Từng bị dè bỉu, chê cười, nhiều người trẻ thành công nhờ những điều này...

06/07/2023 09:21 GMT+7

Khủng hoảng về gia cảnh, sức khỏe, tâm lý ở độ tuổi thiếu niên có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các bạn trẻ, nhưng nhiều người đã biến nỗi đau đó thành năng lượng và có được những thành công nhất định trong cuộc sống.

 Hành trình nỗ lực, kiên trì và bền bỉ

Nguyễn Mai Anh (23 tuổi) hiện đang làm việc tại một văn phòng luật sư ở Hà Nội. Cô sinh ra trong một gia đình có bố và mẹ đều là giáo viên, còn có một cô em gái song sinh tên Nguyễn Trúc Anh, sinh viên Trường đại học Dược Hà Nội.

Từ năm 1 tuổi, Mai Anh được chẩn đoán mắc hội chứng bại não thể co cứng bẩm sinh, hạn chế khả năng vận động. Những năm tháng tuổi thơ với Mai Anh đầy nỗi đau về tinh thần lẫn thể xác.

Từng bị dè bỉu, chê cười, nhiều người trẻ thành công nhờ những điều này... - Ảnh 1.

Mai Anh (áo cử nhân) cùng bố mẹ và em gái trong buổi lễ nhận bằng tốt nghiệp

NVCC

Mai Anh di chuyển rất khó khăn. Cứ 3 tháng hè, Mai Anh cùng mẹ vượt hàng trăm cây số tới Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tập hồi phục chức năng. Dù đã phẫu thuật, căn bệnh của Mai Anh không giải quyết được hoàn toàn.

"Từ khi 10 tuổi mình đã bắt đầu cảm nhận được ánh mắt kỳ thị, sự dè bỉu của mọi người khi nhìn thấy mình. Tất cả là vì mình không di chuyển được bình thường. Có người dùng nhiều từ nặng nề nói mình như què, cụt, không hề biết những lời nói đó đã mang nỗi đau cho một đứa trẻ", Mai Anh kể.

Tuy vậy, Mai Anh bỏ ngoài tai những vấn đề tiêu cực. Cô là học sinh đạt nhiều giải thưởng trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh trong nhiều năm. Năm 2020, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, có người bảo "người như Mai Anh thì vào đại học làm gì mất công", nhưng cô vẫn quyết tâm thi đậu vào Khoa Luật tại Trường ĐH Luật Hà Nội.

Cô nữ sinh trường luật được xét tốt nghiệp sớm từ tháng 4.2023 và hiện đang thực tập tại một văn phòng luật sư ở Hà Nội. Ngoài ra, Mai Anh vẫn giữ đều đặn 2 buổi học thêm tiếng Anh và 2 buổi tập trị liệu mỗi tuần.

Giờ đây, Mai Anh cười nhiều hơn, năng lượng hơn, khiến người thân vô cùng hạnh phúc. Tuy bước đi của cô vẫn nặng nhọc, nhưng đó là cả một hành trình nỗ lực, kiên trì và bền bỉ.

Xem nhanh 12h ngày 6.7: Bản tin thời sự toàn cảnh

Những người trẻ tự lập

Nguyễn Thị Quỳnh Giang (23 tuổi), quê ở xã Hoa Sơn, H.Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, là một du học sinh Hàn Quốc đã dành hơn 10 năm để vượt qua nỗi đau tuổi thơ bị dè bỉu. Năm 2012, khi vừa 12 tuổi, bố mẹ Giang buôn bán thua lỗ, gia đình rơi vào cảnh khốn đốn. Mỗi ngày đến trường, Giang luôn cảm thấy tự ti vì không được bằng bạn bè.

Nhiều khi Giang còn bị trêu chọc, chê cười vì sống trong một gia đình nợ nần, không được bình yên như nhiều người. Cuộc sống thiếu thốn, Giang không thể vui chơi với bạn bè, sống khép kín, nên có thời gian dài Giang bị nghĩ rằng khó gần, khác thường.

Buồn bã, ngại ngùng như một gánh nặng trên vai cô học trò nhỏ, nhưng Giang vẫn nỗ lực học tập. Bên cạnh đó, Giang bán hàng online để có tiền tự mua sách vở, chi tiêu sinh hoạt cá nhân suốt nhiều năm ở bậc học trung học.

Biến nỗi đau tuổi thơ thành năng lượng sống - Ảnh 1.

Thời sinh viên, Giang nhận làm mọi việc từ bưng bê quán ăn, đến làm nông dân trong các nông trại Hàn Quốc

NVCC

Giang tốt nghiệp THPT và sang Hàn Quốc du học vào năm 2018 tại Trường ĐH Dongwon, TP.Yangsan. Những tháng đầu tiên, Giang sống tằn tiện, chỉ ăn mì tôm cầm cự. Tới tháng thứ 6, Giang được đi làm thêm, hàng ngày đi bộ 10 km để tiết kiệm. Từ đó, Giang hoàn toàn sống tự lập, không để bố mẹ lo lắng về những chi phí của mình.

Tốt nghiệp đại học, Giang làm 5 công việc cùng lúc, từ công việc tự do đến nhân viên văn phòng. Mỗi ngày, Giang làm việc liên tục 14 tiếng đồng hồ. Trên mạng xã hội, Giang còn tư vấn nhiệt tình cho nhiều bạn trẻ mới sang Hàn Quốc du học. Với trải nghiệm của mình, Giang giúp nhiều người ổn định tinh thần, thành công vượt qua những giai đoạn chông chênh.

Cũng từng có tuổi thơ không mấy suôn sẻ, Nguyễn Minh Tùng (23 tuổi), ngụ tại TP.HCM, chủ của một homestay trên đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, kể: “Lúc mình học lớp 5 thì bố mẹ ly thân. Mình rất mệt vì phải chọn về ở với ai nên bố mẹ cho ở trọ gần trường học. Mỗi năm mình chỉ gặp bố mẹ vài lần”.

Biến nỗi đau tuổi thơ thành năng lượng sống - Ảnh 2.

Gần 10 năm tự lập, Tùng tích cóp tự xây dựng homestay riêng để kinh doanh

NVCC

Tùng bị tủi thân, ôm nỗi đau vì nhiều bạn chọc ghẹo gia đình không hạnh phúc. Có người nghĩ rằng gia đình Tùng giàu có nên việc ở một mình là chuyện bình thường, thoải mái, vẫn đầy đủ vật chất. Bạn bè rủ đi chơi không được, lại cho rằng Tùng coi thường người xung quanh.

Để chi tiêu cá nhân, cậu mang đồ dùng học tập, bánh trái, đồ ăn vặt vào trường bán cho các bạn. Sống một mình, Tùng tự biết sửa điện, giặt đồ, nấu ăn... Từ lớp 9, Tùng đã đi làm nhiều việc từ phụ quán ăn đến nhân viên nhà hàng khách sạn, tích luỹ kinh nghiệm và tài chính, tự lo cuộc sống của mình.

Không đủ khả năng chi trả, Tùng bỏ đại học tìm việc làm tại các nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, Tùng mở bán đồ trang trí nhà, ốp lưng điện thoại, tranh, ảnh… trên các sàn thương mại điện tử, kiếm được khoản thu nhập lớn. 

Sau lần đến đảo Phú Quý, vì quá yêu quý con người và thiên nhiên tại đảo, Tùng dùng hết số tiền tiết kiệm của mình để mở homestay. Đi vào hoạt động từ tháng 3.2023, hiện tại homestay của Tùng đã vận hành thành công, đủ cho Tùng không phải lo nghĩ về tài chính. Cậu tham gia các hoạt động thiện nguyện, giúp đỡ người dân trên đảo và chung tay bảo vệ môi trường.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.