Tuổi trẻ dữ dội của Tổng thống Obama: Cuộc đua khốc liệt vào Nhà trắng

20/05/2016 07:33 GMT+7

Không lâu trước khi cưới bà Michelle Robinson vào năm 1992, ông Barack Obama đã bắt đầu thể hiện những tham vọng chính trị của bản thân, thậm chí khẳng định sẽ tham gia vào cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ một ngày không xa.

Từ ngày 23 - 25.5.2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chính thức thăm Việt Nam. Barack Obama là vị tổng thống da màu đầu tiên ở một đất nước có lịch sử về vấn đề phân biệt chủng tộc. Việc ông trở thành vị tổng thống thứ 44 của Mỹ không chỉ chứng minh nước Mỹ đã thay đổi mà còn là hình ảnh, biểu tượng cho một quá trình đấu tranh không mệt mỏi của người Mỹ từ thời Martin Luther King cho đến Barack Obama ngày nay. Mời bạn đọc nhìn lại tuổi trẻ của Barack Obama, vị tổng thống sắp đến thăm đất nước chúng ta.
Theo The New Republic, sau thành công của Project Vote năm 1992, đặc biệt trong hoạt động gây quỹ mà theo nhạc sĩ, nhà hoạt động xã hội Sandy Newman nhận xét Obama đã “thu hút được nguồn tài chính lớn hơn bất cứ ai khác từ trước đến nay”, chàng trai da màu 31 tuổi bắt đầu nhận được sự chú ý từ nhóm những trí thức khá giả, có tư tưởng tự do tại thành phố Chicago (bang Illinois, Mỹ). Trong số đó, nổi bật có chuyên gia phân tích David Axelrod, “tổng đạo diễn” cho toàn bộ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của Obama về sau.
Quận thứ 13 của bang Illinois chủ yếu bao gồm những khu dân cư nghèo khó, hoang tàn phía nam thành phố Chicago. Năm 1996, khi người đứng đầu tại đây, bà Alice Palmer, khởi động chiến dịch chạy đua vào Quốc hội Mỹ, Barack Obama đã nhận thấy đó là cơ hội tốt cho bản thân và quyết định sẽ tự ứng cử để thay thế vào vị trí còn đang bỏ trống.
Ban đầu, Alice Palmer rất ủng hộ chàng trai trẻ đầy tham vọng. Tuy vậy, khi cảm thấy đường đến Quốc hội Mỹ có quá nhiều chông gai, bà quay sang chống lại “đồng minh”, tái ứng cử vào chiếc ghế cũ. Nhưng, bằng thái độ cương quyết, cứng rắn, ông Obama dễ dàng loại bỏ đối thủ và cuối cùng giành chiến thắng.
Ảnh chụp của ông Barack Obama vào năm 2002 - Ảnh chụp màn hình từ trang nriinternet.com
Viện Miller đánh giá rằng những bước đi đầu tiên, chập chững vào con đường chính trị của ông Obama đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Thời điểm đó, trong nội bộ bang Illinois, phe Cộng hòa đang khuynh đảo thượng viện. Ở phía ngược lại, các đồng minh Dân chủ, mặc dù hầu hết là người da màu, cũng chẳng tỏ ra quý mến gì anh chàng dám “nặng tay” với người đi trước, ở đây là bà Alice Palmer.
Tuy nhiên, chàng trai trẻ tuổi, đại diện cho quận 13 đã không hề tỏ ra nản chí. Anh ta học cách thích nghi, làm thân, dần dà xây dựng mối quan hệ gắn bó với các thành viên của cả hai phe. Tiếp đến, Barack Obama khôn ngoan nhận Emil Jones Jr., nghị sĩ da màu lãnh đạo phái Dân chủ trong thượng viện, làm người hướng dẫn.
Nhờ sự khôn ngoan đó mà, mặc dù đảng Dân Chủ chỉ chiếm thiểu số trong nội bộ thượng viện bang Illinois nhưng ông Obama vẫn đủ khả năng xoay xở để các chiến dịch vận động tái cơ cấu tài chính và trừng phạt tội phạm tiến hành trơn tru.
Kết quả là đến năm 2002, sau khi phe của ông bắt đầu nắm giữ cán cân quyền lực, Barack Obama đã thực sự trở thành nhà lập pháp tiêu biểu, thông qua gần 300 đạo luật thuộc nhiều lĩnh vực phong phú, hầu hết nhằm giúp đỡ trẻ em, người già, dân lao động hoặc nghèo khó.
Năm 2004, ông Barack Obama bắt đầu các chiến dịch tấn công chiếc ghế đại diện cho bang Illinois trong thượng viện Mỹ, vốn trước đó thuộc về Peter Fitzgerald. Đến đây, vai trò quân sư của David Axelrod, chuyên gia trợ giúp ứng viên da màu giành chiến thắng trong các cuộc bỏ phiếu gồm hầu hết là người da trắng, bắt đầu được thể hiện rõ ràng.
David Axelrod, “tổng đạo diễn” toàn bộ chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ của Obama - Ảnh: AFP
Đầu tiên, trong nội bộ phe Dân chủ, ông Barack Obama giành quyền trở thành ứng viên đại diện một cách hết sức thuyết phục với 53%, vượt qua cả tổng số phiếu bầu của 5 đối thủ còn lại sau khi tập hợp thành công liên minh giữa những người da màu và dân da trắng mang tư tưởng tự do.
Tiếp đến, ông Barack Obama đã xác lập kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử bầu cử của bang Illinois khi đánh bại Alan Keys, nghị sĩ bảo thủ phe Cộng hòa, với tỉ lệ không thể chênh lệch hơn là 70% và 27%.
Vị tân đại diện cho bang Illinois trở thành nhân tố vô cùng tích cực tại Ủy ban Y tế, Giáo dục, Lao động và Nhà ở, để rồi đến năm 2008, cậu bé bán kem ngày nào đã lần lượt đánh bại Hillary Rodham Clinton (đảng Dân Chủ), John McCain, Sarah Palin (đảng Cộng hòa) trong cuộc đua được xem là gay go nhất chính trường Mỹ.
Cuối cùng, ngày 20.1.2009, ông Barack Hussein Obama II chính thức trở thành tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Viện Miller nhận định từ sau năm 2002, con đường hoạt động chính trị của ông Barack Obama ngày càng trở nên vững mạnh là nhờ hai sự kiện chủ chốt sau đây.
Thứ nhất, tháng 10.2002, khi Quốc hội Mỹ còn đang cân nhắc việc thông qua quyết định tấn công Iraq của đương kim Tổng thống George W. Bush, thì ông Obama đã tuyên bố rõ ràng trong cuộc tuần hành phản đối chiến tranh tại thành phố Chicago: “Tôi không chống lại mọi cuộc chiến tranh. Cái mà tôi phản đối là cuộc chiến tranh ngu ngốc. Cái mà tôi phản đối là cuộc chiến tranh khinh suất”.
Ông Barack Obama và bà Hillary Clinton - Ảnh: Reuters
Sau này, chính thái độ cương quyết ngay từ ban đầu đó đã giúp ông Barack Obama trở nên thực sự nổi bật giữa những ứng viên tổng thống khác như Hillary Clinton, John Kerry hay John Edwards. Bên cạnh đó, theo thời gian, dân chúng cũng ngày càng chán ghét cuộc chiến tranh tại Iraq, tạo lợi thế lớn về danh tiếng chính trị cho đại diện của bang Illinois.
Thứ hai, năm 2004, ông Obama đã gia tăng uy tín đáng kể, tạo ra dấu ấn, bước ngoặt to lớn trong chính trường Mỹ sau bài phát biểu với chủ đề về sự lạc quan và đoàn kết tại Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ.
“Chẳng có nước Mỹ bảo thủ hay nước Mỹ tự do gì cả. Chỉ có một nước Mỹ đoàn kết mà thôi”, ông mạnh mẽ phát biểu. “Chẳng có người Mỹ da trắng hay gốc Phi, gốc Latin, gốc Á gì cả. Chỉ có một nước Mỹ đoàn kết mà thôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.