Từ vụ gym Fit24 'tạm đóng cửa': Người mua gói dịch vụ dài hạn có đòi được tiền không?

10/10/2024 12:48 GMT+7

Khi hệ thống gym Fit24 bất ngờ thông báo tạm đóng cửa, hàng loạt hội viên đóng gói dịch vụ dài hạn lo lắng trước nguy cơ mất tiền.

Không chỉ Fit24 mà nhiều dịch vụ thể thao, spa, thẩm mỹ, dạy tiếng Anh đều có gói ưu đãi 3 tháng, 6 tháng, một năm... với chi phí thấp hơn. Thế nhưng nếu chủ doanh nghiệp bất ngờ đóng cửa, phá sản thì quyền lợi của người mua đã bỏ ra số tiền lớn sẽ được giải quyết ra sao? Những giải pháp, cảnh báo nào để người tiêu dùng nào tránh rủi ro tương tự.

Mới đây, chuỗi phòng gym Fit24 thông báo tạm dừng hoạt động tất cả phòng tập từ ngày 5.10 "vì lý do khách quan bất khả kháng" khiến nhiều hội viên mua gói tập theo năm hoặc tháng này hoang mang, lo lắng liệu phòng gym có mở cửa trở lại hay không? Số tiền họ đã bỏ ra mua các gói dịch vụ: quý, năm sẽ được giải quyết thế nào?

Phóng viên Báo Thanh Niên đã có buổi trao đổi với lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM để bảo vệ người tiêu dùng khi xảy ra những vấn đề tranh chấp.

Sẽ thay mặt nhóm hội viên kiện ra tòa

Đầu tiên, bà Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cho biết, thời gian gần đây hội thường xuyên nhận được phản ánh, khiếu nại về các trường hợp đóng tiền theo năm, quý hoặc tháng của người tiêu dùng tương tự như những hội viên ở chuỗi phòng gym Fit24.

Một số trường hợp khi nhiều người đóng tiền thì đơn vị đó đời địa điểm, phá sản xa hơn là thay đổi các cung ứng dịch vụ. Từ đó phát sinh ra mâu thuẫn, khách hàng đòi lại tiền nhưng không được rồi đành bỏ tiền. Đây là điều kiện để các đơn vị làm ăn không chân chính lợi dụng trục lợi.

Từ vụ gym Fit24 'tạm đóng cửa': Người mua gói dịch vụ dài hạn có đòi được tiền không?- Ảnh 1.

Fit24 đột ngột thông báo tạm ngưng hoạt động vào hôm 5.10

Ảnh: Chụp màn hình

Theo luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023, có quy định UBND cấp quận, huyện đến phường phải lập một đơn vị xử lý khi người tiêu dùng khiếu nại trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, đến hôm nay, vẫn chưa có tổ chức riêng biệt nào được thành lập và nhận đơn xử lý dạng này. Cho nên, điểm đến cuối cùng của người tiêu dùng sau tranh chấp chỉ là tòa án.

Bà Thu nói rằng vai trò và quyền hạn của hội là đơn vị trung gian, đứng ra kết nối, tổ chức thương lượng khi người tiêu dùng và bên liên quan phát sinh vấn đề.

Xôn xao vụ chuỗi phòng gym Fit24 TP.HCM đột ngột đóng cửa

Do đó, về quy trình, khi xảy ra mâu thuẫn giữa 2 bên, đầu tiên, người tiêu dùng nên liên hệ trực tiếp đơn vị kinh doanh để yêu cầu giải quyết. Nếu không thống nhất, với vai trò của mình hội sẽ đứng ra tổ chức hòa giải, thương lượng bằng cách mời 2 bên đến làm việc. Nếu vẫn chưa thể giải quyết được vấn đề, người tiêu dùng có thể làm đơn kiện ra tòa án hoặc trọng tài kinh tế.

Trong trường hợp một nhóm người tiêu dùng muốn cùng đứng ra đòi quyền lợi thì cần làm danh sách, lấy chữ ký của mọi người và từng người phải làm đơn rồi tập hợp lại. Hội Bảo vệ người tiêu dùng sẽ tiếp nhận và thay mặt nhóm khởi kiện đơn vị kinh doanh ra tòa. Hoặc xa hơn hội sẽ kiến nghị đến UBND TP.HCM, cơ quan công an để có biện pháp với đơn vị kinh doanh đang bị khiếu nại.

Tuy nhiên, bà Thu bày tỏ: "Trước kia hội từng tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại nhưng có rất ít người tiêu dùng quyết theo đến cùng. Tâm lý chung khi bị mất tiền, ai cũng nóng lòng muốn đòi lại, nhưng sợ mất thời gian, công sức, trong khi số tiền bị mất chỉ vài triệu đồng nên sau đó sẽ bỏ qua. Bởi thông thường, một vụ án như thế này mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm để tòa xử lý. Do đó, bao nhiêu lần hội muốn hỗ trợ nhưng vẫn không làm được".

Trước kia hội từng tiếp nhận nhiều đơn khiếu nại nhưng có rất ít người tiêu dùng quyết theo đến cùng. Tâm lý chung khi bị mất tiền, ai cũng nóng lòng muốn đòi lại, nhưng sợ mất thời gian, công sức, trong khi số tiền bị mất chỉ vài triệu đồng nên sau đó sẽ bỏ qua. Bởi thông thường, một vụ án như thế này mất ít nhất 6 tháng đến 1 năm để tòa xử lý.

Bà Phan Thị Việt Thu

Bà Thu cho biết thêm, hiện nay, nhiều đơn vị lợi dụng tâm lý "ham lợi" của người tiêu dùng với việc đưa ra các khuyến mãi, ưu đãi khi đóng tiền theo gói dài hạn để kéo khách hàng "chốt đơn". Trong các hợp đồng giao kết giữa 2 bên, thường đơn vị kinh doanh ít hoặc không nêu rõ điều khoản bất lợi cho họ. Cụ thể, trong hợp đồng giữa hội viên và chuỗi phòng gym Fit24, không có điều khoản nào đề cập đến việc nếu đơn vị này tạm ngừng đóng cửa hay tuyên bố phá sản.

Bà Thu khuyến cáo người tiêu dùng nên cân nhắc thật kỹ trước khi đóng tiền theo gói các dịch vụ dài hạn hiện nay. Đừng vô tư đặt bút ký mà không đọc hết hợp đồng, khi xảy ra chuyện xem lại thì mới thấy bản thân đã thiệt thòi ngay từ đó.

Từ vụ gym Fit24 'tạm đóng cửa': Người mua gói dịch vụ dài hạn có đòi được tiền không?- Ảnh 2.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho biết sẽ thay mặt nhóm hội viên kiện ra tòa nếu thấy cần thiết

Ảnh: Cao An Biên

Đồng thời, bà cũng đề xuất phương án với cơ quan chức năng, khi một công ty mới thành lập, có bán các sản phẩm dịch vụ theo gói năm, quý hoặc tháng như: các spa, phòng gym, du lịch nghỉ dưỡng… đều phải ký quỹ. Quỹ này tạm gọi là "rủi ro với người tiêu dùng" bởi nếu trong trường hợp công ty phá sản hoặc đóng cửa thì Nhà nước sẽ lấy từ nguồn quỹ đó để bồi thường thiệt hại cho khách hàng của công ty đó.

Tạm dừng, tạm đóng cửa có vi phạm hợp đồng hay không?

Luật sư Nguyễn Anh Tâm (Công ty luật Công Khánh) nhìn nhận từ Điều 1 và 3 của luật Thương mại thì việc bán các gói tập cho khách hàng được xem hoạt động cung ứng dịch vụ. Mục đích mang lại lợi nhuận cho bên cung ứng dịch vụ nên dù có tên là "hợp đồng hội viên" nhưng bản chất chung vẫn là hợp đồng thương mại, với một bên chủ thể là thương nhân.

Trong hợp đồng của các hội viên có những quy định về việc chấm dứt hợp đồng hội viên khi phát hiện hội viên (khách hàng) có hành vi vi phạm thì ở chiều ngược lại bên cung cấp dịch vụ viện dân lý do vì bất khả kháng phải đóng cửa, tạm ngừng thì phải thỏa mãn quy định về sự kiện bất khả kháng theo quy định tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015.

Đối với những sản phẩm bán từng gói dịch vụ thì người dùng cũng nên cân nhắc khi lựa chọn vì số tiền bỏ ra cho cả một thời gian dài. Như gặp những trường hợp mà bên cung ứng dịch vụ "biến mất" đột ngột thì chính mình không có khả năng được hoàn tiền.

LS Nguyễn Anh Tâm

Ls Tâm cho rằng, trong trường hợp Fit24 nếu các hội viên vẫn đang thực hiện đúng các thỏa thuận, việc đóng cửa phòng tập làm ảnh hưởng đến việc sử dụng dịch vụ hợp lệ của hội viên thì họ có thể yêu cầu công ty bồi thường do vi phạm hợp đồng khi thỏa mãn các quy định tại khoản 12, Điều 3; Điều 292 luật Thương mại 2005 và khoản 1, Điều 351; Điều 418 Bộ luật Dân sự 2015. Nghĩa là hợp đồng phải có điều khoản cụ thể về các trường hợp được phạt vi phạm hợp đồng, cũng như mức phạt vi phạm tương ứng với từng hành vi vi phạm cụ thể.

Theo Ls Tâm, để bảo vệ quyền lợi cho chính mình thì các khách hàng cần đề nghị cơ quan chức năng làm rõ hoạt động cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp này.

Từ vụ gym Fit24 'tạm đóng cửa': Người mua gói dịch vụ dài hạn có đòi được tiền không?- Ảnh 3.

Theo luật sư nhìn nhận Fit24 đang có dấu hiệu vi phạm hợp đồng với các hội viên

Ảnh: Cao An Biên

Nếu là tranh chấp dân sự giữa hai bên thì đơn vị cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm thương lượng, đàm phán với hội viên về phương án xử lý sao cho hài hòa quyền lợi mỗi bên. Khi không thống nhất được thì một trong các bên có quyền khởi kiện tại tòa án để yêu cầu giải quyết dứt điểm tranh chấp.

Ls Tâm nói thêm, theo quy định luật Phá sản 2014, doanh nghiệp muốn tuyên bố phá sản thì phải nộp hồ sơ đề nghị tòa án tuyên bố sản. Khi làm thủ tục, doanh nghiệp phải có trách nhiệm kê khai trung thực các khoản nợ phải thu, phải trả để tòa án xem xét, xác định trách nhiệm của doanh nghiệp với đối tác, khách hàng, nhân viên, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước... và thứ tự phân chia tài sản phải được thực hiện theo quy định tại Điều 101 luật Phá sản năm 2014.

Cuối cùng, Ls Tâm nói rằng trên thực tế có rất nhiều vụ việc tương tự đã xảy ra, báo chí từng phản ánh, dù vì bất kỳ lí do gì thì người dùng dịch vụ đã và đang chịu thiệt hại trực tiếp, khả năng được hoàn tiền hay được dùng sản phẩm trở lại hầu như rất thấp.

Vì vậy Ls Tâm nêu ý kiến khi đăng ký dịch vụ, người dùng nên dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy định trong hợp đồng để đảm bảo rằng các quyền lợi của chính mình được đảm bảo, hạn chế giao dịch những dịch vụ chỉ cung cấp phiếu đặt chỗ... không có hợp đồng cụ thể, không xác định được các thông tin của bên cung ứng dịch vụ. Đối với những sản phẩm bán từng gói dịch vụ thì người dùng cũng nên cân nhắc khi lựa chọn vì số tiền bỏ ra cho cả một thời gian dài nhưng bản thân có thể không đảm bảo để sử dụng liên tục hoặc giả như gặp những trường hợp mà bên cung ứng dịch vụ "biến mất" đột ngột thì chính mình không có khả năng được hoàn tiền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.