Gần đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) cấp cứu đột quỵ tái phát cho người bệnh N.M.C (56 tuổi, ngụ tại TPHCM).
Cách đây 1 năm, ông C. bị đột quỵ và may mắn cấp cứu kịp thời. Sau đột quỵ, người bệnh tuân thủ điều trị tốt, duy trì tập phục hồi chức năng và các hoạt động dần trở lại bình thường.
Tuy nhiên, 4 tháng gần đây, do thấy sức khỏe đã ổn định, ông C. tự ý ngưng thuốc và bỏ tái khám. Đột nhiên ông C. thấy chóng mặt, không nói và cử động được tay chân được. Ông nhanh chóng được chuyển tới BV ĐHYD TPHCM và được các bác sĩ cấp cứu kịp thời. May mắn cơn đột quỵ tái phát không để lại hậu quả nặng nề.
Các bác sĩ đánh giá, trong tình hình dịch bệnh phức tạp và giãn cách xã hội, nhiều người bệnh dễ chủ quan, không tuân thủ điều trị hoặc bỏ qua việc tái khám định kỳ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tái phát đột quỵ và xảy ra các biến chứng nguy hiểm khác.
Các biến chứng thường gặp và cách phục hồi sau đột quỵ
TS-BS Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học thần kinh, Trưởng Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM; cho biết: có 2 nhóm biến chứng, di chứng chủ yếu sau đột quỵ. Thứ nhất là di chứng do mất chức năng các phần não: không nói được, không vận động được, yếu liệt, tiêu tiểu không tự chủ, nặng nhất là hôn mê. Nhóm thứ hai là biến chứng do nằm lâu một chỗ: loét, nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiểu, cơ khớp bị teo cứng…
Ngoài ra, bất động lâu dài có thể khiến người bệnh có những biến chứng về tinh thần như trầm cảm, lo âu…
TS-BS Nguyễn Bá Thắng khám cho người bệnh |
BV Đại học y dược cung cấp |
Tùy theo nhóm biến chứng mà bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp điều trị phù hợp. Đối với di chứng do mất chức năng các phần não, cần giảm tối thiểu những hậu quả trực tiếp do tổn thương não gây ra, việc cấp cứu trong thời gian sớm nhất là vô cùng quan trọng. Tiếp đó là quá trình điều trị phục hồi não.
Đối với biến chứng nằm lâu, không vận động, cần phải có biện pháp ngay từ đầu như vận động sớm, tập luyện phục hồi chức năng và ổn định tinh thần cho người bệnh. Các bài tập vận động phải phù hợp với tình trạng, mức độ nặng nhẹ của bệnh cũng như thể trạng của người bệnh.
Đối với người bệnh đột quỵ cao tuổi và có bệnh nền, cần duy trì những bài tập vừa sức, từng bước từ thấp đến cao, đồng thời phải luôn theo dõi diễn tiến của bệnh nền (nếu có).
Những lưu ý về quá trình điều trị sau đột quỵ
TS-BS Nguyễn Bá Thắng cho biết, trong giai đoạn phục hồi chức năng, bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…). Đối với người bệnh đột quỵ có bệnh lý nền, bác sĩ sẽ cân nhắc thuốc điều trị đột quỵ sao cho không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nền. Người bệnh cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của Bác sĩ, không tự ý tăng giảm liều hoặc dùng thêm loại thuốc khác.
Bên cạnh đó, người bệnh cần được phục hồi chức năng thông qua các vận động trị liệu - vận động được tay, chân và những bộ phận bị mất vận động; âm ngữ trị liệu - phục hồi rối loạn ngôn ngữ và chức năng nuốt; hoạt động trị liệu - giúp người bệnh có thể tự ăn uống, sinh hoạt và chăm sóc bản thân, hoà nhập cộng đồng.
Theo TS-BS Nguyễn Bá Thắng, vai trò của người chăm sóc rất quan trọng. Nghiên cứu cho thấy, nếu không được cấp cứu kịp thời và hiệu quả, chỉ 25 - 30% người bệnh sau đột quỵ có thể tự đi lại, phục vụ bản thân; 20% - 25% đi lại khó khăn và cần sự hỗ trợ của người khác trong sinh hoạt hàng ngày; 15% - 25% phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Trong quá trình phục hồi chức năng, người bệnh sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn tâm lý và cảm xúc, người chăm sóc cần hiểu và thông cảm, an ủi và hỗ trợ người bệnh tận tình trong tập luyện, vận động. Điều này sẽ giúp phục hồi chức năng vận động và ổn định tâm lý cho người bệnh. Bản thân người bệnh cũng cần có ý chí, quyết tâm, tinh thần lạc quan, tích cực tập luyện, vận động thì cơ hội hồi phục sẽ càng nhiều hơn.
Về chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần giảm thực phẩm có nhiều đường bột, mỡ béo, mỡ động vật, các thức ăn có vị mặn. Nên tăng cường rau xanh, ưu tiên thịt trắng, hạn chế ăn thịt đỏ và nội tạng động vật.
Khuyến cáo cho người bệnh đột quỵ trong thời gian giãn cách xã hội
TS-BS Nguyễn Bá Thắng cho biết, người bệnh đột quỵ là đối tượng đã có bệnh nền, có thể diễn tiến nặng trong trường hợp nhiễm COVID-19. Chính vì vậy, người bệnh và người chăm sóc cần tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Đối với người bệnh cần phục hồi bằng phương pháp tập vật lý trị liệu, trong thời điểm giãn cách xã hội, việc đến cơ sở y tế có thể bị hạn chế. Người chăm sóc có thể chủ động giúp người bệnh thực hiện các bài tập đơn giản tại nhà theo hướng dẫn của Bác sĩ hoặc kỹ thuật viên.
Đặc biệt, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định của Bác sĩ về việc sử dụng thuốc, thời gian tái khám cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt để phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
Nhằm cung cấp thông tin hữu ích, nâng cao hiệu quả điều trị phục hồi và chăm sóc cho người bệnh sau đột quỵ, Trung tâm Truyền thông BV ĐHYD TPHCM phối hợp với Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam thực hiện chương trình tư vấn với chủ đề: “Chăm sóc người bệnh đột quỵ”, theo dõi tại: https://bit.ly/chamsocnguoibenhdotquy
Chương trình cung cấp thông tin về quá trình điều trị phục hồi phù hợp với từng nhóm biến chứng, những lưu ý về sử dụng thuốc, chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cho người bệnh sau đột quỵ.
Bình luận (0)