Từ vụ ngựa vàng mã: Khách nước ngoài mua quà gì khi đến Việt Nam?

09/08/2023 15:23 GMT+7

Thị trường quà tặng của Việt Nam cho du khách nước ngoài được đánh giá khá đa dạng, nhưng thiếu tổ chức chuyên nghiệp và tiếp thị hiệu quả.

Bất ngờ với quà tặng ngựa vàng mã

Ông Arnaud Zein El Din, kiến trúc sư người Mexico đến Việt Nam du lịch trong 3 tuần. Khi trở về nước từ Hà Nội đầu tháng 8, ông mang theo con ngựa vàng mã để làm quà tặng cho con gái. Rất tiếc, con ngựa giấy, vì nhiều lý do khác nhau đã bị bỏ lại sân bay Nội Bài, khiến dư luận xôn xao trong những ngày qua.

Nhiều người bất ngờ khi du khách mua quà tặng là con ngựa vàng mã màu sắc sặc sỡ mà trong văn hóa của người Việt, đây là vật phẩm không dành cho người sống. Ông cho hay đã mua con ngựa vàng mã trong lần vô tình thấy được ở Đông Anh với giá 100.000 đồng, bởi trong văn hóa Mexico, cũng có những món quà bằng ngựa giấy tương tự. Ngoài ra, ông còn sưu tầm nhiều mặt hàng lưu niệm độc lạ là đồ dùng ở Việt Nam như mũ cối, điếu cày, chiếu cói, mặt nạ, đó bắt cá, chày cối đá, cốc uống bia hơi... để mang về Mexico.

Từ vụ ngựa vàng mã: Khách nước ngoài mua gì khi đến Việt Nam? - Ảnh 1.

Những món quà ông Arnaud mua ở Việt Nam mang về Mexico

Arnaud Zein El Din

Câu chuyện những món đồ của du khách Arnaud Zein El Din khiến không ít người Việt đặt câu hỏi, liệu ở Việt Nam có nhiều quà tặng cho khách nước ngoài hay không?

Ông Trần Tuyến Sơn, hướng dẫn viên du lịch quốc tế ở Đà Nẵng, cho biết trên thị trường hiện có khá đa dạng các sản phẩm quà tặng cho du khách nước ngoài. Chẳng hạn, ở Hội An, du khách có thể mua lồng đèn, tranh ảnh, tranh thêu tay, lụa; ở Đà Nẵng có các món đồ làm bằng đá ở làng đá Ngũ Hành Sơn, bánh kẹo hay cà phê ở chợ Cồn hay chợ Hàn… "Tùy vào từng thị trường khách mà có các sản phẩm quà tặng phù hợp. Ví như khách châu Á sẽ thích bánh kẹo, cà phê, trà; khách châu Âu chọn vải vóc lụa là, sơn mài, thêu tay, đặc biệt là may trang phục ở phố cổ Hội An. Các sản phẩm quà lưu niệm hiện nay cũng được đóng gói đẹp, mẫu mã phù hợp với người nước ngoài nên thu hút du khách mua sắm", ông Sơn nói.

Hãng hàng không lên tiếng về lý do ngựa vàng mã bị bỏ lại ở Nội Bài

Tương tự, tại chợ Bến Thành, nơi du khách tập trung đông đúc không chỉ khám phá chợ truyền thống mà còn ăn uống, mua sắm. Các gian hàng bán đồ thủ công truyền thống, trà - cà phê, các loại hạt, vàng bạc, quần áo in hình ảnh cảnh đẹp Việt Nam… có nhiều người hỏi mua nhất.

Trên các trang tư vấn du lịch nước ngoài, 10 món đồ ở Việt Nam du khách thường mua mang về, bao gồm: cà phê, lụa, gốm sứ mỹ nghệ, trang sức thủ công, sơn mài, nón lá, lồng đèn, may quần áo, các áp phích tuyên truyền (bằng giấy, có thể cuộn lại) và đồ thêu tay.

Từ vụ ngựa vàng mã: Khách nước ngoài mua gì khi đến Việt Nam? - Ảnh 2.

Con ngựa vàng mã không may mắn đã bị bỏ lại ở sân bay Nội Bài

MXH

Từ Thái Lan nghĩ về Việt Nam

"Thị trường quà tặng cho du khách nước ngoài của Việt Nam đa dạng và hấp dẫn nhưng cách tổ chức và tiếp thị đến khách hàng chưa hiệu quả", bà Huỳnh Đoan Thùy, chuyên gia du lịch, nhận xét.

Bà Thùy vừa cùng gia đình du lịch Thái Lan 5 ngày, trong 5 ngày công ty tổ chức tour đưa đoàn vào 5 điểm mua sắm. Có hôm, cả đoàn vào trung tâm sản xuất và bán nệm, được quảng bá là nơi làm nệm cho Hoàng gia Thái. Lúc này là buổi trưa, hướng dẫn viên nói vào để nghỉ ngơi, đang nắng nóng, đi chơi mệt nên ai cũng nằm ngủ thử. "Khi ra về, nhiều người bảo ngủ phê quá, nệm êm, gối êm nên đặt mua, trung tâm ship hàng về Việt Nam. Hôm khác, cả đoàn đi coi chương trình xiếc rắn, xong mua thuốc chiết xuất từ nọc rắn, giá 4 - 5 triệu đồng/hộp mà nhiều người mua không ngớt. Chưa hết, khách ra xe còn phải đi đường vòng loanh quanh trong tòa nhà, lại mua thêm bánh kẹo các loại. Điều đặc biệt là không khách nào cảm thấy khó chịu, người mua hay không mua cũng đều vui vẻ", bà Thùy kể.

Xem nhanh 20h: Diễn biến vụ ngựa vàng mã bị bỏ lại Nội Bài

Tại Bangkok có cả một hệ thống bán hàng lưu niệm cho du khách, từ bình dân cho đến cao cấp. Đặc trưng của Thái là nắng nóng, cho nên những nơi bán hàng lưu niệm đều tập trung trong các trung tâm mát lạnh. Du khách vào đó mua chẳng muốn đi ra. Trên xe thì hướng dẫn viên thường xuyên tiếp thị hàng hóa của đất nước mình. Tất cả là một quy trình hoàn chỉnh để hàng hóa đến tay du khách một cách tốt nhất.

"Ở Việt Nam, chúng ta không có một quy trình như vậy, dù rằng có đầy đủ sản phẩm đặc trưng. Các xưởng sản xuất trà, cà phê, các nhà máy dệt lụa, nhà máy chế biến nông sản trải đều các tỉnh thành, nhưng gần như nằm ngoài chuỗi bán hàng cho du khách. Các sản phẩm đưa vào chợ Bến Thành, chợ Bình Tây hay chợ Đông Ba, chợ Đồng Xuân… và du khách mua sắm chủ yếu ở đó. Họ gần như không có trải nghiệm về câu chuyện sản phẩm", bà Thùy nói thêm.

Từ vụ ngựa vàng mã: Khách nước ngoài mua quà gì khi đến Việt Nam? - Ảnh 3.

Du khách nước ngoài mua nón lá ở chợ Hàn

HỮU TÚ

Theo anh Trần Tuyến Sơn, câu chuyện sản phẩm quan trọng đối với việc mua hàng của du khách. Ở Hội An, khi khách may đồ thường đã qua một chuyến tham quan làng nghề dệt lụa, tìm hiểu con tằm, cây dâu, vào xưởng dệt… Hay mua những món đồ đá mỹ nghệ, khách sẽ tham quan Ngũ Hành Sơn, vào xưởng chế tác. Còn quà tặng bán ở chợ, khách đa phần vào tham quan, số lượng mua sắm không nhiều.

Chuyên gia du lịch Nguyễn Đức Chí cho rằng, quà tặng cho du khách đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch của các điểm đến bởi gia tăng thu nhập cho người dân, doanh nghiệp địa phương. Vì thế, ngành công thương các địa phương cần phối hợp với ngành du lịch đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du khách quốc tế.

"Các điểm đến chính ở Việt Nam như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ… nên xây dựng các trung tâm mua sắm quà tặng dành riêng cho du khách nước ngoài, ở đó tập trung đầy đủ sản vật của địa phương và trong vùng. Nếu có các doanh nghiệp lớn tham gia vào thì thật tốt, chẳng hạn như Trung Nguyên, bởi sản phẩm cà phê của thương hiệu này được du khách đặc biệt quan tâm. Còn hiện nay, quà tặng cho du khách chủ yếu tự phát, không có thương hiệu lớn, quy mô nhỏ mặc dù chúng ta có những mặt hàng đặc sắc", ông Chí phát biểu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.