Tuổi trẻ tươi đẹp

20/10/2022 09:00 GMT+7

Sài Gòn tháng 7, tháng của mùa hạ, của những cơn mưa bất chợt, tôi nhìn từng hàng quân nghiêm ngắn di chuyển lên xe. Trong nắng sớm, những gương mặt háo hức và tràn đầy nhiệt huyết tuổi trẻ như được tô hồng…

Tôi bồi hồi quá, bởi cách đây 15 năm, tôi cũng là một người lính trong đoàn quân đó, những người lính đặc biệt, của một chiến dịch đặc biệt: Chiến dịch Hành quân xanh.

Những điều đặc biệt

Có một ngôi trường ra đời từ trong chiến trường, vào thời điểm khốc liệt của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, nơi kẻ thù từng gục ngã trước cổng trường, nơi có những giáo viên đã trở thành liệt sĩ, Trường Đại học An ninh Nhân dân. Hành trình 59 năm xây dựng và trưởng thành (1963 – 2022) là cả một chặng đường dài với sự cống hiến của biết bao thế hệ, trong đó thế hệ trẻ hiện tại đang làm tốt việc phát huy truyền thống anh hùng của những người đi trước. Thế hệ trẻ đó, là những đoàn viên, sinh viên của ngôi trường đặc biệt này.

Sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân khống chế đối tượng buôn bán ma túy

Đoàn trường ĐH An ninh Nhân dân

Vừa là trường học, vừa là doanh trại, do đó sinh viên cũng là những người lính trẻ bắt đầu bước vào lực lượng vũ trang. Một trong những điều đầu tiên được học, đó là ý thức kỷ luật, là trang bị cho mình lý tưởng phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân. Vậy làm thế nào để có thể phục vụ Nhân dân một cách tốt nhất, đó là phải gần dân, hiểu dân, hòa mình vào đời sống của nhân dân. Có một môn học đặc biệt như vậy ra đời, dẫu tên gọi có từng lúc khác nhau, như Mùa hè xanh, Hoạt động thực tế chính trị xã hội, Chiến dịch Hành quân xanh... nhưng bản chất không hề thay đổi: Gắn kết tình Quân – Dân.

Cùng ăn - Cùng ở - Cùng làm

Đến nay đã là lần thứ 23 Trường Đại học An ninh nhân dân triển khai hoạt động thực tế này cho khối sinh viên vừa hoàn thành năm học thứ nhất. Những người lính trẻ mười chín, đôi mươi được điều động đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa hoặc khó khăn của khu vực phía Nam. Từ Cao Lãnh (Đồng Tháp), Trà Ôn (Vĩnh Long)... đến Châu Thành (Tây Ninh) và hiện tại là Chợ Lách (Bến Tre), những bóng áo xanh của lính trẻ an ninh đã ít – nhiều để lại dấu ấn của mình trên mỗi chặng đường đi qua.

Theo thống kê từ năm 2017 – nay (trong đó năm 2020 – 2021 hoạt động này tạm hoãn vì dịch Covid-19), đã có tổng số 1.108 sinh viên, 70 cán bộ, giáo viên được bố trí ở cùng 219 hộ dân tại các địa bàn mà Nhà trường thực hiện chiến dịch, chủ yếu tập trung vào những hộ ở vùng sâu, vùng xa, gia đình chính sách, gia đình neo đơn và có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ. Với tinh thần cống hiến, hăng say lao động, những người lính trẻ đã hoàn thành tốt công việc được giao, đóng góp hơn 10.000 ngày công cho các công trình phúc lợi tại địa phương, hỗ trợ xây mới 01 cây cầu và sửa chữa 07 cây cầu trị giá gần 600.000.000 đồng, bê tông hóa, rải đá mặt đường nông thôn tổng chiều dài 8.3 km trị giá 410.000.000 đồng (tại Cao Lãnh), tiến hành vá lấp, làm mới 40 km đường giao thông nông thôn (tại Tây Ninh), tham gia cải tạo các khu di tích lịch sử, văn hóa, trường học và xây dựng công trình thanh niên (tại Vĩnh Long)...

Một đợt xuất quân lên đường làm nhiệm vụ chống dịch tại các địa phương (tháng 5.2021)

Đoàn trường ĐH An ninh Nhân dân

Tôi theo dõi từng khóa học viên của mình trên bản tin của Đoàn trường, những gương mặt lấm lem sau một ngày đồng áng, những chiếc áo ướt sũng mồ hôi khi đổ đất làm đường, hay ánh mắt yêu thương khi cầm tay tập viết cho các em nhỏ... Tất cả hình ảnh đó thật đẹp! Đẹp, vì mỗi bức ảnh đang chứa đựng những tâm hồn đẹp.

Đền ơn, đáp nghĩa và nghĩa tình đồng đội

“Các con về, bà nhớ lắm!”. Đó là câu nói làm chúng tôi day dứt mãi khi rời đi, sau những ngày ngắn ngủi nhưng gắn bó cách đây 15 năm, bởi sau lưng chúng tôi sẽ là một ngôi nhà vắng lặng, chỉ còn một người Mẹ ngồi ngóng chồng con qua những bức ảnh thờ. Chúng tôi đã đến, đã ở, đã lắng nghe những câu chuyện về mất mát, hi sinh không gì có thể bù đắp được. Như đã nói, “ngắn ngủi nhưng gắn bó”, một chiến dịch chỉ kéo dài trong 3 tuần, nhưng đó là khoảng thời gian để những gia đình liệt sĩ neo đơn được sống trong niềm vui có cháu con quây quần. Trong thời gian thực hiện các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, những người lính trẻ đã đến thăm và tặng 175 phần quà cho các gia đình chính chính sách, Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 58.000.000 đồng.

Ngoài việc tri ân các thế hệ đi trước, các bạn sinh viên đã thể hiện “chất lính” của mình qua tinh thần giúp đỡ đồng chí, đồng đội. Không phải là thợ xây chuyên nghiệp, nhưng bằng sự kỷ luật và tinh thần học hỏi, những đôi tay măng cũng có thể góp sức tạo nên ngôi nhà nghĩa tình đẹp đẽ và ấm áp. Đã có 03 căn Nhà nghĩa tình đồng đội được trao cho Thượng úy Nguyễn Đức Hòa (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, trị giá 45.000.000 đồng, vào năm 2017), đồng chí Trần Minh Phong – Phó trưởng Công an xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (trị giá 45.000.000 đồng, năm 2018), Thiếu úy Thạch Vũ Linh - Công an viên xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long (trị giá 50.000.000 đồng, năm 2019).

Chống dịch

Năm 2020 và 2021 là thời điểm khốc liệt nhất của đại dịch Covid-19, nhất là ở các tỉnh, thành phía Nam. Trường Đại học An ninh nhân dân đã tiến hành 06 đợt xuất quân với tổng số 643 học viên và cán bộ, giáo viên về các địa bàn trọng điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh (243 quân), Long An (150 quân) và Bình Dương (200 quân). Không chỉ tăng cường phòng chống dịch, những chàng sinh viên trẻ đã khiến nhiều người bất ngờ với những thành tích vượt quá nhiệm vụ được giao, như: giải quyết các vụ gây rối an ninh trật tự trên tuyến Quốc lộ 1A, trực tiếp tham gia khống chế, bắt 02 đối tượng buôn bán ma tuý (sinh viên Nguyễn Việt An), giúp sản phụ vượt cạn thành công tại chốt kiểm soát Covid-19 (sinh viên Trần Đức Việt Anh)...

Có những sự kiện, những cái tên, tôi không thể nào kể hết... Mà nếu tiếp tục kể ra thì không biết sẽ dài đến chừng nào. Những người lính trẻ sau khi hoàn thành nhiệm vụ trở lại trường học tập, đều lặng lẽ cất đi những tờ giấy khen, bằng khen của mình. Dường như có gì đó ám ảnh, dường như ai cũng sợ nhớ lại một giai đoạn quá khủng khiếp trong đại dịch vừa qua. Nhưng, bao giờ cũng vậy, trong mất mát và hoang tàn, luôn có những điều tốt đẹp nảy mầm, đó là khát khao cống hiến, là ý thức giúp đỡ cộng đồng, là sự xích lại của Dân và Quân. Mà, chính những người lính trẻ của mái trường Đại học An ninh nhân dân là người gieo hạt.

Vì “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại”

Khi tôi ngồi viết những dòng này, thì những học viên thân yêu của tôi đang hòa mình vào Chiến dịch Hành quân xanh ở Chợ Lách, Bến Tre. Tôi có hỏi một em: “Tình hình công tác thế nào?”. Em trả lời: “Cực, nhưng vui thầy ạ, được Nhân dân yêu thương, lúc chia tay hẳn sẽ rất buồn...”.

Khởi công tuyến đường nông thôn tại xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre trong chiến Chiến dịch Hành quân xanh năm 2022

Đoàn trường ĐH An ninh Nhân dân

Câu trả lời đó phản ánh tâm trạng chung của tất cả lính trẻ qua biết bao khóa học, họ cũng giống như tôi, đều lo sợ và tiếc nuối những phút giây được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Nhân dân, được cống hiến sức trẻ vào các hoạt động của cộng đồng. Nhưng mỗi khóa học chỉ có một lần tham gia Chiến dịch, cũng giống như đời người chỉ có một tuổi trẻ. Thấu hiểu điều đó làm các em tăng thêm phần nhiệt huyết, thật sự sống hết mình và làm việc hết mình...

Hành quân xanh - Bài học không có giáo trình, một bài học khơi dậy cảm xúc và tinh thần sống đẹp. Ở đó, người lính trẻ đã đóng đủ các vai, từ người nông dân đến anh thợ xây, từ cô giáo dạy chữ đến bà nội trợ cần mẫn... Khi các em trở về, mỗi người sẽ có một hành trang riêng trong tâm hồn, đó là nơi các em lưu giữ những điều đã thấy, đã cảm, đã học được từ Nhân dân, để sau này ra trường, mỗi người lính lại tiếp tục vì Nhân dân phục vụ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.