Trong 7 ngày, từ 20 - 26.2, có hai đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về với cường độ khá mạnh từ ngày 23 - 24.2, sau đó tăng cường từ 26 - 28.2, miền Bắc trời rét, có nơi rét đậm (với nhiệt độ trung bình ngày dưới 15oC), trời nhiều mây có mưa nhỏ, sương mù khá nhiều, ít nắng và độ ẩm cao 80 - 90%.
Nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng và trung du từ 10 - 13oC hoặc thấp hơn, vùng núi 3 - 6oC, sương mù có lúc dày đặc.
Thời tiết các tỉnh bắc miền Trung cũng không thuận lợi, từ Thanh Hóa đến Quảng Bình trời rét với nhiệt độ thấp nhất 12 - 14oC, ban ngày từ 17 - 20oC, mưa và gió bấc làm cho trời thêm rét. Càng về phía nam trời đỡ rét buốt hơn, nhưng mưa tăng dần nhất là từ 24 - 28.2, tuy không có mưa to nhưng điều kiện thời tiết ẩm ướt và lạnh, thiếu nắng.
Do vậy, bà con miền Bắc cần chú ý phòng tránh rét và mưa cho các đàn gia súc, tranh thủ lấy nước vào ruộng đồng trong đợt đổ ải cuối cùng. Miền Trung thì trời trở gió và sương mù, mưa ẩm nên tình hình sâu bệnh có thể diễn biến phức tạp, nhất là bệnh đạo ôn, các loại sâu gây hại trên các trà lúa và cây ăn trái.
Càng về phía nam thời tiết trái ngược hẳn. Nam Trung bộ, Tây nguyên và Nam bộ đang trong thời kỳ cao điểm của mùa khô, tình trạng hạn hán bắt đầu khá nghiêm trọng do dòng chảy trên các sông suối cạn kiệt, trời lại không mưa, thiếu nước ngọt xảy ra trên diện rộng.
Riêng đối với Nam bộ, thời tiết trong 7 ngày tới vẫn rất khô hanh, không khí lạnh khuếch tán sâu xuống phía nam nên từ 24 - 27.2 nhiệt độ giảm vài độ vào ban đêm đến gần sáng, trời trở lạnh ở miền Đông Nam bộ có nhiệt độ thấp nhất 18 - 20oC, TP.HCM và các nơi khác 20 - 23oC. Thời gian nắng kéo dài 9 - 10 tiếng/ngày nên nhiệt độ khá cao, miền Đông và TP.HCM 33 - 35oC, miền Tây 30 - 32oC.
Lượng bốc hơi tăng cao do trời quang mây, cường độ bức xạ mạnh, nắng nhiều, độ ẩm giảm, thấp nhất 35 - 45%, nên tình hình khô hạn thêm gay gắt, nguy cơ cháy rất cao ở bất cứ nơi nào. Đêm về sáng có lúc sương mù xuất hiện trên diện rộng, kéo dài đến trưa. Điều kiện thời tiết như vậy (sương mù, ban đêm se lạnh) thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá, cổ bông có nguy cơ bộc phát trên diện rộng. Gió mùa đông bắc cũng làm cho rầy nâu có thể di trú từ vùng này sang vùng khác, ngoài ra các loại sâu bệnh khác gây hại có thể phát triển, bà con chú ý theo dõi.
Đợt triều cường giữa tháng giêng âm lịch trùng với lúc có gió đông bắc mạnh, nên có thể ở mức cao, đỉnh triều lớn nhất là từ 22 - 24.2 (rằm đến 17 tháng 1 âm lịch). Do vậy, xâm nhập mặn sẽ vào sâu trong các kênh rạch nội đồng, độ mặn cao nhất tại các trạm vùng cửa sông Nam bộ tăng so với tuần vừa qua.
Tỉnh Bến Tre ranh mặn 4 gr/l có thể xâm nhập sâu 60 km trên sông Hàm Luông và hơn 50 km trên sông Cổ Chiên. Trên sông Tiền, sông Hậu, độ mặn 4 gr/l có thể xâm nhập sâu khoảng 50 - 60 km tính từ cửa sông. Tình hình hạn, mặn còn khốc liệt hơn nữa từ nay cho đến tháng 5 do vậy bà con cần theo dõi liên tục để giảm thiểu thiệt hại.
Bình luận (0)