“Tự vệ” trước E.coli

15/06/2011 09:46 GMT+7

Đại dịch E.coli ở Đức đã ở mức báo động khi các nhà khoa học mô tả dòng E.coli này rất “tàn bạo và thâm độc” vì đề kháng với kháng sinh, và ngang nhiên trở thành một loại siêu vi khuẩn đe dọa mạng sống của bệnh nhân.

Theo các nhà khoa học Mỹ, sự nguy hiểm của dòng E.coli ở Đức kỳ này là do sự lạm dụng kháng sinh ở các trại nuôi gia súc cũng như xưởng chế biến thịt. Theo đó, gà vịt heo bò được cung cấp kháng sinh nhằm hạn chế một số dịch bệnh.

Tuy nhiên thật không may mắn, việc sử dụng kháng sinh vô tội vạ làm E.coli trong ruột vật nuôi đề kháng với kháng sinh. Khi các vật nuôi để lấy thịt này thải phân, phân của chúng dùng bón rau cải và hậu quả không thể tránh khỏi là E.coli đề kháng với kháng sinh nhiễm vào rau củ quả.

Những loại rau củ quả được thu hoạch rồi phân phối vào các siêu thị, cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng rửa rau cải không đúng cách hoặc không đủ sạch thì dòng E.coli đã đề kháng với kháng sinh này lại tiếp tục phiêu lưu vào ruột người. Tại đây chúng sẽ giở những “thủ đoạn” tàn bạo trên sức khỏe con người, đồng thời chiếm chỗ những vi khuẩn có lợi sống trong ruột người và tạo điều kiện cho những vi khuẩn có hại khác hùa theo để công phá sức khỏe con người.

Các nhà khoa học Đức và Trung Quốc đã phân tích mẫu ADN của E.coli trong đợt dịch này, nhận thấy dòng E.coli này “hoàn toàn mới, cực độc” và trong gen đã hình thành các yếu tố đề kháng với kháng sinh.

Theo tuyên bố của phòng thí nghiệm Thâm Quyến (Trung Quốc), dòng E.coli mới đã lai tạp nhiều dạng E.coli khác nhau. Hilde Kruse, một chuyên gia về an toàn thực phẩm của WHO, cũng cho biết dòng E.coli lần này chưa bao giờ thấy xuất hiện ở người từ trước đến nay.

Để tự bảo vệ trước đại dịch E.coli, các nhà y học khuyên nên ăn những loại rau sạch. Tốt nhất là hãy tự trồng. Khi mua rau từ chợ phải rửa thật sạch. Cũng nên ăn thêm nhiều probiotic vốn cung cấp nhiều vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Những vi khuẩn có lợi này sẽ chiếm chỗ của các loại vi khuẩn có hại.

Cũng nên hạn chế việc sử dụng kháng sinh vì một số bệnh nhân yêu cầu bác sĩ ghi cho họ kháng sinh dù họ bị nhiễm virut chứ không phải bị nhiễm vi khuẩn. Cần nhớ là kháng sinh chỉ có thể “ăn thua đủ” với vi khuẩn. Còn đối với virut mà sử dụng kháng sinh cũng như “nước đổ đầu vịt” mà thôi.

Một điều rất đơn giản nhưng cũng không hiếm người quên, đó là rửa tay sạch sẽ trước khi nấu nướng, ăn uống và sau khi đi vệ sinh!

Thêm 5 người tử vong

Thêm năm người vừa qua đời ở Đức vì nhiễm khuẩn E.coli dòng O104:H4, có nguồn gốc từ giá đỗ, làm tăng số tử vong vì vi khuẩn này lên 36. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát - phòng ngừa dịch bệnh châu u (ECDC), tất cả các ca tử vong đều xảy ra tại Đức, trừ một trường hợp ở Thụy Điển.

Tổng số người nhiễm khuẩn hiện đã lên đến 3.256 người ở 16 quốc gia, trong đó có 812 ca bị tổn thương đường ruột nghiêm trọng.

Ngày 11-6, Cục Bảo vệ sức khỏe Scotland thông báo phát hiện một trường hợp nhiễm khuẩn từ Đức trở về. Họ còn cho biết người đàn ông bị nhiễm khuẩn này chưa từng nhập viện và chưa mắc chứng tán huyết - tăng urê máu (HUS). 14 người ở Anh cũng đang bị nghi nhiễm khuẩn E.coli O104.

Hà Lan phát hiện hai người trồng giá đỗ đã bị nhiễm khuẩn E.coli dòng khác ít nguy hiểm hơn. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết số người nhiễm khuẩn lên đến con số 5.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.