Tuấn Ngọc lại có một cái tết không trọn vẹn tại Việt Nam thêm một năm nữa.
Anh vẫn sẽ lại quay về Mỹ vào những ngày đầu xuân và những chuyến bay như thế ngày một khó khăn hơn đối với người ca sĩ đã vào cái tuổi “Ta nghiêng vai soi lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn chợt tới” này. “Sau mỗi lần ở Việt Nam, tôi lại chẳng muốn quay về Mỹ, nhất là những dịp giáp tết. Buồn và thèm tết Việt lắm”, anh chia sẻ. “Nhớ Việt Nam…” luôn là dòng đầu tiên anh viết trong e-mail cho bạn bè mỗi khi sang đến Mỹ. Đó có thể là nỗi nhớ những tối đi ăn với bạn bè, những chiều đánh tennis cùng chiến hữu, hoặc chỉ có thể là những lần thảnh thơi tản bộ dọc con đường Phùng Khắc Khoan, nơi còn có “lá hát như mưa suốt con đường đi”.
“Tôi chưa bao giờ thấy bình an như lúc này,” anh nói. “Tham sân si trong tôi đã nhẹ hơn hồi còn trẻ nhiều lắm. Bây giờ tôi vui nhiều hơn, chứ hồi xưa thì cực kỳ khó tính. Tôi nghĩ mình không còn khép kín như hồi trẻ nữa”. Biểu diễn tại nhiều phòng trà khác nhau ở Sài Gòn trong mỗi lần về nước, gương mặt “lạnh như tiền” nổi tiếng của Tuấn Ngọc nay được thay bằng những nụ cười hóm hỉnh và đôn hậu sau mỗi câu pha trò khi giao lưu với khán giả.
Trên sân khấu, ánh mắt của Tuấn Ngọc không còn luôn nhắm nghiền mỗi khi hát. Anh nhìn khán giả nhiều hơn để cảm được tâm trạng của từng người. Và trong bất kỳ đêm diễn nào, ánh mắt ấy cũng luôn hướng thật lâu và thật nhiều về một góc nhỏ trong phòng trà, nơi người vợ, ca sĩ Thái Thảo, ngồi mỗi đêm anh diễn. “Tôi nhìn Thảo, Thảo ngồi bên dưới là để xem phản ứng của khán giả, rồi âm thanh, không khí, mọi thứ đã ổn chưa. Có Thảo, tôi thấy ấm áp và bình an”.
Đối với Tuấn Ngọc, cho dù sắp bước qua tuổi 63, cuộc đời và cả tình cảm vợ chồng cũng đã và có lẽ sẽ rất bình thường, nếu như anh không phát hiện mình bị ung thư ruột cách đây hai năm. “Khi tôi bị đau, Thảo chăm sóc tôi nhiều hơn và vợ chồng gần gũi với nhau hơn. Tôi gặp một cơn bệnh nặng để biết rằng vẫn còn nhiều người thương mình lắm. Nhất là gia đình của mình”. Quãng thời gian hai năm đủ để cho sức khỏe Tuấn Ngọc tiến triển và cũng đủ để anh cảm nhận thật sâu sắc những điều dung dị nhất. “Chúng ta ai cũng vì lo tranh đấu với cuộc đời ít nhiều khó khăn của mình mà quên sống. Có khi phải cần có một cơn bệnh đến để nhắc nhở mình rằng cuộc đời đáng sống lắm chứ”.
Và trong một đêm diễn tại phòng trà, vẫn với ánh mắt trìu mến dành cho người vợ, Tuấn Ngọc đã hát tặng Thái Thảo bài Giọt lệ cho ngàn sau (Từ Công Phụng), mà dường như, anh đã chuyên chở trong đó thật nhiều…
“Một mai khi xa nhau
người cho tôi tạ lỗi
dù kiếp sống đã rêu phong rồi
Giọt nước mắt xót xa
nhỏ xuống trái tim khô một đời tôi tê tái...”
Những miền nhớ mênh mang
Trong buổi diễn đầu tiên tại Việt Nam tổ chức ở Nhà hát Hòa Bình năm 2006, Tuấn Ngọc từng nói tình cảm khán giả quê nhà dành cho anh đã vượt quá mong đợi, sau 30 năm xa quê hương. “Từ một em bé bán báo đến nhà báo; từ người nghệ sĩ đến khán giả - tất cả đều dành cho tôi một tình cảm mà tôi không bao giờ tưởng tượng được”.
Trở về Việt Nam thường xuyên hơn những năm gần đây nhưng Tuấn Ngọc chưa có điều kiện hưởng một cái tết Việt trọn vẹn.
Và đối với Tuấn Ngọc, những kỷ niệm không quên đó đến từ một cậu bé “bị” cha mẹ bắt đi nghe anh hát từ khi còn 8 tuổi. Hai năm qua, khán giả nhí đó vẫn trung thành xuất hiện trong mỗi lần anh hát ở Việt Nam. Những kỷ niệm đó cũng đến từ một nữ khán giả bay từ Hà Nội về Sài Gòn để nghe anh hát một đêm rồi sáng hôm sau lại bay ngược ra Hà Nội làm việc. Nó cũng có thể là những lần Tuấn Ngọc “chán chường” phát hiện ra đôi bạn trẻ hoặc một cặp vợ chồng trung niên luôn xuất hiện trong mọi đêm diễn của anh. “Tôi đã “năn nỉ” họ đừng đi nữa nhưng vẫn không ăn thua” - anh nói.
Nhưng đối với Tuấn Ngọc, kỷ niệm có lẽ ám ảnh anh nhất cho đến tận bây giờ đọng lại từ một khán giả thật đặc biệt ở Úc. “Trong một buổi diễn của tôi tại Úc, có khán giả viết giấy yêu cầu tôi hát một bài tặng cho cô em gái đã mất của họ. Cô em gái muốn được nghe tôi hát trên sân khấu đã lâu nhưng chẳng may ra đi quá sớm. Cô gái ấy có một yêu cầu trước khi mất là hãy mở một bản nhạc của tôi hát vào ngày giỗ cô ấy hằng năm” - anh kể. “Vợ tôi đã khóc trên sân khấu khi đọc mảnh giấy đó. Và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn còn giữ nó. Như một kỷ niệm cho riêng đời mình”.
|
Lời tri ân cho người, cho mùa…
“Ở từng tuổi này, tôi mới bắt đầu biết họp “offline” với người hâm mộ. Tôi mời những khán giả ruột đi ăn để gọi là “bù đắp” phần nào chi phí họ đã bỏ ra để đi nghe tôi hát. Những lần như thế thật dễ chịu biết bao” - anh nói.
Những đêm diễn của Tuấn Ngọc trong không gian nhỏ bé của phòng trà luôn kín khán giả. Và những lần như thế, Tuấn Ngọc đã vắt sức mình ra trình diễn gần 20 bài mỗi đêm, như bao đồng nghiệp trẻ khác. “Hơn lúc nào hết, tôi cảm nhận được tình thương của khán giả dành cho mình. Có những đêm tôi đã phải gặp riêng khán giả của mình để xin lỗi vì hát không được tốt. Nhưng tôi biết chắc là vì thương tôi, họ cũng chẳng để ý tới việc tôi hát hơi dở đêm đó” - anh nói. “Tôi ví mình như cá, còn khán giả là nước. Hãy cố nương nhau mà sống. Nhưng mà phải nhớ là cá không có nước thì cá chết. Người nghệ sĩ lúc nào cũng cần có khán giả để sống”.
Một cái tết về ở hẳn tại Việt Nam là kế hoạch rất gần của Tuấn Ngọc, như một điều vốn dĩ sẽ đến. “Có hai vợ chồng thôi thì dễ, nhưng vì con gái của chúng tôi mới 16 tuổi nên có lẽ cũng phải chờ thêm vài năm nữa. Tết là phải về quê, ăn tết ở Việt Nam, và ăn tết với những khán giả của mình chứ”.
Nhưng năm nay, Tuấn Ngọc và người bạn đời Thái Thảo sẽ lại một lần nữa lặng lẽ ra sân bay, vào những ngày đầu xuân. Bước đi của anh sẽ chậm và liêu xiêu hơn, một phần vì tuổi tác, một phần vì những niềm riêng còn gửi lại quê nhà.
“Tôi sẽ mang tết Việt về Mỹ. Có một điều chắc chắn rằng, khi vào phòng làm thủ tục, tôi sẽ ngoái lại thật lâu để nhìn ra bên ngoài. Ở đó, có Sài Gòn đang trở mình đón tết...”.
An Điền
Bình luận (0)