Tuổi thơ ‘mót khoai ăn trừ bữa’ của quán quân Thần tượng Bolero

14/08/2018 07:28 GMT+7

Sau khi trở thành quán quân Thần tượng bolero 2018 , Duy Cường không muốn hoạt động quá nhiều trong showbiz.

Chàng tiến sĩ triết học 9x này vẫn tiếp tục công việc giảng dạy tại trường Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội).

MV đầu tiên dành tặng mẹ

Duy Cường chia sẻ, sau khi trở thành quán quân Thần tượng bolero 2018, anh không muốn nhận show triền miên hay ra sản phẩm như nhiều ca sĩ trẻ bước ra từ các gameshow. Sau một thời gian chuẩn bị, Duy Cường mới quyết định thực hiện MV đầu tiên có tên Tình mẫu tử để dành tặng mẹ nhân mùa lễ Vu Lan.

MV có ca khúc cùng tên là sáng tác mới của nhạc sĩ - ca sĩ Ngọc Sơn, người huấn luyện viên dìu dắt anh trong chương trình Thần tượng bolero. Với những khuôn hình dung dị, MV kể câu chuyện về tình cảm gia đình với những ấm áp, ngọt bùi, về người mẹ với tất cả tình yêu thương đã hy sinh, chở che, nuôi con nên người.

Duy Cường kể, anh đưa một phần hình ảnh của mẹ mình vào trong MV. Đó là hình ảnh của người phụ nữ cả đời tần tảo, vất vả nuôi chồng, chăm con. Bởi vậy, người đầu tiên anh muốn xem MV Tình mẫu tử chính là mẹ mình. Bà đã xem và khóc rất nhiều. 

Duy-Cuong
Duy Cường nói, anh đưa một phần hình ảnh về mẹ mình vào MV Ảnh NSCC

Tuổi thơ nghèo khó

Duy Cường nói hình ảnh mẹ trong những năm tháng khó khăn với biến cố của gia đình luôn khắc sâu trong tâm trí anh. Năm Cường học lớp 1, anh trai học lớp 2, bố anh bất ngờ bị tai nạn giao thông. Gia đình anh từ một gia đình khá giả trong làng bỗng lâm vào cảnh khó khăn. Mọ̣i thứ có giá trị trong nhà đều được đem đi bán và cầm cố để lo cho chữa chạy cho bố. 

Quãng thời gian ấy kéo dài trong 5 năm. Khi ngôi nhà đã trở nên trống hơ trống hoác, gia đình không còn đủ tiền để duy trì việc chữa trị, quyết định khó khăn được đưa ra: phải cắt chân của bố để bảo toàn tính mạng cho ông. Từ lúc đó, mẹ Duy Cường một vai gánh vác tất cả mọi việc trong gia đình. Bà vẫn vừa phải đi làm, vừa phải chăm chồng.

Duy Cường nhớ, mỗi tuần, mẹ chỉ có thể về quê thăm 2 anh em một lần. Hai anh em Cường phải tự chăm lấy lẫn nhau. “Trước khi đi, mẹ trồng một sào khoai, đến khi về mẹ cày lên chỉ còn mỗi dây khoai. Hai anh em tôi đã mót khoai ăn trừ bữa bao ngày. Rồi có lần, nhà còn 15 cân lúa giống nhưng vẫn phải bán đi để lo cho bố. Thậm chí, cái xoong, cái nồi nào còn nguyên cũng bị đem đi bán hết”, Duy Cường kể.

Anh vẫn xúc động khi nhớ lần mẹ do thương hai con nên gửi tiền nhờ hàng xóm kho nồi cá cho hai anh em ăn. “Tiếng là nồi cá kho nhưng vì tiền ít nên cá chỉ có chút ít, còn đâu toàn muối là muối”, Duy Cường nhớ lại. Năm lớp 6, Duy Cường cùng mẹ đi buôn nùi dẻ (quần áo cũ vứt đi) để về lau ô tô. Hàng ngày, hai mẹ con đạp xe đi thu mua ở khắp nơi. Rồi sau đó, chỉ còn một mình anh. Cường còn đi buôn thêm đồng nát, một buổi học, một buổi buôn. Cũng may nhờ những người thân quen, hai em Duy Cường mới có thể tiếp tục đi học.

Duy Cường kể lúc đó cố gắng thi đỗ đại học, bởi mong muốn được thoát khổ bằng con đường học hành. Những năm tháng sinh viên, Cường đi làm gia sư, bưng bê quán café… để có tiền đi học.  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.