Đây là chuyến tác nghiệp lớn, dài ngày đầu tiên tại Thái sau hơn một năm tạm biệt, về sống hẳn Việt Nam. Lâu rồi mới có một chuyến đi đầy cảm xúc như vầy. Tất bật. Hồi hộp. Lo âu. Hạnh phúc... Giờ lắng xuống, cảm xúc đọng lại sau chuyến đi chỉ còn những câu chuyện vụn nhưng đầy yêu thương.
Từ khi đội bóng mất tích, thầy cô và học sinh trường Maesaiprasitsart (nơi 6 thành viên đội bóng đang theo học) đều 2 lần/ngày cầu nguyện bình an cho họ và dành một phút mặc niệm cho người thợ lặn đã hy sinh trong đợt giải cứu vừa qua. Nhà trường còn vào chùa làm lễ cầu siêu, quyên góp ủng hộ chút tiền cho gia đình người xấu số.
Quá trình cứu hộ vừa qua phải bơm hơn 130 triệu lít nước ra khỏi hang đã làm ảnh hưởng đến ruộng của dân xung quanh. Vậy mà khi một nhà hảo tâm quyết định hỗ trợ khẩn 500.000 baht (khoảng 370 triệu đồng) cho 19 hộ bị ảnh hưởng nặng nhất, chỉ có 4 hộ đồng ý nhận vì hoàn cảnh khó khăn. 15 hộ còn lại không nhận vì “lúa bị ngập có thể trồng lại, nhưng mạng sống của 13 người quan trọng hơn rất nhiều”.
Trong khuôn viên Bệnh viện Chiang Rai Prachanukroh, tầng trệt của tòa nhà nơi các thành viên đội bóng được điều trị cách ly có đặt một quyển sổ lưu niệm để mọi người có thể viết những lời nhắn ủng hộ tinh thần cho đội bóng. Cuốn sổ to, dày cộp đã gần kín trang.
Dọc hai bên đường trước bệnh viện là nơi “cắm trại” của cánh phóng viên để chờ đoàn xe cấp cứu chở các thành viên Heo Rừng về. Thỉnh thoảng, người dân lại mang khay nước mát, bánh ngọt đến từng phóng viên.
Tại trung tâm báo chí gần cửa hang Nang Non, họ mang bàn ghế, dựng bạt cho phóng viên tác nghiệp, phục vụ ăn uống với hàng chục món, bảo vệ, giữ xe, hướng dẫn phóng viên…Đương nhiên, tất cả đều miễn phí.
Từng sống ở Thái nên những điều này tôi không lạ. Ở Thái gần 3 năm, tôi chưa từng thấy người Thái chen lấn, đánh lộn chửi bới nhau. Họ nhẫn nại xếp hàng dài dưới nắng gắt để chờ xe, nói chuyện với nhau rất nhỏ nhẹ, cúi đầu, chắp tay cảm ơn khi người khác làm điều gì đó cho mình.
Ra đường, tôi hiếm khi nghe tiếng còi xe. Taxi dừng đón khách dọc đường, các xe sau kiên nhẫn chờ không bấm còi, chửi rủa. Khi kẹt xe, thấy xe máy len lỏi xe hơi cụp kính chiếu hậu ráng nép một bên nhường đường.
Chạy xe máy ở Thái hầu như cũng không phải gửi xe, vì hiếm khi mất. Hồi mới qua, bạn người Thái cười ngạc nhiên khi thấy tôi khóa cả đùm xe. Ở riết rồi quen đi chợ, đi chơi chỉ việc “vứt” xe bên lề đường, cứ thế mà tung tăng, thậm chí tới sáng hôm sau về xe vẫn còn nguyên đó. Ở Thái, những điều “nhỏ nhặt” như vậy, kể hoài không hết...
Bình luận (0)