Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 21.1, Đội 5, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP.HCM) ập vào một cơ sở chế biến thịt ốc tại khu dân cư Bến Lức (P.7, Q.8, TP.HCM) do người đàn ông tên Huân làm chủ. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện ông Huân cùng các công nhân đang dùng hóa chất công nghiệp để ngâm thịt ốc.
Qua làm việc, ông Huân khai hóa chất có người đưa đến. Hóa chất này sẽ được pha chế với nước rồi dùng để ngâm ốc trong vòng 7 tiếng. Sau khi ngâm với hóa chất này, ốc sẽ sạch, tươi bóng và tăng ký trước khi giao cho các chợ, tiệm ăn trên địa bàn TP.HCM.
Được biết, đây là cơ sở chế biến ốc lớn nhất ngay khu vực chợ đầu mối nông sản Bình Điền. Nhiều tiệm ăn, xí nghiệp và chợ trên địa bàn TP.HCM lấy sản phẩm ốc do cơ sở ông Huân cung cấp. Công an đã niêm phong gần 500 kg hóa chất và hơn 1,3 tấn ốc để phục vụ công tác điều tra, xử lý.
|
Trước đó, ngày 1.11.2019, TAND Q.Thủ Đức (TP.HCM) đã xử sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Sáng 1 năm 6 tháng tù về tội "vi phạm quy định an toàn thực phẩm" do ngâm củ cải bằng hóa chất cấm. Đây là lần đầu tiên cơ quan tố tụng tại TP.HCM truy tố, xét xử hành vi này.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng tháng 11.2017, Sáng chỉ đạo nhân viên liên hệ mua hóa chất Sodium Sulfate (Na2SO4) của một người bán hóa chất (không rõ lai lịch) tại chợ Tam Bình, quận Thủ Đức để rửa và ngâm củ cải cho khách.
Cụ thể, sau khi củ cải được rửa bằng nước sinh hoạt thì các nhân viên sẽ sử dụng một muỗng cà phê hóa chất pha loãng với nước để ngâm. Mỗi ngày các nhân viên này dùng hóa chất để ngâm khoảng 7- 8 tấn củ cải cho khách, thu lợi từ 3,5 triệu - 4 triệu đồng
Đến tháng 4.2018, hành vi của Sáng bị Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an TP.HCM) phát giác và xử lý.
Vi phạm từ 10 triệu đồng, đã bị xử lý hình sự
Luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, Điều 317 Bộ luật Hình sự 2015 – BLHS (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội vi phạm quy định an toàn thực phẩm quy định “sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên…” là đã bị xử lý hình sự, "và khung hình phạt cao nhất của tội danh này là 20 năm tù, nếu hậu quả theo khoản 4 Điều 317 BLHS", luật sư Tuấn nêu.
Ngoài ra, luật sư Tuấn cũng nêu, hành vi nhập khẩu, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng đến hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, thì cũng bị xử lý hình sự về tội danh trên.
Hành vi chưa đến mức xử lý hình sự, theo luật sư Nguyễn Mạnh Hùng (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết khoản 4 Điều 4 Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng với hành vi “Sử dụng nguyên liệu là sản phẩm từ động vật, thực vật, chất, hóa chất không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy mà sản phẩm trị giá từ 10 triệu đồng trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”
“Điểm hay trong xử phạt hành chính ở hành vi vi phạm về sử dụng nguyên liệu để sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm là, sẽ “phạt tiền 5 – 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 4 Điều 5 Nghị định 115/2018, trong trường hợp áp dụng mức phạt tiền cao nhất của khung tiền phạt tương tứng mà vẫn còn thấp hơn 7 lần giá trị sản phẩm vi phạm mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự” luật sư Hùng nhấn mạnh về việc xử lý hành chính trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn.
|
Bình luận (0)