Chỉ với giá từ vài trăm ngàn, những chiếc túi vải canvas có thể dùng để đựng đồ mỹ phẩm, đồ dùng cần thiết của phụ nữ, đựng tài liệu làm việc. Một số còn dùng để dành cho các bạn nhỏ đựng sách vở hoặc đồ dùng học tập. Bền, chắc, sắc sảo, tiện dụng, thiết kế thông minh, thời thượng và đặc biệt là được làm handmade hoàn toàn từ những chất liệu thân thiện với thiên nhiên – là tất cả đặc tính của sản phẩm mà rất nhiều khách hàng đã yêu thích.
Kể từ lúc ra đời, tới nay hơn 1 năm, những chiếc túi Kymviet – được làm bởi những bạn trẻ khuyết tật (mù, câm, điếc) vẫn đều đặn được cải tiến, mỗi ngày một mới lạ, mỗi ngày một tịnh tiến gần hơn đến những tiêu chuẩn thời trang quốc tế. Giấc mơ - mà không, lộ trình xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế của Kymviet đang gần, lại rất gần.
Mỗi chiếc túi là một bảng mô tả sản phẩm với đầy đủ thông số kỹ thuật, chất liệu, kích cỡ, cách sử dụng và đặc trưng thiết kế. Điều đó chứng tỏ sự nỗ lực của không chỉ những người điều hành Kymviet – trong số họ, cũng là những người khuyết tật, mà còn cả công sức của từng đứa trẻ khiếm khuyết. Trong “công xưởng” của những đứa trẻ, trong lớp học của những đứa trẻ, trên cả giao diện giới thiệu về Kymviet, có mấy dòng chữ, ai đọc vào khiến cũng xốn xang: "Chúng ta là những người khuyết tật nhưng sản phẩm của chúng ta không khuyết tật".
Chúng ta phải sống bằng chính sản phẩm của mình làm ra. Nếu chúng ta để khách hàng mua sản phẩm bằng lòng thương hại thì họ sẽ chỉ mua một lần và chúng ta sẽ thất nghiệp…
Sản phẩm thời trang là một sản phẩm đòi hỏi sự tinh tế. Những bạn trẻ khuyết tật dường như có thừa điều đó. Trong không gian tĩnh lặng của phân xưởng, các bạn được dạy cách nhận biết sắc màu, được dạy cách ghép nối, thêu, thùa, vá, đắp, tra khoá, đính khuy…
Tất cả làm bằng tưởng tưởng đẹp đẽ nhất về thế giới mà các bạn chưa bao giờ thấy (hoặc chỉ có thể thấy một phần). Có lẽ làm bằng sự lãng mạn của tâm hồn, bằng sự tưởng tượng trong sáng và mênh mông nên các sản phẩm của Kymviet rất có hồn, rất sắc sảo, mà cũng rất thơ.
Sản phẩm thời trang trong một góc độ nào đó, nó cũng là một thứ tiêu sản. Vì vậy, để nó có thể được quyết định mua, nó phải xứng đáng. Đằng sau đam mê, sự tưởng tượng, mơ mộng, những bạn trẻ và cả những thiếu niên khuyết tật ở đây được giáo dục một tinh thần lao động thực tế, nghiêm túc.
Họ nhẫn lại làm việc cần mẫn nhiều tiếng mỗi ngày đầu tiên bằng nỗi lo cơm áo gạo tiền, bằng lòng biết sợ của sự thất nghiệp. Rồi sau đó, họ làm việc bằng lòng tự trọng của một cá nhân tồn tại trong xã hội, với thông điệp vốn rất quen thuộc nhưng không phải ai cũng làm được: tàn mà không phế…
Trên đôi tay của những bạn trẻ khiếm thính, khiếm thị… những chiếc túi vải canvas, những món đồ trang trí, nội thất, không vì sự yếu thế, khiếm khuyết của người thợ mà những đường kim mũi chỉ trở nên lỏng lẻo, những mảng màu pha, kết trở nên kém sắc…