* Đất nước chúng ta hết người rồi hay sao mà phải dùng người đã từng nhận hối lộ vào cương vị lãnh đạo cao nhất của ngành du lịch? Nhờ quý báo chuyển hộ tôi ý này đến Bộ Nội vụ. (Phạm Văn Thông - TP.HCM)
* Trường hợp như ông Nguyễn Quốc Kỳ phải được người vừa ký bổ nhiệm ông (hoặc đơn vị đề xuất ông làm quyền Tổng cục trưởng) giải thích thật rõ ràng. Phản hồi của bạn đọc như thế này cần được nhân rộng hơn nữa, để bạn đọc có thể tham gia hỗ trợ các cấp có thẩm quyền sáng suốt hơn trong việc bố trí cán bộ lãnh đạo. (tommy_consultant@yahoo.com)
* Bộ VH - TT - DL đã đề bạt cán bộ có vấn đề lên làm lãnh đạo, có lẽ là có vấn đề gì đó không rõ ràng. Không ai biết được, chỉ biết rằng họ đã đề bạt một cán bộ từng có hành vi nhận hối lộ lên chức vụ rất cao. Nên điều tra làm rõ việc này. (Lê Hữu Nghĩa - Huế)
* Báo cần điều tra xem có phải đây là một vụ chạy chức không? (Phạm Quốc Nam - TP.HCM)
* Ai mà không có lúc mắc khuyết điểm, tuy vậy cũng phải xem xét khuyết điểm đó là gì? Bản chất của nó ra sao? Một người đã có những khuyết điểm về đạo đức như vậy mà vẫn được đề bạt cất nhắc đến vị trí cán bộ cao cấp của Nhà nước thì thật không hiểu nổi. (Đỗ Văn Chiến - Hà Nội)
* Tôi công tác trong ngành GTVT, đã nghe nhiều thông tin bàn tán ông Nguyễn Quốc Kỳ - nguyên Giám đốc Công ty VIETRAVEL - Bộ GTVT, tuy vậy nay mới được đọc thông tin về việc ông Kỳ đã từng bị kỷ luật do nhận hối lộ. Thông tin trên có được Bộ Nội vụ, Bộ VH-TT-DL xem xét khi bổ nhiệm ông Kỳ giữ chức quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch hay không, chúng tôi rất mong cơ quan chức năng trả lời rõ việc này. (Le Hoang Tuan Anh - ta10…@hotmail.com)
* Đề nghị hỏi ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc đề bạt cán bộ như thế nào mà để ra tình trạng này? Sao lại có chuyện cán bộ cấp cao mà có tiền sự "nhận hối lộ" như thế này? Như thế này thì nhân dân sao tin tưởng nổi cán bộ cấp cao? (huynhth…@gmail.com)
* Sau khi đọc xong thông tin về việc ông Nguyễn Quốc Kỳ đã từng nhận hối lộ 10 chỉ vàng và bị buộc thôi việc không chỉ riêng mình tôi mà tất cả anh chị em làm việc trong phòng đều thấy vô cùng bức xúc. Đối với một cá nhân đã từng nhận hối lộ khi còn là nhân viên thì thử hỏi khi được đề bạt lên nắm quyền điều hành Tổng cục Du lịch thì mọi việc sẽ như thế nào? Làm sao chắc được rằng ông ta sẽ không tiếp tục nhận hối lộ những khoản lớn hơn? Theo ý kiến của riêng tôi sau phản ánh của bài báo trên nếu ông Kỳ là người có tự trọng và sĩ diện thì nên rút lui khỏi cương vị quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, hãy dành vị trí đấy cho người có năng lực và đạo đức thật sự. (thenhat…@gmail.com)
* Đây là một bài báo xứng đáng cho một tờ báo tiên phong. Báo chí phải làm nhiệm vụ cung cấp thông tin trung thực, đa chiều cho độc giả. (Trần Mạnh Cường - Hà Nội)
* Hoan hô Báo Thanh Niên. Đề nghị làm rõ nhân vật này làm thế nào mà từ một nhân viên bị buộc thôi việc do nhận hối lộ lại có thể leo lên ghế quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch? Có thế lực nào đứng đằng sau không? (utli9…@yahoo.com)
* Chúng tôi cũng đã nghe dư luận về ông này từ lâu, nay mới thấy sự việc như báo nêu. Trong ngành du lịch Việt Nam chẳng ai xa lạ với vị này cả. Thế mà "phoóc" một cái nhảy lên quyền Tổng cục trưởng. Cả ngành ngỡ ngàng, choáng váng! (nguyenhanam…@yahoo.com)
* Chuyện chạy chức chạy quyền ở Cà Mau đang "sôi động". Nay lại đến chuyện này! Không thể nói chuyện "cải tà quy chính" được, những con người như vậy mà chui được lên tầng "vĩ mô" thì chúng ta phải xem lại tất cả. Sơ hở của chúng ta ở chỗ nào? Đến cơ quan Trung ương mà còn như vậy thì đây là bệnh nan y rồi. (Nguyễn Đại Dương - TP.HCM)
* Tôi giật mình vì tin này. Không hiểu ông Nguyễn Quóc Kỳ đã phấn đấu như thế nào để tiến nhanh trên con đường quản lý như thế? Đề nghị tòa soạn tiếp tục thông tin cho người đọc và kiến nghị với ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc này. (luongson…@yahoo.com)
* Đọc qua chắc hẳn không ít người ngao ngán. Ông này đã từng "gợi ý và nhận hối lộ", nay chắc rằng khi là Tổng cục trưởng thì khỏi cần phải "gợi ý". Thật không biết công tác tổ chức cán bộ của ta ra sao mà để một người như vậy lên ngồi tới ghế Tổng cục trưởng. Buồn thay! Buồn thay! Buồn thay! (sumaqua…@mobifone.com.vn)
* Đề nghị Báo Thanh Niên kiến nghị các cơ quan kiểm tra lại việc bổ nhiệm ông Nguyễn Quốc Kỳ làm quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. Tôi nghĩ có vấn đề, không biết có việc chạy chức hay không? (…barney@yahoo.com.vn)
* Tôi chỉ có thể có một ý kiến nhỏ: vấn đề không phải chỉ là việc bổ nhiệm quyền Tổng cục trưởng mà vấn đề ở đây chính là niềm tin của dân chúng vào bộ máy nhà nước ngày càng bị xói mòn nghiêm trọng. (Lê Hữu Phước - Đà Nẵng)
* Ưu điểm của chế độ ta là sự khoan hồng, tạo điều kiện cho những người có lỗi, có tội được phục thiện, làm lại cuộc đời. Nhưng không thể không xét đến bản chất vấn đề. Một người có tiền sự là gợi ý hối lộ và nhận hối lộ ở một ngành rất dễ nảy sinh hiện tượng này (đang là quốc nạn) thì không thể đề bạt giữ cương vị cao nhất của ngành này được. Hơn nữa, bằng con đường nào, từ một người bị kỷ luật buộc thôi việc vì nhận hối lộ lại vào trở lại trong ngành để bây giờ được đề bạt lên tới chiếc ghế cao nhất? Việt Nam không thiếu người tài, không nên, ngàn lần không nên làm những việc như thế này để lòng người thêm dao động khi quá nhiều sự việc bức xúc chưa được pháp luật xử lý đúng mức. (quangvan…@gmail.com)
Bố trí cán bộ Bạn đọc đã tá hỏa khi đọc bài Chuyện cũ của Q.Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Quốc Kỳ trên Báo Thanh Niên ngày 5.5.2008. Riêng tôi, "không tin được dù đó là sự thật". Hay có sự nhầm lẫn gì ở đây, kiểu như tên trùng tên, người giống người chẳng hạn? Nhưng xem kỹ lại cái quyết định buộc thôi việc đối với ông Kỳ, có tới 2 con dấu, và chỉ mới cách đây 18 năm, ngày 1.8.1990, chưa phải quá khứ xa xôi gì, thì không thể không tin đây là chuyện thật. Tôi không phải người theo "chủ nghĩa lý lịch", và cứ nghĩ ai đã một lần bị kỷ luật, thậm chí lâm vòng lao lý trong đời đã là "hết thuốc chữa". Ai cũng có những sai lầm trong suốt cuộc đời mình, và ai cũng có thể, có quyền làm lại cuộc đời mình sau mỗi lầm lạc. "Hãy đứng lên từ chính nơi anh đã vấp ngã", người ta đã khuyên như thế. Và tôi nghĩ, về một mặt nào, ông Kỳ đã làm đúng như thế. Ông đã bị "vấp ngã" ở ngành du lịch, thì ông đứng lên và làm lại đời mình từ chính ngành du lịch. Nhưng gì thì gì, ở đây phải nhận rằng, cách bố trí, bổ nhiệm cán bộ như cách làm đối với ông Kỳ thì quả đã gây sốc lớn cho xã hội. Vì cái lỗi mà ông Kỳ mắc phải ở Công ty du lịch TP.HCM từ thập niên 90 của thế kỷ trước là lỗi thuộc về nhân cách, về đạo đức làm người, chứ không đơn giản chỉ là "hành vi sai phạm". Ông Kỳ cũng không phải vì "cố ý làm trái" ở ngành mình khi cơ chế còn chưa thông thoáng, làm trái nhưng có lợi cho ngành, có lợi cho tập thể, thì dẫu nhất thời bị oan khuất, nỗi oan với thời gian và sự đổi mới xã hội sẽ được nhìn nhận lại, và có thể từ khuyết điểm, thậm chí lỗi lầm, trở thành ưu điểm, thậm chí công lao. Đây cũng không phải chuyện "mất đoàn kết" hay gây xô xát gì trong cơ quan, hay chuyện bị "cấp trên trù dập" vốn không thiếu ở những năm đầu Đổi Mới ấy. Chuyện lỗi của ông Kỳ ở đây quá "thô sơ", nhưng lại là kiểu lỗi bây giờ nhan nhản trong xã hội. Nhưng không thể vì lỗi này bây giờ phổ biến quá, mà ta lại coi nó "không đáng quan tâm". Ngược lại, đây là lỗi nặng, rất nặng đối với một công chức, một cán bộ nhà nước: lỗi ăn hối lộ! Có thể ngày đó, ông Kỳ chỉ nhận có 10 chỉ vàng, thật quá nhỏ nhoi, quá ít ỏi so với những "cú ăn" của quan tham bây giờ. Nhưng ta thử nghĩ xem, nếu không biết sám hối, biết "cải tà quy chính" thì từ 10 chỉ vàng ngày ấy, vào những lúc có "điều kiện cần và đủ" nó sẽ "phát triển" lên bao nhiêu? Nhìn nhận một con người phải hết sức cẩn trọng, ở đây tôi không dám nói gì cả về nhân thân ông Kỳ với tư cách một công dân, một con người. Nhưng một khi cấp trên "trông giỏ bỏ thóc", quyết định chọn một cán bộ vào một vị trí quan trọng như Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chẳng hạn, thì phải hết sức cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng. Không chỉ vì uy tín cá nhân của người đứng đầu một ngành quan trọng như vậy, mà còn vì "thương hiệu" và uy tín của chính ngành ấy, hơn nữa là uy tín của Nhà nước. Ở các nước phát triển, những cú "phốt" trong công tác nhân sự của họ cũng không ít. Nhưng một khi đã phát hiện ra sai sót, thì họ kiên quyết sửa chữa. Và những người được bổ nhiệm nhưng chưa trọn vẹn và có nguy cơ đối mặt với dư luận ấy luôn biết cách tự xử một cách đường hoàng, thích hợp với nhân cách của mình. Ở ta, do vừa qua đã có quá nhiều chuyện thuộc về khâu bố trí cán bộ, về những hành động "chạy chỗ" trong giới quan chức, nên dư luận đặc biệt nhạy cảm với chuyện này. Xin hãy cẩn trọng! Thanh Thảo |
Trích biên bản họp Hội đồng kỷ luật Công ty du lịch TP.HCM ngày 3.7.1990 Ý kiến anh Kỳ: |
Bình luận (0)