Trước tình trạng khô hạn kéo dài đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng chục ngàn ha cây trồng ở các tỉnh Trung bộ, Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ… Bộ NN&PTNT chỉ đạo phổ biến áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đối cho cây trồng cạn là cấp bách.
Hệ thống tưới phun tự động ở Đà Lạt - Ảnh: Lâm Viên
|
Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho biết công nghệ tưới tiết kiệm nước (công nghệ TKN) đã được áp dụng rộng rãi hầu hết tại các địa phương trong tỉnh. Đối với cây công nghiệp như chè, cà phê được ứng dụng rộng rãi ở TP. Bảo Lộc và H. Di Linh; với các giống rau, hoa được các doanh nghiệp và các nông hộ áp dụng phổ biến và tập trung nhiều nhất ở TP. Đà Lạt, các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lạc Dương.
Năm 2015, Lâm Đồng có 35.000 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó có trên 16 ngàn ha áp dụng công nghệ TKN. Do đó, Lâm Đồng được xem là “điểm sáng” của cả nước trong ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và TKN.
Thực tế ở các vùng chuyên canh rau, hoa ngoài trời ở Đà Lạt, Đơn Dương, Lạc Dương… các nông hộ dựa theo công nghệ tưới phun của Israel rồi tự cải tiến hệ thống tưới phun bằng vật liệu trong nước nên chi phí đầu tư giảm nhưng hiệu quả tiết kiệm nước và tiết kiệm công tưới thấy rõ rệt.
Những trang trại nông nghiệp công nghệ cao như Đà Lạt GAP, Lang Biang Farm, Rừng Hoa, Biofresh, Trường Hoàng…nhập hẳn hệ thống tưới phun và tưới nhỏ giọt tự động tiến tiến nhất từ các nước Israel, Tây Ban Nha, Hà Lan…
Nước được đưa vào bể chứa thông qua hệ thống lọc rồi bơm vào hệ thống ống dẫn đến các khu vườn. Tùy vào từng giống cây trồng và giai đoạn sinh trưởng cần bao nhiêu lượng nước, phân bón được các chuyên gia lập trình sẵn trong máy tính, khi cây trồng có nhu cầu, máy tự động phun nước và phân bón phù hợp.
Ông Trần Huy Đường, chủ trang trại Lang Biang Farm cho biết: “Với công nghệ mới này giảm được ít nhất 30% lượng phân bón, giảm 50% lượng nước tưới theo cách truyền thống”.
Chưa kể lượng nước và phân bón được cây hấp thụ gần như trọn vẹn vì không bị thất thoát hoặc rửa trôi như cách tưới truyền thống. Với công nghệ tưới nhỏ giọt đảm bảo phân bố độ ẩm đều trong tầng đất canh tác, tạo điều kiện thuận lợi về chế độ không khí, nhiệt độ, độ ẩm và quang hợp cho cây trồng.
Với cây cà phê, từ năm 2012, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đã triển khai 6 mô hình tưới nhỏ giọt kết hợp với bón phân tiết kiệm trên 6 ha thuộc địa bàn các huyện Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm.
Năm 2013, tiếp tục triển khai thêm 2 mô hình ở huyện Lâm Hà. Kết quả, với công nghệ tưới phun trên cà phê lượng nước tưới chỉ cần 45 m3 so với 360 m3/ha cách tưới vào gốc cây; với công nghệ tưới nhỏ giọt chỉ cần 19m3 so với cách tưới cổ truyền; giảm 10,5% tỷ lệ cà phê rụng quả; hạn chế lây lan nhiều loại sâu bệnh gây hại, nhất là các loài nấm bệnh và tuyến trùng phá hoại bộ rễ, có tác động làm tăng thêm năng suất gần 0,5 tấn nhân/ha/ năm. Chưa kể giảm được khoảng 100 công lao động làm bồn dưới gốc cây và bón phân trực tiếp trên 1ha cà phê mỗi năm; tiết kiệm một lượng nhiên liệu xăng dầu đáng kể dùng để bơm nước cứu hạn cho cây cà phê vào mùa khô.
“Công nghệ tưới TKN đã mang lại hiệu quả kinh tế cao; tiết kiệm được nguồn nước, chi phí đầu tư, công lao động, tăng năng suất cây trồng… chính điều này làm thay đổi cơ bản tư duy nhận thức của người dân Lâm Đồng, khiến họ mạnh dạn đầu tư và nhân rộng mô hình tưới TKN”, ông Lê Văn Minh cho biết thêm.
Bình luận (0)