Con nhà nòi
Sinh năm 1977 tại TP.HCM, bất hạnh đến với Tuấn Lê (tên thật là Lê Ngọc Tuấn Anh) khi chỉ vừa lên 2 thì mẹ anh - nghệ sĩ kịch nói kiêm đạo diễn và kịch tác gia Mộng Ngọc - đột ngột qua đời.
Nhưng anh được sống với cha là nghệ sĩ kèn trompet Lê Tiến Trạch (Đoàn ca múa nhạc Bông Sen) và tuổi thơ cũng đắm chìm trong bầu không khí nghệ thuật khi được xem bà nội múa trên sân khấu, ông nội chỉ huy dàn nhạc giao hưởng...
Hiệp hội Tung hứng thế giới (IJA) ra đời năm 1947. Từ khi thành lập đến nay, IJA chỉ trao giải Award Excellence về tung hứng cho 13 nghệ sĩ trên thế giới như: Michael Moschen, Anthony Gatto, Sergei Ignatov, Kris Kremo, Flying Kamazarov Brothers... Tuấn Lê là người thứ 14 và là người châu Á đầu tiên nhận được giải này. |
Lên 8 tuổi, Tuấn Lê miệt mài rèn luyện. "Trong căn nhà tập thể của Đoàn ca múa nhạc Bông Sen cấp cho diễn viên, nơi 4 người đàn ông cùng sinh sống, tôi đã làm quen với những trái banh tennis và 3 cái nón nỉ màu đen. Rất may cho tôi khi hàng xóm là nghệ sĩ - biên đạo múa Thái Ly nên được chỉ dẫn rất nhiều. Rồi tôi được một người quen giới thiệu với đạo diễn Tất My Loan, thời đó còn là một nghệ sĩ kịch câm và mới bắt đầu sự nghiệp đạo diễn âm nhạc. Những ân nhân này đã giúp tôi thực hiện một tiết mục xiếc tung hứng lấy ý tưởng từ hình ảnh vua hề Charlie Chaplin với bộ complet đen, nón nỉ, tay cầm gậy", Tuấn Lê nhớ lại. Rồi anh xuất hiện trên sân khấu đầy tự tin với kỹ năng tung hứng của mình. Năm đó Tuấn Lê chỉ tròn 8 tuổi rưỡi!
Năm 1991, Tuấn Lê theo gia đình định cư tại Berlin (Đức). Cuộc sống mới buộc anh phải từ bỏ nghệ thuật để học tiếng Đức, làm đủ mọi việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Được 3 năm, niềm đam mê xiếc vẫn âm ỉ cháy nên Tuấn Lê tìm tài liệu, sách vở về nghệ thuật này để học hỏi, đồng thời lân la đến các sân khấu tạp kỹ như Variete Theater hay Vaudeville Cabaret Theater ở Berlin tìm cơ hội.
Năm 18 tuổi, Tuấn Lê chính thức biểu diễn ở một sân khấu nhỏ tại Berlin vào ban đêm, trong khi ban ngày theo học các lớp về múa, nhạc, xiếc tại Trung tâm Văn hóa quốc tế mang tên Ufa Fabrik. Một năm sau, anh ký hợp đồng làm việc chính thức cho đoàn Chamaeleon Variete Theater.
Năm 2000, Tuấn Lê thực hiện chuyến lưu diễn đầu tiên trên sân khấu Saint Dennis trong chương trình Gala of Just for Laughs tại Montreal, Canada. Rồi sau đó lần lượt là Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Áo... Năm 2009, bước ngoặt sự nghiệp đến với Tuấn Lê khi anh ký hợp đồng cộng tác với đoàn xiếc lừng danh thế giới Cirque du Soleil của Canada. Anh là diễn viên xiếc VN đầu tiên làm việc cho đoàn xiếc danh tiếng này.
Làng tôi và 100 suất diễn
Vở diễn Banana Shpeel do Tuấn Lê thể hiện nằm trong chương trình hợp tác giữa Cirque du Soleil và Madison Square Garden. Đây là chương trình diễn tại Beacon Theater (Chicago, Mỹ) từ năm 2009 qua sự hợp tác với nhà hát Broadway New York, sau đó đến hệ thống nhà hát quốc gia của Mỹ và Canada. Vở Banana Shpeel dùng vũ đạo chính từ excentric dance cho đến hiphop và điểm nổi bật là tap dance chú trọng tính hài hước khi biểu diễn.
Còn vở xiếc Làng tôi do Tuấn Lê đạo diễn mang đậm dấu ấn Việt. Người xem cảm nhận qua thính giác, thị giác những cảm xúc mới lạ, rất Á Đông. Tuấn Lê sử dụng hình ảnh cây tre làm chủ đạo từ thiết kế sân khấu đến đạo cụ. Khi biểu diễn khắp thế giới tiết mục này, Tuấn Lê vẫn giữ tên Làng tôi chứ không dịch sang tiếng Anh vì anh muốn giữ hồn Việt cho đứa con tinh thần.
Làng tôi do 14 nghệ sĩ xiếc trẻ của VN biểu diễn cùng 5 nhạc sĩ sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc. Những trò chơi dân gian, đêm soi đèn bắt ếch, phiên chợ vùng cao, ngày hội làng vui nhộn... được các nghệ sĩ thể hiện bằng nhiều động tác khéo léo, dẻo dai nhưng thật giản dị.
Làng tôi hồn nhiên như chính tên gọi của nó. Vở từng diễn tại các nhà hát lớn của Pháp, Bỉ, Hồng Kông, Tây Ban Nha... và dự kiến cuối năm nay sẽ sang Canada, Úc. Tính đến nay, vở đã biểu diễn trên 100 suất.
Đỗ Tuấn
Bình luận (0)