Từ vườn rau 'biến' thành 25.000 chậu hoa cúc, có người thu hơn nửa tỉ mùa Tết Nhâm Dần

16/01/2022 16:23 GMT+7

Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần khoảng 3 tuần, không khí xuân đã rộn ràng ở làng hoa cúc này. Cách đây 12 năm, từ người đầu tiên tiên phong trồng thử 200 chậu cúc để bán và giờ này câu chuyện đã thành 25.000 châu Cúc cho cái Tết nguyên đán 2022.

Trên những vườn hoa cúc nối tiếp nhau tại thôn K’Răn Gọ xã Pró, H.Đơn Dương (Lâm Đồng). Từng nhóm nhân công xúm tay vào các chậu hoa cúc vừa đơm nụ để tỉa bớt nụ con, chỉ để lại mỗi cành một nụ chính để kịp nở đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Tiếng cười nói rôm rả, cùng tiếng nhạc xuân ngân vang từ những chiếc loa thùng để ở góc vườn.

Rộn ràng không khí tết ở làng hoa thôn K'Răn Gọ

lâm viên

Người tiên phong biến vườn rau thành vườn cúc chậu

Dẫn chúng tôi tham quan khu vườn cúc với trên 3.000 chậu, ông Nguyễn Bá Dũng (xóm Nghĩa Bình, thôn K’Răn Gọ), cho biết thời điểm này ông phải thuê gần 40 người từ các thôn lân cận tỉa nụ cúc non. Việc tỉa nụ phải làm nhanh trong vòng 4 đến 5 ngày để kịp đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần.

Ông Nguyễn Bá Dũng người tiên phong trồng cúc chậu bán dịp Tết Nguyên đán ở thôn K' Răn Gọ

lâm viên

Cách đây 12 năm, ông là người đầu tiên trong thôn K’Răn Gọ trồng thử 200 chậu cúc để bán. Lúc đó, thấy ông Dũng đúc chậu trồng cúc, nhiều người trong thôn không khỏi bàn tán cách làm khác người của ông. Ông Dũng nhớ lại: “Năm đầu tôi rất lo vì không biết sản phẩm làm ra có tiêu thụ được không. Rất may 200 chậu bán cái vèo hết sạch, lúc đó chỉ bán cho những người trong thôn, trong xã”.

Những năm tiếp theo, ông gia tăng dần số lượng, hoa vẫn bán đắt như tôm tươi. Thấy vậy, có thêm nhiều gia đình đến học hỏi cách trồng hoa cúc chậu của ông Dũng để cung cấp cho thị trường dịp Tết Nguyên đán hằng năm. Ông Dũng cho biết thêm, mỗi năm ông chỉ trồng một vụ hoa tết, thời gian còn lại tiếp tục canh tác rau, đậu, cà chua… như truyền thống của thôn K’Răn Gọ.

Các hộ trồng hoa ở thôn K'Răn Gọ chuẩn bị gần 25 ngàn chậu hoa cúc các loại cho thị trường Tết Nhâm Dần

lâm viên

Cụ ông Võ Đình Thụy (73 tuổi, cạnh nhà ông Dũng) xác nhận: “Ông Dũng là người đầu tiên ở xóm Nghĩa Bình, thôn K’Răn Gọ trồng hoa cúc chậu để bán dịp Tết Nguyên đán, nhờ đó xóm làng chúng tôi đang được hưởng nhờ mỗi dịp tết đến xuân về”. Cụ Thụy cho biết thêm, xóm chúng tôi gốc Quảng Ngãi vào đây lập nghiệp mấy chục năm rồi (lúc còn tỉnh Nghĩa Bình), nên lấy tên Nghĩa Bình đặt cho xóm.

Trước Tết Nguyên đán khoảng 3 tuần người dân làng hoa chậu K'Răn Gọ tất bật tỉa nụ hoa non

lâm viên

Việc trồng cúc khởi đầu từ anh Dũng, đến nay thôn K’Răn Gọ có hơn 20 hộ tham gia trồng cúc, năm nay bà con chuẩn bị gần 25.000 chậu cúc phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Riêng gia đình cụ trồng cúc chậu đã được 7 cái tết; năm nay, cụ Thụy cùng 3 người con chuẩn bị hơn 5.000 chậu hoa cúc để bán dịp tết.

Hồi hộp xuống giống giữa mùa dịch Covid-19

Ông Dũng cho biết cúc chậu trồng ngoài trời nên thời gian canh tác lâu hơn cúc trồng trong nhà kính, chong đèn điện ban đêm như trên Đà Lạt đang làm. Từ cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch phải xuống giống, chăm tưới hằng ngày suốt 5 tháng. Trước tết khoảng 1 tháng cúc ra nụ li ti, để có những chậu cúc hoa to, đẹp, phải kịp thời tỉa bớt nụ con, mỗi cành chỉ để lại nụ chính và tiếp tục chăm sóc, bón phân để dồn chất dinh dưỡng cho hoa nở to.

Hoa cúc chậu K' Răn Gọ màu sắc đẹp, thân to

lâm viên

Cụ Thụy và ông Dũng cho biết năm nay thời điểm xuống giống hoa rơi vào cao điểm dịch Covid-19 bùng phát ở H.Đơn Dương cũng như cả nước nên rất hồi hộp, lo hoa trồng bán không được. Thế nhưng, mới đầu tháng 11 âm lịch các vườn cúc chậu đã có người từ các tỉnh thành đến đặt cọc mua hết sạch.

Cụ Thụy chỉ tay ra vườn cúc và nói: Tốp nhân công tỉa nụ làm cách xa nhau không? Cụ hỏi rồi giải thích đó là để phòng dịch Covid-19. Các nhóm đó cùng một gia đình hoặc nhà gần nhau làm chung một khu vực cho an toàn.

Người dân xã Ka Đơn tranh thủ qua thôn K' Răn Gọ tỉa cúc nụ kiếm thêm thu nhập

lâm viên

Chị Nai Nhi (xã Ka Đơn) cho biết, cả gia đình chị 5 người mùa này tranh thủ qua thôn K’Răn Gọ tỉa nụ cúc, mỗi ngày nếu làm từ 7 giờ sáng đến 17 giờ có thu nhập 270.000 đồng. Có nhiều gia đình ở xã Ka Đơn gồm 3 thế hệ cùng đi tỉa nụ cúc để có thêm thu nhập đón Tết Nguyên đán.

Phấn khởi đón xuân mới

Không chỉ cụ Thụy, ông Dũng, các hộ trồng cúc như Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Văn Tiến…, đều rất phấn khởi vì vụ hoa năm nay gieo trồng giữa đại dịch Covid-19 nhưng đến nay đã bán hết. Theo ông Dũng, cúc chậu K’Răn Gọ hoa to, màu sắc đẹp, chưng tết được lâu hơn hoa miền dưới nên được nhiều người ưa thích, chọn lựa, dù giá nhỉnh hơn. Tết năm nay, dù cúc hút hàng, nhưng bà con vẫn giữ giá cúc như năm trước. Loại chậu nhỏ giá từ 100.000 - 200.000 đồng được sản xuất nhiều nhất, tiếp đó loại 400.000-500.000 đồng/chậu; riêng loại 1 triệu đồng/chậu số lượng không nhiều.

Những người trồng cúc chậu ở thôn K' Răn Gọ phấn khởi đón Tết Nhâm Dần

lâm viên

Ông Dũng cho biết các mối tiêu thụ hoa ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Thuận…, liên tục gọi điện đặt hàng, nếu có thêm 2.000 chậu ông cũng bán hết. Vụ hoa tết năm nay gia đình ông Dũng thu về gần 600 triệu đồng. Theo ông Dũng, với diện tích 3.000 m2, nếu trồng rau màu trúng giá cũng chỉ thu về trên dưới 150 triệu đồng.

Hoa cúc chậu thôn K'Răn Gọ được thị trường ưa chuộng

lâm viên

Theo người dân thôn K’Răn Gọ, cứ tầm 17-20 tháng chạp hằng năm, xe tải nhộn nhịp đến xóm Nghĩa Bình chở hoa đi các tỉnh vui lắm. Thanh niên trai tráng trong các thôn được huy động vận chuyển hoa cúc từ vườn ra đường, chất lên xe tải suốt ngày lẫn đêm.

Người dân trồng hoa cúc chậu thôn K’Răn Gọ đang bước vào mùa xuân mới và đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần đầy lạc quan, phấn khởi, khác với những lo lắng cách đây gần nửa năm khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.