Từ xã hội đen đến pháo tự tạo

09/02/2012 03:21 GMT+7

Uất ức vì vô cớ bị mất nhà cửa, đất đai, người nông dân Trung Quốc đã có nhiều hành động tự phát. 

Hành động phản kháng mạnh mẽ của dân làng Ô Khảm và sự lắng nghe của lãnh đạo tỉnh Quảng Đông đã đưa đến một thỏa thuận hòa giải và phần nào giảm được căng thẳng. Trước đó, ở Trung Quốc cũng có nhiều trường hợp người dân đấu tranh với chính quyền địa phương về đất đai nhưng kết quả không phải lúc nào cũng được như Ô Khảm và đã xảy ra nhiều vụ việc đau lòng. 

Bị hành hung, tự thiêu

Cuối năm ngoái, BBC đưa tin anh nông dân Lý Kế ở thị trấn Kinh Can, tỉnh Thiểm Tây bị 4 gã đàn ông đánh dã man và đập nát 2 bàn chân ngay trước nhà. Lý Kế cáo buộc thủ phạm là do chính quyền địa phương thuê vì anh đã thấy chúng tham gia tháo dỡ nhà cửa của hàng xóm trước đó. Nguyên do được cho là vì Lý Kế không chịu di dời.

Trước đó, chính quyền Kinh Can bị cáo buộc có kế hoạch lấy đất bán cho các công ty bất động sản xây chung cư và ép người dân mua lại. Giới chức ra hạn chót cho 110 hộ phải di dời vào cuối tháng 7.2011. Tuy nhiên, người dân tố cáo các quan chức tịch thu đất mà không có thủ tục hợp pháp và không thương lượng về đền bù. Số tiền họ bị ép phải nhận là từ 400-800 nhân dân tệ (hơn 1,3 triệu - hơn 2,6 triệu đồng)/m2, trong khi giá mua lại nhà chung cư mới xây thấp nhất là 1.600 nhân dân tệ/m2. BBC dẫn lời Lý Kế cho biết sau trận đòn giáng xuống anh, toàn bộ mọi người rất sợ hãi và cuối cùng đánh chấp nhận nhìn đất hương hỏa, nhà cửa bị đập bỏ.

Giả Hồng Bân, người đứng đầu thị trấn Kinh Can, từ chối trả lời về các cáo buộc, còn Lý Kế ngậm ngùi tự điều trị vết thương. Hiện nay, anh phải ngồi xe lăn, ôm số tiền bồi thường rẻ mạt sống vạ vật và chưa biết tương lai sẽ về đâu. Nhiều hàng xóm của anh cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Trong năm 2010 cũng xảy ra một số vụ tự thiêu để phản đối việc thu hồi đất. Điển hình là vụ 2 cha con tự thiêu hồi tháng 3 tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô nhằm phản đối chính quyền địa phương phá chuồng heo của gia đình họ để giải tỏa mặt bằng. Theo tờ China Daily, rốt cuộc chuồng heo vẫn bị giật sập, người con trai 68 tuổi thiệt mạng, còn người cha 92 tuổi bị phỏng nặng. 

Nông dân chế hỏa pháo

Theo China Daily, một trong những vụ tranh chấp đất giữa người dân và chính quyền đáng chú ý nhất là trường hợp nông dân Dương Hữu Đức ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Ông đã tự chế một giàn đạn pháo và xây chòi canh đất nhằm chống trả chính quyền địa phương thu giữ đất mà theo ông là không bồi thường thỏa đáng. Ông Dương có 25 mẫu đất ruộng ở quận Đông Tây Hồ nhưng từ cuối năm 2009, chính quyền địa phương phát lệnh thu hồi.

 
Ông Dương Hữu Đức bắn pháo tự tạo - Ảnh: Thời báo Hoàn Cầu

Tuy nhiên, do quá trình thương lượng đền bù bất thành, một công ty bất động sản thuê nhiều người tới phá nhà ông Dương hòng ép ông phải ra đi. Người nông dân này tuyên bố thà chết giữ đất và cố thủ 24/24 trên “pháo đài” cao 8m, rộng chưa đầy 3m2. Ông dùng pháo hoa và lõi sắt lớn tạo một giàn pháo có thể bắn xa 100m và gây tiếng nổ khá lớn, đồng thời đặt những chướng ngại vật trên những con đường nhỏ vào ruộng, theo China Daily. Từ tháng 2-5.2010, ông Dương liên tục dùng vũ khí tự tạo để xua đuổi các đội cưỡng chế của chính quyền địa phương trong những cuộc bao vây có khi lên tới cả trăm người.

Trước quyết tâm của Dương Hữu Đức, chính quyền đã phải nhượng bộ. Đầu tháng 7.2010, hai quan chức quận Đông Tây Hồ tới tận nhà ông để thương lượng. Cuối cùng, ông chấp nhận ra đi với số tiền bồi thường kỷ lục 750.000 nhân dân tệ. Tuy được dư luận đánh giá là một trường hợp hiếm hoi giành “thắng lợi” trong cuộc chiến đất đai, ông Dương vẫn ngậm ngùi khi thấy bao nỗ lực của mình cuối cùng vẫn không thể giữ đất. “Giờ đây, tôi là nông dân không ruộng và chỉ còn cách vào thành phố làm thuê”, ông than thở với China Daily.

Ngọc Bi

Đỉnh điểm mâu thuẫn

Tòa án tối cao Trung Quốc đang xem xét bản án tử hình được đưa ra cách đây 2 năm cho Trương Tứ Bình, người đâm chết Bí thư Chi bộ làng Hạ Thủy Tây, tỉnh Sơn Tây, theo báo South China Moring Post. Trương, 21 tuổi, được thuê hạ sát Bí thư Lý Thạch Minh hồi tháng 9.2008. Ông Lý bị cáo buộc gây phẫn uất tột độ cho dân làng trong nhiều năm trời với kiểu lãnh đạo như “trùm” xã hội đen, thu lợi lớn từ các vụ chiếm đất trái phép và sẵn sàng “xử” những người dám chống đối. Do đó, một bộ phận dư luận tỏ ra thông cảm với Trương Tứ Bình. South China Moring Post đưa tin hồi tháng 8.2009, hơn 20.000 người đã ký vào đơn xin giảm tội cho Trương. Tuy nhiên, Tòa án Sơn Tây khi đó đã bác đơn kháng án. 

Văn Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.