Từ thứ ba đến gần cuối tuần sau sẽ có không khí lạnh tràn về với cường độ không quá mạnh và di chuyển ra phía đông, thời tiết miền Bắc thay đổi, trời nhiều mây hơn, nắng giảm mưa tăng, mưa giông với lượng nhỏ vào buổi chiều tối tập trung chủ yếu ở vùng đông bắc, trời lạnh đêm và sáng, vùng núi còn rét nhẹ.
tin liên quan
Triều cường kỷ lục khiến người Cần Thơ phải bơi xuồng xuống phố là do đâu?Miền Trung thời tiết tốt từ thứ bảy (3.11) tới đầu tuần, từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sáng sớm và đêm trời rét 16 - 17oC. Từ thứ ba đến cuối tuần do ảnh hưởng bởi không khí lạnh nên sẽ có mưa trở lại, vùng mưa mở rộng dần xuống đến nam Trung bộ, đợt mưa này kéo dài 3 - 4 ngày nhưng ít khả năng sinh lũ do hầu hết là mưa nhỏ, có nơi mưa vừa. Các nơi khác ở miền Trung trời lạnh, càng xuống phía nam nhiệt độ tăng dần, mưa ẩm tăng, nắng giảm.
Tây nguyên và Nam bộ bắt đầu chuyển sang kiểu thời tiết mùa khô, nắng nhiều nên nhiệt độ ban ngày khá cao 32 - 34oC, trời khá oi nóng. Qua tuần sau, rãnh áp thấp từ phía nam sẽ phát triển mạnh dần và dịch chuyển lên, có khả năng đi ngang qua Nam bộ gây thời tiết chuyển xấu, mưa sẽ tăng dần từ thứ tư đến cuối tuần, vùng ven biển và ĐBSCL có nơi mưa vừa mưa to, miền đông Nam bộ và Tây nguyên có nắng nhiều hơn, mưa diện hẹp về chiều tối.
Do ban ngày nắng oi nên chiều tối cần đề phòng giông sét, lốc xoáy, gió giật. Đêm về sáng trời se lạnh ở Nam bộ với nhiệt độ 22 - 25oC, sương mù có lúc xuất hiện khá nhiều. Tây nguyên bắt đầu vào mùa lạnh, nhiệt độ tại Đà Lạt có thể giảm còn 15 - 17oC vào ban đêm. Nhìn chung, trong giai đoạn chuyển từ mùa mưa sang mùa khô vẫn còn vài đợt mưa ngắn trong tháng 11.
Mực nước sông Cửu Long chịu ảnh hưởng của đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch, cao nhất vào ngày 9 - 10.11. Tại các trạm chính hạ lưu sông Cửu Long ở mức báo động 2, 3 và trên báo động 3. Đài khí tượng thủy văn Nam bộ dự báo mực nước cao nhất ngày trên các sông rạch TP.HCM lên nhanh, đỉnh triều cao nhất trong đợt này xuất hiện vào ngày 7 - 8.11, tại Phú An và Nhà Bè có thể vượt báo động 3 từ 0,15 - 0,20 m, gây ngập sâu nhiều nơi kéo dài đến hết tuần.
Miền Trung và Tây nguyên vẫn có nguy cơ bị bệnh khảm lá sắn do vi rút phát triển và lây lan ở Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, cần thiêu hủy các hom giống từ vùng bị nhiễm bệnh nặng, trồng mới các giống tốt nhằm tránh làm giảm năng suất vụ đông xuân.
Miền Nam vào mùa khô, nắng và lượng bốc hơi tăng nên tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, các đợt mưa ẩm cuối mùa nên khả năng sâu bệnh vẫn còn gây hại, nhất là đối với các vườn cây ăn trái, cần tạo điều kiện thông thoáng, tiêu thoát nước tránh ngập trong các đợt triều cường. Đối với cây nhãn, theo dõi bệnh chổi rồng có khả năng tăng diện tích nhiễm ở các tỉnh miền Tây Nam bộ. Bệnh đốm nâu, thán thư trên cây thanh long tại Bình Thuận, Tiền Giang, Long An có thể còn gây hại trên diện rộng.
Bình luận (0)