Tuổi trẻ 'loạn thần' của nghi phạm xả súng ở Mỹ Omar Mateen

14/06/2016 08:39 GMT+7

Theo lời các bạn học, Omar Mateen, nghi phạm giết chết ít nhất 50 người tại hộp đêm Pulse (thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ) hôm 12.6, từng bị “đầu gấu” trong trường bắt nạt, nhưng thường cười xòa cho qua.

“Anh ta rõ ràng chẳng kỳ thị người đồng tính, ít ra trước đây là vậy. Anh ta không hề tỏ ra ghét bỏ mà còn tôn trọng chúng tôi. Anh ta luôn tươi cười và nói lời chào”, Samuel King, bạn học cùng lớp thời trung học với Omar S. Mateen, nghi phạm xả súng giết chết ít nhất 50 người và khiến 53 nạn nhân khác bị thương tại hộp đêm Pulse (thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ) hôm 12.6, sẻ với tờ Daily Mail.
Theo lời King, Mateen từng cùng anh làm việc tại nhà hàng Ruby Tuesday’s, và nhân viên ở đây hầu hết đều là người đồng tính nam.
Bên cạnh đó, King còn đánh giá Mateen có bản tính thân thiện, hay trò chuyện cùng mọi người và cho rằng: “Chắc hẳn có biến động gì đó đã xảy ra”.

tin liên quan

Xả súng ở Mỹ: Cộng đồng mạng bày tỏ nỗi căm phẫn
Vụ thảm sát tại hộp đêm Pulse dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ) sáng 12.6 (giờ địa phương) khiến 50 người thiệt mạng đã làm dấy lên làn sóng căm phẫn mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Omar Mir Seddique sinh ngày 16.11.1986 tại thành phố New York (Mỹ), là con trai của cặp vợ chồng gốc Afghanistan, Seddique và Shahla Mateen. Tới năm 2006, khi được 21 tuổi, anh ta đệ đơn đòi đổi tên, thêm họ Mateen thành công.
Mateen từng theo học tại trường trung học công lập quận Martin (thành phố Stuart, quận Martin, Florida) và St. Lucie West Centennial (thành phố Port St. Lucie, quận St. Lucie, Florida).
Theo lời các bạn học, thời đó, Mateen từng tham gia vào đội bóng đá của trường, là người thân thiện, lắm lời nhưng hơi khờ khạo. Thậm chí, anh ta còn bị “đầu gấu” trong trường bắt nạt, nhưng thường cười xòa cho qua.
Sau đó, Mateen tiếp tục giành tấm bằng cử nhân liên kết ngành khoa học hình sự từ Cao đẳng công lập Indian River (thành phố Fort Piece, quận St. Lucie, Florida) và từng nhiều lần thể hiện mơ ước trở thành cảnh sát.
Nghi phạm Omar Mateen thời còn nhỏ (trái) và khi trưởng thành Ảnh: Shutterstock
Để phục vụ mục tiêu đó, Mateen đã trở nên “cuồng” tập thể hình, đồng thời lạm dụng chất steroid, nhưng vẫn thất bại. Cuối cùng, anh ta buộc phải làm việc cho công ty an ninh G4S, có trụ sở đặt tại thị trấn Jupiter, hạt Palm Beach, bang Florida từ tháng 10.2007, TC Palm dẫn lời phát ngôn viên Monica Lewman-Garcia, cho hay.
“Tôi phải nghỉ việc vì thằng cha đó toàn nói ra những điều độc địa, thế mà công ty vẫn chẳng thèm phản ứng gì cả. Hắn ta loạn trí và thiếu ổn định, liên tục đề cập đến giết người”, Daniel Gilroy, cựu sĩ quan cảnh sát, từng có thời gian làm việc chung với Mateen tạo G4S, chia sẻ với tờ Florida Today.
Cũng theo Gilroy, nghi phạm xả súng tại Orlando thường xuyên có những phát ngôn kỳ thị chủng tộc và người đồng tính. Anh đã nhiều lần báo cáo cho ban lãnh đạo G4S, nhưng công ty đều bỏ qua vì đức tin Hồi giáo của Mateen.
Trong khi đó, Sitora Yusufiy, vợ đầu tiên của Mateen, cho biết sau khi lấy nhau vài tháng vào năm 2009, Mateen bắt đầu bạo hành, dùng vũ lực với cô liên tục, đôi khi chỉ vì những lí do nhỏ nhặt như quần áo chưa được giặt ủi kỹ càng.
Những người sống sót than khóc sau vụ thảm sát tại thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ Ảnh: Reuters
Tương tự Gilroy, Yusufiy khẳng định ông chồng cũ của cô có vấn đề về thần kinh, dễ nóng giận và “sẵn sàng báy tỏ thái độ căm ghét” đến mọi việc. Năm 2011, họ chính thức li dị.
Seddique Mateen, bố của nghi phạm, đã ngỏ lời xin lỗi trên NBC News, đồng thời khẳng định: “Gia đình chúng tôi cũng choáng váng như toàn nước Mỹ. Tuy vậy, hành động đó không liên quan đến tôn giáo”.
Cũng theo ông bố Seddique, nguyên nhân của hành động bột phát từ con trai có thể do cách đây vài tháng, anh ta đã bắt gặp cảnh 2 người đồng tính nam ôm hôn nhau trước mặt con và vợ sau, cô Noor Zahi Salman, ở thành phố Miami, bang Florida, Mỹ.
Tuy vậy, cần nhớ rằng, khoảng 20 phút trước khi thực hiện vụ thảm sát tại hộp đêm Pulse (thành phố Orlando, bang Florida, Mỹ) hôm 12.6, khiến ít nhất 50 người thiệt mạng và 53 nạn nhân khác bị thương, Mateen đã gọi điện thoại cho cảnh sát để... thể hiện tình cảm dành cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như anh em nhà Tsarnaev, thủ phạm vụ đánh bom Boston hồi tháng 4.2013 làm 3 người chết.
Hơn nữa, tuy chưa có tiền án nào nhưng Mateen cũng đã nằm trong “sổ đen” theo dõi của Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI).
Theo Orlando Sentinel, năm 2013, Mateen từng tuyên bố với đồng nghiệp rằng bản thân “có liên hệ với các tổ chức khủng bố”, nhưng dù sao vẫn chưa vi phạm pháp luật nên được bỏ qua.
Tiếp đến, năm 2014, Mateen tiếp tục bị xác nhận từng kết nối với một công dân Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom tự sát ở Syria, nhưng rốt cuộc mối liên kết đó không đủ mạnh để tiến hành theo dõi hay kết tội y.
Ngày 12.6.2016, sau khi dùng khẩu súng trường AR-15 để thực vụ xả súng, thảm sát gây thiệt hại về người lớn nhất lịch sử toàn nước Mỹ, Omar Mateen đã tử vong trong cuộc đấu súng với cảnh sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.