Thôn Suối Máu thuộc xã Tân Hà, H.Hàm Tân (Bình Thuận) là ngôi làng tập trung hầu hết người đồng bào dân tộc Rai. Trưởng thôn Suối Máu, ông Nguyễn Văn Long cho biết: Suối Máu là thôn đặc biệt khó khăn. Thôn chỉ có 161 hộ, 65 hộ được “duyệt” là nghèo và cận nghèo. Nhưng khi cùng ông Long đi khắp thôn, tiếp cận nhiều gia đình, tôi cho rằng có lẽ còn không ít các hộ dân Suối Máu phải được xếp vào hạng nghèo.
|
Những đứa trẻ nghèo rớt mồng tơi
Trong mắt tôi, ông Long là một thôn trưởng “quốc dân” vì rất giản dị, sâu sát, thương dân. Hỏi nhà nào có trẻ em nghèo, vất vả mưu sinh ông nói vanh vách. Bỏ một buổi đi làm, ông Long đưa tôi đi khắp thôn mình quản lý và nói đi nói lại mong ước: “Làm sao có bài báo viết về nơi này để các nhà hảo tâm biết đến giúp đỡ bà con, giúp các cháu có cơm ăn, áo mặc đầy đủ và có điều kiện đến trường”. Trên đường đi, dưới cái nắng như đổ lửa xuống ngôi làng nghèo rớt mồng tơi này, tôi bắt gặp những đứa trẻ đen như cột nhà cháy, đầu trần, chân đất, thậm chí trần truồng.
Theo tìm hiểu, để góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có thôn Suối Máu, xã Tân Hà đã tổ chức tập huấn cho cán bộ thôn, khu phố, người dân. H.Hàm Tân xác định công tác giảm nghèo phải có sự vào cuộc của chính quyền từ huyện đến cơ sở và sự tham gia tích cực, chủ động của người dân. Công tác giảm nghèo phải triển khai đồng bộ, kịp thời, đảm bảo giảm nghèo thực chất, không chạy theo thành tích. Đồng thời, thực hiện kịp thời các chương trình dự án thực hiện công tác giảm nghèo như: Chương trình hỗ trợ nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất tại các xã nghèo như thôn Suối Máu. Đặc biệt triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... Mặt khác, huyện tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo công ăn việc làm để có thu nhập, ổn định cuộc sống.
|
Đức Trí (3 tuổi), Thảo Nguyên (1 tuổi) không có quần mặc, tôi hỏi sao không mặc đồ cho em, bé Uyển Như hồn nhiên trả lời: “Hai đứa không có quần”. Chị Mây cho biết: “Cái ăn còn thiếu làm sao lo đầy đủ áo quần cho con. Những đứa lớn có đủ áo quần cũng là đồ cũ của những nhà từ thiện quyên góp cho”.
Anh Nguyễn Huynh Nhỏ, chồng chị Mây, hằng ngày đi làm thuê từ sáng sớm đến tối mịt. “Ai thuê gì làm đó. Làm cực quá, ảnh phát cáu”, chị Mây tâm sự. Bà mẹ 4 con này nhận nuôi rẻ 5 con bò, nhưng khi có ai thuê cũng để những đứa con nheo nhóc ở nhà để đi làm. Khi cả ba mẹ vắng nhà, ngoài nhiệm vụ “bảo mẫu” thay mẹ, Uyển Như còn phải cho đàn bò trong chuồng ăn rơm, uống nước. Không chỉ Uyển Như mà bé Ánh Nguyệt, Đức Trí đều có thể giúp chị cho bò ăn. “Chúng nó quen việc này rồi”, chị Mây thổ lộ.
Cái thôn bé xíu này không chỉ được xếp hạng nghèo nhất xã mà có những đứa trẻ còn gánh nhiều nỗi buồn tử biệt, sinh ly. Lý Văn Tuấn, chồng chị Trần Thị Hạt chết tức tưởi chỉ vì bị ong đốt trong lúc làm rẫy. Mồ côi cha, Lý Văn Luận (14 tuổi) mới học lớp 3 phải bỏ học. Nhìn em ngồi ăn cơm với muối sả ngon lành mà động lòng. Cậu bé cứ ám ảnh tôi bởi đôi mắt u uẩn, gương mặt lầm lì, ít nói. Nhưng nếu mẹ sai làm gì, em làm ngay. Hôm tôi đến, cậu bé thoăn thoắt đi vác củi chất thành đống. “Thằng bé gan lắm. Nó có thể phụ tôi được rồi”, chị Hạt nói.
Ở gần nhà chị Hạt, cô bé Quỳnh Như đang học lớp 4 và đứa em Nguyễn Thành Nhân (lớp 1) phải sống với ông bà nội vì cha mẹ chia tay. Bà nội của Quỳnh Như đã nghèo lại đeo thêm khổ. Bà đi làm thuê nuôi chồng bệnh tai biến, giờ phải gánh thêm hai đứa cháu bé bỏng.
|
Gập ghềnh con đường đến trường
Nghèo nên thất học, thất học nên nghèo. Đó là vòng luẩn quẩn bám riết thôn nghèo. “Có em đến lớp dép đứt quai, tóc vàng hoe, da khét nắng, áo quần vá chằng vá chịt”, một cô giáo tại đây chia sẻ. Tôi đến thăm điểm Trường mẫu giáo Suối Máu, cô Hiệu trưởng Lê Thị Thanh cho biết vì gia cảnh quá nghèo nên quá trình học của các em cứ đứt đoạn. Nhiều đứa thường xuyên theo cha mẹ lên rẫy, nay học mai nghỉ. Giáo viên, kể cả cô hiệu trưởng, phải thường xuyên đến từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến trường. Thế nhưng, năm nào học sinh cũng “rơi rụng” dần. Điểm Trường mẫu giáo ở Suối Máu hiện đang nuôi dạy 30 em, nhưng cơ sở vật chất quá nghèo nàn: “Tôi mơ ước có chiếc đu quay, chiếc xích đu cho các em vui chơi”, cô Thanh tâm sự. Được biết, đoạn đường ngắn tầm 50 m từ cổng vào bên trong sân trường này cứ đến mùa mưa lại ngập khiến giáo viên và học sinh phải lội bì bõm để đến trường nhưng không biết lấy đâu ra nguồn kinh phí để làm.
|
Đến đây, tôi mới hiểu tại sao cô Kiều Oanh, nhân viên y tế của Trường mầm non Tân Hà, phụ trách luôn điểm mầm non Suối Máu, cứ đến dịp trung thu nhờ tôi xin quà cho các em thì nói như... mếu. Cô còn nằng nặc mời tôi một lần đến ngôi làng mang cái tên quá “ấn tượng” này để hiểu trẻ con nó “nghèo rớt mồng tơi” như thế nào. Tôi hỏi cô Kiều Oanh có bé nào phải ăn cơm với muối sả như em Luận tôi gặp không, thì được trả lời: “Chuyện đó bình thường. Nhiều đứa trẻ ở nhà ăn uống quá thiếu chất nên khi mới nhập học bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng”.
Mới tuổi mẫu giáo, năm nào học sinh cũng đã “rơi rụng”, lên các cấp phổ thông lại “rơi rụng” tiếp. Đa số các em ráng học đến cấp hai là về làm rẫy với bố mẹ. Ông Long tiết lộ: “Cả thôn này chưa có em nào học tới đại học”. Ngay cả những trẻ còn đi học thì ngày nghỉ, dịp hè cũng vào rừng chăn bò, lên rẫy trồng khoai, tỉa bắp... để phụ giúp gia đình. Có những cô bé nghỉ học rất sớm rồi lập gia đình ở tuổi còn quá nhỏ. Như Măng Thị Bội (sinh năm 2002). Học đến lớp 5 Bội đã nghỉ học và lấy chồng năm mới 16 tuổi. “Cha mẹ nghèo nên 13 tuổi phải đi làm thuê. Nghỉ học thì lấy chồng thôi”, Bội thật thà nói. Nhìn đứa con trên tay của bà mẹ tuổi teen mở cặp mắt đen nhánh tròn xoe, tôi nghĩ không biết rồi thiên thần nhỏ này lớn lên sẽ như thế nào đây.
Bình luận