Từ việc cấm thi tuyển lớp 6: Nên xóa trường chuyên bậc THCS

12/03/2015 05:08 GMT+7

Không cho các trường tuyển sinh vào lớp 6 là một trong những chủ trương Bộ GD-ĐT nhắc lại nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như lâu nay ở bậc tiểu học.

Không cho các trường tuyển sinh vào lớp 6 là một trong những chủ trương Bộ GD-ĐT nhắc lại nhằm hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan như lâu nay ở bậc tiểu học.

 
Học sinh tiểu học tại TP.HCM học thêm luyện thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chiều 11.3 Học sinh tiểu học tại TP.HCM học thêm luyện thi vào Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa chiều 11.3 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đã có quy định từ trước

Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định về nguyên tắc, đã có quy định rõ về việc không thi tuyển học sinh (HS) vào lớp 6.

Ông Hiển cho rằng nhiều năm nay Bộ đã bỏ quy định thi HS giỏi tiểu học, xóa lớp chọn ở tiểu học và THCS, cấm thi tuyển sinh đầu vào lớp 6... nhằm ngăn chặn tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, nhất là ở bậc tiểu học. Chỉ thị của Bộ trưởng ban hành tháng 11.2014 chỉ nhắc lại những nội dung đã quy định để các sở GD-ĐT tiếp tục thực hiện nghiêm túc hơn.

Quy định “cấm thi vào lớp 6” của Bộ rõ ràng là hợp lý và cần thiết để có thể ngăn chặn được tình trạng bậc tiểu học dạy thêm học thêm tràn lan. Tuy nhiên, việc Bộ kiên quyết không đồng ý phương án thi tuyển vào lớp 6 của bất cứ trường nào và buộc các sở GD-ĐT phải tìm một hướng tuyển sinh khác thì đây cũng là một bài toán khó trong bối cảnh hiện nay.

Nếu chỉ xét học bạ tiểu học thì những trường THCS yêu cầu nguồn tuyển chất lượng cao rất khó tìm được trúng đối tượng HS thực sự có năng lực vượt trội. Việc đánh giá HS tiểu học ngày càng theo hướng nhẹ nhàng hơn. Lâu nay, số HS giỏi ở tiểu học chiếm tỷ lệ áp đảo so với HS tiên tiến hoặc trung bình nên chọn tiêu chí HS giỏi ở tiểu học cũng chưa hẳn chính xác.

Trước tình hình ấy, một chuyên gia giáo dục cho rằng có lẽ nên thực hiện đúng luật Giáo dục, không có trường chuyên, lớp chọn ở bậc tiểu học và THCS, vì vậy cũng không cần phải thi tuyển gì nữa. Những trường được gọi với “tên gọi khác” như trường chất lượng cao hay mô hình đặc thù… nên trở lại là một trường THCS hoạt động bình thường, xét tuyển theo phân tuyến tuyển sinh một cách nhẹ nhàng như tất cả các trường khác.

Cũng theo chuyên gia này, ngay cả Đề án đổi mới căn bản toàn diện giáo dục sau 2015 cũng vẫn giữ 9 năm giáo dục cơ bản, đại trà. Việc phân hóa theo năng lực, sở trường của HS chỉ thực hiện bắt đầu từ cấp THPT. Vì vậy, thi tuyển căng thẳng để chọn HS vào trường chuyên, lớp chọn chỉ nên bắt đầu từ THPT là phù hợp.

Nhiều trường xin cơ chế đặc thù

Trao đổi với Thanh Niên, ông Phạm Hữu Hoan, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết văn bản mà Sở xin ý kiến của Bộ và UBND TP không chỉ về tuyển sinh lớp 6 của Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam mà là của tất cả những trường vốn lâu nay có số lượng HS đăng ký dự tuyển vượt quá xa so với khả năng tuyển sinh của các trường.

Cũng theo ông Hoan, cơ chế đặc thù mà Sở đề xuất với UBND TP và Bộ là ngoài xét học bạ tiểu học thì vẫn cho phép các trường trên được tuyển sinh thông qua một kỳ kiểm tra đầu vào các môn văn hóa (toán, tiếng Việt) như các năm trước.

Trong khi đó, tại TP.HCM, ông Lâm Triều Nghi, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cũng bày tỏ quan điểm: “Là nơi đào tạo nguồn HS giỏi cho các lớp 10 chuyên, các trường THPT chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa, Phổ thông năng khiếu, Nguyễn Thượng Hiền… luôn mong muốn chọn lọc được những HS lớp 6 phù hợp với mục tiêu đào tạo. Vì vậy, hình thức thi tuyển vẫn là hợp lý nhất vì số lượng HS đăng ký luôn gấp 10 lần chỉ tiêu tuyển sinh. Còn cụ thể thi những môn gì, thi như thế nào do Sở quyết định”.

Là trường tiểu học hằng năm có khá nhiều HS đăng ký dự thi lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa, bà Lê Thị Ngọc Điệp, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cho rằng: “Để tuyển chọn HS cho mô hình lớp 6 trong trường chuyên với chỉ tiêu chỉ bằng 1/10 so với nhu cầu thì phải tổ chức thi với hình thức nào đó đảm bảo tính công bằng và minh bạch”.

Tương tự, bà Phạm Thị Hào, giáo viên lớp 5 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) nói: “Vẫn cần một kỳ thi hoặc khảo sát chất lượng để chọn đầu vào. Sở có thể chọn bài thi các môn hoặc kiểm tra các chỉ số thông minh… trên tinh thần đảm bảo khách quan và minh bạch”. Còn phụ huynh Nguyễn Ngọc Trà Giang có con học Trường tiểu học Trần Hưng Đạo (Q.1) nhấn mạnh: “Tỷ lệ chọi cao hơn một số trường ĐH cho thấy sức cạnh tranh để có một suất học lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa khá lớn nên thi tuyển vẫn là phù hợp và dù quyết định hình thức tuyển sinh như thế nào thì cũng mong Sở GD-ĐT công bố sớm”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, xác nhận Bộ mới nhận được công văn mà Sở GD-ĐT Hà Nội đề xuất và xin ý kiến về việc tuyển sinh lớp 6 năm học 2015 - 2016 của một số trường đặc thù. “Sau khi xin ý kiến lãnh đạo Bộ, chúng tôi sẽ trả lời, đồng thời có văn bản hướng dẫn chung cho tất cả các địa phương về vấn đề này”, ông Chuẩn cho hay.

Chủ trương cần nhất quán

Luật Giáo dục hiện hành quy định: “Trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho những HS đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện”. Như vậy rõ ràng việc hình thành các trường THCS chuyên như hiện nay là không hợp lệ.

Có lẽ nhận thức được điều đó nên những trường THCS này đều núp dưới danh nghĩa một trường THPT chuyên. Chẳng hạn ở TP.HCM dù mang tên Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa nhưng lại giảng dạy cả bậc THCS. Trường Hà Nội - Amsterdam cũng vậy. Bao nhiêu năm nay tình trạng đó dù không đúng luật nhưng vẫn tồn tại. Lâu dần, mọi người dường như cũng quên mất việc nó không hợp lệ.

Lệnh cấm không cho các trường tuyển sinh lớp 6, vì thế không có gì mới. Chẳng qua là nhắc lại để mọi người thực thi đúng luật. Nếu lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn quyết tâm giảm tải tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan ở cấp tiểu học, để mọi người thực hiện đúng kỷ cương, luật pháp; thực hiện đúng định hướng đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 - bắt đầu phân hóa HS theo năng lực từ THPT - thì không có gì lúng túng khi phải nói “không” với bất kỳ đề nghị nào. Nếu đồng ý “cơ chế đặc thù” với trường này thì sẽ không dễ gì từ chối trường kia. Địa phương này được, địa phương khác sao lại không? Vì thế, Bộ cần có chủ trương nhất quán.

Thùy Ngân

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.