Từ vụ nữ giáo viên Anh bị sát hại tại Nhật: Lời cảnh báo của thế hệ hikikomori

01/04/2007 22:58 GMT+7

Có bằng chứng cho thấy nghi phạm sát hại cô gái người Anh Lindsay Ann Hawker là một kẻ cô độc, không thích nghi được với xã hội và có niềm đam mê đối với các loại truyện tranh tình dục và bạo lực. Án mạng như trong truyện tranh Hôm thứ ba tuần trước, cảnh sát đã phát hiện thi thể của cô Hawker trong bồn tắm đổ đầy cát đặt trên ban công tầng 4 của một căn hộ tại Tokyo.

Vụ việc này ngay lập tức đã được so sánh với những cảnh tượng thường thấy trong các bộ manga (truyện tranh) bạo lực, vốn đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của nhiều thanh niên Nhật. Khám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân đã bị đánh vào chân, tay và mặt.

Cơ quan điều tra từ chối bình luận về khả năng liệu nạn nhân có bị cưỡng bức tình dục hay không. Cha của cô Hawker cho rằng nghi phạm đã sát hại con gái ông là một trong những kẻ bị xã hội ruồng bỏ. Ông nói: "Tôi tin rằng tên sát nhân là một kẻ cô độc, không thích nghi được với xã hội và hắn nhắm mục tiêu vào con gái tôi".  Những mảnh ghép cuối cùng về chân dung của thủ phạm trong vụ sát hại đang tiếp tục được các cơ quan điều tra hoàn chỉnh.

Nghi phạm là Ichihashi, 28 tuổi, hiện đang lẩn trốn. Ichihashi được các bạn thời trung học miêu tả là một vận động viên cừ khôi, từng học nghề làm vườn tại trường đại học. Anh ta sống một mình và không bằng chứng nào cho thấy đã từng đi làm kể từ sau khi tốt nghiệp.

Trong căn hộ của Ichihashi, cảnh sát tìm thấy hàng đống manga, trong đó có nhiều hình ảnh sex và bạo lực.  Thủ phạm cũng là nạn nhân Trên thực tế, Ichihashi chỉ là một trong số hàng ngàn thanh niên thuộc về một thế hệ đã gây nhiều vấn đề cho Nhật Bản, họ được mệnh danh là những hikikomori, tức những người "rút lui khỏi xã hội", từ chối tiếp xúc với cuộc sống bên ngoài.

Trái ngược với cha mẹ mình, vốn là những người làm công chăm chỉ, hikikomori là những người không có tham vọng hay mục tiêu gì trong cuộc sống, họ hầu như không làm gì mà chỉ dành thời gian cho các bộ truyện tranh hoặc các trò chơi trên máy tính. 

Đã từ nhiều năm nay, các nhà hoạt động xã hội đã không ngừng cảnh báo về hiện tượng hikikomori ngày càng lan rộng và trở thành một vấn đề lớn ở Nhật. "Đó là một hội chứng "lệch chuẩn" mà ngày càng có nhiều thanh thiếu niên Nhật mắc phải. Những đứa trẻ không hòa nhập với xã hội thường tự nhốt mình trong phòng và từ chối mọi sự liên hệ với thế giới bên ngoài. Chúng sống theo cách ngược đời: ngủ suốt ngày, tỉnh dậy vào buổi tối và thức suốt đêm xem TV hoặc chơi game. Một số có máy tính riêng hoặc điện thoại di dộng nhưng hầu hết có rất ít hoặc hầu như không có bạn bè. Sự lẩn tránh đối với thế giới bên ngoài này có thể kéo dài vài tháng, thậm chí là vài năm trong những trường hợp nghiêm trọng", một nhà nghiên cứu cho biết. 

Mặc dù không có số liệu thống kê chính thức, nhưng người ta ước đoán rằng có khoảng 1 triệu thanh niên Nhật đang bị ảnh hưởng bởi hội chứng hikikomori. Lý giải về hiện tượng này, người ta cho rằng suy thoái kinh tế, tỷ lệ sinh ngày càng giảm sút đã khiến cho hikikomori không còn là vấn đề riêng của mỗi cá nhân hay gia đình mà đã trở thành một hội chứng nguy hiểm mà nước Nhật phải đối mặt.


Nghi phạm đang bị  truy nã Ichihashi

Từ năm 1990 đến nay, tỷ lệ thanh thiếu niên Nhật nghỉ học từ một tháng đến hơn một năm (trong một số trường hợp là những dấu hiệu ban đầu của hội chứng hikikomori) đã tăng gấp đôi. Cùng với đó là tình trạng có tới hàng trăm ngàn thanh niên Nhật Bản, cả nam lẫn nữ, không hề đến trường hoặc làm việc. Sau gần 15 năm phát triển chậm chạp, nhu cầu làm công ăn lương tại các công sở theo lối truyền thống đã không còn thu hút được thanh niên. Thay vào đó giới trẻ thích những công việc bán thời gian hoặc đơn giản là không làm gì cả.

Cảm giác về sự tuyệt vọng đối với tương lai là điều người ta thường thấy ở nhiều người Nhật, đặc biệt là giới trẻ. Ngoài yếu tố kinh tế, văn hóa và vai trò của giới tính trong xã hội Nhật cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo nên những hikikomori. James Roberson, một nhà nghiên cứu văn hóa Nhật cho biết đàn ông Nhật bắt đầu cảm thấy áp lực đè nặng ngay từ khi bước vào trường trung học. Họ bị bắt buộc phải thành công và phải thành công nhanh chóng. "Hikikomori là một sự phản kháng đối với áp lực đó", Roberson nói.

Tại Nhật, con cái thường sống với cha mẹ đến khoảng 20 tuổi, và mặc dù kinh tế suy thoái, phần lớn các bậc phụ huynh vẫn có thể chu cấp cho con cái mình một cách thoải mái. Một chuyên gia về hikikomori phê bình: "Các bậc cha mẹ Nhật nói với con cái mình rằng hãy bay đi, trong khi lại nắm mắt cá chân chúng thật chặt". (Sunday Times, Times, IHT)

Trung Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.