Thời gian qua, dư luận xôn xao về 2 vụ việc liên quan đến dịch vụ cung cấp đồ ăn, được cho là có giá cả và chất lượng không phù hợp với thị trường chung.
Một là vụ việc ở TP.Sầm Sơn, du khách đăng tải hình ảnh quán bún chả trên địa bàn có dấu hiệu “chặt chém” khi bán suất bún 35.000 đồng với chỉ một đĩa bún, 2 miếng chả và chén nước chấm.
Hai là vụ việc ở Thiên Đường Bảo Sơn, du khách phản ánh nhà hàng tại công viên này bán suất cơm 120.000 đồng chỉ có một miếng sườn kèm cơm, nước canh và rau luộc.
Ở cả 2 vụ việc, nhiều ý kiến cho rằng giá bán như vậy là cao, hoặc chất lượng suất ăn chưa tương xứng với giá thành. Trong khi đó, chính quyền cơ sở của 2 địa phương đều khẳng định các nhà hàng đã bán đúng giá niêm yết, vì đã niêm yết giá công khai nên không có cơ sở khẳng định nhà hàng “chặt chém”, không có căn cứ để xem xét xử lý.
Giải thích từ chính quyền khiến bạn đọc đặt ra thắc mắc: phải chăng chỉ cần niêm yết công khai, chủ cửa hàng thích bán giá bao nhiêu cũng được, dù cao hơn mặt bằng chung thị trường cũng không bị xử lý?
Xem nhanh 20h ngày 4.6: Đi mua dâm còn quay lén tống tiền | Xôn xao đĩa cơm sườn 120.000 đồng
Luật sư Hà Công Tâm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, khoản 6 điều 4 luật Giá năm 2012 quy định niêm yết giá là việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thông báo công khai bằng các hình thức thích hợp, rõ ràng và không gây nhầm lẫn cho khách hàng về mức giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bằng đồng Việt Nam.
Việc niêm yết giá được thực hiện bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc trên bao bì của hàng hóa hoặc bằng hình thức khác tại nơi giao dịch hoặc nơi chào bán hàng hóa, dịch vụ để thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Điều 12 Nghị định 109/2013 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2016) quy định xử phạt một số vi phạm về niêm yết giá như: phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật hoặc niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng; nếu vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm, mức phạt sẽ nâng lên từ 1 - 3 triệu đồng.
Hoặc phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá…
Như vậy, pháp luật chỉ xử phạt đối với hành vi không niêm yết giá, niêm yết giá không rõ ràng hoặc bán không đúng giá niêm yết, còn với việc đã niêm yết rõ ràng nhưng giá cao hay thấp thì không có căn cứ để xử phạt.
Tuy nhiên, thực tế cũng không ít trường hợp có niêm yết giá nhưng lại “mập mờ” trong hình ảnh. Chẳng hạn, trên biển quảng cáo ghi rõ giá thành kèm theo hình ảnh bát bún rất ngon, hấp dẫn, thế nhưng khi gọi món, đúng là mức giá ấy nhưng lại là một bát bún khác xa hình ảnh quảng cáo. Trường hợp này có thể coi là niêm yết giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.
Theo luật sư, giá thành sản phẩm (trừ trường hợp do Nhà nước định giá) tùy thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có hạch toán của mỗi cơ sở kinh doanh. Cùng một sản phẩm nhưng cơ sở này bán một giá, cơ sở kia lại bán một giá khác; hoặc cùng một mức giá nhưng có cơ sở ngon, cơ sở lại không ngon. Khi ấy, sự quyết định sẽ phụ thuộc vào bản thân thị trường.
“Nếu bán giá quá cao, cơ sở kinh doanh có thể đối diện với tình trạng ế ẩm, không có người mua; còn nếu đã thấy cơ sở niêm yết giá rõ ràng mà vẫn sử dụng dịch vụ thì đó là sự chấp nhận của phía khách hàng. Về bản chất, đây là sự thỏa thuận giữa hai bên”, luật sư Tâm đánh giá.
Dù vậy, không phải cứ niêm yết giá thì chủ cửa hàng có thể bán giá tùy thích. Điều 13 Nghị định 109/2013 cũng quy định xử phạt đối với các hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.
Ví dụ, phạt tiền từ 1 - 5 triệu đồng nếu bán giá cao hơn mức giá đã kê khai hoặc đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, mà hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá có tổng giá trị đến 50 triệu đồng. Mức tiền phạt sẽ tăng tương ứng với tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ bán tăng giá.
“Để tránh thiệt thòi hoặc không hài lòng về giá sản phẩm, tốt nhất khách hàng nên có sự trao đổi, thỏa thuận với cơ sở kinh doanh trước khi sử dụng dịch vụ. Nếu thấy đắt, khách hàng có thể lựa chọn cơ sở kinh doanh khác, nếu thấy phù hợp thì sử dụng”, luật sư khuyến nghị.
Bình luận (0)