Tuổi thơ bươn chải ở bến xe

20/07/2006 22:17 GMT+7

“Xe của mày đến rồi kìa! Ra lượm đi kẻo mấy đứa khác hớt tay trên thì đói!”, “Còn xe của mày sao lâu tới vậy?”, “Chắc là nó không biết lội nước như xe mày. Nó là "dân miền Tây” mà không biết lội thì dở quá hen...”. Sau vài câu bông đùa, mấy đứa trẻ băng ra màn mưa và chạy đua với những chiếc xe đò mới vào bến, lòng thầm mong sẽ kiếm được nhiều đồ phế phẩm hoặc bán được dăm tờ vé số...

15 giờ và 10 ngàn đồng

Duy Nam (11 tuổi) là thành viên "kỳ cựu" nhất trong nhóm gần chục trẻ lượm rác tại bến xe miền Tây (TP.HCM). Từ vùng biên giới Tân Châu (tỉnh An Giang), hai bà cháu Nam dắt díu nhau  lên TP.HCM khoảng ba năm nay. Thời gian đầu, bà và cháu cùng đi lượm rác. Đến khi thấy Nam có đôi chút "kinh nghiệm", bà ngoại Nam chuyển sang mua bán ve chai, để Nam tự bươn chải trong bến bãi. Hằng tháng, bà cháu tích cóp tiền gửi về quê phụ nuôi bốn đứa em của Nam. Trong khi đó, Thành (quê Bến Tre) được xem là "tân binh" vì mới vào "nghề" chưa đầy 3 tháng. Mặc dù có vóc dáng to lớn nhất trong nhóm nhưng Thành tỏ ra nhút nhát và khá chậm chạp. Ngay đến tuổi của mình, Thành cũng không thể nhớ vì "không ai nói cho em biết!". Hỏi ra mới biết hoàn cảnh của Thành thật đáng thương: mẹ bỏ đi lấy chồng lúc Thành còn nhỏ, cha lấy vợ kế. Được vài năm, bà mẹ kế cũng bỏ cha con Thành mà đi. Từ đó, cha của Thành càng nhậu nhẹt nhiều, không thiết gì đến việc ngó ngàng xem Thành sống chết ra sao. Thành không thể đánh vần nổi một từ vì trước nay em hoàn toàn không được đến trường!   

Thường ngày, những đứa trẻ lượm rác có mặt ở những bến xe khoảng 7 giờ sáng. Buổi trưa, có đứa ăn gói xôi qua bữa, có đứa hì hụi vác những túi nylon đựng "chiến lợi phẩm" là vỏ chai nước, vỏ lon lượm được về phòng trọ, ăn cơm với người thân rồi lại lang thang ra bến xe. Duy Nam cho biết, nhiều hôm đến tận 10 - 11 giờ đêm, Nam và các bạn mới "rút quân" khỏi bến xe. Trung bình mỗi ngày dành ra 15 tiếng đồng hồ để lượm ve chai, song Nam chỉ kiếm được hơn 10 ngàn đồng. Gặp những buổi "hàng" ít, Nam không dám về nhà vì sợ bà ngoại la... Đầu tháng 7.2006, chúng tôi chứng kiến niềm vui sướng hiếm hoi của những đứa trẻ lượm rác, trẻ bán vé số khi được đội trưởng Tiếp sức mùa thi ở bến xe miền Tây là Đoàn Thị Trang (SV Trường ĐH Văn hóa TP.HCM) và những thanh niên tình nguyện chia sẻ những gói mì tôm và những suất ăn trưa của mình.

Con chữ dần xa...

Mấy hôm nay, trên trán và thái dương của Lê Hùng Tuấn (nhà ở Cao Lãnh, Đồng Tháp) xuất hiện những vệt đỏ dài - dấu vết của những lần cạo gió do cảm cúm. Nhưng Tuấn vẫn có mặt ở bến xe trong khi những cơn mưa cứ nối tiếp nhau trút nước dưới ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới. Nhìn màn mưa, chị Tư - mẹ của Tuấn rầu rĩ nói: "Cháu nó đã học lớp 6 ở quê. Trong những dịp hè, cháu lên Sài Gòn cùng lượm ve chai với tui. Tui muốn đưa cháu lên đây học luôn cho gần mẹ gần con nhưng ngặt hoàn cảnh quá khó khăn và nhất là thủ tục nhập học quá rối rắm. Tui lo lắm vì không biết nó "đeo" được con chữ đến khi nào...". Em Diễm Ái (10 tuổi, nhà ở huyện Long Xuyên, tỉnh An Giang), hiện đang cùng anh trai sinh đôi tên n bán vé số tại một số bến xe cho biết ở quê em đã học đến lớp 4; nhưng khi lên TP.HCM, em phải học lại lớp 2 trong chương trình bổ túc. Dẫu vậy, trường hợp của Tuấn và Diễm Ái được xem là may mắn vì vẫn còn cơ hội gắn bó với trường lớp. Đối với những đứa trẻ lượm rác hay bán vé số dạo khác như Ngà (Hải Phòng), Tí (Quảng Trị), Mận (Bắc Ninh) ở bến xe miền Đông hoặc Nam, Út, Thành, Danh tại bến xe miền Tây..., chuyện học hành đã dần dần lùi xa nhường chỗ cho hành trình mưu sinh nhọc nhằn.

Đại diện "phe" lượm rác, Duy Nam cho hay những lúc vui nhất của mình chính là khi... phát hiện người ta bỏ sót trái cây, thức uống trên xe. Những thức ăn đó thường được chia cho mỗi thành viên trong nhóm. Hầu hết trẻ lượm rác nào cũng đều "xí chỗ" một số chiếc xe khách, xem như đó là lãnh địa bất khả xâm phạm của mình. Trong khi kể chuyện, thỉnh thoảng Nam và bạn bè của em chêm vào nhiều từ lóng, thậm chí chửi thề một cách tự nhiên... Khi được hỏi về ước mơ, gần như tất cả những đứa trẻ lượm rác ở bến xe miền Tây đều nhanh nhảu bày tỏ mong muốn có được chiếc xe máy. "Ở quê em, xe máy có nghĩa là... xe đạp đó cô ạ!", Nam giải thích. À ra thế, có chiếc "xe máy" để các em đỡ còng lưng vác nặng những bao phế phẩm. Tuyệt nhiên không có em nào dám mơ được học hành đến nơi đến chốn - có lẽ các em nghĩ rằng đó là điều "không tưởng" trong những cảnh ngộ khốn khó của mình...

N.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.