Như Thanh Niên đưa tin, Nguyễn Xuân Hương Trang (31 tuổi, tên gọi khác là Trang Nemo, trú tại TP.HCM) vừa có đơn xin hoãn thi hành bản án 9 tháng tù giam về tội gây rối trật tự công cộng. Lý do, theo Trang Nemo trình bày, là vì người này đang mang thai.
TAND Q.10 (TP.HCM) cho hay đang xác minh nội dung đơn nêu trên của Trang Nemo để quyết định có chấp nhận cho Trang Nemo hoãn thi hành án hay không.
Vụ việc của Trang Nemo đang được dư luận rất quan tâm. Vậy, pháp luật hiện nay quy định ra sao về vấn đề hoãn thi hành án?
Xem nhanh 20h ngày 7.12: Lo ngại lạm dụng mang thai để né đi tù | Lô cốt bủa vây cửa ngõ TP.HCM
Mang thai có được hoãn thi hành án?
Luật sư Hà Công Tâm, Công ty luật Onekey & Partners (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), viện dẫn quy định tại điểm b khoản 1 điều 67 bộ luật Hình sự: người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi.
"Cần lưu ý ở đây là chữ "có thể". Nghĩa là, việc hoãn thi hành án đối với phụ nữ mang thai không phải điều kiện bắt buộc trong mọi tình huống, mà sẽ được xem xét ở từng hoàn cảnh cụ thể. Tuy vậy, thực tế thì hầu hết các trường hợp phụ nữ mang thai đều được hoãn thi hành án", luật sư Tâm nói.
Theo luật sư, đây là quy định có lợi đối với người bị kết án, xuất phát từ chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước; nhằm đảm bảo triệt để quyền lợi của phụ nữ, quyền lợi của trẻ em.
Về thủ tục, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hoãn thi hành án, chánh án TAND đã ra quyết định thi hành án phải xem xét, quyết định về việc có chấp nhận cho hoãn thi hành án hay không.
Trường hợp không đồng ý, chánh án TAND phải có văn bản trả lời người có đơn đề nghị và thông báo cho viện kiểm sát cùng cấp, nêu rõ lý do không chấp nhận.
Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định hoãn thi hành án, tòa án phải gửi quyết định đó cho người được hoãn thi hành án, viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án hình sự và sở tư pháp.
Cũng liên quan đến hoãn thi hành án, bộ luật Hình sự còn quy định: trong thời gian được hoãn thi hành án, nếu người được hoãn tiếp tục thực hiện hành vi phạm tội mới thì tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định.
Từ vụ Trang Nemo, phụ nữ mang thai có được hoãn thi hành án?
Lo ngại việc "lạm dụng" mang thai
Quy định phụ nữ mang thai có thể được hoãn thi hành án một mặt thể hiện sự nhân đạo trong chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nhưng mặt khác cũng khiến nhiều người đặt vấn đề: liệu có xảy ra tình trạng "lạm dụng" mang thai để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án.
Trường hợp người bị kết án mang thai được hoãn thi hành án, thời gian hoãn sẽ kéo dài đến khi con nhỏ đủ 36 tháng tuổi. Trong thời gian này, nếu người đó tiếp tục mang thai lần 2, lần 3, thậm chí nhiều hơn nữa, thì việc thi hành án sẽ được thực hiện như thế nào?
Theo luật sư Trịnh Văn Tuyến, Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội), giả thiết người bị kết án cố tình mang thai để kéo dài thời gian ở ngoài xã hội hoặc trì hoãn nghĩa vụ thi hành án hoàn toàn có thể xảy ra.
Vấn đề này đã được TAND tối cao giải đáp tại mục 4 phần II Công văn số 01/2017. Cụ thể, nếu người bị kết án là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi, không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trì hoãn, trốn tránh tạm thời nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không.
Luật sư Tuyến nhận định, mục đích của hình phạt chỉ thực sự phát huy được hết tác dụng khi việc áp dụng và thi hành đúng lúc, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Với tinh thần ấy, nếu thi hành án phạt tù với phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ thì mục đích của hình phạt sẽ không đạt được như mong muốn, thậm chí còn có thể gây ra những hệ lụy không tốt, đặc biệt là với đứa trẻ.
Có ý kiến đề nghị nên giới hạn số lần người bị kết án được hoãn thi hành án vì mang thai, ví dụ 2 lần chẳng hạn. Như vậy sẽ giúp đảm bảo công bằng giữa những người phạm tội, siết chặt ý thức chấp hành bản án, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, phòng ngừa tội phạm.
Luật sư Tuyến cho rằng, pháp luật nói chung, pháp luật về hình sự nói riêng cần hướng tới sự nhân văn và hội nhập quốc tế bằng chính sách, quy định đề cao quyền con người. Quy định về việc hoãn thi hành án đối với người mang thai chính là sự cụ thể hóa nguyên tắc này.
Việc lợi dụng mang thai để trì hoãn hoặc trốn tránh tạm thời nghĩa vụ thi hành án là có thể, nhưng chỉ là cá biệt, số ít. Khả năng xảy ra chủ yếu với người phạm tội thuộc trường hợp ít nghiêm trọng (vì với tội phạm nghiêm trọng trở lên thông thường sẽ bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam, rất khó xảy ra việc mang thai - PV) nên không gây phương hại quá nhiều đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
"Nên duy trì quy định như hiện hành và chấp nhận những trường hợp cá biệt, phát sinh như một phần không thể tránh khỏi của chính sách pháp luật. Bởi pháp luật là hướng đến số đông, mang tính phổ quát; hướng đến sự nhân văn, nhân đạo và quyền con người, như đã nói", luật sư Tuyến nêu quan điểm.
Vẫn theo luật sư, dù được hoãn thi hành án nhưng việc hoãn này chỉ áp dụng đối với phần trách nhiệm hình sự và hình phạt chính. Về trách nhiệm dân sự (bồi thường) cũng như hình phạt bổ sung, người bị kết án vẫn phải chấp hành như bình thường.
Bình luận (0)