Từ vụ bé trai 17 tháng tử vong: Làm sao để chấm dứt 'chạy theo' sự vụ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
07/03/2023 06:05 GMT+7

Vụ bé trai 17 tháng tuổi P.T.Đ tử vong do bị bảo mẫu tại một cơ sở trông trẻ bạo hành trên địa bàn xã Vạn Điểm (H.Thường Tín, Hà Nội), một lần nữa lại khiến dư luận lo ngại về nguy cơ mất an toàn từ những nhóm trẻ hoạt động manh mún.

THIẾU TRƯỜNG LỚP, PHỤ HUYNH PHẢI GỬI CON VÀO NƠI KHÔNG AN TOÀN

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên tại nơi xảy ra vụ việc, người dân tuy hoảng hồn nhưng cũng khẳng định với những trẻ dưới 2 - 3 tuổi thì không có nhiều lựa chọn để gửi con vào cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) công lập hoặc các trường tư tốt hơn. Thực tế cho thấy, các nhóm lớp mầm non xuất hiện và hoạt động "chui" chủ yếu ở các địa bàn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX), hoặc nơi có tốc độ đô thị hóa quá nhanh.

Làm sao để chấm dứt "chạy theo" sự vụ? - Ảnh 1.

Bên trong lớp học cơ sở mầm non “chui” mà bảo mẫu bạo hành bé trai 17 tháng tuổi đến tử vong

ĐÌNH HUY

Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng phòng GD-ĐT H.Mê Linh (Hà Nội), chia sẻ vì nhu cầu gửi trẻ của công nhân ở địa bàn này cao nên việc quản lý các nhóm lớp mầm non tư thục càng phải thắt chặt hơn. "Nếu quản lý chặt thì cơ sở chưa được cấp phép khó có thể hoạt động được. Chúng tôi đang tham mưu cho UBND huyện ra chỉ thị riêng về vấn đề này", ông Hậu nói. Ông Nguyễn Như Ý, Trưởng phòng GD-ĐT H.Thường Tín, nơi xảy ra vụ việc, thì khuyến cáo người dân nên tìm hiểu về cơ sở giữ trẻ trước khi gửi con. Tuyệt đối không gửi con ở những cơ sở "chui" như vừa qua để tránh những chuyện tương tự.

Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với GDMN tại KCN, KCX của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội công bố cuối năm 2022, cũng chỉ ra rằng hệ thống các cơ sở GDMN chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cơ sở GDMN chất lượng còn rất hạn chế. Việc xây dựng cơ sở GDMN ngoài công lập còn gặp nhiều khó khăn. Do thiếu trường, lớp mầm non, con em công nhân không vào học được tại các cơ sở GDMN tư thục chất lượng vì học phí cao, nhiều phụ huynh phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục chưa được cấp phép không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ

Khởi tố, bắt giam 2 bảo mẫu An - Lành trong vụ "bé trai 17 tháng tuổi"

ĐỀ NGHỊ THÔNG BÁO CÔNG KHAI, XỬ LÝ DỨT ĐIỂM

Ngày 6.3, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết sau vụ việc đau lòng khiến bé trai 17 tháng tuổi tử vong, ông đã ký văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện thực hiện tốt việc phân cấp quản lý giáo dục tại địa phương, chỉ đạo phòng GD-ĐT phối hợp với UBND xã, phường... kiểm tra, giám sát cơ sở GDMN thực hiện quy định của Bộ GD-ĐT, quy chế chuyên môn. Nâng cao trách nhiệm, vai trò của UBND xã, phường trong việc quản lý cấp phép và kiểm tra sau cấp phép đối với các cơ sở GDMN độc lập loại hình dân lập và tư thục, xử lý dứt điểm các vi phạm, thông báo công khai để nhân dân và cha mẹ được biết.

Cũng theo văn bản trên, Sở GD-ĐT yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở GDMN độc lập đã được cấp phép, phát huy vai trò của nhân dân, tổ chức đoàn thể trên địa bàn trong việc phát hiện kịp thời các cơ sở GDMN hoạt động trái quy định để xử lý nghiêm. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng tiếp tục đề nghị UBND các quận, huyện ưu tiên quỹ đất, xây dựng trường mầm non, đặc biệt quan tâm đến KCN, KCX, khu đô thị phát triển, tăng tỷ lệ huy động trẻ em độ tuổi nhà trẻ đi học.

Từ vụ bé trai 17 tháng tử vong: Làm sao để chấm dứt 'chạy theo' sự vụ? - Ảnh 2.

Chỗ ngủ của các cháu bé của cơ sở mầm non "chui"

ĐÌNH HUY

CHẤP NHẬN SỰ TỒN TẠI CỦA NHÓM LỚP NHƯNG PHẢI QUẢN LÝ CHẶT

Trở lại vụ việc ở H.Thường Tín, điều khiến dư luận băn khoăn là nếu nói nhóm trẻ hoạt động "chui" thì không đúng vì họ tuyển sinh, đón trẻ, trông trẻ rất công khai, người dân sinh sống trên địa bàn ai cũng biết thì không thể nói chính quyền địa phương không biết.

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 6.3, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD-ĐT), cho biết hiện Bộ đang chờ TP.Hà Nội báo cáo về vụ việc này. Tuy nhiên, ông Minh nêu quan điểm không thể vì một số vụ việc xảy ra ở các nhóm lớp mầm non tư thục mà phủ nhận sự tồn tại của các nhóm lớp mầm non tư thục độc lập. "Chấp nhận nhưng cũng không thể vì thế mà buông lỏng quản lý", ông Minh nhấn mạnh.

Vụ trưởng Minh cũng nhắc lại những chính sách hỗ trợ hiện hành và tiếp tục sẽ có những chính sách hỗ trợ hơn nữa trong thời gian tới. "Quan điểm là quản lý thì phải chặt nhưng phải có chính sách hỗ trợ phù hợp, chấp nhận sự tồn tại của các nhóm lớp mầm non tư nhưng phải làm thế nào để nâng cao chất lượng, đảm bảo sự an toàn cho trẻ", ông Minh khẳng định.

Toàn quốc có 15.401 trường mầm non

Theo Bộ GD-ĐT, tính đến hết năm học 2021 - 2022, toàn quốc có 15.401 trường mầm non (bao gồm nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non), 15.385 cơ sở GDMN độc lập (bao gồm nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập). Tổng số cơ sở GDMN trên toàn quốc là 30.786 (bao gồm trường mầm non và cơ sở GDMN độc lập).

Trên thực tế, hệ thống văn bản khá đầy đủ nhưng tại sao lại có nhiều vụ việc ở các cơ sở mầm non tư thục thì cơ quan quản lý mới phát hiện ra cơ sở đó hoạt động "chui"? Ông Minh cho rằng, với hơn 5 triệu trẻ, cơ sở mầm non rất đa dạng các loại hình, nếu xét về tỷ lệ thì rất ít và giảm rất nhiều so với trước đây, nhưng tính chất của vụ việc như vừa qua thì đặc biệt nghiêm trọng. "Vụ việc đau lòng như vừa xảy ra ở Hà Nội thì phải thắt chặt quản lý. Chế tài thì có rồi nhưng các địa phương phải xử lý nghiêm. Xử lý phải có sức răn đe, ngoài những đối tượng trực tiếp thì cũng phải xử lý trách nhiệm quản lý, để các địa phương làm tốt hơn", ông Minh nói.

Điều dư luận quan tâm là làm thế nào để tránh quản lý, chấn chỉnh chạy theo từng sự vụ. Trả lời câu hỏi này, vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho rằng: "Bộ GD-ĐT không chạy theo từng sự vụ. Đến thời điểm này hệ thống văn bản liên quan đến quản lý GDMN cả công lập và ngoài công lập… đã được ban hành khá đầy đủ và chặt chẽ. Còn những trường hợp xảy ra mang tính cá biệt thì quan điểm của Bộ GD-ĐT là yêu cầu địa phương báo cáo diễn biến và cách thức xử lý, nếu xử lý chưa nghiêm, chưa đúng theo các văn bản quy phạm pháp luật thì Bộ mới nhắc nhở, chấn chỉnh. Không phải cứ xảy ra sự vụ thì Bộ lại ra một văn bản chỉ đạo".

Theo ông Minh, Bộ GD-ĐT đang chờ xem động thái xử lý của Hà Nội sau vụ việc này ra sao. "Như trên tôi đã nói, không chỉ xử lý những đối tượng trực tiếp gây ra cái chết của cháu bé mà còn phải xử lý những đối tượng có trách nhiệm quản lý các cơ sở GDMN trên địa bàn. Tất nhiên, nếu xử lý không nghiêm thì Bộ sẽ có ý kiến", ông Minh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.