Tức tưởi uống 'sinh tố bà chửi', sinh viên Làng đại học nào từng bị 'mắng'?

27/10/2017 11:15 GMT+7

Ở làng Đại học Quốc gia TP. HCM có một quán sinh tố muốn uống phải nghe… 'chửi'. Lạ lùng là vậy nhưng 'đặc sản' này đã gắn liền với biết bao thế hệ sinh viên. Đặc biệt, đổi lại là sự trân quý của các sinh viên dành cho quán sinh tố độc đáo này.

Nhắc tên thật của quán không ai nhớ, nhưng nói “sinh tố bà chửi” thì chắc chắn ai cũng biết. Món sinh tố muốn uống phải nghe bà chủ chửi này được sinh viên bao đời truyền tụng: “Ở làng Đại học mà chưa uống “sinh tố bà chửi” thì giống như sinh viên chưa biết vị mì gói!”.
Muôn mặt chuyện… “chửi”
Quán sinh tố này do bà chủ gốc Huế tên Nhung (53 tuổi) mở ra đã hơn 30 năm. Xưa bà bán ở khu chợ cạnh trường ĐHKHXH&NV, sau thì chuyển về một góc đường dẫn vào kí túc xá khu A đến giờ.
Quán có tiếng đến nỗi, nhiều chỉ dẫn vị trí của các cửa hàng xung quanh còn dựa vào đó để dễ tìm, như: đối diện “sinh tố bà chửi”, sau lưng “sinh tố bà chửi”,…
Những người đến quán, chưa kịp bước vào, đã có thể nghe giọng Huế đặc sệt la rầy đủ chuyện ở quầy. Là người miền Trung thẳng tính nên cứ thấy không vừa mắt là bà Nhung "cự".
“Lần đầu mình mua sinh tố ở đây, thấy cô chửi mọi người um sùm nên ngạc nhiên lắm. Lần sau chính mình cũng bị chửi chỉ vì không mở bọc sẵn để cô bỏ sinh tố vào, cũng ấm ức. Thêm lần nữa vì lỡ cười lớn tiếng, bị cô chửi “con gái gì vô duyên”, mình mới biết chửi là đặc sản ở đây”, bạn Bảo Linh (sinh viên ĐH Kinh tế - Luật) vừa cười vừa kể.
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 1
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 2
Cô chủ quán sinh tố hay "cự" nhưng sinh viên đều thương, ghé ủng hộ dài dài Ảnh: Hoài Nhân
Bạn Trung Hiếu (sinh viên ĐHKHXH&NV) lại chia sẻ một kỉ niệm “lạ kì” với bà: “Lần đó nhóm tập dượt cho hội thao ở trường suốt cả tuần, nên về mệt là ghé quán cô uống. Cô thấy vô hoài nên mắng “ba mẹ cho tiền bây ăn học chứ để bây ăn sinh tố hoài vậy hả”. Tụi mình nghe mà ráng nhịn cười, chỉ dạ dạ rồi thôi.”
Khách đứng hơi áng lối đi cũng bị chửi, gọi món chậm cũng bị chửi, nói lí nhí trong miệng cũng bị chửi, hối thúc cũng bị chửi… Những “điệp khúc chửi” như: “Đàn ông con trai nói năng như con gái. Lớn tiếng lên coi!”, “Hậu đậu như con này về chồng đánh ngày 3 bận”, “Tóc tai như cái ổ quạ, về hớt đi nghe chưa”, “Cái gì cũng từ từ, thấy đông không mà hối”, “Bộ không có mắt nhìn menu sao mà hỏi”… đã trở nên quá quen thuộc với sinh viên.
Thậm chí trước đây còn có cả một hội "Sinh tố chửi" hoạt động sôi nổi trên Facebook, với lời giới thiệu là "Những người ghét bị chửi nhưng vẫn thích uống sinh tố cô Chửi".
Trang này thường xuyên cập nhật thông tin về món mới, tình hình ở quán, còn thành viên thì vào chế ảnh, chia sẻ những “kí ức đau thương” vì ăn chửi. Thế mới thấy “đặc sản” kì cục này có sức ảnh hưởng thế nào!
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 3
Trong lúc bán, hễ thấy điều gì không vừa mắt là bà Nhung cự
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 4
Giờ cao điểm, muốn mua “sinh tố bà chửi” phải xếp hàng
'Tôi thương như con cháu mới la, chứ không phải chửi'
Chính bà Nhung cũng thừa nhận thương hiệu “bà chửi” do sinh viên đặt cho. Nhưng bà đính chính: “Nhiều đứa vô không biết lịch sự, đã đông còn hối bán nhanh, hoặc nói trống không, tôi bực mình mới la. Cái đó là la chứ không phải chửi”. Bà cũng chia sẻ: “Nhiều đứa bị tôi la đến khóc tức tưởi ở đây. Rồi bữa sau cũng đến xin lỗi. Tôi chưng hửng vì có nhớ ai đâu. Tuổi sinh viên ăn chưa no, lo chưa tới, tôi thương như con cháu tôi mới la cho nên người”.
“Tôi biết nhiều đứa, không tiền mà ăn xài phung phí, còn bày đặt bao cả đám! Chúng sai mình phải la ngay. Tiền ai mà hổng ham, bán ai mà hổng ham, nhưng bán phải có tâm. Người ta tỏ thái độ thì sợ mất khách, tôi thì không đâu! Tụi nó về mới nghĩ lại, ừ, bả la mình bả có được thêm đồng nào đâu. Rồi chúng tự hiểu, nên không đứa nào bỏ tôi hết. Tôi cũng thương chứ có ghét bỏ đứa nào”, bà Nhung thẳng thắn nói.
Một phần vì sinh viên dần thấm nhuần “tư tưởng” các lời chửi của bà, phần khác vì sinh tố bà làm rất chất lượng, nên quán bao giờ cũng đông nghịt khách. Bạn Thiên Phúc (sinh viên ĐH Nông Lâm) tấm tắc khen: “Sinh tố của cô là nhất, ngon khỏi chê! Trái cây tươi xay ra thơm phức, nguyên chất lại ít đá. Còn chửi thì có sao. Cô chửi đúng với lại vui mà”.

tin liên quan

Hà thành có bún 'chửi', ra Phú Quốc ăn bún quậy
Nếu bạn đã từng biết món bún chửi ở Hà Nội thì cũng đừng ngạc nhiên khi nghe bún quậy ở Phú Quốc. Tuy nhiên, cũng xin nói ngay, chữ quậy ở đây không phải quậy phá hay chửi bới gì cả.
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 5
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 6
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 7
Vì không còn lạ với những “điệp khúc chửi”, nên sinh viên vẫn tìm đến quán bà Nhung để thưởng thức món sinh tố chất lượng nơi đây
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 8
“Sinh tố bà chửi”: Đặc sản độc lạ làng đại học 9
Một ly sinh tố nguyên chất thơm ngon thế này chỉ có giá từ 10 đến 15 nghìn đồng
Chính vì khách toàn là sinh viên, nên chất lượng đồ uống luôn được bà Nhung đặt lên hàng đầu. Trái cây bà không lấy ở các chợ đầu mối vì sợ thuốc, mà đặt từ mối quen tận các tỉnh, như bơ ở Buôn Ma Thuột, dâu ở Đà Lạt, các loại quả khác ở miền Tây. Ngay cả thạch trà sữa cũng là tự tay bà làm để đảm bảo vệ sinh.
Lượng khách luôn đông, nhưng bà không thuê nhiều nhân viên, vì bảo muốn ổn định giá cả vừa túi tiền sinh viên, chịu khó chờ tí nhưng 'bớt được phần nào tiền cha mẹ lo cho tụi nhỏ'. “Giữ giá như tôi thì ở đây họ nghỉ hết. Còn có tôi là “cựu sinh tố” thôi”, bà Nhung cười lớn bảo. Bà cũng để sinh viên tự phục vụ, vì muốn các bạn tập tính không ỷ lại vào người khác, mà biết chủ động trong mọi việc.
Cứ vậy mà biết bao thế hệ sinh viên đã gắn bó với quán sinh tố của bà. Bà hào hứng lôi ra một chiếc túi xách mới tinh rồi khoe: “Đây này, con bé hồi xưa bị tôi la đến phát khóc vì nói năng trống không, nay tốt nghiệp đi làm có tiền rồi tặng quà 20.10 cho tôi này. Trước đó thì có đứa biếu bánh Trung Thu, quà sinh nhật sớm, rồi không dịp gì cũng tặng, chỉ nói ra trường hết được tôi la nên nhớ. Bởi vậy, bán cho sinh viên là mình tươi trẻ mãi.”
Người ngoài nghe “sinh tố bà chửi” hẳn sẽ thấy thật lạ lẫm. Còn ở làng Đại học, món “đặc sản” này năm nào cũng được các anh chị lớn truyền tai cho mấy em sinh viên năm nhất bằng một “bí kíp ẩm thực” độc đáo: “Sinh tố bà chửi” – chưa uống chưa phải sinh viên làng Đại học.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.