Tượng đài máu dọc đường biên giới

23/08/2015 05:32 GMT+7

Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh kể: “Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, 125 cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh đã hy sinh, số bị thương là 238 người” và bùi ngùi: “Dọc biên giới Tây Ninh, đến đâu cũng gặp lại anh em. Có những đồn hy sinh gần hết quân số trong những ngày đầu đánh trả quân Pol Pot xâm lược, nhưng trong chiến đấu không một ai tháo lui!”.

Đại tá Nguyễn Tài Sơn, Chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh kể: “Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, 125 cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh đã hy sinh, số bị thương là 238 người” và bùi ngùi: “Dọc biên giới Tây Ninh, đến đâu cũng gặp lại anh em. Có những đồn hy sinh gần hết quân số trong những ngày đầu đánh trả quân Pol Pot xâm lược, nhưng trong chiến đấu không một ai tháo lui!”.

Đại úy Ngô Xuân Kiên, Chính trị viên phó Đồn BP Phước Tân bên bia ghi danh các liệt sĩ của đồn - Ảnh: MTH
Đại úy Ngô Xuân Kiên, Chính trị viên phó Đồn BP Phước Tân bên bia ghi danh các liệt sĩ của đồn
 - Ảnh: MTH
Đối đầu trước ngày thống nhất
Ông Bùi Hửng, nguyên Chính trị viên phó Đồn biên phòng (BP) 27 (nay là Đồn BP Xa Mát) kể: “Tháng 1.1973, Trạm BP 27 thành lập tại Tân Lập và phải đối phó với mọi đe dọa của lực lượng Khmer Đỏ!” rồi nhớ lại “vụ lớn”: “Đầu năm 1975, lính Pol Pot đi trên 1 xe Jeep, 2 xe GMC sang bao vây đồn. Thấy ta triển khai đội hình chiến đấu, tên chỉ huy đi thẳng vào sân yêu cầu dời đồn về phía sau. Tôi dứt khoát: “Đây là việc của hai chính phủ VN - Campuchia” và lập biên bản làm việc bằng 2 thứ tiếng Việt - Khmer, yêu cầu cùng ký tên nên chúng rút quân. Mấy ngày sau, chúng kéo lực lượng đông hơn, bộ đội ta lăm lăm súng ống, chờ sẵn trong công sự, nên chúng cũng chờn, chỉ bao vây mấy tiếng rồi kéo về!”.

Và không chỉ Phước Tân mà dọc biên giới, từ Phước Chỉ, Mộc Bài, Lò Gò, Vàm Trảng Trâu, Kà Tum, Tống Lê Chân cho đến Xa Mát, Chàng Riệc, Long Phước... cứ chỗ nào có lính biên phòng ngã xuống, chỗ ấy đều linh thiêng khói hương nhớ ơn đền đáp, như những tượng đài bất tử tạc trong lòng người dân, với xương máu biên phòng...

 

Ông Lê Xuân Kinh, nguyên Đồn phó quân sự Đồn BP Phước Tân (đóng tại xã Thành Long, Châu Thành, Tây Ninh) kể: “Ngay sau 30.4.1975, lính Pol Pot liên tục nổ súng quấy rối, gài mìn, cắm chông, giết hại người VN ở biên giới Tây Ninh. Ngày 1.7.1975, quân Khmer Đỏ xâm nhập biên giới buộc ta phải đánh trả và trong trận này 2 chiến sĩ BP là Hà Quốc Cường và Nguyễn Văn Năm hy sinh”.
Ông Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) Tây Ninh nhớ lại: “Đến cuối năm 1975, đơn vị có hơn 300 cán bộ, chiến sĩ. Tình hình lúc ấy rất khó khăn, anh em cũ thì ít có kinh nghiệm hoạt động biên giới, số anh em từ Bắc mới vào lại không thông thuộc địa hình. Hầu hết các đồn đều được xây dựng ở những khu vực xung quanh toàn rừng hoặc trảng cỏ, xa khu dân cư, và cũng chỉ là nhà tranh, vách lá!” và lắc đầu: “Mặt khác, lúc này ở cấp tỉnh, ta và chính quyền Khmer Đỏ giáp biên chưa có quan hệ ngoại giao. Điều quan trọng nhất là vẫn chưa xác định được đó là bạn hay thù!”.
Và trong những ngày khó khăn - mong manh ấy, quân Pol Pot nổ súng...
Chết cũng không bỏ đồn
Cựu chiến binh Lê Xuân Kinh (sinh năm 1947, quê Bắc Giang) nhập ngũ tháng 11.1970, ngay sau 30.4.1975 được chuyển sang Công an nhân dân vũ trang Tây Ninh và là 1 trong 3 cán bộ đã kinh qua chiến đấu, trong toàn bộ quân số Đồn BP Phước Tân, thời điểm xảy ra trận tập kích quy mô lớn của lính Pol Pot vào biên giới Tây Ninh (đêm 16 rạng sáng 17.11.1977).
Ngồi cùng tôi dưới bóng cây xoài trong Đồn BP Phước Tân, ông Lê Xuân Kinh lẩn mẩn nhớ lại những gương mặt bộ đội trẻ măng, mới chân ướt chân ráo từ Công an nhân dân vũ trang Lai Châu tăng cường cho Tây Ninh. “Ngoài tôi và 2 chỉ huy đồn ra, còn lại anh em đều chưa chiến đấu ngày nào” - ông Kinh khẳng định vậy và rành mạch câu chuyện về 2 người lính rất trẻ: Đó là binh nhất Nguyễn Mạnh Phơn (sinh năm 1958, ở Văn Hải, Kim Sơn, Ninh Bình) và binh nhất Phạm Văn Liên (sinh năm 1958, Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định) nhập ngũ cùng đợt cuối năm 1976, cùng được tăng cường cho Đồn BP Phước Tân. Đầu tháng 11.1977, rất tình cờ bố mẹ của 2 chiến sĩ cùng khăn gói đi tàu hỏa từ miền Bắc vào TP.HCM, ngược lên biên giới, đến tận đồn thăm 2 con. Ở với nhau chưa được chục ngày thì tình hình biên giới Tây Nam bắt đầu căng thẳng, chỉ huy đồn dự cảm có chiến tranh, nên “nói khéo” để bố mẹ về lại miền Bắc. Sáng 16.11.1977, cả 2 chiến sĩ Phơn và Liên được phép đưa bố mẹ xuống thị xã Tây Ninh, đón xe về TP.HCM, ngược tàu hỏa ra bắc. Cũng thời điểm này, mệnh lệnh sẵn sàng chiến đấu được truyền đạt tới đồn và một số anh em đinh ninh: “Hai cậu sẽ không trở lại đồn, có thể ra Bắc cùng bố mẹ hoặc ở lại tuyến sau”...
Lực lượng CANDVT xây dựng trận địa bảo vệ biên giới Tây Nam, tháng 5.1977 - Ảnh: BTLBĐBP
Lực lượng CANDVT xây dựng trận địa bảo vệ biên giới Tây Nam, tháng 5.1977 - Ảnh: BTLBĐBP
Thế nhưng, ngay sau khi đưa bố mẹ ra đến Bến xe Tây Ninh, cả hai đã tức tốc đi nhờ xe, chạy bộ về lại đơn vị, buổi tối kịp nhận vũ khí, vào vị trí chiến đấu. Đêm 16, rạng sáng 17.11.1977, quân chủ lực Pol Pot với sự yểm trợ của pháo binh, ào ạt tấn công Đồn BP Phước Tân hòng tìm đường kéo xuống đánh chiếm thị xã Tây Ninh. Ngay trận đầu tiên đánh trả quân xâm lược, binh nhất Nguyễn Mạnh Phơn đã anh dũng hy sinh ngay điểm chốt Gò Mô sát biên giới. 10 ngày sau (26.11.1977), lính Pol Pot lại tập kích vào Đồn BP Phước Tân, binh nhất Phạm Văn Liên cùng đồng đội đánh trả quyết liệt và anh Liên hy sinh trên công sự cổng đồn.
Người ở lại, không về
Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, Chính ủy đầu tiên của BĐBP Tây Ninh kể: “Ngày 16.11.1977, chúng tôi nhận điện báo Pol Pot sắp đánh đồn BP Phước Tân nên báo ngay sang Tỉnh ủy. Hôm ấy, nhiều lãnh đạo cho là dự báo, bởi thường xuyên nhận thông báo Pol Pot đánh Đồn BP. Trực giác của người chỉ huy mách bảo đây là chuyện thật, nên tôi trực tiếp lên Phước Tân kiểm tra sẵn sàng chiến đấu, đi cùng có đại úy Lãi lên nhận nhiệm vụ chính trị viên thay thượng úy Phạm Văn Hiểu về làm Phó chủ nhiệm Hậu cần Công an nhân dân vũ trang tỉnh!” và nghèn nghẹn: “Nhận quyết định về tỉnh, nhưng anh Phạm Văn Hiểu xin ở lại chiến đấu với lý do đã quen địa bàn, sợ anh Lãi mới về vẫn còn bỡ ngỡ”...
Đêm 16 rạng sáng 17.7.1977, lính Pol Pot bao vây chốt BP Gò Mô, Đồn BP Phước Tân và khi bị phát hiện, chúng điên cuồng nã đạn khiến Đồn trưởng Năm Nho cùng một số cán bộ chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ. Nhiệm vụ chỉ huy dồn sang thượng úy Phạm Văn Hiểu (sinh năm 1930, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh)”. 7 giờ 30 sáng 17.7.1977, sau nhiều đợt tấn công hòng chiếm đồn thất bại, lính Pol Pot tấn công tổng lực, Chính trị viên Hiểu cùng bộ phận trinh sát chuyển vị trí chiến đấu ra phía ngoài và anh hy sinh khi đánh chặn, trong túi áo còn nguyên vẹn quyết định bổ nhiệm Phó chủ nhiệm hậu cần...
Ròng rã 7 ngày đêm, cán bộ chiến sĩ Đồn BP Phước Tân kiên cường đánh chặn 2 trung đoàn Pol Pot, mãi đến ngày thứ 8 mới có lực lượng giải vây. Sau cuộc chiến biên giới Tây Nam, đa số những người lính Đồn BP Phước Tân xin phục viên và không về Bắc, ở lại xã Thanh Long xây dựng gia đình, tiện khói hương cho đồng đội đã ngã xuống. Bây giờ, trên chốt Gò Mô khốc liệt thuở nào đã trang nghiêm bia tưởng niệm ghi danh 36 liệt sĩ Đồn BP Phước Tân hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Hằng ngày, những cựu binh BP - nông dân lên rẫy, thăm ruộng, đi chợ đều ghé qua châm điếu thuốc lá, thắp nén nhang. Dịp ngày rằm - mùng 1, những người dân biên giới Châu Thành tìm đến khu tưởng niệm thắp nhang cho vong linh 36 người trai trẻ, đều quê miền Bắc...
Và không chỉ Phước Tân mà dọc biên giới, từ Phước Chỉ, Mộc Bài, Lò Gò, Vàm Trảng Trâu, Kà Tum, Tống Lê Chân cho đến Xa Mát, Chàng Riệc, Long Phước... cứ chỗ nào có lính BP ngã xuống, chỗ ấy đều linh thiêng khói hương nhớ ơn đền đáp, như những tượng đài bất tử tạc trong lòng người dân, với xương máu BP…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.