TNO

Từ vụ cầm giữ, thảm sát con tin: Khoan dung và bất khoan dung

17/12/2014 00:00 GMT+7

(Tin Nóng) Chưa hết bàng hoàng về vụ cầm giữ con tin ở Sydney, Úc, những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới lại bị sốc nặng về vụ thảm sát học sinh tại một trường học ở Pakistan. Có đến 141 nạn nhân bị bắn chết, hầu hết là học sinh, và 125 người bị thương, một tội ác kinh hoàng...

(Tin Nóng) Chưa hết bàng hoàng về vụ cầm giữ con tin ở Sydney, Úc, những người yêu chuộng hoà bình trên thế giới lại bị sốc nặng về vụ thảm sát học sinh tại một trường học ở Pakistan. Có đến 141 nạn nhân bị bắn chết, hầu hết là học sinh, và 125 người bị thương, một tội ác kinh hoàng...


Chưa hết bàng hoàng vì vụ cầm giữ con tin ở Sydney, Úc, thế giới lại bị sốc vì vụ 7 tay súng Taliban tấn công trường học ở Peshawa, Pakistan ngày 16.12.2014, thảm sát 141 người, hầu hết là học sinh - Ảnh: AFP

Cả hai vụ thảm sát trên đều có chung đặc điểm, đó là các tay súng đều nhằm vào những người vô tội, những người dân thường, học sinh, giáo viên. Vì sao? Chính là vì đó là những đối tượng dễ bị tấn công hơn cả so với cảnh sát hay quân đội, dù các lực lượng vũ trang ấy chính là đối tượng mà các “tay súng” muốn trả thù.

Với vụ khủng hoảng con tin tại Sydney, có thể thấy mối lo ngại bạo lực hay chiến tranh lan từ Trung Đông tới các quốc gia phương Tây đã bắt đầu thành hiện thực. Những cuộc chiến tranh tuy nhỏ, có thể là tự phát, nhưng hệ quả của nó là gây ra sự bất ổn lan rộng và đẩy mạnh tính bất khoan dung trong các xã hội này.

Có thể thấy rằng “thời trung cổ đã rục rịch quay trở lại” như nhà văn người Đức Hermann Hesse đã từng tiên đoán. Tra tấn, cắt cổ, xả súng vào trẻ em... Không phải chỉ ở phía phiến quân IS hay Taliban mà mới đây, Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cũng bị cho là có những biện pháp tra tấn dã man tù binh.

Máu lại đòi trả bằng máu, bạo lực đòi trả bạo lực, bất khoan dung lại đòi bất khoan dung... Một vòng lẩn quẩn, xoáy trôn ốc, ngày một dâng cao hơn. Trước đó là ý thức hệ, rồi đến chủ nghĩa dân tộc, giờ lại là tín ngưỡng, tôn giáo.


Nỗi đau tột cùng của những người mẹ mất con vì sự tàn bạo của quân Taliban ở Peshawa, Pakistan - Ảnh: AFP


Quân đội Pakistan vào ngôi trường xảy ra vụ thảm sát do quân Taliban gây ra ngày 16.12.2014 - Ảnh: AFP

 
Một phụ nữ bật khóc khi thoát ra được quán cà phê Lindt ở Sydney, chiều 15.12 - Ảnh: Reuters

Có thể thấy sự lúng túng của thế giới trong những chính sách của mình đối với sự khoan dung hay bất khoan dung. Như vụ tay súng, giáo sĩ Man Haron Monis tấn công một quán cà phê ở Sydney vốn là một người tỵ nạn chính trị từ Iran, người từng bị cáo buộc đồng loã giết vợ và 40 vụ liên quan đến tình dục, nhưng vẫn được tại ngoại và gây tội ác. Ngay sau vụ khủng bố, thủ tướng Úc Tony Abbott tuyên bố sẽ xét lại những chính sách khoan dung của xã hội mình.

Chính phủ Pakistan của thủ tướng Nawaz Sharif cũng kêu gọi lập một chiến tuyến thống nhất để chống lại quân Taliban sau vụ thảm sát ở trường học.

Những phản ứng như trên là điều dễ hiểu, thế nhưng liệu sự bất khoan dung có giải quyết tận gốc được nạn bạo lực, khủng bố, chiến tranh? Vì sao nhân loại phát triển đến mức như ở thế kỷ XXI này lại không thể giải quyết được những bài toán được đặt ra mãi từ thời trung cổ?

Nhìn rộng ra hơn, có thể thấy sự lúng túng, bất lực này trong các vụ tranh chấp lãnh thổ. Ngay cả những nước nhỏ, nghèo, giờ cũng buộc phải “chạy đua vũ trang”. Vậy thì thế giới nên đi theo trào lưu nào, khoan dung hay bất khoan dung? Một thế giới hoà bình ổn định khắp cùng có vẻ là điều bất khả chăng?

Đoàn Đạt

>> Quân Taliban thảm sát hơn 100 học sinh ở Pakistan
>> ‘Hứng đá’ vì chụp ảnh tự sướng tại nơi cầm giữ con tin Sydney
>> Thủ phạm cầm giữ con tin ở Sydney (Úc) đã bị bắn chết
>> Thủ phạm cầm giữ con tin ở Sydney là giáo sĩ Iran tị nạn
>> Khủng bố cầm giữ con tin tại Sydney: Đã có 5 người thoát ra
>> Khủng bố khống chế hàng chục con tin ở Sydney, Úc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.