Kinh nghiệm trong công tác xã hội là một lợi thế của hồ sơ xin việc. Nguyễn Hồng Xuân Hiến, từng tham gia Câu lạc bộ Trái tim thiên thần, tốt nghiệp Trường Du lịch và Khách sạn cho biết khi nộp hồ sơ tìm việc làm, Hiến miêu tả rất sơ sài về các việc đã làm qua.
Kết quả là chờ dài cổ chẳng thấy doanh nghiệp hồi âm. Một người bạn của Hiến đã mách: “Hãy viết những việc làm cụ thể”. Hiến đã viết lại đơn và tất nhiên không bỏ qua kinh nghiệm kỹ năng của mình qua công tác xã hội. Chỉ trong một tuần sau, có đến 6 công ty gọi điện mời và các cuộc phỏng vấn chỉ xoay quanh những kiến thức công tác xã hội của Hiến. Sau đó Hiến nhận được hợp đồng làm việc tại một công ty tổ chức sự kiện.
|
Theo anh Nguyễn Tri Quang - Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giới thiệu việc làm thanh niên, thứ nhất, các tình nguyện viên thường có lợi thế là quan hệ rộng trong xã hội, do từng phải tự xoay xở với địa phương để giải quyết vấn đề tổ chức các chương trình tình nguyện. Thứ hai, môi trường tình nguyện đã đào tạo kỹ năng sống, cách làm việc nhóm... Đó cũng là lợi thế khi xin việc. Khi xét tuyển, nhà tuyển dụng thường quan tâm đến công tác xã hội mà ứng viên đã tham gia hơn là trình độ sách vở.
Chị Phan Thị Thanh Bình - Trưởng phòng Quan hệ công chúng Ngân hàng Vietcombank chi nhánh TP.HCM nhận xét, bên cạnh vấn đề chuyên môn nghiệp vụ, những nhân viên từng tham gia hoạt động tình nguyện, các doanh nghiệp còn quan tâm đến việc ứng viên có tham gia vào các hoạt động phong trào, văn nghệ thể thao hay không.
Theo điều tra của TimeBank (tổ chức chuyên cung cấp tình nguyện viên của Anh) qua 200 doanh nghiệp hàng đầu cho thấy: 73% nhà tuyển dụng sẽ chọn một ứng viên từng làm tình nguyện; 94% nhà tuyển dụng tin rằng người tình nguyện có nhiều kỹ năng hơn, chịu học hỏi hơn và họ đã được thăng tiến ngay trong công việc đầu tiên.
Hạ Mi
Bình luận (0)