Quyết định của EU lại được đưa ra trước vòng đối thoại hòa bình mới tại Oslo vào ngày 8.6 tới. Theo quyết định này, tài sản của LTTE ở EU sẽ bị phong tỏa, mọi hình thức tiếp xúc và đối thoại giữa EU và LTTE bị hủy bỏ và thành viên LTTE không được nhập cảnh vào EU. Mục tiêu của EU là gây áp lực đối với LTTE, buộc họ phải tự “thanh trừng lẫn nhau" trong nội bộ. Cho dù EU đồng thời cũng cảnh báo Chính phủ Sri Lanka, nhưng rõ ràng cú đòn nhằm vào đó nhẹ hơn nhiều so với cú đánh vào LTTE. EU làm như vẻ rất công bằng, rất vô tư và đứng đúng ở vị trí trung gian, nhưng thật ra lại thiên vị.
Câu hỏi đặt ra là tại sao trong suốt bao nhiêu năm qua kể từ khi LTTE lớn dậy từ một phong trào vũ trang thành một tổ chức, EU không coi LTTE thuộc diện tổ chức khủng bố mà lại đi đến sự nhìn nhận này khi LTTE đã trở thành đối tác đối thoại hòa bình với chính phủ và trong nội bộ đang có sự chuyển hóa cũng như phân hóa sâu sắc ? Quá trình đó hoàn toàn không dễ dàng gì đối với LTTE và chắc chắn cái giá mà LTTE phải trả trên nhiều phương diện không phải nhỏ. Lẽ ra, EU với tư cách là một đối tác bên ngoài tự đứng ra nhận vai trò trung gian hòa giải phải có cách ứng xử sao cho khích lệ những bộ phận trong LTTE đáng và cần được khích lệ cho hòa bình và hòa giải, cô lập những bộ phận trong LTTE chống phá tiến trình hòa bình và hòa giải. Dường như EU đang không muốn công nhận là đã thất bại và hiện bế tắc ở Sri Lanka và muốn tìm hình nhân để đổ lỗi và thế mạng.
Mạc Vương
Bình luận (0)