Từ xưởng đúc tiền đến Tràng Tiền Plaza: Bài 1 - Những người đàn bà đúc tiền

05/09/2010 23:06 GMT+7

Chiếc đồng hồ đếm ngược đang dần xích lại giờ khắc khai mở Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thanh Niên mời bạn đọc cùng quay ngược trở lại quá khứ qua những câu chuyện về vùng đất thiêng ngàn đời của dân tộc.

Ngay sau khi lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (năm 1802), chuyển kinh đô từ Thăng Long vào đất Thuận Hóa và đổi tên Thăng Long là Bắc thành, Nguyễn Ánh đã cho lập xưởng đúc tiền ngay tại Thuận Hóa vào năm 1803. Tuy nhiên, việc vận chuyển tiền từ Thuận Hóa ra Bắc thành để trả lương cho Tổng trấn Bắc thành cùng các quan, binh lính đồn trú ở Lạng Sơn và các tỉnh thành khác ở miền Bắc mất quá nhiều thời gian do đường sá xa xôi, lại không an toàn. Vì thế năm 1808, vua Gia Long đã cho lập xưởng đúc tiền Gia Long Thông bảo trên đất thôn Tràng Tiền nên có tên gọi là Tràng Tiền (hay Trường Tiền).

Tràng Tiền xưa thuộc đất làng Cựu Lâu, huyện Thọ Xương. Dân chúng ở thôn này hiền lành, chất phác, sinh sống chủ yếu bằng việc bắt tôm cá ở hồ Lục Thủy mang vào bán cho dân làm nghề thủ công trong kinh thành. Sở dĩ vua Gia Long cho lập tràng đúc xa Bắc thành vì đất đai ở đây rộng rãi, đường sá thuận tiện và từ đây vào trong thành cũng thuận tiện. Tuy nhiên, xưởng đúc này không lớn bằng xưởng ở Thuận Hóa. Mỗi một cỡ tiền, vua Gia Long ra chỉ dụ gửi 1.000 đồng mẫu ra xưởng đúc Tràng Tiền để đúc. Mẫu tiền đầu tiên đúc ở tràng đúc này có đường kính 5 phân 5 ly, mỗi quan nặng 2 cân 4 lạng.


Hai mặt của đồng Gia Long Thông bảo - Ảnh: Ngọc Hải (diễn đàn viet-numis.com)

Tháng giêng năm Giáp Tuất, tức năm Gia Long thứ 12 (1814) bắt đầu đúc tiền kẽm nặng 7 phân. Lúc này ở Bắc thành có hai người  là Triều Hiền Chu và Chu Vĩnh Cát xin tự mua kẽm đúc tiền và cứ 130 quan  kẽm, Chu và Cát chỉ đổi lấy 100 quan tiền đồng. Quan tâu lên và được vua Gia Long chấp thuận. Vì triều đình ở xa, để có một người chịu trách nhiệm, vua Gia Long giao Hiệp Tổng trấn Lê Chất chịu trách nhiệm trước vua làm theo mẫu Bộ Hộ từ Thuận Hóa đưa ra. Đồng thời, vua Gia Long cũng cho phép người dân có kẽm được mang đến đúc ở Tràng Tiền. Khi thành tiền, cứ 125 quan tiền kẽm đổi được 100 quan tiền đồng. Tiền mỗi quan phải đúng cân đúng lạng, nếu thiếu từ 15 đồng trở xuống thì cho nộp phụ phí, còn thiếu 16 đồng trở lên thì hủy luôn, không dùng. Nếu pha với chì bị phát hiện thì lập tức bị chém đầu. Xưởng Tràng Tiền không được  phép dùng kẽm phế mà phải dùng kẽm lấy ở Thái Nguyên. Đúc mỗi một trăm đồng tiền, tiền công thợ là 8 đồng 2 phân 4 ly 2 hào 5 hốt.

“Chết làm Thành hoàng làng Mơ”

Ngày 25.1.1875, Tổng thống Pháp thông qua sắc lệnh phát hành tờ bạc Đông Dương. Tuy nhiên, lúc này quân Pháp vẫn chưa chiếm được Hà Nội nên các tỉnh đàng trong tiêu tiền Đông Dương nhưng ngoài Bắc vẫn tiêu tiền Gia Long Thông bảo. Pháp ép nhà Nguyễn đóng cửa các xưởng đúc tiền ở Thuận Hóa và cả xưởng Tràng Tiền vào năm 1882. Xưởng đóng cửa để hoang cho đến khi khu vực phía nam hồ Hoàn Kiếm được  quy hoạch. Năm 2000, đơn  vị thi công Trung tâm thương mại Tràng Tiền Plaza trong lúc đào móng đã phát hiện ra khá nhiều loại tiền Gia Long Thông bảo, Gia Long Cự bảo cùng xỉ đồng và dấu tích cả lò nấu đồng.

Triều đình trả công thấp, đám thợ không đủ nuôi vợ con nên thông đồng với nhau và với lính gác để ăn cắp tiền. Do ăn chia không đều, tin lọt đến tai Cai cơ Trương Văn Minh, đại sứ của Cục Bảo tuyền. Trương Văn Minh đã đích thân xuống kiểm tra. Ông này cho cân số tiền đã đúc thấy không khớp với số đồng và kẽm mà triều đình cấp đã ra lệnh điều tra  nhưng  không tìm ra  kẻ chủ mưu cũng như người lấy cắp. Sợ nếu tiếp tục dùng thợ đúc là đàn ông thế nào cũng lại có chuyện thông đồng giữa thợ và lính gác nên Trương Văn Minh cho đám thợ đàn ông nghỉ việc và tuyển toàn phụ nữ.

Trương Văn Minh báo cáo với triều đình là phụ nữ sức có yếu, vóc có nhỏ so với đàn ông nhưng họ thật thà hơn nên xin  tuyển  đàn bà con gái. Triều đình chấp thuận bản tấu của Minh. Tiếp đó Trương Văn Minh còn cho phép lính gác có quyền khám xét tất cả thợ đúc khi rời khỏi xưởng. Thế là hết giờ làm việc, chị em qua cổng về nhà đều bị lính gác kiểm tra, có lính lợi dụng sờ nắn ngực. Các cô chưa chồng đỏ mặt, còn những phụ nữ có chồng ức nổ cổ nhưng cũng không dám kêu. Chính vì thế Bắc thành có câu:

Thứ nhất làm lính Tràng Tiền
Thứ nhì được cúng quan hiền Kẻ Mơ

Hoặc:

Sống làm lính gác Tràng Tiền
Chết làm Thành hoàng làng Mơ

Câu thơ thứ hai liên quan đến câu chuyện về một vị quan trấn ở đất Mơ. Vị quan này thanh liêm và hiền lành nhưng lại có tật là... thích chị em. Tương truyền vị quan này đột tử, hồn thường hay hiện về trêu chọc người dân, nhất là chị em phụ nữ. Vì thế, dân kẻ Mơ quyên tiền xây đền thờ ngài, xây xong dân đi qua không bị trêu chọc, đùa bỡn nữa. Sáng sáng, chị em vùng Mai Động, Hoàng Mai, Tương Mai... (nay thuộc quận Hai Bà Trưng) gánh rau đi bán ghé vào đặt quả cau lá trầu, thắp một nén hương khấn vái để buôn may, bán đắt. Sau đó chị em... vén váy cho ngài xem.

Nguyễn Ngọc Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.