Chiều qua tại Hà Nội, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã dành thời gian để trả lời các nhà báo VN và quốc tế, hầu hết các câu hỏi tập trung vào việc TQ đưa giàn khoan HD 981 bất hợp pháp vào vùng biển VN.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel (bìa phải) tại cuộc họp báo chiều qua 8.5 - Ảnh: Trường Sơn |
Thanh Niên: Trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ về vụ giàn khoan 981 có nhận định đây là vùng biển đang tranh chấp, trong khi thực tế TQ đang đặt giàn khoan này sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN được luật pháp quốc tế thừa nhận thuộc chủ quyền, quyền tài phán của VN. Dường như TQ đã thành công trong việc khiến quốc tế hiểu lầm rằng đang có tranh chấp ở khu vực này?
Mỹ không đưa ra lập trường về căn cứ pháp lý của các nước tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Sẽ là khách quan (cho Mỹ) khi nói cả hai bên VN và TQ đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Có sự tranh chấp nhưng Mỹ không có tư cách nói lập trường của bên nào mạnh hơn. Nhưng Mỹ và cộng đồng quốc tế có quyền kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp này một cách hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Reuters: Ông có cho biết đã hội đàm với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, vậy phía VN có đặt vấn đề muốn có sự ủng hộ của Mỹ trong vụ việc này không? Mỹ đang có tàu nào gần khu vực này không, và có ý định đưa tàu đến gần khu vực này không?
Các quan chức VN mà tôi trao đổi đều nhận thức rõ quan điểm của Mỹ, thừa nhận và chấp nhận, tôi tin là thế, rằng Mỹ sẽ không đưa ra lập trường về các giá trị tương đối của các tuyên bố chủ quyền. Trong các cuộc gặp của tôi không có bất cứ đề xuất nào từ phía VN về vai trò của quân đội Mỹ. Nếu có, tôi cũng nhấn mạnh lại quan điểm mà người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra là các bên phải giải quyết hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế.
VnExpress: Trước đây Mỹ từng tuyên bố ủng hộ Philippines nhưng khi TQ chèn ép Philippines Mỹ cũng không có động thái nào đáng kể. Việc TQ đặt giàn khoan 981 vào vùng biển VN liệu có phải hệ quả của thái độ của Mỹ không cương quyết trong duy trì hòa bình ở biển Đông hay không?
Tôi phải nói rõ ràng sự ủng hộ của Mỹ cho Philippines là vững chắc nhưng không có nghĩa là Mỹ ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Philippines đối với một cấu trúc địa lý cụ thể nào trên biển Đông. Chúng tôi thể hiện lập trường trong một số vấn đề này, và không thể hiện lập trường trong một số vấn đề khác. Chúng tôi thể hiện lập trường về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, tự do hàng hải, thương mại hợp pháp. Chúng tôi thể hiện lập trường về sự ràng buộc những cam kết của chúng tôi với Philippines như một đồng minh hiệp ước. Nhưng chúng tôi không thể hiện lập trường trong các vấn đề pháp lý do Philippines tự tuyên bố. Đó là một điều khác biệt quan trọng mà tôi phải nói rõ.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra tại Washington (hôm 7.5) đã chỉ rõ những gì mà các bạn với tư cách phóng viên có thể dễ dàng chứng minh bằng tài liệu, đó là một loạt các bước đi và cách thức hành động của TQ để thúc đẩy và củng cố các tuyên bố chủ quyền của họ.
Hiện tại tất cả các quốc gia đều có quyền biện hộ cho vị trí và cho các tuyên bố chủ quyền của mình. Tuy nhiên, vị trí thích hợp của Mỹ là những biện hộ đó phải có tính cách ngoại giao và các biện pháp để củng cố, gia tăng tuyên bố chủ quyền của một bên nào đó phải phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước luật Biển.
AP: Vậy ông có cho rằng việc TQ đặt giàn khoan là vi phạm những quy tắc này? Lập trường của Mỹ là như thế nào?
Chúng tôi cho rằng tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ đã rất rõ ràng, trách nhiệm đó thuộc về phía TQ trong việc xác định rõ những yêu sách của họ theo một cách thức phù hợp với UNCLOS và điều đó sẽ là nền tảng cho việc tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi mà anh vừa đặt ra.
Lao Động: Ông có nói các bên ở biển Đông phải kiềm chế không sử dụng vũ lực, nhất là trong tình hình căng thẳng hiện nay. Nhưng những gì chúng tôi thấy trên màn hình hôm qua tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao VN là các tàu vũ trang TQ hung hăng đâm vào tàu VN. Vậy ông bình luận gì?
Mỹ rất quan ngại về bất cứ hành vi nguy hiểm nào trên biển, và chúng tôi phản đối bất cứ động thái khiêu khích nào của các tàu, đặc biệt là ở những vùng biển đang tranh chấp. Đó là lý do chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh thông điệp phải sử dụng các biện pháp hòa bình, ngoại giao và qua các phương tiện truyền thông, mỗi bên phải quản lý mình trong những hành xử an toàn, có trách nhiệm, thích đáng. Tất cả các bên cần phải kiềm chế.
Trung Quốc chối bỏ việc đâm tàu VN
Bất chấp những bằng chứng không thể chối cãi từ phía VN, các quan chức ngoại giao TQ hôm qua đã chối bỏ việc các tàu nước này cố ý đâm vào tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của VN. Theo Reuters, phát biểu bên lề một hội nghị ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao TQ Trình Quốc Bình ngang nhiên nói không hề có va chạm giữa tàu bè của hai nước. Ông Trình nói thêm rằng hai nước có thể giải quyết tranh chấp thông qua “đàm phán hòa bình” và đây là một tranh chấp “cục bộ”, “có thể kiểm soát”. Tuy nhiên, quan chức này lại lên giọng dọa dẫm một cách ngang ngược: “Khu vực tranh chấp là lãnh thổ TQ và tất nhiên chúng tôi sẽ duy trì lợi ích cốt lõi và bảo vệ chủ quyền của đất nước. VN nên biết điều này”. Trong khi đó, tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông Dịch Tiên Lương, Phó trưởng ban Biên giới và hải dương thuộc Bộ Ngoại giao TQ ngang ngược phủ nhận hoàn toàn những sự thật về vụ TQ hạ đặt giàn khoan phi pháp. Theo tờ The Wall Street Journal, ông Dịch vu vạ ngược lại rằng 35 tàu VN đã đâm tàu TQ 171 lần từ ngày 3 đến ngày 7.5. Tuy nhiên, các quan chức TQ đã từ chối trả lời câu hỏi có bao nhiêu tàu TQ được cử tới khu vực. |
Trường Sơn
>> Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel kêu gọi 'tránh căng thẳng ở biển Đông
>> Dư luận nước ngoài quan ngại hành vi 'gây hấn' của Trung Quốc ở biển Đông
>> Đưa giàn khoan phi pháp vào biển Đông, Trung Quốc ngang ngược tố Việt Nam 'can thiệp
>> Mỹ: Trung Quốc 'khiêu khích' khi đưa giàn khoan vào biển Đông
Bình luận (0)