Từ xưởng đúc tiền đến Tràng Tiền Plaza: Bài 3 - Pháo đài thương nghiệp

07/09/2010 23:42 GMT+7

Năm 1958, Nhà nước thực hiện cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Các nhà máy, xí nghiệp, thậm chí đến các cửa hàng cắt tóc cũng phải công tư hợp doanh hoặc "góp gạo thổi cơm chung", tức là vào hợp tác xã, thì 49 quầy hàng trong nhà Godard bị dọn hết, và nhà Godard do Nhà nước quản lý.

Năm 1959, ông Vũ Đình Trọng (nhà ở phố Hàng Giò, nay là đầu phố Bà Triệu) đi kháng chiến về được phân công làm Trưởng tiểu ban trang trí nội thất, thiết kế các gian hàng sao cho hợp lý và hơn hẳn cách bài trí trước đó để lộ rõ tính ưu việt của thương mại xã hội chủ nghĩa (XHCN). Ông Trọng không có chuyên môn cũng như khiếu thẩm mỹ, ông đành hỏi bạn bè, vào Thư viện Quốc gia tìm sách để đọc nên đã hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Buổi họp cuối cùng với cán bộ thành phố, hai “sếp” của ông là Trưởng ban Trần Văn Thanh (du kích Ba Tơ tập kết) và Phó ban Hoàng Ngọc Toàn chỉ biết trông chờ vào ông. Ông Trọng trình bày rạch ròi, mạch lạc làm cán bộ thành phố rất hài lòng. Ngày ông Trọng được vinh dự kết nạp Đảng, hai ông Thanh và Toàn phải dìu ông Trọng vì sức ép công việc làm ông kiệt sức.

“Phe phẩy” ở Bách hóa Tổng hợp

Tháng 9.1959, Godard được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp. Vì nằm trên phố Tràng Tiền nên người ta gọi là Bách hóa Tràng Tiền, và vì là cửa hàng to nhất miền Bắc, lại có nhiều hàng hóa nên người ta gọi Bách hóa Tổng hợp là “pháo đài thương nghiệp XHCN”.


Bách hóa Tổng hợp Tràng Tiền thời bao cấp - Ảnh: T.L

Nhà tư sản Đức Minh được giao làm cửa hàng phó, nhưng mấy năm sau, ông xin nghỉ vì không quen với cơ chế cái nhỏ nhất cũng phải xin ý kiến cấp trên. Đầu tháng 9.1960, Bách hóa Tổng hợp khai trương, người đứng chờ vào xem cửa hàng thương nghiệp quốc doanh đông cứng vỉa hè phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng và Tràng Tiền. Khi nhân viên mở cửa, dân chen chúc xô nhau đến nỗi nhiều người tuột cả giày dép.

Những ngày đầu, hàng hóa ở Bách hóa Tổng hợp khá phong phú, song khan dần vì các cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng ở Hà Nội thiếu nguyên liệu do nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Pháp, Hồng Kông và các nước phương Tây không còn trong khi nguyên liệu nhập từ các nước trong phe XHCN lại nhỏ giọt. Phần khác do các nhà máy của nhà nước, xí nghiệp công tư hợp doanh cồng kềnh trong bộ máy, lại cứng nhắc trong kế hoạch dẫn đến Hà Nội thiếu hàng hóa tiêu dùng và “pháo đài thương nghiệp” chỉ còn lèo tèo vài mặt hàng. Ngay đến viên đá lửa cũng thiếu.

Trước thực trạng đó, Nhà nước bắt đầu thực hiện chế độ phân phối. Ngày 21.12.1963, Nhà nước bắt đầu bán vải theo tiêu chuẩn, cán bộ công nhân viên được 5 mét/năm; nhân dân thành phố và thị xã 4 mét/năm; dân ở nông thôn được 3 mét/năm. Từ năm 1965, mỗi cán bộ công nhân viên trong đời công tác được phân phối 1 chiếc xe đạp. Các hộ gia đình ở Hà Nội được cấp bìa mua hàng gia đình để mua xà phòng, kim chỉ, diêm... Chỉ vào dịp Tết mới được mua chè, thuốc lá, bánh mứt kẹo... Bách hóa Tổng hợp lúc này cũng như các bách hóa khác trên địa bàn thành phố làm nhiệm vụ bán các mặt hàng cung cấp là chính. Nếu có mặt hàng gì bán tự do thì dân xếp hàng rồng rắn ra tận phố Hàng Bài và phải có công an giữ trật tự.

Thiếu thốn mới sinh ra “phe phẩy” (mua đi bán lại) và xếp hàng. Có người cho rằng "phe phẩy" xuất phát từ affaires (tiếng Pháp: làm ăn). Nhưng lại có người giải thích, vì các mùa nóng các bà buôn ngồi phe phẩy chiếc quạt nan ở Bách hóa Tổng hợp chờ khách bán tem phiếu, đường, sữa, đá lửa, vải... nên từ "phe phẩy" ra đời để chỉ những người buôn đi bán lại. Công việc này bị coi thường lúc ấy và họ bị gọi là "con phe". "Phe phẩy” là sản phẩm đặc trưng của cơ chế bao cấp. Người làm “phe phẩy” hầu hết là đàn bà con gái. Từ sớm, họ đã có mặt ở các cửa hàng thực phẩm, chất đốt, bách hóa... nhất là ở “pháo đài thương nghiệp” lúc nào có vài chục "con phe" đón khách ở hai cửa vào và lượn lờ bên trong gạ mua tem phiếu hay hàng hóa. Bảo vệ đuổi, họ ra ngoài, bảo vệ đi, họ lại vào...

Vật đổi, sao dời...

Sau thời kỳ bắt đầu chủ trương đổi mới không lâu, tháng 4.1993, Công ty thương mại Hà Nội liên doanh với Công ty Dragon Property Asia Limited lập dự án phá Bách hóa Tổng hợp xây dựng “Tràng Tiền Plaza” với thời hạn 50 năm. Liên doanh này đã đưa ra thiết kế tòa nhà có chiều cao mặt phố Tràng Tiền là 10 tầng, mặt phố Hai Bà Trưng là 20 tầng.


Ảnh: Tư liệu

Tháng 5.1994, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác đầu tư cấp giấy phép đầu tư thành lập Công ty liên doanh Trung tâm Thương mại Hà Nội với cái tên “Hà Nội Plaza”. Tháng 5.1995, Kiến trúc sư trưởng thành phố ra quyết định cho phép phá Bách hóa Tổng hợp. Nhưng 4 tháng sau, ngày 29.9.1995 Bách hóa Tổng hợp mới ngừng bán hàng. Đó là ngày buồn bã không chỉ với nhân viên bán hàng mà với cả nhiều người dân Hà Nội, vì đã là người Hà Nội, ít nhất cũng phải một lần đặt chân đến đây; Bách hóa Tổng hợp còn là biểu tượng của Hà Nội, người các tỉnh về Hà Nội mà chưa đến Bách hóa Tổng hợp coi như chưa về Hà Nội.

Ngày 28.5.1996, lễ khởi công được tổ chức long trọng với tuyên bố công trình sẽ hoàn tất trong 3 năm. Ngày 2.7.1997, Thái Lan khủng khoảng tài chính kéo nhiều nước châu Á vào vòng xoáy và dự án đã không thu xếp được vốn với ngân hàng, thế là Bách hóa Tổng hợp trở thành bãi đất hoang cho đến năm 1999.

Cuối cùng thì Vinaconex, một tổng công ty lớn thuộc Bộ Xây dựng đàm phán mua lại. Năm 2000 công trình khởi công và hoàn thành vào năm 2004. Bây giờ Trung tâm Thương mại Tràng Tiền cao 4 tầng này là nơi mua sắm sang trọng của thủ đô.

Nguyễn Ngọc Tiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.