Tư vấn truyền hình trực tuyến: Cơ hội trúng tuyển vào trường ĐH tuyển sinh riêng

25/05/2016 12:00 GMT+7

Bên cạnh xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia, nhiều trường ĐH và CĐ có đề án tuyển sinh riêng xét tuyển bằng kết quả học bạ THPT.

Phần 1
Phần 2
Vào lúc 14 giờ 30 ngày 25.5, Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn truyền hình trực tuyến với chủ đề Đa dạng các đề án tuyển sinh riêng tại địa chỉ: thanhnien.vn và Fanpage Facebook www.facebook.com/thanhnien.
Khách mời tham gia chương trình gồm: Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen; Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân; ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng; Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng; ông Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn.
Các khách mời sẽ giải đáp các thắc mắc liên quan đến quy chế thi và xét tuyển, đặc biệt tập trung vào đề án tuyển sinh riêng các trường.
Ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi cho đại diện các trường ở ô bên cạnh.
*** 
Đúng 14 giờ 30 phút, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến bắt đầu.
Mở đầu chương trình, nhà báo Thùy Ngân thông tin: Hơn 2-3 năm trước nếu nói không tham gia kỳ thi tuyển sinh ĐH,CĐ mà cũng có thể vào ĐH hầu như là chuyện không tưởng. Nhưng bắt đầu từ năm 2014, Bộ GD-ĐT có chủ trương giao cho các trường ĐH,CĐ được quyền tự chủ trong tuyển sinh, đã có khoảng 60 trường có đề án tuyển sinh riêng thì mọi chuyện đã khác. Năm 2015, khi kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên tổ chức nhằm 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét vào ĐH,CĐ và với số lượng các trường có đề án tuyển sinh riêng tăng lên đến gần 200. Năm 2016, theo thống kê đến nay có khoảng 250 trường, hầu hết là các trường ngoài công lập có đế án tuyển sinh riêng (trừ 3 trường là Thăng Long, Võ Trường Toản và Văn Lang). Như thế cơ hội học ĐH ngày càng rộng mở đối với thí sinh khi chỉ cần tốt nghiệp THPT, đạt những điều kiện theo yêu cầu trong đề án tuyển sinh của các trường.
Khách mời tham dự phần 1 của chương trình tư vấn - Ảnh: Đ.N.T
Chương trình diễn ra ngày hôm nay đặt ra vấn đề Không thi ĐH, vẫn có thể vào ĐH nhằm giúp thí sinh có điều kiện tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển vào ĐH kết hợp kết quả thi THPT quốc gia và học bạ THPT hoặc chỉ xét điểm học bạ…
Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.com.vn và qua Fanpage Facebook Báo Thanh Niên. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi qua 2 địa chỉ trên.
Xin trân trọng giới thiệu các khách mời tham gia chương trình
- Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen
- Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng
- Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen: Đây là năm thứ 2 trường tổ chức 5 phương thức tuyển sinh, tạo cơ hội cho nhiều đối tượng thí sinh khác nhau. Trong đó, 80% (2.070 chỉ tiêu) dành cho kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc Truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen - Ảnh: Đ.N.T
20% chỉ tiêu cho 4 phương thức còn lại gồm:  Phương thức dành cho học sinh có kết quả học tập 3 năm đều giỏi sẽ được ưu tiên xét tuyển; học sinh có chứng chỉ môn Anh văn quốc tế sẽ được ưu tiên xét tuyển; thí sinh xét tuyển vào khối mỹ thuật ứng dụng: sử dụng môn văn và điểm năng khiếu, ngoài kết quả ở các trường có thể nộp tuyển tập nghệ thuật hoặc đạt các giải thưởng trong nước và quốc tế; xét tuyển học bạ vào các ngành CĐ.
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng: Trường có 2 phương án xét tuyển: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia (50%, 1.140 chỉ tiêu) và kết quả học bạ (1.140 chỉ tiêu). Năm nay, trường xét học bạ theo các điểm trung bình của 2 học kỳ lớp 12.
Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn là trường đại học quốc tế tại Việt Nam, đào tạo bậc ĐH và CĐ cho sinh viên Việt Nam và nước ngoài. Trường vừa có chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, vừa có chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt theo tiêu chuẩn chương trình ĐH Mỹ.
Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn xét tuyển bậc ĐH và CĐ hệ chính quy năm 2016 theo 2 phương thức là dựa vào kết quả học tập học bạ THPT và dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia theo mức điểm sàn do Bộ GD-ĐT quy định.
Chi tiết, thí sinh tham khảo tại website của trường http://www.siu.edu.vn
Một bạn đọc hỏi: Em hỏi ngành thiết kế thời trang xét tuyển như thế nào, trong quá trình học thì vật liệu do trường chi trả hay sinh viên, cơ hội việc làm ngành này ra sao?
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình: Đối với ngành thiết kế thời trang, thí sinh chọn 2 hình thức xét tuyển: Tham dự kỳ thi THPT quốc gia để có điểm môn toán và văn, đồng thời thi môn năng khiếu. Hoặc có thể nộp tuyển tập nghệ thuật thay thế thi năng khiếu.
Thí sinh đã tốt nghiệp THPT, chỉ cần thi để lấy điểm năng khiếu (từ 5 trở lên) trong năm nay, điểm môn văn và sử của 3 năm THPT để xét tuyển. ĐH Hoa Sen đầu tư đủ trang thiết bị từ máy may, kim chỉ, vật liệu vải vóc, giấy… để thực hành. Riêng vật liệu phát sinh thì trường có thể hỗ trợ hoặc sinh viên phải tự lo chi phí. Cơ hội việc làm ngành này khá cao, nhiều em có việc ngay từ năm 3, năm 4... Các em có thể làm tạo mẫu, tư vấn kỹ thuật, thiết kế, quản lý chất lượng sản phẩm ở các công ty may.
Một học sinh hỏi: Ngành toán ứng dụng học gì? Ra trường làm việc ở đâu?
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình: Ngành này đang phát triển, doanh nghiệp rất cần. Người học sẽ làm các công việc về con số thống kê trong kinh doanh, theo dõi chuyển biến về giá cả, thị trường chứng khoán, nghiên cứu thị trường…
Đào tạo kiến thức về toán và kinh tế, tài chính (nghiên cứu khảo sát thị trường) để có thể xử lý thống kê, xử lý dữ liệu.
Học sinh hỏi: Cách xét tuyển dược sĩ đại học, cách xét tuyển, học phí ra sao? Học xong bao lâu em được mở nhà thuốc?
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương: Có nhiều trường đào tạo ngành này trong đó có ĐH Lạc Hồng. Trường xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia và xét học bạ. Đối tượng xét học bạ là người đã tốt nghiệp THPT, xét điểm trung bình lớp 12, từ 18 điểm trở lên. Học phí 30 triệu/năm, vì ngành dược có tỷ lệ thực hành khá cao, 35%. Thời gian đào tạo 5 năm.
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương - Ảnh: Đ.N.T
Ra trường các em làm việc ở bệnh viện, các công ty sản xuất dược phẩm... Tốt nghiệp 3 năm có thể mở được công ty dược phẩm, 5 năm nếu có giấy phép hành nghề thì được mở nhà thuốc.
Một số bạn đọc quan tâm đến ngành Ngôn ngữ Anh của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đặt câu hỏi: Trong các phương thức xét tuyển ngành Ngôn ngữ Anh thì trường có xét tuyển học bạ không?
Ông Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: Ngành ngôn ngữ Anh qua các năm tuyển sinh của trường đều nhận được rất nhiều hồ sơ dự tuyển của thí sinh. Dự kiến, đây cũng là ngành sẽ nhận được nhiều hồ sơ đăng ký xét tuyển năm 2016. Ngành Ngôn ngữ Anh của trường cũng có 2 phương thức xét tuyển là theo học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.
Qua các năm, hầu hết thí sinh đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ. Tiêu chuẩn xét tuyển học bạ của ngành này vào bậc ĐH của trường là điểm trung bình chung học bạ của 3 năm học là 6.5 và riêng tổ hợp 3 môn xét tuyển phải có điểm trung bình đạt 6.5.
Một bạn đọc hỏi: Em có TOEIC 400 có được tuyển thẳng vào ĐH Hoa Sen hay không? Ngành truyền thông đa phương tiện học gì, làm việc ở đâu, thu nhập có cao không?
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình: Để được ưu tiên xét tuyển vào trường, em phải có chứng chỉ Anh văn quốc tế IELTS 6,5 điểm trở lên hoặc TOEFL IBT 89 điểm trở lên. Năm ngoái thí sinh có các chứng chỉ này đa phần trúng tuyển.
Trường có ngành quản trị công nghệ truyền thông, đào tạo ra các nhà quản lý sản xuất truyền thông (các chương trình tuyền hình, phim quảng cáo), kinh doanh nghe nhìn (phim ảnh, bản quyền các chương trình truyền hình)… Ra trường, các em có thể làm việc tại các đài truyền hình, phát thanh, các cơ quan báo chí, các công ty truyền thông… năm 2015, điểm chuẩn ngành này là 16 điểm.
Bạn đọc Như Vy hỏi: Em muốn tham gia đội tuyển robocon của ĐH Lạc Hồng thì nên xét tuyển vào ngành nào?
Em ở Đồng Nai, cơ hội việc làm sau khi học ĐH Lạc Hồng như thế nào? Trường có giới thiệu việc làm hay không? (Huỳnh Lam)
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương: Học các ngành công nghệ thông tin, cơ điện tử, điện điện tử, tự động hóa, cơ khí đều có thể tham gia đội robocon. Nhà trường hỗ trợ tối đa trang thiết bị, sân bãi cho các em đam mê có thể theo đuổi.
Đồng Nai có nhiều cụm khu công nhiệp, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào rất nhiều. Sinh viên Trường ĐH Lạc Hồng trong thời gian thực tập (năm 4), nhiều bạn được trả lương từ 2-3 triệu đồng/tháng. Các em cần có năng lực, kinh nghiệm và tiếng Anh để ra trường có cơ hội việc làm ngay.
Một bạn đọc đặt câu hỏi cho Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn: Em không giỏi môn tiếng Anh. Vậy ngành học nào của trường không cần giỏi môn tiếng Anh cũng vào được trường?
Ông Cao Quảng Tư - Ảnh: Đ.N.T
Ông Cao Quảng Tư cho biết: Trường  ĐH Quốc tế Sài Gòn có một số ngành học không nhất thiết phải đạt tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào như các ngành liên quan đến kinh tế, kỹ thuật máy tính. Như vậy, thí sinh không giỏi tiếng Anh có thể đăng ký dự tuyển. Tuy nhiên, qua quá trình học, các em sẽ được đào tạo để đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra.
Một thí sinh thắc mắc: Em muốn học chương trình chuyển tiếp 2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài. Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có chương trình đào tạo ĐH như vậy không?
Ông Cao Quảng Tư: Trường có chương trình ĐH chuyển tiếp 2 năm ở Việt Nam, 2 năm ở nước ngoài. Để học chương trình này các bạn phải có trình độ tiếng Anh tốt để học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Nhà trường sẽ kiểm tra trình độ tiếng Anh đầu vào của các bạn và cũng như trong quá trình học. Nếu không đủ chuẩn, bạn sẽ không được tiếp tục học.
Một bạn học hỏi: Học ngành quản trị khách sạn nhà hàng ở đâu? Giữa ĐH, CĐ và trung cấp thì nên học bậc học nào để cơ hội việc làm cao?
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình:Đây là một trong những nhóm ngành được đào tạo bậc ĐH và CĐ ở ĐH Hoa Sen.
Học bậc học nào phụ thuộc vào năng lực của thí sinh. Học lực của em nếu vừa phải thì nên lựa chọn bậc CĐ, trung cấp. Lĩnh vực nhà hàng khách sạn cần rất nhiều người học trình độ này.
Bên cạnh đó, đây là ngành dịch vụ, nên cần tố chất phù hợp. Các em có thích hợp để làm ngoài giờ hay không? Có khả năng luôn mỉm cười, luôn tạo sự thoải mái cho khách hàng hay không?... Đó là những điều kiện để em suy nghĩ trước khi chọn ngành học, bậc học.
Một học sinh hỏi: Chương trình hỗ trợ học phí của các trường như thế nào?
Tiến sĩ Hồ Viễn Phương: Một số trường ngoài công lập hoặc công lập tự chủ tài chính, học phí tương đối cao khiến sinh viên, phụ huynh lo lắng. Nhà nước có hỗ trợ vay vốn, thí sinh có thể làm thủ tục tại các ngân hàng chính sách địa phương. Mỗi tháng các em được vay tối đa 1.250.000 đồng. Sau khi tốt nghiệp đi làm, sinh viên sẽ trả dần.
Đối với Trường ĐH Lạc Hồng có 3 hình thức hỗ trợ: Học bổng từ các doanh nghiệp (từ 3-5 triệu/năm), học bổng từ trường với quỹ hơn 3 tỉ đồng. Ngoài ra học sinh khá giỏi cũng được nhận học bổng.
Thạc sĩ Hoàng Đức Bình: Hằng năm, trường có học bổng hỗ trợ đầu vào. Năm nay có thêm 2 loại học bổng: quỹ Hoa Sen, đầu tư cho giảng viên, nhân viên và sinh viên; học bổng luân lưu (25 tỉ đồng), cấp cho thí sinh có nỗ lực vươn lên trong học tập đạt kết quả tốt, khó khăn trong tài chính… Ngoài ra trường còn có học bổng vượt khó...
Ông Cao Quảng Tư cho biết về chế độ học bổng của trường: Trong suốt 8 năm qua, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn đã dành 74 tỉ đồng trao học bổng cho sinh viên. Năm 2016 này, trường cũng có nhiều chương trình học bổng đặc biệt như: 5 suất học bổng Chủ tịch SIU toàn phần 4 năm ĐH dành cho thí sinh đạt giải thưởng nghiên cứu khoa học trong nước hoặc quốc tế ở bất kỳ lĩnh vực nào, hoặc có điểm trung bình 3 năm THPT từ 9.0 trở lên và đạt 8.5 trở lên trong mỗi năm học tại SIU; 10 suất học bổng toàn phần năm 1 dành cho thí sinh có điểm trung bình 3 năm THPT từ 8.5 trở lên; 10 suất học bổng 50% năm 1 dành cho thí sinh có điểm trung bình 3 năm THPT từ 8.0 trở lên.
Đặc biệt, trường có 50 suất học bổng toàn phần năm 1 cho thí sinh đậu bất kỳ ĐH công lập nào với kết quả cao, có hoàn cảnh khó khăn.
**** Những thông tin các thầy cô vừa trình bày tạm kết lại phần 1 của chương trình tư vấn hôm nay. Chúng tôi hy vọng các bạn đã có được những thông tin cần thiết về việc các phương thức xét tuyển riêng của các trường mà mình quan tâm. Cảm ơn các thầy, cô đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán giả đã theo dõi chương trình trực tiếp tại website Báo Thanh Niên và qua Fanpage Facebook Báo Thanh Niên. Chúc các thí sinh sẽ đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi THPT quốc gia sắp đến.
Chương trình sẽ được tiếp tục vào lúc 15 giờ 45 đến 16 giờ 30 cũng tại địa chỉ thanhnien.vn và qua Fanpage Facebook Báo Thanh Niên với khách mời đại diện Trường ĐH Duy Tân và ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Mời các bạn tiếp tục đặt câu hỏi và hẹn gặp lại các bạn vào lúc 15 giờ 45.
****** 
Chào mừng các bạn đến với chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ 2016 do Báo Thanh Niên tổ chức đồng thời tại địa chỉ thanhnien.vn và Fangape Facebook Báo Thanh Niên www.facebook.com/thanhnien với chủ đề Đa dạng các phương thức xét tuyển. Trong khi chương trình diễn ra, bạn đọc ngay có thể đặt câu hỏi tại 2 địa chỉ trên và hoặc qua số ĐT 08-39309242
Như trong cuộc trao đổi ở phần 1, chúng tôi cho rằng việc không thi ĐH, vẫn có thể vào ĐH ngày nay là điều bình thường vì các trường được tự chủ đề xuất các phương án xét tuyển riêng phù hợp với mình.
Chương trình tư vấn đang diễn ra nhằm giúp thí sinh có điều kiện tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng, xét tuyển vào ĐH kết hợp kết quả thi THPT quốc gia và học bạ THPT hoặc chỉ xét điểm học bạ…
Khách mời tham dự phần 2 của chương trình tư vấn - Ảnh: Đ.L
Xin trân trọng giới thiệu các khách mời tham gia phần 2 của chương trình:
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân
- Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Trung tâm tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng
Một điều nhiều thí sinh băn khoăn và lo lắng là có sự khác nhau gì về chương trình đào tạo, chất lượng cũng như cách thức đào tạo giữa các phương thức xét tuyển vì một bên là lấy kết quả qua một kỳ thi quốc gia, một bên chỉ xét điểm học bạ trong quá trình học THPT, thậm chí chỉ của riêng lớp 12?
Ông Vũ Quang Huy: Năm ngoái trường nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển bằng học bạ THPT, trong đó nhiều thí sinh học rất giỏi, có những thí sinh đạt từ 27-29 điểm. Thậm chí tỷ lệ chọi với học sinh xét tuyển học bạ còn cao hơn hình thức xét tuyển kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Như vậy, không có nghĩa chỉ học sinh trung bình mới xét tuyển bằng hình thức này. Năm nay trường dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh cho việc xét tuyển học bạ.
Thí sinh hỏi: Xin hỏi hình thức tuyển sinh của ngành dược sĩ và y đa khoa của Trường ĐH Duy Tân?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trong tất cả các ngành tuyển sinh bậc ĐH và CĐ của Trường ĐH Duy Tân thì riêng ngành bác sĩ đa khoa và dược là 2 ngành trường không xét học bạ mà chỉ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Thầy Hải giải thích vì đây là 2 ngành cực kỳ quan trọng liên quan đến mạng sống, sức khỏe con người; có chỉ tiêu ít và số thí sinh đăng ký dự thi đông; mặc khác, làm việc trong 2 ngành này đòi hỏi người làm phải có tinh thần vững chắc và việc thi tốt nghiệp THPT quốc gia cũng là “thuốc thử” cho tinh thần các em.
Một thí sinh khác hỏi: Nếu em không đạt điểm vào một ngành đăng ký của ĐH Duy Tân nhưng lại đủ điểm vào một ngành khác của trường thì có được chuyển đổi điểm, nguyện vọng sang ngành thấp hơn không ạ?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Ảnh: Đ.L
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Trúng tuyển vào một ngành nếu có nguyện vọng chuyển ngành khác thì điều kiện là hai ngành phải cùng khối xét tuyển, đồng thời điểm xét tuyển đầu vào các ngành phải tương đương với nhau. “Hiện trường đào tạo tín chỉ nên cho phép sinh viên học song song hai ngành ĐH. Nếu các em nỗ lực thì có thể chọn học thêm ngành thứ hai (nếu điểm đầu vào của các em không thỏa mãn điều kiện trên để chuyển ngành. Như vậy các em cũng tiết kiệm tiền hơn việc học xong ngành này rồi học văn bằng hai ngành kia. Tuy nhiên, để học được hai ngành, các em phải nỗ lực rất nhiều.
Trả lời câu hỏi bạn đọc tên Huỳnh Mi về hình thức xét tuyển ngành quản trị kinh doanh, ông Vũ Quang Huy cho biết trường sẽ xét tuyển học bạ cho tất cả các ngành. Riêng ngành quản trị kinh doanh xét tuyển bằng 4 tổ hợp môn. Tuy nhiên trường chỉ xét tuyển học bạ riêng năm lớp 12. Tuy nhiên điểm xét tuyển khác với điểm trúng tuyển, với chỉ tiêu 200 trường sẽ xét thí sinh từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu. Năm ngoái điểm trúng tuyển ngành quản trị kinh doanh bằng kết quả điểm 3 năm học là 18 điểm (3 môn). Năm nay, thí sinh có điểm đạt từ mức này trở lên có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào ngành này.
Trả lời câu hỏi của bạn đọc về tổ hợp môn toán, hóa, sinh, ông Vũ Quang Huy cho biết thí sinh xét tuyển tổ hợp toán, hóa, sinh có thể lựa chọn vào các ngành sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, tùy theo sức học để chọn ngành phù hợp. Với hệ liên thông, điểm xét tuyển hệ này năm ngoái chỉ bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, thí sinh dự thi liên thông cần đăng ký theo đúng ngành đã tốt nghiệp trước đó.
Một thí sinh đặt câu hỏi: Em đang học 12. Em có dự định đăng ký xét tuyển vào trường theo xét tuyển học bạ. Em thuộc diện con thương binh vậy em có được ưu tiên gì không ? Sau đăng ký xét tuyển thì tầm bao nhiêu ngày em nhận được giấy trúng tuyển nếu em đáp ứng đủ yêu cầu tuyển sinh của Trường ĐH Duy Tân?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải giải đáp: Dù xét tuyển theo học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia thì điểm ưu tiên cũng đều được tính theo quy chế của Bộ GD-ĐT (có điểm ưu tiên theo khu vực và theo đối tượng).
Kết quả xét tuyển theo cả hai hình thức sẽ được công bố cùng lúc để đảm bảo công bằng, không có chuyện thí sinh nào nộp hồ sơ trước thì sẽ được xét tuyển trước.
Ngành học làm phim hoạt hình của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng xét tuyển như thế nào? Ra trường nếu không làm đúng chuyên ngành thì có thể làm được ngành gì liên quan đến nó?
Ông Vũ Quang Huy cho biếtđây là ngành mà hồ sơ đăng ký học khá đông. Ngành này xét tuyển theo 4 tổ hợp môn, trong đó môn năng khiếu trường tổ chức thi tuyển hoặc xét kết quả dự thi từ trường khác. Trong đó điểm môn năng khiếu được nhân hệ số 2, trước khi nhân điểm tối thiểu từ 5 trở lên mới đủ điều kiện xét tuyển. Tốt nghiệp ngành này, sinh viên làm việc tại xưởng phim hoạt hình, đài truyền hình, công ty thiết kế và quảng cáo…
Ông Vũ Quang Huy - Ảnh: Đ.L
“Mình đã tốt nghiệp phổ thông trung học năm 1999 và tốt nghiệp cao đẳng ngành điện tử năm 2003, giờ mình muốn học thêm bậc đại học ngành dược thì có được xét tuyển các kết quả học tập trước đây để được vào học tiếp không?”, một bạn đọc đặt câu hỏi.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải: Để học ngành dược của Trường ĐH Duy Tân thì buộc em phải tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia vì trường chỉ xét tuyển ngành này bằng điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia chứ không có các hình thức xét tuyển khác.
Về việc chuyển điểm thì thầy nghĩ em sẽ không được chuyển điểm vì em đã học và tốt nghiệp 13 năm rồi, bên cạnh đó, ngành điện - điện tử thì hầu như không có môn tương đồng với ngành dược. Còn với các môn cơ sở chung (triết học, kinh tế - chính trị,…) thì em cũng đã học qua 13 năm rồi nên kiến thức cần phải được cập nhật, học lại. Vì vậy, chắc chắn là em sẽ không được chuyển điểm.
Em học chuyên ngành công nghệ spa và y sinh học TDTT ở Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng thì cần tố chất như thế nào? Em có phải thi môn thi năng khiếu không? Trường xét tuyển những môn nào để lấy chỉ tiêu đầu vào? Học ngành này sau khi tốt nghiệp có thể dạy giáo dục thể chất ở các trường được không?
Ông Vũ Quang Huy cho biết từ năm 2015 trường không tuyển sinh ngành này.
Tư vấn nên nộp hồ bằng hình thức học bạ hay thi THPT quốc gia, ông Vũ Quang Huy khuyên, dù xét bằng kết quả nào thì hình thức đào tạo và bằng cấp như nhau, cơ hội tìm việc không khác nhau. Tuy nhiên tùy theo điều kiện cụ thể của bản thân để thí sinh quyết định hình thức phương thức xét tuyển phù hợp.
Nhiều thí sinh và phụ huynh lo lắng: Có sự khác nhau gì về chương trình đào tạo, chất lượng cũng như cách thức đào tạo giữa các phương thức xét tuyển không? Bởi lẽ một bên là lấy kết quả qua một kỳ thi quốc gia, một bên chỉ xét điểm học bạ trong quá trình học THPT, thậm chí chỉ của riêng lớp 12. Từ thực tế đào tạo nhiều năm sinh viên có đầu vào bằng 2 phương thức xét tuyển khác nhau, thầy Hải có những nhận xét gì về chất lượng giữa các sinh viên này?
Tiến sĩ Võ Thanh Hải đánh giá: Chúng ta có 3 giai đoạn là: Một là tuyển sinh; hai là học ĐH; ba là tìm việc làm - tuyển dụng. Ở giai đoạn 1 hiện giờ có nhiều phương thức xét tuyển nhưng tôi nhấn mạnh là đến giai đoạn 2 chỉ có một chương trình, một phương thức đào tạo đối với sinh viên một ngành cho dù thí sinh đó trúng tuyển ĐH bằng phương thức gì. Vì vậy cũng chỉ có một loại văn bằng tốt nghiệp ĐH đánh giá sinh viên đủ chuẩn đầu ra.
Sau khi tốt nghiệp, để được tuyển dụng sinh viên phải dựa vào năng lực của mình.
“Về mặt văn bằng, trình độ thì dù đi vào trường bằng phương thức tuyển sinh nào thì cũng chỉ có một văn bằng tốt nghiệp ĐH”, thầy Hải nhấn mạnh.
Vì vậy, theo thầy Hải, chỉ có một điều thí sinh phải lo lắng là phương thức học ĐH khác với phương thức học phổ thông. Vì vậy, học ở ĐH các em phải chủ động để có kết quả học tập tốt nhất, sự thụ động sẽ đào thải sinh viên ở ĐH.
***** Những chia sẻ vừa rồi của đại diện hai trường ĐH đã khép lại chương trình tư vấn hôm nay với chủ đề Đa dạng các phương thức xét tuyển. Chúng tôi hy vọng các bạn đã có được những thông tin cần thiết về các trường có phương án tuyển sinh riêng. Như vậy, căn cứ vào điều kiện và năng lực của mình, ngoài việc sử dụng kết quả từ kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển , các bạn còn có thêm những cơ hội khác từ đề án tuyển sinh riêng hết sức đa dạng từ các trường.
Để giúp thí sinh có thêm thông tin về vần đề này, chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến diễn ra vào ngày 8.6 tới sẽ tập trung vào chủ đề Cơ hội vào các trường xét tuyển bằng học bạ tại địa chỉ thanhnien.vn và Fange Facebook Báo Thanh Niên. Xin cảm ơn các chuyên gia đã tham gia tư vấn trong chương trình.
Cảm ơn các bạn theo dõi chương trình qua website Thanh Niên và Fanpage. Facebook của Báo Thanh Niên. Hẹn gặp lại trong chương trình ngày 8.6.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.