|
Nhúng lưới đầu năm lấy hên
Nghe hỏi về tục lệ nhúng nước lưới đầu năm của ngư dân Sa Huỳnh, chủ vạn chài Thạch Bi, ông Lê Ơi, bảo: "Qua dinh Bà thắp nén nhang đã, rồi tui kể cho nghe phong tục này". Khi ngồi dưới cái thúng sóng sánh, ông Ơi mới cho hay là qua bên kia núi Cấm, nơi có dinh thờ Bà Thiên Y A Na, dân trong vùng hay gọi là dinh Bà.tin liên quan
Tục xưa còn lại - Kỳ 2: Lễ bắc máng của người Xê Đăng
Thúng vừa cập bờ, chúng tôi lần theo bậc tam cấp lên dốc đi vào dinh Bà. Sau lưng là núi Cấm, trước mặt là cửa biển Sa Huỳnh bao la, xanh ngát một màu, dinh Bà u linh tỏa ra mùi trầm hương nồng nồng, khiến ai ngang qua đây cũng thấy nghiêm túc hơn. "Xưa nay, đố ai một mình dám bén mảng sang đây, trừ các chủ vạn, người hương khói hàng ngày", ông Ơi nói.
|
Theo lời kể ông Ơi, tục lệ trong vùng mấy trăm năm nay là, từ ngày 30 Tết đến ngày Mùng 2 Tết, tất cả tàu thuyền đều tập trung về cửa biển Sa Huỳnh, không tàu nào dám ra khơi. Đến sáng Mùng 3 Tết, ông chủ vạn đưa lễ vật sang dinh Bà khấn vái rồi đánh 3 hồi trống, xong bước xuống thuyền, bắt đầu khai cửa biển, nhằm hướng biển mà ra. Khi ra khỏi cửa biển trên dưới 100m, vừa qua trước dinh Bà, thuyền chở chủ vạn quay một vòng tròn từ phải sang trái gọi là "lấy đại lợi", rồi hô: "bủa".
Sau tiếng hô, hàng trăm chiếc thuyền đi phía sau cờ xí rợp biển đều đồng loạt ném lưới xuống nước, quay vòng "lấy đại lợi" và đi thẳng ra biển đánh cá. Ông Ơi bảo, hồi xưa không có ghe máy, chỉ có thuyền buồm chèo, nên từ 7 giờ sáng các thuyền đã ra khơi. Mấy năm nay có ghe máy nên đến 9 giờ 30 phút, ngư dân mới xuất phát.
|
"Có một việc bất di bất dịch là, ngày trước ông chủ vạn phải "ăn chay nằm đất" một tuần. Còn nay không nặng nề như vậy nhưng trước một tuần làm lễ nhúng nước lưới, chủ vạn không được đi khỏi địa phương và quan hệ nam nữ". Ông Ơi nói bản thân mình mấy năm nay làm chủ vạn đều tuân thủ theo tục lệ này.
|
Riêng các thuyền ra khơi đánh bắt ngày Mùng 3 Tết, cứ gặp cá là làm, có khi một giờ, nửa ngày nhưng tất đều phải quay về, không dám đi luôn qua ngày thứ hai. Ngư dân ở đây là thế, xem đó là việc lấy "hên" đầu năm. "Ai vi phạm sẽ bị xử phạt 3 con gà và rượu, đi lạy cúng dinh Bà, dinh bà Thủy Long và lăng Nam Hải đại tướng quân", ông Ơi khẳng định.
Quan niệm ngư dân Sa Huỳnh cho rằng, những ai vi phạm tục lệ, biển năm đó sẽ mất mùa, ngư dân ra khơi gặp tai nạn bất thường. Những năm như thế, ngư dân đổ hết "tội" lên đầu người vi phạm tục lệ, tiếng đời sẽ mãi theo gia đình ấy không dứt.
Thiên linh nơi cửa biển
|
Ở vạn Thạch Bi - Sa Huỳnh có ba dinh thờ mà ngư dân sùng kính: dinh Bà, dinh bà Thủy Long công chúa và lăng Nam Hải đại tướng quân. Xuân, thu nhị kỳ, dân trong vùng đều cúng lễ tại các dinh này. Trong đó, việc cúng Thiên Y A Na thường long trọng nhất, để Bà phù hộ cho nghề biển thuận hòa.tin liên quan
Tục xưa còn lại - Kỳ 1: Lạ lùng tục bôi máu
Ở vạn chài này, ai ai cũng bảo bà Thiên Y A Na rất thiêng. Ngoài các lễ cúng ngày tết, thì hầu như ngày hoàng đạo ra khơi, 100% thuyền ở Sa Huỳnh đều phải cúng lễ vật tại dinh Thiên Y A Na, thuyền ra biển đều "lấy đại lời" trước dinh Thiên Y rồi mới ra khơi. Đặc biệt, những ngày cuối năm, không mấy thuyền cá nào dám đậu ngoài cửa biển Sa Huỳnh, hoặc nằm ở các cửa biển khác.
Ngư dân trong vùng tâm linh rằng, nếu các tàu thuyền không về cửa biển, không có lòng thành cúng bà Thiên Y A Na thì sẽ bị Bà "quở" lật thuyền, gặp nạn liên miên. Còn những khi ra khơi, khi các con thuyền đi ngang dinh Bà Thiên Y, các tài công không bao giờ ngồi ở mũi thuyền và mũi lái cao nhất con thuyền. Đó là sự không tôn trọng Bà và nhất định Bà sẽ phạt.
|
"Năm nào, ban đêm thấy trong núi Cấm có một đốm lửa to như hỏa châu sáng xanh bay từ trên trời xuống dinh Bà, năm đó dân biển được mùa, làm ăn thuận lợi. Còn năm nào thấy đốm lửa này bay từ trong dinh Bà ra ngoài núi Cấm, xem như năm đó mất mùa", ông Ơi nói.
Chủ vạn chài này còn kể lại là, xưa trên tượng Thiên Y A Na có nhiều vòng vàng, chuỗi ngọc, nhưng sau có một người vào lấy trộm mất. Ông này sau đi biển, bị sóng đánh mất xác, giờ vẫn chưa tìm được thi hài. Chuyện nghe khó tin, chỉ có dân chài ở đây mới biết thực hư thế nào. Có điều, có thể có những chuyện dân gian thêu dệt lên là biểu hiện lòng thành kính của mình trước Bà Thiên Y A Na, và phía sau đó là niềm tin của người làng chài để làm chỗ dựa khi ra khơi đối mặt với những ngọn sóng ngút ngàn.
Bình luận (0)