng thì phải điều trị nguyên nhân là viêm mũi xoang.

Viêm mũi xoang dị ứng ở nước ngoài thường là phấn hoa, còn ở Việt Nam (nhất là ở vùng đô thị như TP.HCM) thì tác nhân thường là do bụi bẩn, các khói thải của các nhà máy và của các phương tiện cơ giới. Để điều trị viêm mũi xoang dị ứng thì chúng ta phải tránh các tác nhân gây bệnh lý dị ứng, cách đơn giản để phòng ngừa là nên mang khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường khói bụi. Nếu không bớt, có thể đến khám ở bác sĩ tai mũi họng để biết chính xác nguyên nhân bệnh.

* Tôi bị viêm họng hạt trên 10 năm nay, đã cắt amidan gần 10 năm, nay vẫn bị viêm họng mạn tính khi trở trời, hay ho, miệng nặng mùi, làm sao hết, xin bác sỹ chỉ bảo? (Dinh Thun, 50 tuổi, GV, Quảng Nam)

- BS Võ Quang Phúc: Chào anh, anh thường bị viêm họng lúc trở trời nên đây là viêm họng do thời tiết, anh có thể sử dụng thuốc giảm đau thông thường (Paracetamol) hoặc là ngậm Lysopaine ngậm dưới lưỡi.

* Thưa bác sĩ, trong thời gian gần đây cổ họng của con hay ngứa rất khó chịu, vừa qua con có đi khám ở BV Nguyễn Đình Chiểu (Bến Tre) chẩn đoán là bị viêm amidan cho toa mua thuốc về nhà uống cũng đỡ một thời gian. Nhưng cách đây 4 ngày trở lại cổ họng của con hay ngứa rất khó chịu và có đàm. Xin hỏi bác sĩ con bị bệnh gì. Và amidan của con có nên đi cắt không hay chỉ uống thuốc? Nếu cắt thì chi phí cho việc phẫu thuật là bao nhiêu? (Trương Văn Vũ, 20 tuổi, SV, Bạch Đằng, Phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Viêm amidan chỉ nên cắt trong những trường hợp sau đây:

- Trường hợp viêm cấp với các triệu chứng như là nóng sốt, nuốt đau, amidan sưng và có những đốm mủ màu trắng trên 3 lần/năm. Đôi khi trường hợp còn có hạch cổ.

- Amidan có những biến chứng như viêm mũi xoang, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm khớp, bị thấp tim, viêm vi cầu thận (đi tiểu ra máu).

- Amidan bị áp xe có mủ.

- Ngủ ngáy.

Nếu bạn có một trong những triệu chứng nêu trên thì nên cắt amidan, còn lại thì nên đến khám tại bệnh viên chuyên khoa.

* Con tôi 10 tuổi, mấy hôm nay bé bị nhiệt miệng (mọc mụn trong khoang miệng) rất đau nên bé lười ăn uống. Tôi lên mạng tìm hiểu thấy Lysopaine là loại thuốc sát khuẩn tại chỗ, vậy có thể mua về cho bé ngậm được không? Bác sĩ vui lòng cho biết một vài kinh nghiệm chữa trị nhiệt miệng cho bé. Xin chân thành cảm ơn. (Tâm Nguyễn, Bình Thuận)

- BS Võ Quang Phúc: Thuốc Lysopaine thường được sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, đối với bé 10 tuổi thì trong trường hợp này có thể sử dụng Lysopaine với liều lượng ba viên một ngày (ngậm dưới lưỡi). Thuốc Lysopaine khi ngậm dưới lưỡi sẽ thấm nhập vào trong toàn bộ niêm mạc họng rất nhanh do hệ thống mao mạch ở vùng dưới lưỡi. Ngoài việc ngậm Lysopaine, bạn có thể tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách cho bé uống nước cam vào buổi sáng mỗi ngày.

- BS Võ Quang Phúc: "Để điều trị viêm họng một cách đơn giản, có hiệu quả ít tốn kém thì nên ngậm nước muối ngày khoảng 3 lần, nhất là sau khi đánh răng, hoặc vào buổi tối".

* Tôi rất hay bị đau họng, mỗi lần đau họng thì bị nhức đầu. Khi đi khám bác sĩ tư ở ngoài, dùng thuốc thì thấy không đau họng, không nhức đầu nữa. Nhưng khi hết thuốc thì lại bị đau họng trở lại. Tôi không uống nước đá và chỉ hút thuốc lá khoảng 5 điếu trong 1 ngày. Xin bác sĩ cho tôi biết tôi bị bệnh gì và cách điều trị cũng như phòng bệnh. (Phạm Văn Hoàng, 40 tuổi, Kỹ sư cơ khí, Ấp 3, xã Tân Hạnh, Biên Hòa)

- BS Võ Quang Phúc: Bạn hay bị đau họng và hút thuốc, thì tôi khuyên bạn nên bỏ hút thuốc. Trong trường hợp viêm cấp tính thì có thể sử dụng các loại thuốc cảm thông thường hoặc ngậm Lysopaine (ngậm dưới lưỡi). Nếu triệu chứng kéo dài, bạn nên đi khám tại bệnh viện chuyên khoa.

* Cứ sáng sớm ngủ dậy tôi hay khạc ra 1 ít đờm, đi khám ở bệnh viện tai mũi họng mà không phát hiện ra bệnh gì, hiện tượng này kéo dài 10 năm nay rồi. Xin hỏi bác sĩ có cách nào điều trị được không và khám ở đâu? (Vũ Xuân Tình, 47 tuổi, Kỹ sư xây dựng, Hà Nội)

- BS Võ Quang Phúc: Việc khạc ra ít đờm sau mỗi sáng ngủ dậy kéo dài thường là do bị viêm mũi họng mạn tính thể xuất tiết. Nguyên nhân thường là do viêm xoang, viêm amidan hoặc là do hiện tượng trào ngược dịch vị từ dạ dày lên vùng mũi họng. Để có thể xác định chính xác bạn, nên đến cơ sở y tế để nội soi vùng mũi xoang và vùng họng để có hướng điều trị thích hợp.

* Cho tôi hỏi, con tôi 12 tháng tuổi, 2 ngày hôm nay cháu ăn vào là lại nôn trớ liên tục, chưa thấy ho nhiều, chỉ đôi lúc khục khặc nhưng môi cháu hơi đỏ, đầu hơi ấm, có phải bị viêm họng không? Cháu cứ ăn vào là trớ ra nên tôi rất sốt ruột, hiện tôi nghĩ cháu đang viêm họng do chuyển mùa nên đã uống 2 lần kháng sinh Clamoxyl, nhờ bác sĩ tư vấn giúp: về cách điều trị; khắc phục hiện tượng nôn trớ và các biện pháp cần thiết khác để có thể duy trì được thể trạng vì cháu hơi gầy. Chân thành cảm ơn bác sĩ. (Trần Nguyệt Nga, 29 tuổi, NVVP, Quang Trung, Hà Nội)

- BS Võ Quang Phúc: Trẻ còn bú thường có hiện tượng nôn ói do hệ thống thực quản và dạ dày còn là một đường thẳng, khi trẻ lớn lên thì dạ dày sẽ xoay ngang và sẽ hết hiện tượng nôn trớ (bị ọc). Khi bé nôn trớ thì các thức ăn cộng thêm dịch vị của dạ dày sẽ trào lên họng và mũi gây nên viêm mũi họng.

Để tránh hiện tượng nôn trớ này, chị nên cho bé ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần nên cho bé ăn với tư thế ngồi, nếu cần có thể đưa bé đi khám ở các bệnh viện có chuyên khoa nhi, hoặc bệnh viện chuyên khoa dinh dưỡng để được tư vấn về các chế độ ăn, đặc biệt là đối với các trường hợp bé ăn hay bị ọc.

* Em 23 tuổi, cổ họng có cảm giác ngứa và làm ho, không bị sốt. Em có thể dùng Lysopaine để điều trị được không? Dùng với liều lượng như thế nào là hợp lý? (trangtran1986@hotmail.com)

- BS Võ Quang Phúc: Nếu cổ họng có cảm giác ngứa và ho thì có thể sử dụng Lysopaine để điều trị (ngậm dưới lưỡi). Thuốc Lysopaine khi ngậm dưới lưỡi thì sẽ thấm nhập vào trong toàn bộ niêm mạc họng rất nhanh do hệ thống mao mạch ở vùng dưới lưỡi. Liều lượng thông thường là 4 - 6 viên/ngày.

* Trước đây khoảng 2 tháng tôi bị đau họng, có đến tiệm thuốc tây mua thuốc ngậm Lysopaine. Sau khi ngậm xong vài viên thì không còn bị đau họng nữa. Nhưng từ hôm đó đến giờ, cứ mỗi lần uống nước đá hoặc trời lạnh là thấy đau họng, ngứa cổ. Mỗi lần bị lại như vậy tôi có thể ngậm Lysopaine để điều trị không? (Thu Hồng, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Khi bị đau họng, thì có thể ngậm Lysopaine vì thuốc Lysopaine có tác dụng là chống nhiễm trùng và giảm viêm, thường được dùng để điều trị những trường hợp viêm họng thông thường, hoặc sau cảm cúm.

* Tôi rất hay bị viêm họng, hầu như tháng nào cũng bị rát cổ họng thường xuyên, nói thì đau, lạc giọng, khàn tiếng. Xin bác sỹ cho biết triệu chứng của tôi như vậy có nặng không, có thể bị biến chứng gì không? Rất mong được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn bác sỹ. (Vũ Hữu Dụng, 40 tuổi, Thợ hàn, Bình Chánh, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Viêm họng thường xuyên kẻm theo khàn tiếng đó thường gọi là bệnh viêm họng thanh quản mạn. Anh làm thợ hàn có thể là do tiếp xúc với khí hậu khô nóng, cách điều trị có hiệu quả là nên mang khẩu trang y tế khi làm việc, và nên có biện pháp để làm giảm nhiệt độ ở trong phòng do sức nóng, nên nhấm một ngụm nước thường xuyên khi làm việc. Viêm họng thanh quản mạn tính nếu không điều trị, có thể gây ra những biến chứng như: viêm phế quản mạn tính, khối u lành và ác tính ở vùng họng và thanh quản.

* Cháu rất dễ bị viêm họng, lúc nào cũng có thể bị đau họng, họng cứ đau âm ỉ, chỉ cần nói nhiều 1 chút là sẽ bị đau liền, uống thuốc thì vẫn không khỏi. Gần đây cháu đã phải chữa bệnh viêm cơ tim vì viêm họng. Bây giờ cháu đã khỏi nhưng họng vẫn cứ đau. Xin cho cháu hỏi bác sĩ là cứ tình trạng như thế này thì tim của cháu còn bị ảnh hưởng gì nữa không? Và có cách nào để có thể chữa cho hết chứng viêm họng này? Xin cám ơn bác sĩ! (Thủy Tiên, 21 tuổi, SV, Đồng Nai)

- BS Võ Quang Phúc: Một trong những biến chứng viêm họng là viêm cơ tim, việc điều trị là phải phối hợp giữa các bác sĩ về tim mạch và bác sĩ tai mũi họng. Cháu nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được nội soi và nên đến chuyên khoa tim mạch để được điều trị kịp thời.

* Tôi rất thường bị viêm họng và uống nhiều kháng sinh nhưng vẫn bị tái đi tái lại nhiều lần, dù tôi giữ vệ sinh hầu họng rất tốt như đánh răng sau khi ăn và ngậm dung dịch muối pha loãng vào mỗi buổi sáng. Có phải vì đặc thù nghề nghiệp giáo viên của tôi không? Mỗi lần bị viêm họng tôi có thể ngậm Lysopaine được không? (Thanh Bùi, Long An)
 
- BS Võ Quang Phúc: Viêm họng cấp là do vi khuẩn, ta nên dùng kháng sinh, còn viêm họng mãn thì phải tìm rõ nguyên nhân. Ví dụ: do viêm xoang, viêm amidan có mủ. Chị là giáo viên, phải sử dụng giọng nói nhiều cho nên nếu trong ngày có nhiều tiết giảng, thì nên ngậm Lysopaine trước giờ giảng và cứ mỗi tiết thì nên nhấm 1 ngụm nước để tránh khô niêm mạc vùng họng, và tránh gây ra viêm loét họng. Đối với ca sĩ, khi chạy sô nhiều chúng tôi cũng khuyên giống như trường hợp trên.
 
* Tôi thường xuyên bị viêm, đau họng, nhất là khi hút nhiều thuốc lá. Tôi có thể ngậm Lysopaine được không? Tôi nghe nói bệnh viêm họng có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Xin bác sĩ cho biết tôi phải chữa trị thế nào để tránh được các biến chứng đó? Xin cảm ơn (Lê Thanh Tâm, Hải Dương)
 
- BS Võ Quang Phúc: Tôi khuyên bạn nên bỏ thuốc lá, vì thuốc lá có nhiều tác hại cho viêm mạc vùng mũi họng, thanh quản, dị ứng trường hợp viêm họng mạn tính, viêm thanh quản mạn tính do thuốc lá thì có thể mang đến bệnh ung thư như: ung thư phổi, ung thư amidan...

* Em bị viêm họng - amidan khoảng 4 năm rồi, nhưng chữa trị nhiều nơi vẫn không hết. Vòm họng của em lúc nào cũng đỏ và sần sùi, còn amidan lúc nào cũng sưng và như có mủ, nhìn sần sùi rất ghê, đi bệnh viện bác sĩ bảo cắt amiđan thì không tốt... Lúc nào em thấy trong họng cũng có cảm giác đau đau, những lúc đau nhiều phải mua thuốc uống để bớt đau, và miệng lúc nào cũng có mùi rất khó chịu mặc dù em vệ sinh, ăn uống kiêng cữ theo đúng chỉ định bác sĩ, nhưng em vẫn không thể hát những lúc vui vì hát xong họng em bị đau, và họng em có mùi rất ngại phải giao tiếp. Em mong bác sĩ hãy cho em một số lời khuyên về cách chữa trị, em xin thành thật cám ơn bác sĩ. (Phan Hữu Tài, 20 tuổi, SV, Ấp Chánh, Xã Tân Thông Hội, Củ Chi)

- BS Võ Quang Phúc: Viêm họng và viêm amidam mạn nếu tái đi tái lại trên 3 lần/năm thì ta phải cắt amidan, viêm amidan mạn có biểu hiện sẽ khạc ra bột trắng như là hạt tấm mủn nát và gây ra hôi miệng. Không biết là bạn có những dấu hiệu trên không, nếu có bạn nên đi cắt amidan, vì amidan là nguyên nhân gây ra viêm họng mạn hay ngược lại.

Bạn nên đến khám tại chuyên khoa tai mũi họng, để nội soi vòm họng nhằm xác định chính xác nguyên nhân.

* Cách đây 1 tháng bị đau do 1 người bạn qua chơi lây sang. Đi xét nghiệm máu ở bệnh viện, bệnh viện kết luận bị sốt xuất huyết (trước dây khoảng 10 năm em cũng đã bị sốt xuất huyết) và viêm hô hấp trên, kê đơn thuốc uống, về nhà uống 1 tuần thì khỏi, nhưng ho thì không khỏi, ho có đờm đặc. Bây giờ mỗi sáng dậy thấy đau đau ở cổ họng và cảm sốt. Xin bác sỹ chỉ dùm phương pháp điều trị. Em xin chân thành cảm ơn. (Phan Văn Linh, 26 tuổi, Q.9, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Ho là một triệu chứng của rất nhiều bệnh.

- Do viêm họng.

- Viêm thanh quản.

- Viêm phế quản.

- Viêm mũi xoang.

Để điều trị chứng ho, cần phải biết chính xác nguyên nhân. Bạn nên đến các cơ sở chuyên khoa để khám và có hướng điều trị thích hợp.

* Tôi thường xuyên bị viêm họng, đặc biệt là khi uống nhiều nước đá hoặc nằm quạt hay điều hòa, khiến tôi rất khổ sở. Những khi trời nóng nực muốn uống một ly nước đá hay ngủ để quạt cũng phải dè chừng vì sợ viêm họng. Mỗi lần viêm họng của tôi thường kéo dài từ 3-5 ngày, làm cơ thể mệt mỏi, đầu óc đau nhức, lên cơn sốt rất khó chịu. Tôi nghe nói là cắt amidan sẽ không bị viêm họng nữa, sự thật có phải như vậy không? Mong được sự tư vấn của bác sỹ. Xin chân thành cảm ơn.(Nguyễn Đức Phước, 21 tuổi, SV, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Để tránh viêm họng, nên tránh những thức ăn quá lạnh hay quá nóng. Những thức ăn có nhiều gia vị sẽ kích thích niêm mạc họng, gây ra rát họng. Viêm họng cấp thường hay lên cơn sốt, nuốt đau kéo dài khoảng 3 - 4 ngày, nếu bệnh kéo dài hơn có thể là viêm họng do vi trùng và có thể gây ra viêm amidan. Viêm amidan chỉ được cắt trong các trường hợp sau:

- Bị những cơn viêm họng amidan cấp trên 3 lần/năm.

- Khi há miệng nhìn vào gương sẽ thấy 2 viên amidan sưng to có những hạt mủ trắng.

- Có những biến chứng do viêm tai, viêm phế quản, viêm tim, viêm thận.

- Bị amidan áp xe mủ.

- Ngáy.

Nhiều vấn đề liên quan đến bệnh viêm họng đã được BS Võ Quang Phúc giải đáp tường tận cho bạn đọc - Ảnh Thanh Hải

* Em chào bác sĩ và các anh chị trong tổ tư vấn. Đầu tiên em xin hỏi bác sĩ là em bị viêm tai giữa, lúc đầu có xuất hiện ra mủ có mùi rất khó chịu. Em đã đi khám uống thuốc và không thấy chảy mũ ra ngoài nữa nhưng mỗi lần em lấy tăm bông ngoáy tai thì thấy có nước hôi thấm vào tăm bông. Gần đây trong cổ họng của em dường như có đàm và xuất hiện mùi hôi tương tự như trên, em bị khoảng 8 năm nay. Hiện nay bên tai trái của em nghe rất kém. Vậy em nhờ bác sĩ tư vấn giúp em những vấn đề trên. Em xin chân thành cảm ơn. (Nguyen Thị Phương Thúy, 25 tuổi, SV, P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú)

- BS Võ Quang Phúc: Bạn thân mến, về mặt giải phẫu, tai và mũi thông với nhau qua một vòi gọi là vòi nhĩ, do đó dịch của tai có thể lan xuống mũi và họng hoặc ngược lại.

Theo triệu chứng của bạn nêu thì bạn đã bị viêm tai giữa, và mủ từ tai đã lan xuống họng. Tai trái của bạn nghe rất kém, đây là dấu hiệu của viêm tai giữa lan vào xương chủm, bạn cần phải đến khám ở các cơ sở y tế ngay để chụp phim X-quang, đo tính lực đồ để đánh giá mức độ nặng nhẹ của viêm tai giữa.

Nếu cần thì phải phẫu thuật, vì nếu không điều trị kịp thời thì viêm tai giữa mạn tính có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm màng não, áp xe não, liệt mặt, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

* Triệu chứng của tôi là (đã bị 10 năm rồi): nuốt vướng, hai bên thành họng đôi khi có tụ lại một hạt trắng bằng hạt gạo (rất hôi), cũng thường hay đau cổ họng. Đi khám BS bảo tôi viêm amidan mạn tính. Vậy xin hỏi BS: tôi có cần phải đi cắt amidan không? Mặt lợi và hại khi cắt amidan? Nuốt vướng là triệu chứng gì? Có nguy hiểm không và làm cách nào để trị khỏi cảm giác nuốt vướng? Quan trọng hơn xin BS cho tôi biết tôi bị như vậy có dẫn đến ung thư cổ họng không? (trường hợp tôi không đi cắt amidan.). ít khi tôi hút thuốc lá nhưng mỗi lần hút 2 điếu, hôm sau là cổ họng tôi rất là đau. Xin BS tư vấn giúp tôi. Chân thành cám ơn BS. Cám ơn báo Thanh Niên. (Ngô Trọng, 30 tuổi, Nhân viên kinh doanh, Q.1 TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Theo triệu chứng khạc ra hạt trắng bằng hạt gạo rất hôi, đây là dấu hiệu bị viêm amidan mạn tính, cần phải cắt amidan ngay. Nếu không cắt có thể đưa đến các biến chứng như: áp xe amidan, và về lâu dài một số trường hợp có thể đưa đến ác tính. Hiện tại, việc cắt amidan với những loại thuốc mê và các kỹ thuật hiện đại thường là không đau và bệnh nhân có thể về trong ngày, ngày hôm sau có thể nói chuyện được bình thường.

* Tôi là bệnh nhân ở Long An, lúc trước tôi thường bị viêm họng có ho, khó nuốt nước bọt và hơi nghẹn ở cổ. Cách nay 2 tháng tôi có đi khám tại BV. Bác sĩ chuẩn đoán viêm A hóc mũ và cho phẫu thuật kỹ thuật cắt kiểu bóc tách, nhưng sau khi cắt ở cổ họng vẫn có cảm giác khó nuốt, nhớt hay ra ở cổ họng, sáng sớm có nước bọt đục, rát lưỡi và lưỡi có cảm giác mất nhớt. Tôi đã khám lại tại bệnh viện TMH TP.HCM đã cho siêu âm (kết quả siêu âm là sung huyết ở họng) và đã uống thuốc được 2 tuần rồi nhưng vẫn không thuyên giảm. Vậy tôi xin hỏi bác sĩ: uống thuốc trong thời gian dài có ảnh hưởng gì không (vì tôi đang bị viêm dạ dày, và bị viêm gan B nhưng đã ổn định); BS cho lời khuyên đối với người bị viêm họng như tôi. Xin cám ơn BS! (Cao Tiến Nhân, 39 tuổi, CNV, Long An)

- BS Võ Quang Phúc: Sau khi cắt amidan nhưng bệnh nhân vẫn còn có cảm giác đau họng, khó nuốt, khạc ra nước bọt đục thì cần phải điều trị tiếp tục viêm họng. Bạn đang bị viêm dạ dày và bị viêm gan B nhưng đã ổn định, để có thể điều trị viêm họng, tôi xin đề nghị bạn thực hiện một số biện pháp sau:

- Ngủ nằm đầu cao, tránh thức khuya, ăn khuya trước 2 giờ (mục đích là để cho dạ dày được nghỉ ngơi).

- Tránh sử dụng những thức ăn quá cay hoặc quá chua và tránh tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, khói, bụi.

- Nên súc miệng bằng nước muối ngày 3 lần

- Có thể ngậm mật ong ngày 2 lần (mật ong có tác dụng kháng khuẩn tăng sức đề kháng viêm mạc họng) hoặc ngậm những loại thuốc viêm họng thông thường có bán ở các nhà thuốc như Lysopaine, Tyropast...

Nếu không hết thì nên đến khám ở các bệnh viên chuyên khoa.

* Kính thưa bác sĩ: Bệnh viêm họng ở trẻ em có thể phòng ngừa như thế nào? Hiện nay có thuốc tiêm ngừa cho bệnh viêm họng không? Làm thế nào để điều trị bệnh viêm họng cho thật hiệu quả? Xin chân thành cám ơn bác sĩ. (Trần Văn Trưởng, 38 tuổi, Kỹ sư điện tử, TP.HCM)

- BS Võ Quang Phúc: Bệnh viêm họng của trẻ em có những dấu hiệu sau:

Nếu là do siêu vi trùng thì bé thường có triệu chứng nuốt đau, sốt nhẹ, sổ mũi, nổi hạch ở cổ. Triệu chứng này sẽ giảm bớt trong vòng vài ngày

Nếu do vi khuẩn, thì triệu chứng trên sẽ kéo dài hơn và có thể lúc đó bé sẽ nuốt rất đau, nhìn trong họng sẽ có những đốm mủ trắng. Bệnh viêm họng ở trẻ em rất dễ đưa đến biến chứng như: thấp tim (viêm cơ tim), viêm khớp, viêm thận... rất khó điều trị. Nó sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của bé.

Hiện tại, chưa có loại thuốc viêm ngừa cho viêm họng.

Để điều trị viêm họng có hiệu quả, cần phải xác định đúng nguyên nhân và điều trị có hợp lý.

* Em bị viêm họng đã mấy năm nay, do điều kiện nên em chưa đi chữa trị được, em xin bác sĩ tư vấn cho em một số bài thuốc (đặc biệt là thuốc có chiết xuất từ thiên nhiên mà em có thể dễ tìm kiếm và tự điều trị được). Cứ mỗi khi em uống nước đá hoặc đồ lạnh vào thì hôm sau hay bị khó chịu ở họng và như có cái gì vướng ở đó vậy. Bác sĩ cũng cho em hỏi bệnh này để lâu có biến chứng gì nguy hiểm hay không ạ! (Lê Văn Hạ, 24 tuổi, Nhân Viên, Bình Đường II - An Bình - Dĩ An - Bình Dương)

- BS Võ Quang Phúc: Để điều trị viêm họng có một số thảo dược: Tràm, gừng, tần (hiện tại đã có bán tại các nhà thuốc tây dưới dạng viên ngậm tên gọi là Tragutan - do VN sản xuất).

Bạn cũng có thể ngậm mật ong hoặc xúc miệng bằng nước muối.

* Tôi bị sốt cao đến bác sĩ khám bảo bị viêm amidan đặc mũ nằm điều trị 3 ngày là khỏi, nhưng thời gian sau lại bị viêm họng cứ định kỳ là tháng một lần. BS bảo nên cắt amidan, nghe nói hiện nay người ta khuyến cáo không nên cắt amidan phải không, bởi nếu cắt amidan thì hay bị viêm họng. Cảm ơn bác sĩ! (Phạm Danh Thông, 47 tuổi, Công chức, Tánh Linh Bình Thuận)

- BS Võ Quang Phúc: Khi bệnh nhân bị viêm amidan, khám bác sĩ này thì lại bảo cắt, khám bảo sĩ khác thì lại bảo không cần. Điều này làm bệnh nhân hoang mang, cần phải hiểu rõ ràng amidan là một cơ quan miễn dịch của cơ thể, bảo vệ đường ăn, nếu cắt mà không đúng chỉ định sẽ làm giảm sức đề khám. Nhưng khi amidan tái đi tái lại, vi trùng đã xâm nhập vào thì khi này amidan sẽ không còn chức năng miễn dịch nữa và nó sẽ trở thành ổ nhiễm trùng gây ra nhiều biến chứng.

Nếu đúng chỉ định thì nên cắt amidan (viêm cấp trên 3 lần/năm có biến chứng như viêm tai, viêm xoang, viêm họng, ngáy, khạc ra những hạt trắng và hôi).

* Chào bác sĩ tôi bị ho kéo dài hơn tuần lễ đàm rất nhiều, lưỡi trắng xóa, thở khò khè về ban đêm. Sau nhiều lần điều trị bác sĩ chẩn đoán tôi bị viêm phế quản mãn tính. Sau khi uống thuốc kháng sinh + kháng viêm tình trạng bệnh nhẹ được tuần lễ thì bệnh vẫn tái phát trở lại (7lần). Tôi có đi khám bác sĩ tai mũi họng, chụp CT và phát hiện tôi bị viêm xoang hàm phải và chỉ định mổ nội soi. Nếu không mổ thì tình trạng bệnh cứ tái đi tái lại. Tôi có tiền sử bị bệnh suyễn do dị ứng với các loại cá thịt bị ươn. Sau đó tôi có đi khám khoa tai mũi họng tại bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ bảo tôi không được mổ nội soi vì như thế tình trạng bệnh suyễn sẽ nặng hơn. Do đó tôi muốn hỏi bác sĩ có thể tư vấn, hướng dẫn tôi sử dụng thuốc như thế nào cho hợp lý. Hiện nay tình trạng bệnh của tôi vẫn còn hay tái diễn. (Đinh Thị Huỳnh Hoa, 54 tuổi, Kỹ sư chăn nuôi, Phan Thiết - Bình Thuận)

- BS Võ Quang Phúc: Chị bị viêm xoàng hàm phải, nguyên nhân của viêm xoang hàm có thể là do răng, do viêm mũi hoặc là do nấm. Nếu bệnh nặng thì cần phải mổ, nếu không mổ sẽ gây ra viêm họng, viêm lưỡi, viêm phế quản, và có thể gây ra bệnh hen phế quản.

Để điều trị, chị nên tránh ăn những loại cá mà khi chị thấy có các biểu hiện viêm mũi xoang hoặc suyễn nặng hơn. Hiện tại, chị nên mổ nội soi mũi xoang (đây là một phương pháp chính xác, ít gây đau đớn cho bệnh nhân và điều trị rất có hiệu quả).

Thanh Niên Online

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.