Tục vay lân đường

09/02/2012 08:55 GMT+7

Người Hoa sang Việt Nam định cư đã mang theo nhiều tập tục; trong đó có tục vay lân đường do Minh Đức Cung (H.Cầu Kè, Trà Vinh) tổ chức.

Minh Đức Cung là miếu thờ Ông Bổn, dân ta quen gọi là “chùa”. Trong quyển Chuyện xưa tích cũ (Sơn Nam - Tô Nguyệt Đình), ghi: “Ở Chợ Lớn có ngôi chùa thờ Ông Bổn là quan Thái giám tên Trịnh Hòa. Ông làm quan vào đời vua Vĩnh Lạc (1403 - 1424) ở Trung Quốc. Lúc thăng quan, ông được vua tín nhiệm phái đi điều tra các nước ở miền Đông Nam á như Chiêm Thành, Mã Lai, Xiêm, Việt Nam... để tìm cách liên lạc với những Hoa kiều hải ngoại. Tuân lịnh vua, lúc đi du hành, ông Trịnh Hòa cố gắng giúp đỡ dân chúng, ra sức thi ân bố đức, giúp giới Hoa kiều tìm sinh kế và dạy họ phải giữ gìn thuần phong mỹ tục ... Nên sau khi ông mất, giới Hoa Kiều nhớ ơn ông, thờ làm phúc thần. Nhà vua còn phong sắc cho ông chức tước “Bổn Đầu Công” tức Ông Bổn ngày nay”.

Nhưng ở Cầu Kè người ta thờ 4 ông Bổn khác. Theo dân địa phương, đây là 4 anh em kết nghĩa, thành thần. Minh Đức Cung thờ ông Nhứt, Vạn Ứng Phong Cung thờ ông Nhì, Vạn Niên Phong Cung thờ ông Ba và Niên Phong Cung thờ ông Tư. Những ngôi chùa này đã được xây dựng từ mấy trăm năm trước theo hình chữ “Quốc”, đặc biệt không có kèo, khuôn viên chánh điện có diện tích gần bằng nhau (khoảng 1.200 m2), với gỗ, đá đem từ Trung Quốc sang. Đáng chú ý là các ngạch cửa đều được làm bằng những thanh đá xanh to. 2  bên tường trước chánh điện họa hình từ các tích Tàu, nêu tấm gương tiết nghĩa, nhân hậu ở đời. Hông tả chánh điện thờ Bạch Hổ. Hông hữu chánh điện thờ Thanh Long.

Trước 1975, tục vay lân đường chỉ tổ chức ở Vạn Niên Phong Cung (thị trấn Cầu Kè) vào Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giêng âm lịch) hằng năm, nhưng từ hơn 10 năm nay dời về Minh Đức Cung, nơi thờ Ông Bổn Nhứt. Lân đường gồm đường cát trắng và nước nấu sôi trên ngọn lửa cao độ, sau đó hòa với màu thực phẩm, đổ vào khuôn gỗ được ghép từ nhiều mảnh. Việc tưởng đơn giản nhưng cực kỳ khó, đòi hỏi người thợ ngoài kinh nghiệm phải có cảm quan đặc biệt. Nếu hỗn hợp nấu sôi chưa tới, vật đúc sẽ bể; quá lửa thành “nước màu”. Khó vậy nên đúc lân đường là nghề gia truyền từ bên Trung Quốc đem sang của dòng họ Âu hiện cư ngụ tại TP.HCM.

Ông Trương Văn Điều, Phó ban quản trị Minh Đức Cung, cho biết lân đường sau khi đúc xong đặt lên bàn thờ Ông Bổn cúng trong đêm 14. Sáng ngày rằm, chùa mở cửa cho người dân đến vay lân đường theo đăng ký. Người vay nhận lân đường nhưng chưa trả tiền. Số tiền này cộng tiền lời (tính ra gấp đôi) sẽ được nhà chùa thu vào kỳ vay năm sau của họ. Lân đường là tên gọi chung bốn vật: lân, gà, tháp và trái đào, tất cả đều có màu hồng cánh sen. Người ta nhận một trong bốn vật trên với niềm tin tâm linh, dưới sự phù hộ của Ông Bổn: lân là sự mạnh mẽ khiến cửa nhà sung túc, vui vẻ, làm ăn phát đạt; gà và trái đào thể hiện cho một ban mai tươi mới, may mắn, tròn trịa, viên mãn; tháp nhằm ước mơ sẽ có được giàu sang với nhà cao cửa rộng. Còn màu hồng cánh sen sẽ đem lại sự hồng hào, phát đạt trong một năm mới cho gia đình họ. Nhận lân mới, họ đem về nhà đặt trên bàn thờ, thay lân cũ. Lân cũ được đem đi nấu chè, cả nhà cùng ăn hưởng lộc thánh thần, vị ngọt của đường khiến cả năm gia đạo ngọt ngào, việc làm ăn hanh thông...

Tết Nguyên tiêu vừa mới đây, Minh Đức Cung vốn là nơi khá hẻo lánh nên chỉ làm 200 lân đường. Ngoài dân bản địa còn có một số dân TP.HCM (gốc Cầu Kè) trở về vay lân đường. Số tiền trả vay lân đường ngoài việc tu bổ chùa, phần lớn được làm từ thiện, cộng với sự vận động các nhà hảo tâm đóng góp thêm. Mười năm qua, với số tiền trên 1,3 tỉ đồng, Minh Đức Cung tổ chức bắc cầu, xây 10 nhà tình thương, phát gạo, cấp học bổng cho học sinh nghèo và xây nhà chờ trong Bệnh viện đa khoa Cầu Kè trị giá 115 triệu đồng… Ngoài ra, Minh Đức Cung còn làm từ thiện ở Càng Long (Trà Vinh) và tỉnh Long An.

Xem ra, tục vay lân đường từ một niềm tin tâm linh đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống cộng đồng: mang niềm vui đến cho người nghèo, giúp họ vượt qua khó khăn để vươn lên...

Phương Kiều

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.